Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
15:23 (GMT +7)
KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 22/12

Cuộc gặp gỡ giữa đại ngàn Trường Sơn

Tôi may mắn nhiều lần được có mặt trong cuộc hội ngội của những cựu lính Trường Sơn đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Câu chuyện về thời còn trong quân ngũ của những người lính già lúc dí dỏm, lúc quặn thắt, lúc lại dâng trào cảm xúc. Một trong số những câu chuyện tôi được nghe ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên nhắc đến là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa 2 anh em ruột giữa đường Trường Sơn, mà ông chính là nhân vật tham gia trực tiếp vào câu chuyện đầy cảm xúc đó. Điều kỳ diệu là cả 2 anh em trong câu chuyện của ông Thắng đều trở về nguyên vẹn sau chiến tranh và hiện đang sống ở huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội.

 

Cuộc hội ngộ của những người đồng chí

Vậy là cuộc gặp gỡ của ba người lính già trong câu chuyện năm xưa lần này có thêm tôi.

 Hơn 5 giờ sáng, tôi cùng ông Thắng và người cháu gọi ông Thắng là cậu xuất phát từ Thái Nguyên đi Phú Xuyên.

Trời còn nhá nhem tối, không biết cơn mưa phùn lất phất kèm theo cái lạnh khá sâu của những ngày Đông, điều khá hiếm hoi trong mùa Đông năm nay khiến tâm trạng ông Thắng bồn chồn. Hay, là bởi sắp được gặp lại đồng đội nên khiến ông Thắng như thế. Ông liên tục nhắc người cháu của mình về các điểm rẽ trên đường đi. Người cháu của ông chỉ cười bảo: Cậu yên tâm, cháu có google map đây rồi. Nói thế, nhưng ông Thắng vẫn không ngừng tả về các đoạn đường xe cần rẽ!.

Cuộc gặp gỡ giữa đại ngàn Trường Sơn
Cuộc hội ngộ đầy tiếng cười của ông Thắng (ngoài cùng bên phải), ông Tiệp (ở giữa) và ông Hiệp

Rồi ông kể, ông và ông Nguyễn Văn Tiệp, cùng đơn vị, cùng hành quân vượt đường Trường Sơn. Ngày đó, đơn vị ông đã đi ròng rã ba tháng thì vào đến điểm tập kết. Cả đoàn quân cứ đi mười ngày nghỉ một ngày. Ông Tiệp là trợ lý quân khí của Tiểu đoàn phụ trách sửa chữa pháo. Ông Thắng ở bộ phận phục vụ chỉ huy Tiểu đoàn. Lúc lên đường, ngoài quân tư trang, quần áo, chăn màn, tăng võng, mỗi người mang 7 kg gạo, 1 yến lương khô, 1kg ruốc bông, 1 kg ruốc đen, đường sữa, thuốc, bông băng cứu thương. Ngoài ra, mỗi người còn mang theo 4 băng đạn AK, 2 quả lựu đạn.

Những ngày đầu dù đã được tập dượt nhiều nhưng mang nặng không quen, nhiều người phải bỏ chăn chiên, áo khoác dọc đường. Đi trên đường, phải vượt qua nhiều dốc dựng đứng, phải bắc giáo trèo núi đá như giáo của thợ xây nhà cao tầng. Đầu người đi sau húc vào đáy ba lô của người đi trước. Khi xuống dốc, chân thò ra khỏi dép cao su đến nửa bàn. Sau 2 tháng hành quân, gõ vào lòng bàn chân phát ra tiếng kêu bộp bộp như gõ vào vỏ cái bánh mỳ. Giày đi thì phải đục lỗ ở mũi để khi lội xuống nước, còn có chỗ cho nước thoát.

Lại có những chỗ hai quả núi gần nhau, phải ngả cây gỗ lớn làm cầu nối và buộc dây mây làm dây vịn đi qua. Thường mỗi ngày đi 10 - 12 tiếng. Nhưng có những đoạn phải đi đêm để bảo đảm bí mật.

Càng vào sâu, chân quen đường, sức khỏe tốt dần lên, nhưng lương thực càng ngày càng cạn dần, đi qua các trạm giao liên lúc đó cũng chỉ được tiếp tế gạo, không còn lương khô, đường sữa. Có hôm đến trạm nhận gạo thì gạo cũng hết, giao liên chưa vận chuyển về kịp, phải chờ, anh em bộ đội đành ăn lá cây rừng “cầm hơi”. Hồi đó cứ lá gì rẻo rẻo đều được hái rồi rang lên ăn, đồng thời đi đào thêm củ mài và săn bắn. Khổ nỗi, ngày nào cũng có các đoàn quân ra vào rầm rập nên măng không kịp nhú. Búi lá nào ăn được cũng bị vặt trụi đến tận gốc. Ngày đó, rau trên rừng Trường Sơn phổ biến nhất là lá lốt, lá bứa và các cây mọc ven suối. Trước khi lên đường hành quân, những chiến sĩ như ông Thắng đã được học bài nhận biết 100 loại rau rừng để tránh ăn phải loại lá cây có độc.

Tôi thấm thía hơn phần nào những nhọc nhằn trên đường hành quân của những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đôi khi chỉ qua một chi tiết nhỏ. Ấy là khi nghe ông Thắng kể, lần ông bắt được con cua, nhưng ông chỉ ăn cái mai, còn thân con cua ông nhường cho đồng đội làm liên lạc của mình đang dần bị liệt một bên chân. Ngày đó, ngoài bệnh sốt rét hoành hành thì do ăn uống thiếu chất nên nhiều người vì thế mà bị liệt.

Khó khăn là vậy nhưng trong câu chuyện của những người lính Trường Sơn khi hồi tưởng lại những ngày hành quân ra trận cũng có không ít chuyện vui. Trong đoàn quân đi, ông Thắng và vài người nữa thường đi gần ông Tiệp để được nghe ông Tiệp kể chuyện. Nhắc đến kỷ niệm này, gương mặt ông Thắng sáng rỡ, trẻ trung như thời còn thanh xuân, ông bảo: Bác Tiệp yêu văn học lắm. Trong đầu bác ấy lúc nào cũng như có cả kho sách, truyện vậy. Bác ấy kể hết chuyện này đến chuyện khác, nào là Nhãn đầu mùa, Mùa hoa dẻ, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử… nhờ vậy mà đường đi cũng như được rút ngắn hơn. Lắm lúc đến tình tiết của truyện hay, mải nghe còn quên mất mình đang khoác nặng.

Trời vừa sáng rõ, chuông điện thoại của ông Thắng reo vang tạm ngắt câu chuyện về “ngày xưa” mà ông đang kể. A lô, em đây, em đi được già nửa đường rồi… Tắt cuộc gọi ông Thắng khoe, bác Tiệp gọi hỏi xem mình đi chưa. Bác bảo đã đang đợi mình rồi. Chưa đầy 30 phút sau, điện thoại của ông Thắng lại reo vang, tiếng người ở đầu dây bên kia vọng ra làm những người trong xe như chúng tôi đều nghe thấy cả. “Chú còn nhớ lối rẽ vào nhà không. Qua ga khoảng một cây số nhé; Em nhớ mà, rẽ tay phải chỗ cánh đồng rộng đúng không; Ừ đúng rồi, để tôi ra đón chú…”.

Bấy nhiêu thôi đủ để thấy “họ” nôn nóng gặp nhau đến thế nào. Xe vào đường rẽ, vừa đi qua nhà văn hóa Ứng Hòa to đẹp đã thấy ông Tiệp đứng đợi ngoài ngõ. Tay bắt mặt mừng, ông Tiệp rưng rưng “Anh ngóng chú từ sớm. Chú dạo này có được khỏe không. Cô và các cháu trên đó tốt cả chứ…”. Từ ngoài ngõ vào đến nhà ông Tiệp, phải đi qua vài ba ngôi nhà khang trang khác. Điều tôi lấy làm lạ là chủ nhân của các ngôi nhà ấy dù đang tưới cây hay quét cổng khi trông thấy chúng tôi đều ngừng tay chạy ra vồn vã “Ôi bác Thắng! Lâu lắm rồi mới thấy bác về chơi”. Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Thắng bảo, anh này là cháu ruột của bác Tiệp. Còn chị ban nãy là hàng xóm thân thiết của gia đình bác ấy. Trước chú hay về thăm bác Tiệp nên người quanh đây đều quen mặt hết.

Chúng tôi vừa đặt chân đến hiên nhà, vợ ông Tiệp đã cất tiếng: Chú Thắng về rồi đấy à? Có đưa cả cô về chơi với chị không? – Vâng, em về rồi đây chị, nhà em lại bận công việc đột xuất chứ cũng đã dự định là hôm nay về cùng em đấy. Ông Thắng đáp lời. Sau vài câu hội thoại, một lát sau vợ ông Tiệp mới bước ra từ gian buồng ngang, tay chống gậy, bước từng bước đi khó nhọc. Ông Thắng vội chạy đến, ân cần hỏi thăm, sức khỏe chị tốt hơn nhiều thì phải. Thấy chị đi lại được như này em mừng lắm. Ông Tiệp chia sẻ với chúng tôi: Bà nhà tôi bị tai biến, liệt nằm một chỗ gần năm trời, gần đây châm cứu mới tự chống gậy đi lại được. Chú Thắng lâu không về nhưng vẫn gọi điện hỏi thăm luôn.

Cất giúp vợ ông Tiệp chiếc gậy khi bà đã ngồi xuống ghế, ông Thắng quay ra chiếc thùng cát - tông to đùng mà ông mang từ nhà xuống, lấy ra nào chè, nào miến, nào thuốc bổ, bánh kẹo. Ông chia ra từng phần: Đây là thuốc bổ, em dùng mấy năm nay thấy tốt lắm. Em mua thêm mang về để anh chị cùng dùng. Đây là chè đặc sản của Thái Nguyên để bác Tiệp tiếp khách, còn đây là miến, sản phẩm tiêu biểu của quê hương Đồng Hỷ em đấy. Còn đây, em có chút quà lát gửi biếu bác Hiệp và các cháu.

Ông Thắng vừa dứt lời thì người một đàn ông nhang nhác giống ông Tiệp đi vào, điệu bộ chất phác, gương mặt mừng rỡ: Bác Thắng xuống lâu chưa. Tối qua nghe bác Tiệp thông báo hôm nay bác về chơi, em ở nhà chờ cả sáng. Ông Thắng quay sang tôi giới thiệu. Đây là chú Hiệp, Nguyễn Bá Hiệp, em trai của bác Tiệp, cũng là người mà bác Tiệp và chú gặp ở giữa đường Trường Sơn cuối năm 1971 đấy.

“Em tôi đây mà, em ra đây mà”

Kỷ niệm năm xưa ùa về, những người đã lên lên ông, lên cụ tóc đã bạc tám chín phấn bỗng như trẻ lại, nói cười rôm rả.

Năm 1967, khi vừa tròn 20 tuổi, sau 5 tháng huấn luyện ở ngoài Bắc, ông Hiệp theo đơn vị vào chiến trường miền Nam và trải qua 5 tháng hành quân bộ. ông Tiệp, anh trai ông nhập ngũ trước nhưng làm nhiệm vụ cùng đơn vị tại các tỉnh miền Bắc. Trải qua 5 năm cùng đơn vị chiến đấu nhiều trận đánh ác liệt. Đến năm 1971 do bị sức ép của bom, sức khỏe không đảm bảo, ông Hiệp theo lệnh điều động của đơn vị trở ra miền Bắc. Ông Tiệp lúc này lại cùng đồng đội vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Trước khi đi, ông tâm tâm niệm niệm vào sẽ tìm em trai. Đó cũng là lời dặn của người anh cả khi ông Tiệp báo tin mình sẽ đi B. Ông Tiệp nhớ lại: Đi dọc đường, gặp đơn vị thương, bệnh binh nào ra tôi cũng để ý, cũng hỏi thăm, đến trạm giao liên nào cũng vậy, hỏi han tin tức về chú Hiệp. Dẫu biết, biển người mênh mông, tìm em nơi chiến trường khác nào “mò kim đáy biển” nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng.

Cuộc gặp gỡ giữa đại ngàn Trường Sơn
Ông Thắng và ông Tiệp ôn lại những kỷ niệm bao năm gắn bó

Cho đến hôm đó, đi đến địa phận Binh trạm 37 (ở gần Sông Bạc thuộc tỉnh Át-tô-pư - Lào), đoạn giữa trạm 77 và 78. Chỉ huy hạ lệnh dừng nghỉ 10 phút, lúc sắp hết thời gian giải lao, trong đoàn quân ngược ra Bắc tôi nhìn thấy ai giống em mình. Tôi mới gọi hỏi, phải Hiệp không. Hai anh em nhận ra, cuống lên ôm chầm lấy nhau, tôi hồi hộp quá còn làm tụt cả đầu bao buộc gạo, làm gạo đổ ra hết, các đồng đội sau đó phải bốc lại hộ.

Ông Thắng bổ sung thêm vào câu chuyện: Tôi còn nhớ rất rõ lúc ấy bác Hiệp kêu to “Ơ anh Tiệp”, bác Tiệp cũng hô “Ơ Hiệp”. Hai ông lúc đó cuống lên, bác Tiệp thì cứ “em tôi đây mà, em tôi đây mà”, còn bác Hiệp thì bảo “em ra đây mà, em ra đây mà”. Thấy hai anh em bác ấy vừa gặp nhau mà lại sắp hết thời gian giải lao. Tôi vội chạy lên phía đầu hàng, báo cáo với chỉ huy tình hình và xin chỉ huy cho cả đoàn nghỉ chân thêm 15 phút. Thế là khẩu lệnh từ đầu hàng được truyền đi, “nghỉ thêm 15 phút”.

Ông Tiệp tiếp lời: May nhờ chú Thắng xin giúp, anh em tôi được nói chuyện, hỏi thăm nhau một lúc, nhưng rồi nhanh lắm, cũng đến giờ phải chia tay. Chẳng kịp nói nhiều với nhau, chỉ kịp trao đổi cho nhau cái tăng, võng, cái nặng em mang ra, để cái nhẹ anh mang vào. Gần chiều tối, chúng tôi đến Trạm 78, tâm tư tôi cứ miên man suy nghĩ, vào chiến trường rồi không biết còn cơ hội sống, trở về để anh em gặp lại nhau không. Bố tôi ở nhà qua đời, nhưng lúc gặp nhau chú ấy hỏi tôi vẫn phải nói dối cụ vẫn khỏe. Về rồi chắc chú ấy sốc lắm. Tôi báo cáo với anh Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên cho tôi quay ra trạm ngoài gặp em thêm chút nữa rồi tôi sẽ quay vào kịp để đuổi theo đơn vị. Chỉ huy tâm lý đồng ý cho tôi đi nhưng lo trời tối, bảo tôi cần phải rủ thêm ai đi cùng. Lúc ấy chú Thắng xung phong “để em đi cùng với anh”.

Thế là chú Thắng khoác khẩu AK, mang theo suất cơm nắm ăn dở, thêm một bi đông nước, mượn thêm cái đèn pin, không ăn uống gì cứ thế trở ra trạm ngoài. Hai trạm trên đường Trường Sơn thường được bố trí cách nhau một ngày đi đường. Vì thế để có thể quay ra trạm ngoài rồi trở lại kịp giờ đơn vị hành quân chúng tôi chỉ có thể vừa đi, vừa chạy. Cứ đến chỗ có lối rẽ, chú Thắng lại phải chặt vài cành cây dấp vào đánh dấu để khi quay ra không bị lạc. Đèn pin cũng phải dùng lá cuốn xung quanh để ánh sáng không tán rộng, đảm bảo bí mật.

Ông Thắng cảm thán, quãng đường giữa 2 trạm ban ngày chúng tôi đi hết 12 tiếng, nhưng chúng tôi chỉ có khoảng 5 tiếng để trở lại đơn vị. Nếu không phải vì tình anh em tha thiết, khao khát tình thân thì không thể lấy đâu ra động lực để làm được việc ấy.

Ông Tiệp tiếp tục câu chuyện: Lúc đến được trạm ngoài chỗ chú Hiệp dừng nghỉ đã là đêm muộn, cả đơn vị đã đi ngủ. Tôi phải hỏi các đồng chí gác chỉ cho vị trí của đơn vị thương binh mới ra lúc chiều. Rồi tôi đi lần từng võng một, đến võng nào cũng lay gọi, mãi đến cuối hàng thì mới đúng chú Hiệp.

Cuộc gặp gỡ giữa đại ngàn Trường Sơn
Tấm ảnh lưu niệm của vợ chồng ông Tiệp, ông Hiệp và ông Thắng tại gia đình ông Tiệp

Trời lắc rắc mưa, hai anh em cũng chỉ nói chuyện thêm với nhau được khoảng 15 - 20 phút. Tôi đưa cho em được 14 đồng tiền Bắc chưa tiêu hết để chú trở ra đi đường mua nước uống. Thế rồi lại vội vã quay về đơn vị. Ông Thắng kể thêm: Lúc ra trời tối đen, may chúng tôi gặp hai đồng chí thông tin, dẫn đường ra mới đi nhanh mà không sợ lạc được. Lúc chia tay, hai đồng chí ấy còn cho chúng tôi hai con cú muỗi mới săn được. Lúc tôi và bác Tiệp ra đến khu vực bờ suối đã là 2 giờ sáng, người đói nhũn. Tôi vội chặt cây, dựng lều rồi nhóm lửa bên trong để nướng 2 con cú muỗi, giở nắm cơm ban chiều mang theo thì đã thiu hết nhưng hai anh em vẫn ăn cùng với thịt cú muỗi và uống nước suối. Lúc ấy sao mà thấy nó ngon thế chứ. Ăn lót dạ xong, hai anh em lại chạy. Về đến đơn vị vừa kịp giờ báo thức sáng. Chúng tôi ăn sáng cùng đơn vị rồi tiếp tục lên đường. Hai ngày dài và một đêm không ngủ, nghỉ, hôm sau hai anh em đều thấm mệt…

Câu chuyện của ba người lính già cứ rôm rả và liền mạch như không có điểm ngừng như thế, mãi đến khi con, cháu của ông Tiệp đến chơi. Câu chuyện giữa họ ấm áp, thân tình như những người ruột thịt. Tôi đề nghị mọi người chụp một tấm ảnh lưu giữ khoảnh khắc này. Khoảnh khắc của tình thân, tình đồng chí!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

An toàn trong siêu bão

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước