Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Thái Nguyên năm 2015: Sân chơi rộng mở
VNTN - Đề tài không hạn chế, số lượng tác giả, tác phẩm tham gia khá đông đảo, cuộc thi tạo ra sân chơi rộng mở cho những ai yêu nhiếp ảnh và ham thích khám phá những điều hay - khác lạ của đời sống. Và sau cuộc chơi đầy lý thú luôn có những mong muốn, kỳ vọng thay đổi về cả cách thức tổ chức lẫn trong tư duy sáng tạo của người chơi ảnh.
Cuộc thi được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên phát động từ tháng 5 đến tháng 9/2015, với mục đích giới thiệu những nét đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập; ca ngợi những tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, trong đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Không giới hạn về đề tài, đây là cuộc thi dành cho những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh chưa phải là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thái Nguyên. 790 tác phẩm của 41 tác giả gửi tham gia cuộc thi đã phần nào khẳng định phong trào chơi ảnh sôi nổi ở Thái Nguyên, và sự hấp dẫn, lan tỏa của loại hình nghệ thuật này trong nhịp sống hiện đại. Qua các vòng chấm chọn, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 85 bức ảnh chất lượng để trưng bày tại Triển lãm Ảnh nghệ thuật Thái Nguyên năm 2015, khai mạc vào ngày 20/10 và kéo dài đến hết ngày 31/10/2015, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Lớn lên từ đá Ảnh: Khánh Vân
Nội dung các tác phẩm tham gia cuộc thi được phản ánh khá đa dạng ở nhiều mảng, chủ đề về thiên nhiên, đời sống con người, ngành nghề, bản sắc văn hóa các dân tộc… Từ những hình ảnh sinh động về “đặc sản” Thái Nguyên, là thép, là chè, cho đến những vùng đất xa xôi miền biên viễn, thiên nhiên và con người được khai thác ở nhiều góc độ, khi hối hả, lúc bình dị; những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc; cuộc sống hiện đại với nhộn nhịp phố phường, các hoạt động trong lĩnh vực dân sinh, giáo dục, y tế cũng được phản ánh khá nhiều; mảng màu ấn tượng về hình ảnh người chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ, lúc đời thường nghỉ ngơi, vui chơi… Đề tài về văn hóa, cuộc sống đồng bào vùng cao luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những nghệ sĩ thích trải nghiệm. Họ nói về sự kết nối cộng đồng, cuộc sống thiếu thốn nhưng yên bình, ấm áp (Trước giờ đi hội - Nguyễn Minh Xuyết); nói về những đứa trẻ “Lớn lên từ đá” với nụ cười hồn nhiên trong trẻo sáng rỡ, cho thấy sức mạnh sinh tồn mãnh liệt của con người, những đứa trẻ ấy sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng sinh ra từ đá, lớn lên trên đá mà không cam chịu gian khó… Bức ảnh “Nụ cười chiến sĩ trẻ” của tác giả Bùi Hiệp (Báo Quân khu 1) đoạt giải Nhất, không phải bởi đề tài hay lối chụp lạ, mà vì chính nhân vật trong tác phẩm ấy bắt mắt, hấp dẫn, toát được thần thái từ ánh mắt, nụ cười rất đỗi cuốn hút. Các bức ảnh còn lại trong bộ giải gồm 2 giải Nhì (tác phẩm “Xung trận” - Dương Tuấn Dũng, “Vào ca” - Lê Lâm); 3 giải Ba (gồm “Lớn lên từ đá” - Khánh Vân, “Tuổi thần tiên” - Vũ Đồng, “Sự cố bất ngờ” - Phan Quốc Bảo), và 7 giải Khuyến khích được các giám khảo đánh giá là đều chụp theo kiểu chộp, bắt lấy, nhặt lấy khá tinh tế, đó là lối chụp tốt, đáng khuyến khích.
Vào ca - Ảnh: Lê Lâm
Đánh giá về chất lượng cuộc thi, Nghệ sĩ - Nhà Lý luận phê bình nhiếp ảnh (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) Vũ Huyến, trưởng Ban giám khảo cho biết: Hoạt động này của Hội VHNT Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho mọi người được tham gia một sân chơi rất thiết thực, tác phẩm được các nhà nhiếp ảnh có kinh nghiệm và chuyên môn đánh giá, thông qua đây các tác giả có cơ hội được khẳng định mình, biết mình đang ở “tầm” nào. Thái Nguyên là tỉnh có phong trào nhiếp ảnh mạnh hơn các tỉnh trong khu vực, gần 800 tác phẩm trong cuộc thi lần này đã khẳng định thực tế đó. Bộ ảnh năm nay về khâu kỹ thuật tương đối sạch, có nhiều tên tác giả trẻ hơn, có người có tới 3, 4 ảnh lọt vào vòng giải. Tuy vậy, hạn chế là ảnh chụp vẫn hiền lành, mô típ, ý tưởng, lối chụp vẫn theo cách cũ. Tuy người chơi ảnh có sự biến đổi trong cách nhìn nhận, khám phá góc độ, song các tác phẩm chưa có sự bứt phá, người chụp chưa thực sự tìm tòi sâu ở các lĩnh vực, sự trùng lặp còn nhiều, nhất là những hình ảnh về ruộng nương, con người vùng cao, nhịp sống công nghiệp… Vẫn biết rằng có những đề tài mãi là đề tài tốt, như về gang thép, cây chè…, có thể cách chụp không phải bắt chước, nhưng do cách tư duy còn “non” nên không tạo ra được bức ảnh mới, phá cách. Mặt khác, người chụp khá lệ thuộc vào thiết bị hiện đại, nhiều bức ảnh sắc nét, nhìn thì đẹp song không cho người xem thấy được điểm nhấn, nổi bật điều bức ảnh muốn nói là gì. Một số ảnh xử lý phần mềm photoshop nhưng chưa khéo, khâu cắt cúp không tốt, người chụp còn tham lam nên vô tình làm bức ảnh mất giá trị.
Sự cố bất ngờ - Ảnh: Phan Quốc Bảo
Lần đầu tiên tham gia sân chơi này, anh Dương Hoàn Vũ, sinh viên trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên tỏ vẻ hào hứng khi đến xem các giám khảo chấm ảnh. Gửi tham gia dự thi 5 ảnh, dù không có ảnh nào được chọn trưng bày nhưng Vũ khá vui vẻ: “Dù bận nhiều việc nhưng nghe tin ngày chấm ảnh tôi liền tìm đến xem, mở mang ra nhiều điều. Cuộc thi có sự tham gia của nhiều tác giả là hội viên Hội VHNT tỉnh nên đã có sự chuyên nghiệp, qua tác phẩm của họ tôi học hỏi được nhiều về tư duy nội dung, bố cục, góc độ phản ánh… Là người chơi ảnh không chuyên nên chúng tôi rất cần những sân chơi bổ ích, khai mở như thế này để có cơ hội được cọ sát, học hỏi kinh nghiệm. Sang năm nếu Hội còn tổ chức tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia, sẽ đầu tư hơn nữa để có tác phẩm chất lượng”.
Cuộc thi thu hút được người trẻ, có nhiều nhân tố mới, đây là một sân chơi thú vị, hấp dẫn, song nó sẽ còn thu hút, lan tỏa hơn nếu chúng ta có những thay đổi hợp lý. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Việt Hùng, thành viên Ban Tổ chức cuộc thi bày tỏ: Đối với phương thức, thành phần chấm chọn giải, phải làm sao để giám khảo mới hơn, trẻ hơn. Chúng ta yêu cầu người chụp ảnh thay đổi tư duy, sáng tạo mới mẻ, vậy thì những người “cầm cân nảy mực” cũng cần phải “tương thích” nhất định với người chụp ảnh. Việc không giới hạn chủ đề là cơ hội để các tác giả thỏa sức khám phá, sáng tạo, tuy nhiên nó lại cũng vô tình khiến người chụp tham lam, cái gì cũng chụp, đẹp nhưng không sâu. Nên chăng chúng ta sẽ tổ chức thi theo chủ đề chuyên biệt từng năm, ví như “con người lao động”, hoặc “Thái Nguyên ngày nay”… chẳng hạn. Thiển nghĩ cái gì chuyên thì sẽ sâu, sẽ có thể thấy được sự khác biệt ngay. Thêm nữa, hiện nay hình thức chấm giải vẫn như cũ là bỏ phiếu màu, các tác giả tham gia dự thi phải in rửa ảnh khá tốn kém, khâu nhận, gửi tác phẩm cũng rườm rà. Chúng tôi nghĩ đến phương thức gọn nhẹ, khoa học là gửi file, hình thức này yêu cầu các giám khảo chấm riêng biệt, các máy chiếu phải được cài cặt đồng nhất về màu sắc, ánh sáng, chế độ… Tuy nhiên đó vẫn là việc khó, bởi trong phạm vi một Hội VHNT tỉnh, chúng ta chưa đủ điều kiện trang bị máy móc hiện đại để các giám khảo chấm trên màn hình.
Được biết, Hội VHNT tỉnh đã có đề nghị xin bảo trợ Cuộc thi của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, những tác phẩm đoạt giải Nhất, Nhì, Ba được Hội NSNA Việt Nam trao giấy Chứng nhận và được tính điểm xét kết nạp vào Hội NSNAVN. Đối với các tác phẩm được treo triển lãm thì tác giả được tính điểm để xét kết nạp vào Hội VHNT Thái Nguyên.
Lê Đình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...