Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
04:32 (GMT +7)

Đại biểu Quốc hội “lo” tham nhũng chính sách

VNTN - Được đặt ra ngay từ đầu phiên và trở lại vào cuối phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội ngày 26/3 vừa qua, tham nhũng chính sách dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội đã thực sự trở thành nỗi lo không nhỏ và liêm chính trong xây dựng pháp luật là yêu cầu rất bức thiết.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp 

Pháp luật không phải là công cụ của một nhóm

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) phân tích: Liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội và là một trong những nguyên tắc để mỗi con người trở thành một công dân tốt hơn cho đất nước và cho xã hội. Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn. Pháp luật không phải là công cụ để thể hiện lợi ích một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo luật.

Theo vị đại biểu An Giang, nếu có liêm chính thì sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn. Các văn bản pháp luật đó sẽ không quy định lợi ích thô thiển của một số bộ, ngành, đặc biệt là lợi ích của bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật.

Còn nếu thiếu hoặc không có sự liêm chính, đặc biệt là thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật.

Khuyết tật thứ nhất là mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu ban hành.

Khuyết tật thứ hai là văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác và trái với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Khuyết tật thứ ba là vòng đời của các văn bản pháp luật đó rất ngắn và kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian, kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế.

Ông Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội phát biểu tại kỳ họp.

Khẳng định trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đa số tuyệt đối hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận xây dựng luật là có liêm chính, ông Bộ nhấn mạnh: Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thảo luận và thông qua rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những khuyết tật nêu trên và đã là một phần thể chế tốt đẹp để thúc đẩy quan hệ xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù rất ít thì trong hoạt động soạn thảo, thẩm tra và thảo luận xây dựng luật vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý" - ông Bộ nói.

Để khắc phục bất cập này, đại biểu đề nghị Chính phủ, đặc biệt là cơ quan được giao soạn thảo dự án luật có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội luôn nghĩ tới từ "liêm chính" trong việc thẩm tra và phát biểu đối với mỗi dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội).

Quốc hội dân chủ và gần dân hơn

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) trong 5 năm qua, không ít lần Quốc hội chứng kiến những cuộc tranh luận nóng bỏng tại hội trường. Đã có những dự thảo luật, bộ luật, nghị quyết mặc dù đã được chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ, thảo luận nhiều chiều, nhiều mặt một cách trách nhiệm, có lý, có tình và yêu cầu sửa lại, soạn lại, thậm chí là không thông qua. Đó là một sự dân chủ thực sự của Quốc hội khóa XIV; cũng nhờ đó mà Quốc hội đã gần dân hơn…

 

Còn dư địa cho tham nhũng chính sách

Nói về khái niệm tham nhũng chính sách, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội), Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho rằng  có thể hiểu đây là việc cố tình đưa vào các đạo luật, những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức cá nhân nhất định. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm, vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

Bà Mai khẳng định Quốc hội khóa XIV đã thông qua những đạo luật đảm bảo chất lượng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và không có biểu hiện tham nhũng, chính sách. Tuy nhiên, nếu rà soát thật kỹ, lật đi lật lại tất cả các quy định và đặt chúng trong mối quan hệ với việc tổ chức thực hiện thì có thể nhận thấy có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách…

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho rằng: Có những quy định nếu như không giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện thì rất có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách…

Dẫn chứng được đại biểu Mai nêu ra là về các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792, đề nghị rà soát và loại bỏ tất cả những quỹ hoạt động không hiệu quả.

"Bên cạnh những quỹ hoạt động hiệu quả thì hiện nay trên thực tế vẫn tồn tại hơn 40 quỹ tài chính ngoài ngân sách, trong đó có những quỹ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước và điều đáng băn khoăn là trong số 72 đạo luật được Quốc hội khóa XIV thông qua thì vẫn còn đến 1/4 số đạo luật có quy định đề xuất thành lập và duy trì các loại quỹ tài chính ngoài ngân sách" - bà Mai nhấn mạnh.

 Một dư địa khác có thể dẫn đến tham nhũng chính sách, theo góc nhìn của đại biểu Mai, đó là các quy định liên quan đến quản lý đất đai bao gồm: đền bù, giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính về quy trình, thủ tục, về phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những mảnh đất có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng chính sách.

Để tránh hiểm họa của tham nhũng chính sách, bà Mai đề nghị nên quan tâm đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Thứ hai, cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Thứ ba, nâng cao hoạt động thẩm tra, hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện. Thứ tư, đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình cài cắm vào quy định của pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân. Thứ năm, sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, làm minh bạch hóa tất cả các quy trình, để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy