Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
06:01 (GMT +7)

Đắc Sơn vững bước về đích

VNTN - Trong những ngày tháng ba, tháng tư vừa qua, về các xóm của xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên, đến đâu tôi cũng thấy khí thế thi đua của những người nông dân nơi đây thật khẩn trương, với những bước đi vững chắc nhằm sớm cán đích đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những cụm loa phóng thanh ở khu vực xóm Chùa - Ba Xã, đầu cầu Bến Đẫm… luôn tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào ngày 22/5 tới, đồng thời tuyên truyền xây dựng nông thôn mới (NTM), như càng thôi thúc lòng người.

Ngoài việc tranh thủ bón thúc cho lúa đang thì con gái và làm hoa màu thì nhân dân các xóm còn ra sức góp công, góp của xây mới hoặc mở rộng thêm khu nhà văn hóa cho khang trang, đạt và vượt các chỉ tiêu theo tiêu chí đã quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Trên 50 ô tô vận tải, 6 máy xúc và hàng trăm xe rùa, xe cải tiến thay phiên nhau ra các tuyến đường trục của xã, của thôn xóm, đường ra cánh đồng, ra nơi xây dựng nhà văn hóa, cùng hàng trăm lao động thay phiên nhau san đất đá mở đường, làm nền… Làm đường giao thông nông thôn ở Đắc Sơn lần này, dù là ở những ngõ xóm, cũng như đường liên xã, nơi nào cũng có đủ hành lang. Các xóm thi đua nhau quyết tâm làm đúng quy cách, đảm bảo tốt về chất lượng.

Đầm 2 là xóm ven sông Công, nằm ở phía bắc, xa trung tâm xã, lần này tiến hành làm nền đường dài tất cả 4 cây số, nơi hẹp nhất cũng mở rộng 3,5 m. Chỉ mới 6 ngày, 3 ô tô và 1 máy cuốc đã chuyên chở đất đá, san ủi xong 1,4 km. Nhiều đoạn đường mở rộng tới 7 mét để rồi đổ bê tông rộng 5 mét, nối với xóm bạn. Đến cuối tháng tư, toàn bộ đường ngang ngõ tắt đã được mở rộng xong nền, có đủ cả hành lang. Những chỗ nền đường yếu, bà con đã lót đá, đầm kỹ, chờ có xi măng đối ứng là cứng hóa bê tông.

Trên xóm Đầm 1, có con đường cần nắn vào một phần ao nhà ông thương binh Ngô Văn Học (mất hẳn một góc ao và khoảng 150 mét vuông vườn tạp). Ông Học vui vẻ: “Xương máu còn hi sinh được nữa là tí đất. Để cái lợi cho cả dân làng, trong đó có cả gia đình mình, đi đâu mà thiệt”. Đồng chí Ngô Văn Hồi, Bí thư chi bộ hai xóm Đầm 1 và Đầm 2 nói: - Thấy ông Học hết lòng vì tập thể, các anh Chung, Chinh, Hà… đã hăng hái đem ô tô chở trên 30 xe đất, đá rồi san ủi giúp xóm lấp ao, san đường, chỉ lấy tiền nhiên liệu… Nói về phong trào thi đua ở hai xóm cực bắc của xã trong thời gian này, ông Hoàng Văn Liễu phó Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn và ông Dương Đình Tiến trưởng xóm Đầm 2 đều có chung nhận xét: Khí thế làm ăn ở xóm thôn ta những ngày này chẳng khác gì một đại công trường.

Sau khi làm xong phần nền đường, các xóm Đầm 1, Đầm 2, Chùa , Ruộng… đã tranh thủ làm lại nhà văn hóa, cái nào cũng rộng từ 120 m2 trở lên. Chủ trương đóng góp để làm mới hoặc mở rộng khu văn hóa theo đúng tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã được mọi người dân bàn bạc, trao đổi một cách công khai dân chủ, tiến tới đồng thuận cao. Ở xóm Đầm 2, chỉ trong hai ngày bà con đã phá xong cái nhà cũ ọp ẹp, chật hẹp trên khuôn viên chỉ trên trăm m2. Ngay sau đó, 90 gia đình ở đây đã đồng tâm nhất trí góp mỗi hộ một triệu để mua thêm đất cạp vào. Nay, khuôn viên văn hóa này rộng tới gần bốn sào. Chỉ trong vòng hai ngày đã thu róc 100% và đến 30/4, kíp thợ xây của xóm gồm 30 người và thợ phụ là mọi người dân, cắt cử nhau liên tục xây dựng đã lợp xong căn nhà 120 m2, có cả sân đá bóng mi ni cho trẻ.

Bà Trần Thị Thời xây lại tường rào để mở đường của xóm rộng 7m

Bên kia sông, xóm Cây Xanh lại có phong trào hiến đất mở đường đồng loạt. 100% gia đình tự phá, tự xây, không ai đòi hỏi đền bù. Chỉ cần Ban Xây dựng nông thôn mới cắm mốc đến đâu là dân sẵn sàng giúp nhau phá tường cũ, tự xây tường mới. Nhà ông bà Ngô Xuân Đắc và Trần Thị Thời có bức tường dài 60m, phải chặt một loạt cây mít, sấu, xoan… để xây tường lùi vào một mét rưỡi. Khi nói chuyện với tôi và đồng chí Triệu Quang Khải, Bí thư chi bộ Tân Trung, bà Thời hồ hởi kể: - Em vừa phải ngâm cả ao cây kia kìa. Toàn cây trái ngon, gỗ tốt. Tiếc lắm, các bác ơi. Mỗi năm em mất mấy triệu tiền hoa quả đấy. Nhưng vì nông thôn mới cho cả dân làng cùng hưởng và cho con cháu mai sau, vợ chồng em xin hiến.

Dưới cái nắng nửa ngày, bà vã mồ hôi với đứa cháu trên tay. Sau khi nghe đôi lời động viên của đồng chí bí thư chi bộ, ông Đắc khẳng định: - Có tiếc thì mới quý phải không các bác. Xây lại xong bức tường này, chúng em mất đứt gần vạn gạch đấy các bác ạ.

Bà Thời lấy nón che nắng cho cháu, cười xòa.

Thôn Đấp gồm 3 xóm (Đấp 1, Đấp 2, Đấp 3), sinh hoạt chung một chi bộ. Ở đây, nhân dân thống nhất chung nhau làm một khu văn hóa quy mô thôn thật hoành tráng theo đúng tiêu chí của TW quy định. Mọi thủ tục ở cấp xã đã xong từ lâu, giá như các ban ngành ở trên xem xét, giúp nhanh hơn thì cơ sở vật chất văn hóa nơi này có lẽ cũng được xây dựng nhanh không thua kém các thôn xóm bạn.

Ông Lê Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn cho biết: xã còn thiếu 4 tiêu chí nữa mới cán đích NTM. Đó là: Tiêu chí số 2 (giao thông); Tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa); Tiêu chí số 7 (chợ nông thôn); Tiêu chí số 17 (môi trường). Ngày 29/12/2015, Đảng ủy xã Đắc Sơn đã có Nghị quyết số 06-NQ/ĐU để lãnh đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016. Theo đó, Ban Quản lý xây dựng NTM xã Đắc Sơn đã xây dựng ngay kế hoạch để “Đăng kí sớm về đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2016, Đắc Sơn đã hạ quyết tâm và có những bước đi nhanh, chắc nhằm cán đích vào tháng 9 này. Ba tháng còn lại, Đắc Sơn sẽ củng cố, hoàn thiện một cách bền vững toàn bộ các tiêu chí, nhất là tiêu chí tăng thu nhập cho bà con, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự nông thôn.

Kiểm những tiêu chí còn dang dở thì thấy đều là chỉ tiêu “khó nhằn”. Ví như: tiêu chí số 2, về giao thông, muốn hoàn thành nốt con đường trục của xã dài 4,97 km thì cần tới ngót chục tỉ đồng. Toàn xã phải xây mới 11 và sửa chữa 8 nhà văn hóa xóm, thôn…

Băn khoăn trước bài toán trên, tôi hỏi: “Bằng cách nào mà lãnh đạo xã Đắc Sơn dám hạ quyết tâm như trên, hơn nữa, sẽ cán đích sớm ba tháng?”.

Không cần suy nghĩ, ông Chủ tịch UBND xã nói ngay:

- Việc đầu tiên, Đắc Sơn rất coi trọng công tác tuyên truyền vận động quần chúng. Thực hiện khẩu hiệu “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Đắc Sơn đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Lấy việc gương mẫu, đi tiên phong của cán bộ, đảng viên để dân theo. Ví dụ cán bộ các ban ngành của xã đã nghiêm túc thực hiện “Sạch phòng làm việc trong từng ngày”; Tổng vệ sinh toàn bộ nơi làm việc của xã đều đặn hàng tuần, hàng tháng. Từ Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy đến cán bộ nhân viên các ngành ban đều có ý thức giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp và làm việc nhiệt tình. Phong trào ấy nay đã tác động khá mạnh đến phong trào “Ba sạch”, đến tiêu chí môi trường đang thực hiện ở Đắc Sơn. Thi đua với các xóm, cán bộ xã dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch xã và điều hành trực tiếp của các trưởng ngành ban đã tổ chức riêng một số ngày làm đường, xây lại hàng rào vào đền Lục Giáp…

Đắc Sơn đã xây một ngôi nhà độc lập để thực hiện “một cửa”, tạo mọi thuận lợi cho nhân dân, quy định chế độ làm việc cụ thể.

Chủ tịch UBND xã khẳng định tiếp: Chỉ có thống nhất chủ trương, thống nhất hành động, lấy kết quả làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ từ lãnh đạo trở xuống mới tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, trong nhân dân. Tất cả mọi người đều phải sống trung thực với chính mình và với mọi người từ lời nói đến việc làm. Những nơi có biểu hiện làm sai đều được uốn nắn kịp thời. Ví dụ: Đã được tập huấn về quy trình làm đường sao cho đảm bảo chất lượng thì nhất thiết phải có Ban giám sát cộng đồng từ xã tới xóm. Danh sách phân công người giám sát từng ngày làm đường hoặc làm nhà văn hóa xóm phải gửi về xã báo cáo để xã cử người theo rõi, kiểm tra đột xuất. Một hôm, cán bộ giám sát ở xóm Ba Xã bận việc đã nhờ ông trưởng xóm trông hộ khi đổ bê tông mặt đường. Thấy dấu hiệu vi phạm, Ban xây dựng NTM đã tạm đình chỉ việc làm đường nơi đây một buổi và yêu cầu trưởng xóm giải trình, sau mới cho làm tiếp. Xã nghiêm cấm những người “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Theo thiết kế, đường ở xóm Đấp 2 chỉ làm rộng 3,5 m, khi đến cổng nhà ông trưởng xóm lại thấy phình ra 4 mét. Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp chất vấn ông Biên trưởng xóm Đấp 2. Sự việc được làm rõ. Cuối cùng cả con đường qua cổng các gia đình đều được làm rộng 4m, nhờ có thêm 4 tấn xi măng của doanh nghiệp Đạt Hồng tài trợ. Chủ tịch UBND xã nói rõ với trưởng xóm: - Số xi măng của doanh nghiệp Đạt Hồng tài trợ dứt khoát phải có hóa đơn rõ ràng và được công bố trước dân làng.

Guồng máy làm việc của cán bộ từ các ban ngành trên xã về tới 23 xóm ở Đắc Sơn hiện nay có dáng dấp tác phong công nghiệp, đang ảnh hưởng tốt tới từng người dân. Hiện tượng “buôn dưa lê”, nhàm bàn, tán gẫu trong giờ làm việc; hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”… hầu như không còn đối với cán bộ xã Đắc Sơn. Nó đã giúp cho vấn đề an ninh chính trị nơi đây tốt lên nhiều. Phòng Chủ tịch UBND xã đã lắp camera nối với phòng “một cửa”. Mọi hoạt động ở xã Đắc Sơn ngày càng đi vào nề nếp, trật tự, chất lượng…

Khi hỏi về tiêu chí chợ nông thôn, Ông Lê Văn Bẩy, Chủ tịch UBND xã nói: Đắc Sơn không cần xây chợ, bởi lẽ xã này liền kề với phường Ba Hàng, nơi trung tâm văn hóa chính trị của thị xã Phổ Yên. Hơn nữa, trên địa bàn xã đã có hệ thống các cửa hàng và đại lí bán lẻ, đảm bảo nhu cầu mua bán, phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, Hội đồng Nhân dân xã đã có Nghị quyết và UBND xã đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho giảm tiêu chí xây dựng chợ nông thôn ở xã Đắc Sơn. Chắc rằng cấp trên sẽ đồng ý, vì nó phù hợp với thực tế khách quan.

Sau khi làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND xã Đắc Sơn, tôi đã dành khá nhiều thời gian về các xóm thôn gặp bà con nông dân và những cán bộ trực tiếp với công việc thường nhật, mới hay rằng phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” nơi đây đã thực sự trở thành phong trào thi đua trong quần chúng nhân dân, được mọi người hưởng ứng. Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị ở Đắc Sơn và lan tỏa tới từng người dân. Đến xóm nào tôi cũng thấy bà con ca ngợi cán bộ xã sâu sát, cán bộ xóm công khai minh bạch trong mọi việc thu chi tiền làm đường, làm nhà văn hóa, kênh mương…

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đắc Sơn tiến hành làm con đường trục chạy từ giáp đường Ba, đoạn cuối Phố Cò, xuyên qua Đầm Thờ, dài 4,97 km. Làm con đường này, Ban xây dựng nông thôn mới xã Đắc Sơn đã có kế hoạch vận động các doanh nghiệp vào cuộc; Mỗi ban ngành của xã, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn theo ngành dọc chỉ đạo còn phải giám sát đoạn đường được phân công để theo dõi các đơn vị đăng cai. Trên 50 ôtô và 6 máy xúc, máy gạt đã sẵn sàng thay phiên nhau ra công trường. Họ chỉ nhận tiền dầu do xã hỗ trợ để làm con đường lịch sử của xã Đắc Sơn đổi mới. Làm tuyến đường này, mỗi hộ dân trong xã chỉ đóng góp 100 ngàn đồng.

Với khí thế của những ngày Ba mươi tháng Tư lịch sử, tin rằng Đắc Sơn sẽ có những bước đi “thần tốc”, vững chắc để sớm cán đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đúng như kế hoạch mà toàn dân ở Đắc Sơn đang phấn đấu.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước