Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:29 (GMT +7)

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và sáng tạo mỹ thuật

VNTN - Những năm đầu thế kỷ XXI, nói đến sáng tạo nghệ thuật người ta không còn nghĩ chỉ là sự thể hiện kỹ năng thực hành cơ học trực tiếp lên các thể loại tác phẩm nghệ thuật như tranh lụa, sơn mài, sơn dầu, đồ họa hay các dạng thức sáng tạo điêu khắc mà còn cần phải nói đến nhiều hơn về kỹ năng ứng biến, tạo tác của các nghệ sỹ dưới sự tác động tất yếu của những thành tựu của CMCN 4.0 trong sáng tạo nghệ thuật, trong đó AI (Artificial Intelligence - định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh) là một bước đột phá tác động nhiều mặt đến nghệ sỹ.

Nghệ thuật trong dòng chảy của CMCN 4.0 nói chung và công nghệ AI

Thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được trao đổi lần đầu tiên ở Đức vào năm 2011 tại Hội chợ Công nghệ Hannover. Sự bàn luận này đã lan nhanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trong bối cảnh đó tất yếu không thể thiếu lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Cùng với hoạt động sáng tạo truyền thống, trong quá trình hình thành tác phẩm, có sự tác động bởi công nghệ để tái tạo lại những gì mà trí tưởng tượng của người nghệ sỹ đã hình thành nên, hoặc dẫn dắt người nghệ sỹ đến đích nhanh nhất bằng sự tác động phối hợp với các ứng biến của AI dưới góc độ phát huy triệt để tư duy nhân tạo.

Nhìn nhận khách quan ta thấy, ở góc độ tạo hình, sự sáng tạo nghệ thuật đã có mối liên hệ khá mật thiết với KHCN từ rất lâu. Chẳng hạn sự thay đổi trong quá khứ rất đáng nói là vào thế kỷ XV, khi sơn dầu ra đời ở Hà Lan, lúc đầu đã không được các họa sỹ quan tâm nhiều, mãi đến khi có cuộc Đại Phục Hưng vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI với những tên tuổi như Raphael (1483 - 1520), Leonardo da Vinci (1452 - 1519) thì những tính năng kỹ thuật tuyệt diệu của sơn dầu mới được biết đến nhiều hơn và khai phá một cách sâu sắc. Vào đầu thế kỷ XX, thể loại phim lồng tiếng xuất hiện đã góp phần tạo nên cuộc cách mạng điện ảnh, thế nhưng không phải ai cũng hưởng ứng và nhận ra tính tiên phong của nó, ngay cả Charles Chaplin (1889 - 1977) lúc đầu cũng cố giữ bằng được phim câm và sau này một lần nữa ông cũng không mặn mà gì với phim màu khi mới ra đời. Ông đã mặc cảm suốt một thời gian dài về các công nghệ mới của điện ảnh, nhưng chính công chúng đã làm cho ông phải thay đổi.

Tác phẩm thực hiện từ phác thảo công nghệ A.I Bản sonate No. 23, 2011. Acrylit. Tác giả: Phan Thanh Bình

 

Thành tựu kỹ thuật công nghệ vật lý quang học như tạo hình ảnh âm bản từ trường X - Quang đã tạo nên những hình ảnh hư ảo, thú vị để khám phá ra một “bình diện thị giác” khác của thế giới tinh thần của con người. Công nghệ 3D phát triển ngày càng hiện đại với những tính năng và sự linh hoạt, đa chức năng trong tạo dựng hình ảnh “chuẩn” nghệ thuật và in ấn. Những chất liệu mới của hội họa, điêu khắc, ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là sự xuất hiện của công nghệ nano đã có mặt ở nhiều chất liệu nghệ thuật và mỹ thuật ứng dụng, với các vật liệu đáp ứng sáng tạo thiết kế nội thất hoàn mỹ và mang tính bền vững hơn. Trong điêu khắc, sự xuất hiện của máy CNC khắc vẽ, đục đẽo, tạo hình hoa văn khối mảng không chỉ đem lại sự chính xác và vẻ đẹp sống động khi người nghệ sỹ thực hiện tác phẩm mà còn có khả năng biểu thị những đường nét tinh vi trang nhã nhất bởi “bộ nhớ” của trí tuệ nhân tạo (AI) tương tác trên các hệ thống lập trình bới các hệ máy CNC hiện đại, điều này tất yếu cũng tạo ra một hiệu quả thị giác đối với người nghệ sỹ trong quá trình hình thành một tác phẩm có sự can thiệp của các công nghệ AI đã được “thẩm mỹ hóa”.

Tiệm cận thành tựu AI trong giảng dạy, sáng tác

Cuộc cách mạng công nghiệp điện tử - quang học trước đây đã làm thay đổi khá sâu sắc cách dạy truyền thống. Lúc đầu là những máy chiếu phim slide hình tĩnh, rồi đến máy thu phóng overhead. Khi máy vi tính ra đời đã làm thay đổi gần như tất cả, bài giảng powerpoint không như các thiết bị điện tử-quang học thuần túy trước đó, người dạy với sự hỗ trợ của CNTT có thể chèn kèm theo những tương tác, hiệu ứng của Multimedia, thậm chí có cả phối khí âm thanh trên hình ảnh nổi. Giờ đây với thành tựu của AI, đòi hỏi bài giảng có sức chứa dữ liệu mỹ thuật “nặng ký” hơn, khai thác dữ liệu khủng (Big Data) được coi là một không gian nguồn vô bờ bến vì nó có thể tạo ra được yếu tố xúc giác, thị giác, khứu giác cũng cảm giác “thật”, sâu sắc về mỹ cảm và có tính thuyết phục mạnh mẽ nhất. Bên cạnh khả năng cảm thụ mà loài người đã đạt, đào luyện được là thị giác và thính giác, thì sự liên tưởng về xúc giác, khứu giác và thậm chí cả vị giác khi tương tác, cảm thụ nghe - nhìn không còn là điều xa lạ bởi lý thuyết kỹ thuật số trong công nghiệp 4.0 nói chung và hiệu quả phát triển của công nghệ AI.

Cái thu hút sinh viên vào bài giảng điện tử không chỉ là ở tài người dạy, sự tích cực của người học, không chỉ là không gian lớp học mà hình ảnh đa chiều cùng với ánh sáng âm thanh phải tạo ra những tác động tâm lý mạnh mẽ đối với người học để rồi họ phải đắm chìm trong không gian thực ảo đầy xúc cảm và cảm nhận ra chân lý các giá trị nghệ thuật, tri thức văn hóa, hiểu rõ hơn về bản chất của các sự vật, hiện tượng trong đời sống thẩm mỹ và nghệ thuật. Đối với nghệ thuật tạo hình thì đó là cơ sở đầu tiên để nhận ra cái đẹp trong tác phẩm mỹ thuật với đầy đủ tất cả các giá trị nhân văn, giá trị sáng tạo nghệ thuật của nó.

Hiện nay AI không chỉ đòi hỏi người giảng viên phải luôn nắm bắt sử dụng và hòa mình vào chính nó mà còn đặt ra yêu cầu hết sức tự nhiên và khách quan về đổi mới cách truyền đạt kiến thức và kỹ năng sáng tạo nghệ thuật thị giác, coi kỹ thuật và công nghệ AI hiện đại là công cụ phương tiện hỗ trợ quá trình sáng tạo, giảng dạy của giảng viên và tiếp nhận tri thức trực quan “ảo” cho sinh viên. Sự tiếp cận thành tựu cách mạng công nghệ thông tin và thành tựu kỹ thuật mới tiên tiến của thời đại đã giúp các nghệ sỹ tiếp cận nhanh chóng hơn các giá trị sáng tạo và bước đầu đã có những bước tiệm cận được thành tựu AI có hiệu quả trong đào tạo và sáng tạo nghệ thuật.

Ở Huế, điển hình có các đề tài như của giảng viên, họa sỹ Nguyễn Thiện Đức về ứng dụng công nghệ A.R (Augmeted Reality) vào xây dựng hình ảnh thị giác của môn Giải phẫu tạo hình, đã đem lại những cảm nhận và hiệu quả mới, thú vị, có tính khoa học cao, tính thị giác mạnh cho việc triển khai dạy môn giải phẫu tạo hình. Đề tài của nhà điêu khắc Phan Xuân Hòa đã nghiên cứu phần mềm 3D Zbrush để vận dụng trong giảng dạy điêu khắc, tác giả đã xây dựng và vận dụng nhuần nhuyễn công nghệ mới của máy CNC để làm tượng, đúc tượng, nhân bản tác phẩm điêu khắc và vận dụng tốt trong giảng dạy điêu khắc. Họa sỹ Nguyễn Thanh Tùng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy mỹ thuật ở học phần Phân tích tranh một cách mới mẻ qua tiếp biến hình ảnh và sự chắt lọc phân tích kỹ pháp tạo hình, các giả định về hiệu quả sáng tạo khác nhau, điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực và tạo sự hứng thú trong học tập cho sinh viên.

Yêu cầu tiệm cận của thành tựu AI và sự tiếp nhận nó đối với người nghệ sỹ sẽ làm thay đổi điều gì? Liệu rằng các công nghệ mới và các hiệu ứng của AI có tồn tại như một hiện tượng phổ biến trong đời sống mỹ thuật hay không? Có lẽ đó là câu hỏi khá đơn giản nhưng dường như để có đáp án đúng lại trở nên quá phức tạp, vì trong việc trình bày một cách logic về vấn đề này trong đời sống mỹ thuật thì chúng ta không thể không đưa ra sự tồn tại giữa hai ranh giới: truyền thống và hiện đại. Bởi lẽ tác phẩm mỹ thuật dù ra đời bằng cách gì, nó chứa đựng tư tưởng nào thì cũng không thể không có sự liên hệ một cách tối thiểu như là một gạch nối đối với đời sống công chúng, nghĩa là người nghệ sỹ không bao giờ hoàn toàn độc lập với những gì mà họ đã sáng tạo nên. Tất nhiên truyền thống vẫn luôn có những giá trị vĩnh cửu của nó, mặc dù cuộc cách mạng mỹ thuật nào cũng chỉ là mở đường cho người nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo chứ không bao giờ có thể làm mất đi các giá trị cố hữu của nó.

 

Tác phẩm Tình mẹ con-chất liệu gỗ từ ứng dụng phần mềm 3D Zbrush do GV nhà điêu khắc Phan Xuân Hòa (ĐH Nghệ thuật Huế) hướng dẫn SV thực hiện

Đã từng xảy ra sự đề cao tuyệt đối cái “tôi” trong lịch sử mỹ thuật khi các họa sỹ, trường phái Lập thể, Siêu thực cho rằng “Tôi vẽ cho tôi và tôi hiểu là đủ rồi!”, nhưng có ai trong số Dali, Miro, Chirico… lại thỏa mãn, là thấy “đủ rồi” đâu?! Vì sự tác động khách quan và tất yếu của khoa học công nghệ làm cho họ phải tiếp nhận và ít nhiều phải thay đổi ở cách thức tạo hình của mỗi người. Đồng thời những điều kiện và không gian, cách thức, quy trình để sáng tạo nghệ thuật đã không còn có khoảng cách đáng kể với đời sống như trước.

Gần đây người ta đã sử dụng công nghệ AI để vẽ tranh hoàn toàn từ sự tương tác thị giác những hiệu ứng công nghệ nhận diện và tự lập trình về hình ảnh thông minh. Những bức tranh của máy tính vẽ ra hay robot sáng tạo dẫu chưa thỏa mãn được mọi điều nhưng qua đó cho thấy khả năng kỳ diệu của AI và tương lai của công nghệ vẽ tranh, đục tượng sẽ hoàn thiện đến đâu. Không ít người lo lắng rằng khi AI ngày càng hoàn thiện hơn và ứng dụng vào sáng tạo nghệ thuật thì họa sỹ sẽ… thất nghiệp. Điều đó chưa xảy ra, nhưng có không ít dự báo cho rằng sẽ có “lớp nghệ sỹ” kiểu “Đại Lãn chờ sung”, họ sẽ phụ thuộc vào công nghệ và chỉ cần chuyển tải ý tưởng vào “thiết bị thông minh” là có tác phẩm chứ không cần phải động não, cày xới vật vã như họa sỹ giá vẽ hiện nay.

Hiện nay đã có nhiều giảng viên mỹ thuật ứng dụng AI trong thử nghiệm sáng tạo, như làm phác thảo, xây dựng các giả định sáng tạo đa chất liệu, xử lý các tình huống kỹ thuật và nghệ thuật trong thực hiện tương tác và tranh hoành tráng, thiết kế các bố cục “chuẩn” từ AI để gợi ý cho người sáng tác lựa chọn ý tưởng tạo hình tốt nhất. Nhưng cũng đã xảy ra tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và ứng xử của AI trong hoạt động nghệ thuật và ít có sự can thiệp, tư duy có chọn lọc ở nghệ sỹ. Tuy nhiên, trí tuệ thông minh dù có đạt được thành tựu cao đến bao nhiêu đi nữa thì nó cũng luôn được kiểm soát bởi trí tuệ của con người. Con người sáng tạo và làm nên các giá trị của AI, con người cũng có đủ khả năng, bản lĩnh và sức mạnh để kiểm soát, khắc chế các công cụ thuộc AI để phục vụ cho cuộc sống và lợi ích nói chung và trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng.

 

Phan Thanh Bình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy