Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:37 (GMT +7)

“Cưỡng bức” nghe thơ

VNTN - Không đợi tôi đồng ý, bác đọc luôn. Bài thơ làm theo thể lục bát, dài miên man, nói về nỗi lòng của bác với vợ, con. Tôi không là dân văn chương nhưng cũng “cảm” được thơ của bác không phải không hay mà là quá chán.


- Tôi vừa bước chân vào cơ quan đã thấy anh bảo vệ giục:

-Cậu lên phòng nhanh đi, có người đang đợi đấy!

-Ai mà đến sớm thế anh?

-Không rõ, nhưng mà bác ấy đợi nửa tiếng rồi đấy.

Tôi chạy vội lên gác. Đứng trước cửa phòng tôi là một người đàn ông tuổi chừng 70, tay ôm chiếc cặp đen, đầu đội mũ tai bèo lụp cụp. Nhìn thấy tôi, ông mừng quýnh:

-Anh có phải người nhận bài của cộng tác viên không?

-Dạ phải bác ạ. Cổng cơ quan cháu có thùng thư ạ, lần sau bác cứ bỏ bản thảo của bác vào thùng thư là chúng cháu nhận được, bác không phải đợi làm gì cho khổ bác nhá.

-Anh bảo vệ cũng hướng dẫn tôi như thế đấy ạ. Nhưng tôi muốn đưa tận tay anh cho yên tâm.

Nói rồi bác lập cập mở cặp, lôi ra xấp giấy dày. Tôi thoáng nhìn cũng biết đó là thơ, khoảng dăm bài, mỗi bài bác phô tô ra chục bản.

-Tôi mang gửi các báo, đài của tỉnh mình và các tỉnh khác - bác giải thích thế.

Tôi vội đưa hai tay nhận mấy bài thơ của bác:

-Cháu sẽ vào sổ và chuyển sang bộ phận biên tập ạ.

-Cảm ơn anh. Nhân tiện anh nghe bài thơ tôi mới viết đêm qua nhá.

Không đợi tôi đồng ý, bác đọc luôn. Bài thơ làm theo thể lục bát, dài miên man, nói về nỗi lòng của bác với vợ, con. Tôi không là dân văn chương nhưng cũng “cảm” được thơ của bác không phải không hay mà là quá chán. Cấu tứ lộn xộn, chữ nghĩa lặp đi lặp lại, quanh quẩn, thất vận thảm hại. Hơn nữa, tôi còn hàng núi công việc phải làm, tâm trí đâu mà thưởng thức thơ lúc này? May sao, tôi có điện thoại sếp gọi:

-Cháu xin lỗi bác, giờ cháu phải gặp lãnh đạo có chút việc ạ.

-Ờ, cháu cứ đi đi.

Mười phút sau, tôi về phòng, bác vẫn ngồi đợi:

-Bác đọc thêm bài này, cháu góp ý cho bác nhé.

Bác lại say sưa đọc, bài này sang bài khác, không hề quan tâm đến thái độ bồn chồn, sốt ruột của tôi. Sau một tiếng đồng hồ “chịu trận” bác mới “tha” cho tôi để về.

Chuyện phát hành thơ vô tội vạ như cộng tác viên nói trên tôi đã từng gặp ở chỗ này, chỗ kia. Có lần ở quán cơm bụi, một ông mặt đỏ linh căng, đứng dậy vỗ ngực đồm độp khoe là “nhà thơ” và đọc thơ ông ổng khiến cả quán trố mắt nhìn. Lại có lần trên tàu hỏa, mấy ông biến toa tàu thành chỗ tung hô, đọc, khen thơ nhau ồn ào, chẳng để ý đến vẻ mặt khó chịu của những người xung quanh.

Các cụ ta đã nhắc: Văn mình, vợ người. Để thấy bài thơ, câu văn mình cho là tâm đắc chưa chắc đã tâm đắc với người khác. Chưa kể, thơ là sản phẩm của tâm hồn và trí tuệ, nó mang cảm xúc mạnh mẽ và kén chọn người thưởng thức, vì thế không thể “tung tóe” thơ ra bất cứ nơi nào như một số người đã làm.

Thật khổ khi phải nghe thơ bất đắc dĩ. Nhưng tôi nghĩ khổ hơn là người làm ra những vần thơ đó. Họ khát thèm thể hiện bản thân đến nỗi quên mất mình đang làm phiền người khác.

Và lần sau, hễ thấy “nhà thơ” đó xuất hiện, không ít người vội vàng lánh mặt vì sợ phải nghe thơ của họ.

Ngô Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước