Đại biểu Thái Nguyên đề xuất giải pháp mạnh khắc phục tình trạng tiền đã ít lại tiêu không hết!
VNTN - “Theo tôi, đã đến lúc cần rà soát để hủy kế hoạch giao vốn và tiến hành điều chuyển nguồn vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án cần vốn, địa phương giải ngân chậm chuyển sang địa phương giải ngân đúng thời hạn. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, công khai tình hình giải ngân của các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư".
Quan điểm trên đã được Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh khi tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường tuần qua.
Nhiều hạn chế đã qua bốn kỳ họp chưa chuyển biến
Vấn đề ông Hùng tập trung thảo luận cũng là sự sốt ruột của cả Chính phủ và không ít vị đại biểu khác: giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, trong khi ngân sách luôn trong tình trạng phải co kéo.
Ngay từ phiên khai mạc Kỳ họp, báo cáo của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội cũng đã nêu rõ một trong những yếu kém cần tập trung xử lý là tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn so với giai đoạn 2016-2018 và chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Hết 9 tháng năm 2019, số vốn giải ngân mới đạt hơn 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.
Trong phát biểu của mình, vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nêu con số cụ thể hơn, là giải ngân vốn trong nước chỉ đạt 49,2% vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 23,4%, vốn ngoài nước chỉ đạt có 18,8%, do đó khả năng giải ngân hết nguồn vốn là rất khó khăn, nếu không nói là khó khả thi thực hiện theo kế hoạch.
Đại biểu Hùng cho rằng, việc chưa giao vốn, tỷ lệ giải ngân thấp ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, làm giảm hiệu quả của nguồn lực và gây lãng phí.
Đáng chú ý theo ông Hùng, nội dung này tuy đã được các đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp, Chính phủ đã có những đánh giá, phân tích chỉ ra những nguyên nhân giải pháp nhưng chưa hiệu quả.
"Xem lại các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội qua các kỳ họp từ kỳ thứ tư đến nay cho thấy, có những hạn chế được Chính phủ chỉ ra không khác nhau đó là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, mang tính hình thức vẫn còn tồn tại một số nơi dẫn đến sau khi dự án được bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư", vị đại biểu Thái Nguyên nhấn mạnh.
Dẫn số liệu từ báo cáo kiểm toán, ông Hùng lưu ý: vốn đầu tư công chậm từ khâu giao vốn đến giải ngân đến nay còn khoảng 27,9 nghìn tỷ đồng chưa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo kế hoạch đã được Quốc hội quyết định. Mặc dù Chính phủ đã khẳng định tính cấp bách giải ngân vốn đầu tư công là áp lực nội tại của Chính phủ. Dù quyết liệt song tỷ lệ giải ngân chi cho đầu tư phát triển 9 tháng đầu năm 2019 đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước đây.
Đề nghị Chính phủ cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, phải chăng do thể chế pháp luật về đầu tư thiếu đồng bộ hay do sự chồng chéo các quy định pháp luật? Tuy các năm trước có phân tích rõ nguyên nhân đề ra các giải pháp, song việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Có lẽ cần chỉ rõ bộ, ngành, địa phương nào chậm và không đề xuất phân bổ hết kế hoạch vốn được Quốc hội quyết định, đại biểu Hùng sốt ruột.
"Theo tôi, đã đến lúc cần rà soát để hủy kế hoạch giao vốn và tiến hành điều chuyển nguồn vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án cần vốn, địa phương giải ngân chậm chuyển sang địa phương giải ngân đúng thời hạn. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, công khai tình hình giải ngân của các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư", Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên nêu giải pháp.
Biển Đông lại nóng nghị trường
Bên cạnh những lo lắng, băn khoăn về cơm áo gạo tiền, nghị trường kỳ họp này còn "nóng" vấn đề bảo vệ chủ quyền, trước diễn biến phức tạp ở biển Đông.
Đầu tuần làm việc thứ hai, Quốc hội cũng đã họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo về biển Đông, mà theo đại biểu - nhà sử học Dương Trung Quốc thì "chẳng cần họp kín, nên để người dân được biết".
Hai ngày thảo luận toàn thể về kinh tế xã hội, nhiều đại biểu, trong đó có các vị tướng lĩnh trong quân đội cũng đã lên tiếng về chủ quyền biển đảo.
Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn riêng, đại biểu Dương Trung Quốc phát hiện "hạt sạn mang vị đắng" trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ nêu Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương, những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, độc lập lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định sự phát triển đất nước. Song lại không nói rõ chủ ngữ hành động vi phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam được xác định theo các luật pháp quốc tế là ai?, đại biểu Quốc băn khoăn.
Nhà sử học - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc còn băn khoăn ở chỗ: "Tại sao trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chúng ta đã nói rõ Trung Quốc là người gây bất ổn ở biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trên diễn đàn quốc tế, nhưng báo cáo đọc trước Quốc hội cũng là trước đồng bào của mình lại né tránh cái quốc danh vốn đáng kính trọng của một quốc gia văn minh nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của chúng ta".
"Ngay trên diễn đàn Quốc hội, vẫn có vị đại biểu né tránh. Thay thế chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài. Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy", ông Quốc nói tiếp.
Người dân nghĩ thế nào, người Trung Quốc nghĩ thế nào về tâm thế khó hiểu này?. Sau này con cháu chúng ta - những người làm sử hậu duệ của chúng tôi sẽ nghĩ thế nào về thời đại chúng ta đang sống, vị đại biểu Đồng Nai tâm tư.
Kết thúc 7 phút phát biểu, đại biểu Dương Trung Quốc nói: "Dân tộc Việt Nam có chiều dài lịch sử, không chỉ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà có thời kỳ rất dài hòa hiếu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha để ưu thế trong mối quan hệ ấy bảo đảm môi trường hòa bình phát triển. Những năm tháng chiến tranh cực kỳ ngắn so với thời kỳ hòa bình, ổn định. Tôi mong rằng bài học lịch sử ấy sẽ thấm đượm trong hoạt động của thế hệ chúng ta".
Trúc Bạch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...