Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
04:37 (GMT +7)

Công viên cây xanh: Điều kiện cần của một đô thị phát triển bền vững

VNTN - Thành phố Thái Nguyên được thành lập ngày 19/10/1962. Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Thành phố đã giành được nhiều thành quả đáng tự hào. Đây cũng chính là cơ sở, tiền đề để thành phố tiếp tục vươn lên, khẳng định mình trên con đường phát triển và hội nhập.

Năm 1962, từ thị xã nhỏ bé trở thành đô thị loại III, thành phố Thái Nguyên chỉ có 6 vạn dân, với 4 khu phố, 2 thị trấn và 6 xã; đến nay thành phố Thái Nguyên đã trở thành đô thị loại I, trực thuộc tỉnh, có địa giới hành chính được mở rộng với 32 đơn vị xã, phường (trong đó có 21 phường và 11 xã), tổng diện tích tự nhiên là 222,93km2, dân số gần 37 vạn người.

 

Không gian sống xanh chính là sự phát triển bền vững nhất của một đô thị (Hình minh họa)

Tuy trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh nhưng đến nay thành phố Thái Nguyên vẫn chưa thể có một công viên đúng nghĩa. Trong ký ức của những người dân đã sống tại thành phố, công viên vườn hoa công cộng duy nhất là Vườn hoa Sông Cầu tại trung tâm thành phố, ngay bên bờ Sông Cầu hiền hòa, nhưng do nhu cầu phát triển, vườn hoa đó được chuyển đổi thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp như hiện nay.

Theo tiêu chuẩn đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị loại I và loại II là 10 - 12m2/người; tiêu chuẩn đất cây xanh công viên là 6 - 7,5m2/người (Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN9257:2012). Nếu áp dụng theo tiêu chuẩn này thì thành phố Thái Nguyên đạt khá thấp so với tiêu chuẩn chung của một thành phố hiện đại - văn minh và còn thấp xa so với tiêu chuẩn quy định, chưa nói đến một số tiêu chuẩn về công viên thì gần như bằng không.

Công viên đóng một vai trò quan trọng tại các đô thị. Không chỉ là lá phổi xanh điều hòa khí hậu, mà còn là nơi có các hồ chứa tạm chống ngập úng điều hòa độ ẩm, đây còn là nơi vui chơi của con trẻ, nơi nghỉ ngơi và rèn luyện sức khỏe của người già, là nơi thanh niên không chỉ đến để bày tỏ tình yêu, mà còn đến để tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Trong cuộc sống hiện đại, con người bị bao quanh bởi máy móc, các bức tường của công trình kiến trúc và càng ngày càng bị đẩy ra khỏi thiên nhiên, nhất là trẻ nhỏ. Vì thế, một không gian hài hòa với cây xanh, môi trường bên ngoài là cực kỳ cần thiết. Cảnh quan xanh không chỉ mang lại những giá trị hữu hình, mà cả những giá trị tinh thần vô hình cao đẹp, khiến người với người mở lòng nhiều hơn trong cuộc sống hiện đại vốn rất xô bồ. Cuộc sống càng bận rộn, căng thẳng thời hiện đại khiến con người đề cao thiên nhiên hơn bao giờ hết. Không gian xanh trở thành một trong những tiêu chí phải có của một đô thị. Không chỉ tạo ra một đô thị đẹp mắt, không chỉ nâng cao giá trị thẩm mỹ mà còn mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho các thế hệ người dân sinh sống trong đô thị đó. Nơi ở phủ một màu xanh mướt không những giúp người lớn thư giãn, giải tỏa stress, người cao tuổi thong dong an dưỡng tuổi già, các em bé không dùng quá nhiều các thiết bị điện tử mà kết nối nhiều hơn với thiên nhiên, tha hồ chạy nhảy, vui đùa, kích thích trí sáng tạo và phát triển thể chất. Không gian sống xanh, tích hợp nhiều tiện ích cả về thể chất và đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân chính là sự phát triển bền vững nhất của một đô thị.

 

Việc triển khai thực hiện và quản lý khai thác quy hoạch công viên cây xanh sử dụng công cộng tập trung quy mô lớn đều “chờ” nguồn ngân sách của thành phố. Tuy kinh tế có khởi sắc nhưng thành phố vẫn cần dành ngân sách cho các nhu cầu cấp bách hơn như: đường giao thông, thiếu trường học, bệnh viện, thiếu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội thiết yếu… vì vậy, việc đầu tư công viên cây xanh chưa được chú trọng và còn nằm trên giấy trong nhiều năm qua. Tình trạng này đã đến lúc phải được giải quyết nếu chúng ta muốn hướng đến một thành phố thông minh, văn minh và hiện đại. Cần có giải pháp để tăng diện tích cây xanh cho thành phố tương ứng với tốc độ tăng dân số và tốc độ đô thị hóa. Thành phố đã và đang thiếu vốn để thực hiện các quy hoạch công viên cây xanh tập trung hay nói cách khác Thành phố đang thiếu giải pháp để tạo vốn, tạo động lực để thực hiện công viên cây xanh. Cần có giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư thực hiện, quản lý khai thác công viên cây xanh một cách hiệu quả và khả thi.

Thành phố Thái Nguyên với truyền thống anh hùng trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động; con người luôn thân thiện, cùng với đó là cơ chế cởi mở của chính quyền địa phương đã tạo nên thành quả phát triển, đổi mới trong gần 60 năm qua. Việc phát triển hướng tới một đô thị thông minh, xanh sạch đẹp là con đường tất yếu thì việc đầu tư không gian cây xanh công cộng và nhất là công viên cây xanh - một điều cần thiết để tạo sự bền vững. Rất mong có sự quan tâm thích đáng của các cấp lãnh đạo về vấn đề phát triển đô thị bền vững trong đó không thể thiếu công viên cây xanh là tiền đề để thành phố tiếp tục vươn lên, khẳng định mình trên con đường phát triển và hội nhập.

KTS. Trần Hải Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy