Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
10:35 (GMT +7)

Đa sắc tranh dân gian châu Á ngày Tết

VNTN - Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người Việt và nhiều dân tộc ở châu Á, đều có thú chơi tranh Tết, đặc biệt là tranh dân gian để làm nhà cửa vui tươi rực rỡ. Tuy nội dung có thể khác nhau, song mỗi bức tranh luôn chuyển tải cùng một ước mơ về một cuộc sống hòa bình, thịnh vượng.


Với người Việt, ngày Tết không thể thiếu những bức tranh đậm màu văn hóa dân tộc. Từ 23 tháng Chạp, ai nấy đều đổ ra chợ mua tranh, sáng tác tranh và treo dán chúng tại gia đón xuân. Đó có thể là tranh trang trí hay thờ cúng, chúc tụng, phê phán, chọc cười, trong đó có nhiều tác phẩm chơi trong mấy ngày Tết xong thì đốt để lấy may - thể hiện các triết lý nhân văn, đức tin hồn hậu. Có đến 12 dòng tranh từ mọi miền Việt Nam được dùng làm tranh Tết, gồm có tranh Đông Hồ của Bắc Ninh, tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh Làng Sình (Thừa Thiên Huế), tranh thập vật (Bắc Bộ), tranh kiếng, tranh đồ thế, tranh gói vải (Nam Bộ), tranh thờ miền núi Tây Bắc…

Mỗi dòng tranh trên đều đã ra đời từ cách đây hàng trăm năm, có tính vui hài, dí dỏm, rất hợp với không khí mùa xuân và các hoạt động nghỉ dưỡng, thưởng lãm. Đa dạng nhất là tranh Đông Hồ, được in ấn từ ván khắc gỗ, với nhiều chủ đề từ cảnh quê, chợ búa, canh tác, vật nuôi đến hội hè, trò chơi, thi thố, cầu tự. Tranh thường có khổ nhỏ bằng đôi, ba bàn tay, với ba đến năm màu, và tạo thành các mảnh màu tương phản, mỗi lần in cho một mảng màu khác nhau. Đặc biệt các hình được in trên giấy điệp, là loại giấy làm từ vỏ sò giã mịn óng ánh nên cho sự lung linh. Ngày xưa, mọi người thường dán tranh trực tiếp lên tường, trưng cả năm, khi cần mới bóc, thay mới, còn nay thì nhiều nơi đã lồng dây xỏ lỗ đem treo. Tranh Hàng Trống chủ yếu là tranh thờ miêu tả tín ngưỡng Tam tòa tứ phủ. Do tranh có nhiều chi tiết uyển chuyển nên cách làm là nửa in nửa vẽ, sau đó tô màu, vờn đuổi những chỗ còn thiếu. Hình ảnh được hiện trên giấy dó hoặc báo hoành tráng nên rất nổi bật, được treo trong nhà. Tranh Kim Hoàng cũng là tranh in về các con vật, song các nét khắc mảnh, nhiều và mau hơn tranh Đông Hồ, lại sặc sỡ, cầu kỳ không kém tranh Hàng Trống, ở bên góc trái còn thấy thơ phú chữ Hán lối thảo. Ngoài ra, nó còn có một đặc điểm ấn tượng là tranh luôn được in trên giấy đỏ hoặc vàng nên có tên Kim Hoàng. Tranh Làng Sình mộc mạc y hệt tranh Đông Hồ với lối in, vẽ nhẹ nhàng nhưng nội dung thiên về cầu cúng, đề tài lịch sử. Tựu chung có 50 chuyện mà quen thuộc nhất là tranh con ảnh, con tra điệu, khí cụ, bát âm, heo, bò, voi, ngựa, và thường được treo dán trước nhà, quanh chuồng trại, đến áp Tết hoặc sau Tết thì đốt, lấy tro rải ruộng, cầu mong mùa vụ bội thu, người vật tươi tốt. Tranh thập vật là họa phẩm về các biểu tượng Phật giáo, thường thấy ở các chùa Bắc Bộ, kể lại sự tích Đức Phật Bổn Sanh cùng các hình ảnh cát tường. Tranh kiếng là tranh được vẽ ở trên mặt kính, chủ đề khá phong phú từ tín ngưỡng dân gian tới cảnh đền chùa, vui chơi, kịch nghệ. Do độ bền cao, nó có thể tồn tại lâu dài, và khi đặt trên ban thờ hương khói quanh năm vẫn đẹp như mới nhờ được lớp kính bề mặt bảo vệ. Tranh gói vải lại được tạo nổi trên lụa với các kỹ thuật đính dán tinh tế. Đề tài cũng thường về tôn giáo. Tranh thờ miền núi tương tự về hình thần linh của các dân tộc Tày, Nùng, Dao... Mỗi nhà dân vùng Tây Bắc thường có rất nhiều tranh thờ, khắc họa những vị thần hay ma quỷ có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Chúng thường được sắp theo bộ đôi, ba, bốn, 14, 18 cái trên ban thờ.

Tranh Hàng Trống

Ngoài ra, còn thấy khá nhiều kiểu tranh đại chúng khác, nhờ sự bình dị, tươi sáng cũng được trưng trong ngày Tết như tranh tre, gốm, đồng, khảm, đắp… tạo nên một thế giới tranh Tết vô cùng sinh động. Tùy nơi, người dân sẽ chơi một loại tranh riêng, hoặc phối kết hợp chúng vì mỗi dòng tranh đều có ưu điểm, vẻ đẹp hấp dẫn. Tranh Đông Hồ thường đặc tả về các con vật nuôi như gà, vịt, trâu bò, heo, ngựa cùng các trò chơi dân dã hóm hỉnh như đấu vật, kéo co, bịt mắt bắt dê, đua thuyền, chọi cá, chọi chim…, trong khi tranh Hàng Trống ca ngợi vẻ đẹp bốn mùa, các thiếu nữ xinh đẹp, các đoàn rước kiệu vinh quy của trai tráng về làng và các vị thần linh thiêng, hộ quốc. Tranh Đông Hồ thường có màu sắc thâm trầm, còn tranh Hàng Trống tươi rói, đa sắc. Cùng với hình vẽ trên các họa phẩm còn có những câu chữ chúc tụng, thể hiện quan niệm chân, thiện mỹ.

Thông thường, trong một gia đình Việt ngày Tết bao giờ cũng có một số tranh Đông Hồ gồm một bộ tranh Vũ Đinh - Thiên Ất - hai hộ pháp ngoài cửa, có tác dụng bảo an - trấn trạch, tranh Táo quân hai ông một bà ở trong bếp phù hộ chuyện bếp núc, cùng đó là tranh Tổ sư và tranh Thổ địa coi sóc nghề nghiệp, hòa khí. Giữa nhà thường có bộ tranh: Vinh hoa (Bé trai ôm gà trống), Phú quý (Bé gái ẵm vịt bầu), Lễ trí (Em bé ôm rùa) và Nhân nghĩa (Em bé ôm cóc) để cầu mong gia đình có cả con trai lẫn con gái, giỏi giang, thanh lịch. Cũng có chỗ là tranh Đại cát - gà trống bước hiên ngang và Thư hùng - bầy gà đông đúc, biểu thị cho sự tự cường, nội lực. Ở một số nơi là tranh Lợn đàn hay Lợn ăn ráy cho hạnh phúc, cơm no áo ấm và Cá chép trông giăng hoặc Cá chép hóa rồng cho sự thăng tiến, đỗ đạt. Cũng thấy tranh vui chơi, lễ hội như tranh Chăn trâu thả diều, đánh đu, múa lân, đấu võ... Ở nhiều gia đình còn có tranh Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hồ Chủ tịch với ý nghĩa vui chơi không quên nhiệm vụ rèn luyện trí lực bảo vệ Tổ quốc.

Về tranh Hàng Trống, thường thấy tại từ đường tranh Bà Chúa thượng ngàn, Mẫu Thoải, Hoàng Mười, Hoàng Ba, Cô Bơ, Sơn trang, Bạch hổ, Hắc hổ, Ngũ hổ… là những vị thần cai quản trời, đất, rừng rậm, sông ngòi, sự sống an vui - thái hòa. Cũng hay gặp tranh phong cảnh như tranh Tứ quý (xuân hạ thu đông), Tứ dân (ngư tiều canh mục), Tứ bình (tố nữ thổi sáo gõ phách ca hát), tranh gia đình như Tam đa (ba ông Phúc Lộc Thọ), Thất đồng (bảy đứa trẻ hái quả), Vinh quy bái tổ (quan trạng về làng),… mang lại vẻ đẹp trù phú và thành đạt. Về tranh kiếng Nam Bộ có tranh Phật Tổ, Quan Âm, Bát Tiên, Thần tài, Quan Vũ, truyện Kiều, Phạm Công - Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ… đề cao tính thiện và nhân nghĩa.

Giống người Việt, người Nhật cũng đón Tết bằng nhiều họa phẩm trào phúng, trong đó có tranh Otsu-e và Surimono. Tranh Otsu-e đã xuất hiện từ thời Kanei 400 năm trước tại thị trấn Otsu, trên đường từ Kyoto tới Tokyo hôm nay. Tranh được in lấy nét trước, rồi tô màu lam, dương, đỏ, vàng, trắng trên nền nâu. Nội dung thường là hình ảnh thần tiên, yêu tinh, quỷ quái trong đời thường. Tuy không đẹp, thậm chí kỳ dị song họ đều là các phúc tinh, tài thần của Nhật Bản. Ngày Tết, người Nhật luôn dán tranh Otsu-e ở cửa, cột nhà nhờ những cử chỉ, nét mặt ngộ nghĩnh của nhân vật, đem lại tiếng cười, phước lành. Thường thấy nhất là tranh shichifukujin - bảy phúc thần, bảy vị tiên cùng cưỡi trên một con thuyền chở đầy vàng bạc, hoặc từng đôi trong các hoạt động riêng rẽ như câu cá, uống rượu, nhảy múa, đặc biệt có bức tranh Daikoku - ông Tài cạo đầu cho Fukurokuju - ông Thọ. Ông Tài mình trần béo tròn, leo thang để cạo đầu cho ông Thọ, có trán cao đụng trần nhà. Tranh khắc họa hai vị tiên cũng như người thường có những nhu cầu cơ bản và thường thực hiện chúng một cách lóng ngóng, khôi hài. Kế đó là tranh Bát tiên, tám vị tiên mà tiêu biểu là tranh Bát tiên thượng sơn (leo núi Phú Sĩ). Sau một hồi lênh đênh trên biển thì tám ngài đã tới được núi Phú Sĩ, biểu tượng tinh hoa Nhật Bản. Mỗi vị đều có dáng vẻ, quần áo như dân thường, vị nào cũng tay xách nách mang, quần xắn đến gối, hì hục leo núi. Cho thấy để chiếm lĩnh được đỉnh cao, mỗi người đều phải nỗ lực. Tuy nhiên, phổ biến hơn cả là hình vẽ những yêu tinh nực cười. Ví dụ như Yêu tinh chơi đàn, phản ánh một kẻ nát rượu, mặt đỏ phừng phực song vẫn cố gảy đàn. Hoặc Yêu tinh tắm, như một đứa trẻ, nó cũng hồi hộp, lo ngại khi bước vào bồn tắm ngập nước. Một nhân vật nữa cũng hay gặp là khỉ. Mỗi con khỉ đều có một khuôn mặt cáu kỉnh cùng những việc làm tức cười. Nó thường gánh vác cồng kềnh hoặc cầm một quả bầu để bắt cá trê, do con cá thì to mà quả bầu quá nhỏ nên dù loay hoay thế nào cũng không bắt nổi con cá. Tranh có ý nghĩa khuyên mọi người đừng cố chấp, tham si. Cũng có một số tranh khắc họa người dân trong các hoạt động vui chơi lạ mắt như Nhảy lò cò giả thỏ, bưng đại hồng chung, múa quạt trên lưng ngựa. Khác với tranh Otsu-e thường do dân gian sáng tác, tranh Surimono là họa phẩm của các văn nhân để minh họa cho các bài thơ. Tranh thường đặc tả các tráng sĩ cưỡi ngựa - múa thương, cảnh hò hẹn - tụ tập và thiên nhiên diễm lệ.

Tranh Surimono

Dân gian xứ Hàn lại có tranh Tết Minhwa, có nghĩa là tranh của nhân dân. Khác với tranh Sehwa do vua chúa vẽ để triều thần trang hoàng cung đình ngày Tết, tranh Minhwa do dân gian sáng tác, thường khai thác chủ đề hoa lá, gia cầm và các con vật vui nhộn quanh ta, ví dụ như hổ và chim ác là. Trong văn hóa Hàn Quốc, hổ tượng trưng cho cái đại, sức mạnh, sự yên bình, thần núi, còn chim ác là biểu thị cho cái tiểu, tin tức, sự vui vẻ và bạn tốt. Chúng luôn đi với nhau như là hai mặt đối lập, đem lại sự thái hòa, cân bằng của cuộc sống. Khi nhắc tới hổ, mọi người thường nghĩ tới một con thú đáng sợ song ở đây nó chỉ như một chú mèo hiền lành. Mọi sinh vật đều có thể làm bạn và chạy nhảy quanh nó. Con hổ luôn ngồi yên lặng dưới tán cây, để ý mọi thứ và cùng sơn thần giúp mọi người ngăn chặn tam tai (hỏa hoạn, lũ lụt, gió bão) và tam nạn (chiến tranh, đói kém, bệnh dịch). Trong khi đó, người bạn của nó lại suốt ngày lăng xăng, lúc bay lúc đậu như một sứ giả hòa bình. Vì thế, người Hàn luôn treo, dán hình hổ và chim ác là ở cổng ngày Tết để mong may mắn, thuận lợi.

Tranh Minhwa (Hàn Quốc)

Ở Trung Quốc, tranh Tết vốn là những hình vẽ Đào phù, Môn thần trên cửa trấn tà. Từ thời Đường, người Hoa bắt đầu có tranh vẽ hộ pháp gác cổng và tới đời Tống thì có thêm Thần Bếp, Tiên Nữ, Nhi Đồng cùng nhiều sinh hoạt sôi động, và từ thế kỷ 19 thì phổ biến với tên gọi Niên Họa - tranh năm mới. Tranh Tết Trung Quốc nói chung có tới hơn 2.000 đề tài, được làm bằng cách in gỗ, vẽ tay, thạch bản, offset… song đều sặc sỡ, nhấn mạnh tới gam màu nóng, độ tương phản, trong trẻo, tính cân đối, hoàn mỹ. Vào dịp Tết, có khá nhiều vùng ở nước này cùng sản xuất tranh Tết như Tứ Xuyên với tranh Dương Liễu Thanh, Giang Tô tranh Đào Hoa Châu, Sơn Đông tranh Duy Phường. Trong đó tranh Dương Liễu Thanh khai thác chủ đề bao hàm nhất, gồm tranh long, phụng, lân, quy, sen, đào, cây tiền, hũ bạc, trẻ thơ - mỹ nhân - anh hùng. Mỗi hình ảnh đều được tin có thể bảo an, trừ tà, đem lại vận hội, phú quý, sang giàu. Vào Tết, người Hoa thường trưng đầy tranh ảnh trong nhà, khiến khắp nơi ngập tràn sắc màu chói lóa.

Ngoài tranh rangoli điểm tô mặt đất, người Ấn Độ còn có nhiều loại tranh tường để mừng xuân và ca ngợi thần thánh. Do thờ phụng đến hơn hai triệu vị thần nên khó có thể kể hết những hình ảnh thần linh được dân gian Ấn Độ tạo ra ở nước này. Dường như nhà nào cũng vẽ tranh thần, cùng đó là nhiều tranh vui về đời sống thường nhật, mà một ví dụ là tranh Warli ở bang Maharashtra. Đây là tranh của dân tộc Warli thường được vẽ lên vách trong ngày hội và nhờ nội dung hấp dẫn, hồn nhiên khắc họa cây cỏ chim thú, cảnh săn bắn, hái lượm còn được làm thiệp mừng năm mới tại nhiều nơi.

Vì theo đạo Phật nên các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan đều có nhiều tranh đặc tả Phật thoại và các nghi lễ Phật giáo. Tuy nhiên, vào ngày Tết, còn thấy tranh phong cảnh, canh tác nông nghiệp, thập nhị chi, các trò chơi, nhất là lễ hội té nước trong Tết cổ truyền. Có thể nói những bức tranh Tết ở đâu cũng đẹp, đa sắc phản ảnh tình yêu và niềm hạnh phúc, khát vọng của muôn người bên thềm năm mới.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy