Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
02:47 (GMT +7)

“Đại bản doanh” của văn nghệ kháng chiến: ngày ấy – bây giờ

LTS: Trong số báo 17 ra ngày 25/4/2017, Văn nghệ Thái Nguyên đã giới thiệu bài khảo cứu “Xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên 1949 - 1950 trong kí ức văn nghệ sĩ” (tác giả Nguyễn Thanh Tâm - Viện Văn học), với những hồi ký và tư liệu của các văn nghệ sĩ để phác họa lại nơi đã từng là một địa chỉ sáng chói của văn nghệ kháng chiến.

Vậy sau gần 70 năm, địa danh lịch sử này ai nhớ, ai quên?

Kỳ này, Tòa soạn tiếp tục giới thiệu bài viết của Thanh Tâm (phóng viên Báo VNTN), với những vấn đề cần được quan tâm giải quyết thỏa đáng trước hiện trạng di tích này.


“Đại bản doanh” của văn nghệ kháng chiến

Qua tìm hiểu tài liệu Lý lịch di tích nơi ở và làm việc của Hội văn nghệ Việt Nam tại Mỹ Yên 1949 - 1951 (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, 2015) và những tư liệu lịch sử, những thông tin từ các nhân chứng, các bài báo liên quan, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về một nơi được xem như khởi nguồn của văn nghệ nước nhà những năm kháng chiến gian khó mà hào hùng.

Ngày 25/7/1948, tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc diễn ra ở Phú Thọ, Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam hiện nay) đã chính thức được thành lập, với sứ mệnh tập hợp văn nghệ sĩ cả nước để xây dựng nền văn nghệ cách mạng, góp phần cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng, kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phù hợp với tình hình mới, năm 1949, từ Gia Điền (Phú Thọ), Hội chuyển đến xóm Chòi, xã Mỹ Trạng (nay là xóm Kỳ Linh trong, xã Mỹ Yên), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Mỹ Yên là một xã miền núi nằm sát chân dãy núi Tam Đảo, cách trung tâm huyện Đại Từ 10km về phía tây nam. Mỹ Yên đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi, trước năm 1945, Mỹ Yên là địa bàn của 2 xã Yên Dã và Mỹ Trạng. Năm 1947, hai xã này được hợp nhất thành xã An Mỹ. Từ năm 1976 xã đổi tên thành Mỹ Yên, tên đó được giữ đến nay. Cái tên xóm Chòi được hình thành một cách ngẫu nhiên, do vùng đất Mỹ Yên dưới chân Tam Đảo thoai thoải nên cư dân ở đây thường phát rẫy làm nương và làm chòi để canh nương. Từ những chòi canh nương ấy dần dần hình thành cách gọi xóm Chòi. Thời chống Pháp, cư dân ở đây đã dọn nhà từ ngoài làng vào xóm Chòi để thuận tiện canh tác và tránh máy bay địch bắn phá.

Sau khi chuyển về đây, Hội đã xây dựng khu nhà làm việc với từng phòng nhỏ trên quả đồi dưới chân núi Tam Đảo để các văn nghệ sỹ sinh hoạt, sáng tác, vừa tạo được không gian độc lập nhưng đồng thời vẫn gần gũi với đồng bào, nhân dân. Tại nơi này, một số tác phẩm như Xung kích (tiểu thuyết - Nguyễn Đình Thi), Sáng tháng Năm (thơ - Tố Hữu)… được thai nghén và ra đời.

Quang cảnh nhà bia

Cùng với cơ quan thường trực Hội Văn nghệ Việt Nam, đây còn là nơi đứng chân của Tạp chí Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn nghệ, Trường Văn nghệ nhân dân, Trường Mỹ thuật Việt Nam. Đây là thời kỳ công tác Hội rất phát triển và mở rộng nhất từ đầu kháng chiến. Hội đã xây dựng Trường Văn nghệ nhân dân, đóng ở Yên Dã, do nhà văn Nguyên Hồng làm giám đốc. Công tác xuất bản tạp chí Văn nghệ, sách báo, giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật được chú trọng phát triển. Điều này đã mang lại cho Thái Nguyên những loại hình hoạt động văn hóa thông tin mới, sống động, tác động sâu sắc đến những người dân địa phương. Trong đó, phải kể đến một trong những lĩnh vực nổi bật, đó là âm nhạc. Một loạt các ca khúc kháng chiến được ra đời trên đất Thái Nguyên đã vang lên trên mảnh đất chiến khu, vang lên trên các nẻo đường hành quân ra trận. Người ta say sưa hát những ca khúc như Đàn chim Việt, Làng tôi (Văn Cao), Tình Việt Bắc, Du kích sông Thao, Áo mùa đông (Đỗ Nhuận), Quê em miền trung du (Nguyễn Đức Toàn). Các nhóm văn nghệ quần chúng trong các làng xã hay ở tận thị xã Thái Nguyên thường thể hiện các bài ca cách mạng trong các tiết mục của mình. Văn nghệ lúc này như khoác lên mình sức sống tươi trẻ, lan tỏa nhanh chóng để hòa vào nhịp sống thời chiến.

Trong bài khảo cứu công phu của mình - Xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên 1949 - 1950 trong kí ức văn nghệ sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm (Viện Văn học) đã cung cấp cho độc giả những tư liệu quý giá cùng những nhận định xác đáng: “Xóm Chòi, Mỹ Trạng (Mỹ Yên, Yên Dã), Đại Từ, Thái Nguyên là những ký ức khó quên trong đời các văn nghệ sĩ đã từng ở đây những năm kháng chiến chống Pháp. Đó là giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam nhưng cũng là thời gian tươi đẹp bởi tình quân dân cá nước, tình đồng chí, đồng bào, miền xuôi, miền núi, giữa các dân tộc anh em. Với văn nghệ sĩ, sau Cách mạng tháng Tám, chuyển mình đi theo cách mạng, họ đã thực sự hòa vào đời sống cộng đoàn rộng lớn, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân và kháng chiến. Họ đã làm nên thời đại của mình và luôn được nhắc lại trong ký ức, lịch sử. Xóm Chòi, Mỹ Trạng, Đại Từ, Thái Nguyên, trong công cuộc kháng chiến, có thể xem là cái nôi của cách mạng, trong ý nghĩa đó, cũng là nơi khởi sinh những truyền thống và di sản văn chương đồ sộ, hào hùng thời chiến”.

Như lời đánh giá của nhà thơ Tố Hữu trong hồi ký Nhớ lại một thời (NXB Hội Nhà văn, 2000), xóm Chòi thực sự đã trở thành “đại bản doanh” của văn nghệ kháng chiến. Đây là nơi chứng kiến thời kì văn nghệ đối mặt trực diện với những khó khăn thử thách của cuộc kháng chiến, song hành với nhân dân để vừa chiến đấu vừa sáng tạo.

Xóm Chòi… ai nhớ, ai quên? 

Qua thời gian, kí ức thôi thúc, nhiều văn nghệ sĩ đã tìm về nguồn xưa. Tháng 3 năm 1997, nhà thơ Tố Hữu cùng người thân trở lại thăm nhân dân xóm Chòi, thăm lại gia đình ông Nguyễn Văn Vận, bà Tạ Thị Vệ, ông Nguyễn Văn Tương… - những gia đình đã giúp đỡ nhiều cho các văn nghệ sỹ trong thời kỳ sơ tán ở đây. Ngày 16/5/1998, nhà văn Nguyễn Đình Thi cùng đoàn công tác Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về làm việc với chính quyền và nhân dân xã Mỹ Yên, xác định địa điểm di tích. Năm 2004, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức hành hương về nguồn, thăm lại nơi ở và làm việc của Hội văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, và đến năm 2008 đã tổ chức xây dựng nhà bia cho di tích này.

Phần sân đất trước nhà bia

Với những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của mình, địa danh xóm Chòi đã được xác định và công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2016, với tên gọi Di tích nơi ở và làm việc của Hội văn nghệ Việt Nam tại Mỹ Yên (1949 - 1951). Từ đây, xóm Chòi chính thức được coi như nơi “đi về” của giới văn nghệ sĩ.

Đây là những việc làm cần thiết để ghi dấu, tri ân đối với vùng đất mà văn nghệ sĩ một thời đã gắn bó, được chở che và nuôi nấng.

Tuy vậy, xung quanh “câu chuyện” xây dựng nhà bia, quản lí và tôn tạo di tích, chúng tôi được biết cũng còn tồn tại nhiều điều chưa như mong muốn.

Tìm đến nhà cụ Tạ Thị Vệ (93 tuổi) - gia đình có phần đất đặt bia di tích và trực tiếp trông coi chăm sóc hằng ngày, chúng tôi không khỏi ái ngại khi nhận thấy hiện trạng của nhà bia. Nhà bia hiện không có khuôn viên riêng biệt mà chỉ thuộc một phần đất của gia đình cụ Tạ Thị Vệ, nằm cạnh bờ ao, đường vào nhỏ hẹp (chỉ xe máy vào được). Khoảng sân trước nhà bia là nền đất, gia đình phải tự lấy những bao cát về để làm kè. Tấm bia nhỏ ghi sự kiện cũng đã bị thời gian làm mờ nhòe, không đọc rõ.

Toàn bộ công việc vệ sinh nhà bia hiện do chính tay cụ Vệ làm, hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Ngày rằm, mồng một, cụ đều đặn thắp hương hoa, tưởng nhớ các nhà văn nhà thơ đã từng ở nơi này. Mong mỏi lúc này của cụ chỉ là làm sao đổ nền sân bê tông cho nhà bia khang trang, sạch sẽ, để đỡ được việc nhổ cỏ vì tuổi cụ giờ đã quá cao.

Trao đổi vấn đề này với đại diện Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mà tiền thân chính là Hội Văn nghệ Việt Nam với những năm kháng chiến đóng tại xóm Chòi, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Một lãnh đạo của Ủy ban này thành thật chia sẻ những khó khăn mà Liên hiệp đang gặp phải. Ông cho biết, việc lo lắng để xin nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tác cho các tác giả còn đang “chật vật”, chưa xoay xở được, huống chi nói đến việc… lo tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Chúng tôi băn khoăn, những người có trách nhiệm trực tiếp còn “gặp khó khăn” như vậy, thì trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?

Đặt vấn đề này với cơ quan chức năng huyện Đại Từ, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết, cũng vì khó khăn về kinh phí nên hiện nay huyện chủ yếu giao các xã quản lí để huy động nguồn lực tại chỗ trong công tác bảo vệ tôn tạo các di tích. Năm 2016 địa phương đã có kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế đối với các di tích, cho đến nay vẫn đang chờ hồi đáp.

Chia sẻ những suy nghĩ và mong muốn về di tích này, những người có trách nhiệm trong giới văn học nghệ thuật trong tỉnh cũng bày tỏ nhiều tâm tư.

Ông Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Đại Từ trăn trở: Để phát huy được những giá trị, ý nghĩa quý giá của di tích này, cần phải tiến hành từng bước; trước hết là việc tuyên truyền về di tích, thông qua báo chí truyền về di tích, thông qua báo chí truyền thông; sau đó, cần những việc làm cụ thể từ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và các Hội trung ương, như tổ chức hành hương về nguồn, trồng cây lưu niệm… rồi mới đến những việc “to” hơn như quy hoạch lại nhà bia trở thành một di tích khang trang hơn.

Ông Triệu Văn Doanh - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Thái Nguyên thật có diễm phúc, may mắn khi là nơi ở và làm việc của một tổ chức Hội tinh túy, một thế hệ nhà văn cách mạng có nhiều đóng góp cho đất nước. Về giá trị của di tích, đó là một trong những điểm nhấn về giáo dục truyền thống cách mạng, văn hóa, văn học nghệ thuật cho các thế hệ nhà văn sau này và cho cả người dân, một nơi đi về cội nguồn của văn học nghệ thuật cách mạng. Riêng với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, đây là một trong những nơi đi về cội nguồn của văn nghệ sỹ. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay nhiều người chưa biết đến di tích này. Trong thời gian tới, bằng nhiều hình thức, Hội sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc hành hương về nguồn, qua đó nhắc nhở anh em văn nghệ sỹ về địa chỉ đỏ nhiều ý nghĩa này. Cũng theo ông, để phát huy giá trị của di tích, về phía địa phương nên phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam để gìn giữ, trông coi, bảo quản cho tốt khu di tích, tuyên truyền quảng bá giới thiệu để nhiều người cùng biết.

Vậy mới thấy rằng, việc tôn tạo và phát huy giá trị của một di tích lịch sử - văn hóa đặt ra nhiều đòi hỏi phức tạp. Thiết nghĩ, nếu muốn công tác này thực sự hiệu quả, thiết thực và phát huy ý nghĩa thì có lẽ không thể chỉ dừng lại ở việc dựng bia. Các cơ quan chức năng làm thế nào để một di tích có ý nghĩa lịch sử mang tầm vóc quốc gia không bị rơi vào quên lãng? Các văn nghệ sĩ hôm nay, đặc biệt là các văn nghệ sỹ tỉnh Thái Nguyên làm thế nào để có tiếng nói tri ân một cách thiết thực với cái “nôi” văn nghệ của mình cũng như có những tác phẩm tâm huyết và tương xứng về mảnh đất và con người nơi đây? Chúng ta làm thế nào để giá trị hôm qua trở thành bài học và giá trị hôm nay?

Đó thực sự là những câu hỏi đang rất cần được giải đáp.

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy