Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
07:28 (GMT +7)

Đại biểu Thái Nguyên chất vấn bốn bộ trưởng về tình trạng xâm hại trẻ em

VNTN - Người lên tiếng đề nghị cả bốn vị bộ trưởng, trưởng ngành cùng lên tiếng về giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là một vị đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên.


Kéo dài từ cuối buổi sáng vắt sang hết buổi chiều ngày 5/6, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho thấy sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em của Quốc hội.

Báo cáo gửi tới Quốc hội phục vụ phiên chất vấn của Bộ trưởng cho biết, 5 tháng đầu năm 2018 toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 trẻ em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.

Còn số liệu từ Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình thì 5 năm từ 2013-2017, tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm 5 tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, xâm hại tình dục trẻ em đã trả hồ sơ 549 vụ chiếm 6%, các vụ xét xử đúng người, đúng tội 93% là hơn 7.600 vụ.

Sau khi nghe Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trực tiếp một số chất vấn của đại biểu với những số liệu trên thế giới cùng giải pháp khá chung chung, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng Bộ trưởng cần trả lời kỹ hơn, nhất là cho biết các giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng xâm hại trẻ em.

Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Vị đại biểu Thái Nguyên cũng cho biết thêm là sau phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về xâm hại trẻ em, hai uỷ ban đã có kiến nghị với ba cơ quan tư pháp. Nhưng kiến nghị đó chưa được trả lời.

Vì thế tại diễn đàn này, ngoài Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết giải pháp nào để giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Trong phiên chất vấn buổi chiều cùng ngày thì cả bốn vị được đại biểu Lê Thị Nga đề nghị đã đều cùng lên tiếng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì diễn biến xâm hại tình dục trẻ em là rất phức tạp, cả trẻ em trai cũng bị xâm hại, có cả đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam phạm tội, thậm chí nuôi dưỡng trẻ em để rồi thực hiện hành vi xâm hại.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, luật pháp về bảo vệ trẻ em rất chặt chẽ, Bộ luật Hình sự quy định rất rõ 6 tội và hành vi rất cụ thể, mức án xử lý rõ ràng.

Thế nhưng, Bộ trưởng thừa nhận, đấu tranh, ngăn chặn như vừa qua chưa giảm được nhiều việc xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Nhấn mạnh sự đồng bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhắc lại ý kiến đại biểu là có đến 17 cơ quan có chức năng liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em. Nhưng nếu có sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ rõ được trách nhiệm trong chủ trì phối hợp, trong xử lý liên quan đến các vụ xâm hại trẻ em.

Thêm một lần lên tiếng, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói không chỉ có 17 cơ quan  bảo vệ trẻ em mà Ủy ban Quốc gia về trẻ em mới được thành lập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm Phó Chủ tịch.

Trước Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ sau phiên chất vấn này tổ chức một hội nghị toàn quốc về chống bạo hành trẻ em và đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em có giải trình thêm ngay phiên chất vấn.

Đồng tình với phát biểu của các vị lãnh đạo các cơ quan tư pháp là với các vụ xâm hại trẻ em thì khó thu thập chứng cứ, song đại biểu Lê Thị Nga chỉ rõ có những vụ không tích cực. Ví dụ như vụ ở Cà Mau, phải có Thủ tướng Chính phủ có ý kiến rồi dư luận lên án mới vào cuộc được sau khi cháu bé tự tử. Đối với vụ Nguyễn Khắc Thủy (phạm tội dâm ô trẻ em được xử án treo - PV) thì phải có Chủ tịch nước có ý kiến và dư luận lên án mới thực hiện. Vậy, những vụ mà dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao? Chúng tôi đề nghị cơ quan tư pháp phải làm rõ việc này, bà Nga phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị phải có một quy trình riêng về điều tra, truy tố, xử lý tin báo trực tiếp đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Liên quan đến những kiến nghị từ Uỷ ban Tư pháp, phát biểu cuối phiên chất vấn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ và kể cả Thủ tướng cũng đã xem xét.

Phó thủ tướng cũng nhận định, con số 2000 trường hợp/năm trẻ em bị xâm hại, 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hằng năm chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm.

Điều quan trọng nhất tôi muốn ở đây, chúng ta phải có các giải pháp đồng bộ để không chỉ là 2.000 mà phải nhiều các vụ xâm hại đã xảy ra được báo và được xử lý, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy