Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
23:22 (GMT +7)

Cựu thanh niên xung phong Chu Thị Lịch và nỗi niềm chờ chế độ thương binh

VNTN - Trong ngôi nhà cấp 4 ở xóm Làng Cả, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, có 2 vợ chồng già ngồi bên nhau. Thỉnh thoảng người vợ lại vơ chiếc xô nhựa màu đỏ, hứng vội thứ nước màu đen từ miệng chồng. Người vợ đã quen với công việc này từ gần 1 tháng nay, hễ thấy chồng rúm người lại vì cơn co thắt từ ngực xuống bụng là y rằng chồng bị nôn. “Cách” nôn mửa rất khác thường, cứ ồng ộc chảy giống chiếc vòi đang xối nước. Bà Chu Thị Lịch buồn bã nói: Chồng tôi, ông Nguyễn Văn Cọ, 70 tuổi, là nạn nhân chất độc da cam. Ông bị rất nhiều thứ bệnh: Thần kinh tọa, viêm đa khớp, thoát vị đĩa đệm, giờ thêm bệnh nôn mửa cả ngày… Từ 20 năm nay, việc nhà đều do một tay tôi lo liệu. Đã nhiều lần tập luyện, cố gắng sử dụng được cả 2 tay để làm việc, nhưng bà bất lực vì di chứng thương tật để lại... Sau cơn nôn mửa, người chồng nằm dài thượt trên giường, toàn thân xanh xạm như tàu lá bị lửa táp. Ông cầm lấy bàn tay vợ, đặt lên ngực mình, thiếp đi. Bà để nguyên bàn tay mình ở khuôn ngực gầy xương ọp ẹp vì tuổi tác. Phải rồi, cả hai đều đã già, một đau ốm, một bị tật, nên tiết trời đầu đông càng làm không khí trong ngôi nhà ảm đạm. Bà ngồi lặng như pho tượng bên chồng. 69 tuổi, tóc trên đầu sợi bạc nhiều hơn sợi đen, cuộc sống thiếu thốn về vật chất, buồn khổ về tinh thần khiến bà sạm da, sọm người và nhiều lúc nói năng lẫn cẫn. Nhưng chuyện thời thơ ấu và chuyện về những ngày tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) thì không bao giờ bà nhầm một từ. Là con cả trong gia đình, sau bà là “một đoàn tàu” gồm 10 người em. Vì thế bà sớm phải tần tảo lam lũ, phụ giúp mẹ việc đồng áng, lo cho đàn em trứng gà, trứng vịt có cơm ăn mỗi ngày. 16 tuổi, chị Lịch bấy giờ gầy như que củi, nhưng nhanh nhẹn, xốc vác. Biết cán bộ Tổng Đội 91 TNXP Bắc Thái về địa phương tuyển quân, bà lặng lẽ viết đơn tình nguyện, với suy nghĩ được sống, cống hiến như bao tuổi trẻ cùng thời. Vào Tổng đội TNXP, bà được biên chế vào Đại đội 913, trực tiếp làm nhiệm vụ làm đường, vá ổ gà, lấp hố bom tại một số đoạn tuyến từ Bắc Kạn lên tỉnh Cao Bằng. Là A phó phụ trách kỹ thuật, song cũng như các đội viên khác, hằng ngày bám đường, bám tuyến và tham gia học văn hóa bổ túc.

 

Bà Chu Thị Lịch bên người chồng là nạn nhân chất độc da cam.

Sau hơn 3 tháng làm nhiệm vụ tại một số tuyến đường ở Bắc Kạn, Đại đội 913 được lệnh chuyển quân về làm nhiệm vụ thông đường tại đoạn tuyến thuộc địa phận xã Thuận Thành (thị xã Phổ Yên ngày nay). Đây là một trong những vị trí Quân đội Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt. Vì đó là đoạn tuyến “yết hầu” quan trọng nối liền giữa thủ đô Hà Nội với Thái Nguyên và các tỉnh vùng Đông Bắc. Bà Lịch nhớ lại: Mất gần một tuần hành quân bằng đôi chân thì về đến địa phận xã Thuận Thành, bàn chân tím bầm máu tụ, nhưng cán bộ, đội viên ai nấy hăng hái ra mặt đường làm nhiệm vụ. Máy bay Mỹ đánh ngày thì làm đêm; đánh đêm thì làm ngày… cứ ngớt tiếng bom là hò nhau lên mặt đường với cuốc, xẻng san lấp hố bom. Nhưng có một ngày định mệnh giáng vào đội hình của đơn vị. Hôm đó ngày 9/6/1967, máy bay địch chần qua chần lại trên bầu trời, rồi bất thình lình trút xuống từng loạt bom phá, bom khoan làm cả một cung đường chìm trong bụi khói. Giữa cam go ác liệt, bà Lịch đẩy các đội viên của A xuống hầm trú ẩn. Khi đội viên cuối cùng vừa vào vị trí ẩn nấp an toàn, bà rùng mình vì cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, một mảnh thép của đạn bom găm thẳng vào đầu, chết điếng. Bà chới với, chưa kịp định thần thì đã liên tiếp các mảnh bom cắm vào thân thể: Bả vai, tay trái và 2 chân đều bị mảnh bom gây thương tích. Bà tỉnh dậy vào ngày hôm sau. Đầu, chân, tay đều được cuốn bông băng. Ông Dương Quý Xe (Hiện là Chủ tịch Hội TNXP xã Tân Khánh), cùng ở Đại đội 913 đứng bên khẽ reo lên theo phản xạ: -Sống rồi. Mày đang trị thương ở Bệnh viện 91. -Còn đứa nào bị thương không? - Bà hỏi. -Có cái Bẩy (Đoàn Thị Bẩy), người cùng xã mày bị mảnh bom vào đầu. Sau hơn 3 tháng điều trị, xuất viện, trở lại đơn vị cũ. Vì lý do sức khỏe yếu, nên Ban Chỉ huy Đại đội không để bà ra mặt đường, mà sắp xếp cho làm các công việc nhẹ nhàng ở Đại đội. Cũng vì lý do sức khỏe, đơn vị cho bà xuất ngũ vào tháng 12 năm 1972. Bà bật khóc vì cơn đau nhức nhối đột ngột lộng lên trong óc. Chân tay thuỗn ra, đau đớn, bải hoải vì các vết thương cùng ùa về hành xác. -Sao bà chỉ bế cháu bằng tay phải? Nhiều lần các cháu nội, ngoại bi bô hỏi. -Cháu ơi, từ năm 17 tuổi, bà đã hiến cho Tổ quốc tuổi trẻ và một cánh tay. Mỗi lần nghe cháu hỏi, lòng bà lại lộng lên tiếng đạn bom chát chúa. Nhưng tiếng thở dài của bà không có mùi cháy khét của lửa đạn, mà cay đắng vị đời. Nhất là khi ở địa phương đã có một số trường hợp được hưởng chế độ chính sách như thương binh, còn bà và bà Bẩy, hai người đàn bà cùng xã, cùng đi TNXP một đợt, cùng ở Đại đội 913, cùng bị thương trong một trận bom nhưng đều là người đứng “bên lề” chính sách. Bà Lịch đau đớn kể: Tôi đã vậy, nhưng còn chị Bẩy bị mảnh bom vào đầu. Do di chứng vết thương để lại, đôi mắt chị bị lồi hẳn ra ngoài. Tháng 5 năm 2019, chị Bẩy qua đời, Chị nhắn nhủ lại: Lịch ơi, chị em mình số khổ. Tao đi gõ các cửa xin được hưởng chế độ như thương binh, nhưng không được giải quyết. Mày còn sống, cố gắng đi đòi quyền lợi cho mày, cho tao. Tao chết mà vẫn chưa được công nhận là thương binh, thảm lắm. Bể ải trăm đường khổ, trên suốt hành trình xin được hưởng chế độ chính sách như thương binh, bà Lịch đã nếm trải nhiều cay đắng bởi những “cung bậc” ứng xử của một số cán bộ bà gặp. Nhiều khi nản quá muốn buông bỏ, nhưng đồng đội khuyến khích, động viên, bà lại hy vọng, tự nhâm nhi vị ngọt ngào của đức tin. Nhất là sau đợt về Bộ Giao thông Vận tải giám định thương tật, Hội đồng Giám định Y khoa của Bộ này kết luận bằng biên bản số 635/GĐYK-TT, ngày 23/4/2002 ghi rõ: Gẫy mỏm khuỷu kèm trật khớp khuỷu tay trái (XQ); lệch trục gấp hạn chế cẳng tay trái; vết thương phần mềm để lại một sẹo chẩm phải, một sẹo gối trái (bánh chè) một sẹo cẳng chân phải, một sẹo vai phải… Tỷ lệ thương tật 31% vĩnh viễn theo chuẩn thương tật ban hành tại Thông tư liên bộ số 12/TT-LB ngày 26/7/1995 của Liên Bộ Y tế - Lao động, Thương binh và Xã hội. Từ Hội đồng Giám định Y khoa trở về, bà khấp khởi mang Giấy chứng nhận thương tật nộp thẳng cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên. Ngày 6/5/2002, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có Giấy giới thiệu số 8689/GTVT-TCCB-LĐ về việc Di chuyển hồ sơ và trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công, với trường hợp TNXP Chu Thị Lịch, gửi Sở Lao động - TBXH Thái Nguyên. Trong đó ghi rõ: Đồng chí Chu Thị Lịch là đối tượng TNXP chống Mỹ bị thương được hưởng chế độ ưu đãi như thương binh… Nhưng kết quả giám định tại Hội động Y khoa của Bộ Giao thông Vận tải đã không được các cơ quan chức năng của tỉnh chấp nhận.

 

Bà Chu Thị Lịch (giữa) trình bày về việc chưa được hưởng chế độ chính sách như thương binh.

Về việc này, ông Hà Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP giải thích: Đội 91 TNXP do tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn) quản lý. Do vậy việc xác nhận bị thương và giám định thương tật phải do Tỉnh Đoàn cấp, chứ không do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Năm đó, Ban Liên lạc Cựu TNXP đã mời bà Lịch cùng một số trường hợp khác đến Hội đồng Giám định Y khoa của tỉnh giám định thương tật, nhưng bà Lịch không đến. (Bản thân bà Lịch cũng xác nhận do không biết đi xe đạp, nên không đi được). Còn ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy chứng nhận bị thương, và giám định thương tật cho trường hợp của bà Lịch là không đúng với quy định của Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM ban hành ngày 6/7/1999. Theo Thông tư này thì thẩm quyền giải quyết thuộc về trách nhiệm của tỉnh Thái Nguyên. …Bà Lịch mở tủ, bày ra mặt bàn các loại giấy tờ liên quan về thời gian tham gia TNXP, Giấy chứng nhận bị thương; Biên bản giám định thương tật; giấy xác nhận TNXP bị thương của đồng đội cũ; Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; Kỷ niệm chương TNXP - Xây dựng CNXH. Bà muốn nói với tôi, với tất cả mọi người về một thời vinh hiển mình từng nếm trải, nhưng đau đắng đeo đẳng cùng nỗi niềm hy vọng canh cánh len vào làm giấc ngủ không yên. Không khí trong ngôi nhà có hai vợ chồng già đau yếu trầm lặng, ông Cọ tỉnh giấc từ lúc nào, húng hắng ho, rồi bảo: Vợ tôi góp máu thịt cùng hàng triệu thương binh, liệt sĩ để làm nên ngày đất nước thống nhất, nhưng không biết đến bao giờ đóng góp ấy mới được ghi nhận. Bà Lịch lại vơ vội chiếc xô nhựa màu đỏ hứng thứ dịch nhầy nhầy trào ngược ra từ dạ dày chồng. Bà bảo: Ngủ đi ông ơi, tôi đã quá mệt mỏi vì bao năm ròng đi trên hành trình xin chế độ chính sách của một thương binh, mà đúng lý tôi có quyền được hưởng - Chỉ tiếc mình đã đi nhầm tuyến. Tôi mong Hội Cựu TNXP và các cấp, ngành liên quan quan tâm, hướng dẫn giúp tôi củng cố lại hồ sơ thương tật, cho tôi được giám định thương tật theo quy định chung. Để bản thân tôi được biết chính xác mình đã vì chiến tranh mà mất bao nhiêu phần trăm sức khỏe. 69 tuổi, thương tật đầy người, có cách nào để bà Chu Thị Lịch có thể hoàn tất hồ sơ nhanh nhất để bà sớm được công nhận và hưởng chế độ thương binh như Nhà nước đã quy định? Chúng tôi gửi nỗi niềm này của bà Lịch đến các ngành chức năng, để bà Chu Thị Lịch sớm chấm dứt cảnh già mỏi mòn chờ chế độ như hiện nay!

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước