Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:24 (GMT +7)

“Cũ và mới” của Dương Văn Chung

VNTN - Thay cũ đổi mới là câu chuyện muôn thủa của văn nghệ, đánh giá cao những sáng tạo, thích ứng nhanh với cái mới nhưng cũng rất nặng lòng với điều cũ. Tác phẩm “Cũ và mới” của Dương Văn Chung là một góc nhìn của người trong cuộc.

Họa sỹ Dương Văn Chung hiện là trưởng Khoa Sư phạm trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, hội viên Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam. Anh có một phong cách tạo hình độc đáo, pha trộn nhuần nhuyễn giữa bút pháp gợi tả Á Đông và cách nhìn của mỹ thuật đương đại.

Bức tranh sơn dầu “Cũ và mới” khổ 1,3m x 1,3m có lối bố cục chồng lớp, biểu hình rõ ràng: nhân vật chính là một chàng trai mang phong cách Hip hop trong một tư thế rất động của điệu nhảy. Không gian nền là một khoảng trống và chếch trái phía trên là mảng lớn một phần mặt trống đồng với sắc độ dịu hơn hẳn. Đây là cách sắp xếp khéo léo đầy ý đồ dựa trên những cặp tương quan cơ bản: rõ và mờ, tĩnh và động, tạo ra những lợi thế cho điểm nhìn. Quan sát kỹ ta sẽ thấy các họa tiết chim, hươu… trên mặt trống đang vận động với chiều quay ngược hướng, nhưng nó lại dừng nếu so với khối hình còn động hơn ở phía trước. Sự chắp ghép các mảng tả thực vừa tạo nên hai lớp không gian vừa khéo léo để chúng đồng hiện như cách nhìn một vấn đề bằng cả hai mặt.

Trống đồng, Thạp đồng là niềm tự hào của người Việt với nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Là điểm tựa cho lòng tự tôn, tình yêu quê hương. Trên tranh, phần nền là một vế đối trọng với hình tạo ra quan hệ thăng bằng về ảo giác. Sự cân bằng thị giác chi phối tất cả là cân bằng trong và ngoài của các lớp không gian. Nền ở đây là giới hạn tương đối cho khoảng cự ly ảo giác để hình dựa vào và trên điểm tựa ấy mà biểu hiện. Cách tả thực chi tiết của tác giả khiến nhân vật như được cắt từ đời thực dán vào không gian đó.

Hip hop phát triển ở Mỹ thập kỷ 70, vượt ra ngoài biên giới, thỏa hiệp và pha trộn với nhiều thể loại, hip hop ngày nay trở thành phong trào xã hội của thế giới. Nó đem tới tiếng nói của một thế giới đa chiều, của những con người bất quy tắc, coi thường những định kiến. Người Việt ta vốn sử thế dung hòa, khéo léo với những cơn sóng ngoại lai, bởi khi cơn khát ngoại lắng dịu hip hop sẽ tìm được chỗ đứng thích hợp mang phong cách Việt và không bị lạ lẫm trước những cây đa, bến nước, con đò. Có thể đó cũng là ý mà tác giả muốn nói khi đưa vào cùng một không gian cả nền tảng cốt cách - cũ lẫn mới.

“Cũ và mới” bật lên những hình tượng, vấn đề được tác giả đưa ra không ẩn ý khen chê. Có lẽ vì thế không gian tranh là sự bộc bạch những chính kiến nửa hào hứng nửa phân vân của người trong cuộc. Vẫn hình ảnh ấy từ cuộc sống hàng ngày, song tranh của Dương Văn Chung như đánh thức những cảm quan và cho ta cách nhìn mới đầy sinh khí.

Nguyễn Lộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy