Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
11:24 (GMT +7)

Công bố kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2017

Việc đánh giá, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính vừa được thực hiện đối với các sở, ban, ngành của tỉnh và đơn vị cấp huyện là một trong những “thước đo” chất lượng công tác cải cách hành chính trong thời gian qua.


Sáng 8-3 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên và công bố kết quả đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện năm 2017. Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Năm 2017, công tác cải cách hành chính (CCHC) đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Việc áp dụng Chỉ số đánh giá CCHC đối với các cấp đã cho thấy tính toàn diện và hiệu quả trong thực hiện CCHC, nhận thức của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức các đơn vị, địa phương được nâng lên, trách nhiệm của các ngành, các cấp được phân định rõ ràng. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đi vào nề nếp, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là 746.305, trong đó có 98,60% hồ sơ giải quyết đúng hạn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước được tăng cường, 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh đã thực hiện liên thông trao đổi văn bản điện tử được tích hợp chữ ký số; toàn tỉnh có 13/22 sở, ban, ngành; 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã triển khai phần mềm một cửa điện tử hiện đại. Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, 100% thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp ở mức độ 2; 499 TTHC được cung cấp ở mức độ 3, 42 TTHC được cung cấp ở mức độ 4. Các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả Đề án vị trí việc làm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đáp ứng yêu cầu trong hoạt động công vụ, việc phân cấp quản lý được đẩy mạnh…

Tại hội nghị, UBND tỉnh cũng công bố kết quả xếp hạng chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị năm 2017. Theo đó, ở khối các sở, ban, ngành, đứng đầu là Sở Khoa học & Công nghệ với điểm số 85,60 (tăng 06 bậc so với năm 2016), tiếp đến là Sở Công thương và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Xếp cuối cùng là Sở Lao động Thương binh và Xã hội với điểm số 66,04 (giảm 01 bậc so với năm 2016). Ở khối các huyện, thành, thị, thị xã Phổ Yên xếp thứ nhất với điểm số 90,83 (tăng 01 bậc so với năm 2016), tiếp đến là Sông Công và Võ Nhai. Đứng cuối cùng là huyện Phú Lương với điểm số 70,96 (giảm 4 bậc so với năm 2016).

Chia sẻ về kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị đứng đầu khối các sở, ban, ngành của tỉnh cho biết: Năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã có sự quyết liệt trong triển khai thực hiện CCHC đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Sở cũng đã tích cực tham mưu cho Hội đồng Sáng kiến tỉnh xét công nhận 10 sáng kiến về CCHC, đó là các sáng kiến, giải pháp, cách làm mới trong CCHC lần đầu tiên áp dụng hoặc áp dụng thử trong phạm vi cấp tỉnh, đem lại lợi ích thiết thực, nâng cao hiệu quả thực hiện CCHC của tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai và mở rộng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các đơn vị cấp xã và kế hoạch triển khai ISO điện tử trong hoạt động cơ quan hành chính đối với sở, ngành. Tiến hành nhân rộng từ mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đến 166 xã, phường, thị trấn; triển khai mở rộng, chuyển đổi hệ thống đối với 14 xã, phường, thị trấn đã xây dựng trước, đảm bảo 100% các xã triển khai thực hiện áp dụng ISO. Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 sẽ là cơ sở để Sở tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác CCHC những năm tiếp theo.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cũng cho biết: Công tác CCHC của huyện trong năm 2017 vẫn còn một số hạn chế, như trong chỉ đạo điều hành còn chưa có sự quan tâm đúng mức, việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa đáp ứng yêu cầu đề ra... Đây chính là những nguyên nhân khiến cho Chỉ số CCHC của huyện có điểm số thấp và giảm 04 bậc so với năm 2016. Trên cơ sở những hạn chế, tồn tại này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục để góp phần cải thiện Chỉ số CCHC của huyện trong những năm tiếp theo.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về công tác cải cách hành chính, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và công tác giải quyết TTHC; tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc của bộ phận một cửa, bộ phận tiếp công dân; đẩy mạnh tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích… Sở Tài chính tham mưu cho tỉnh trong việc đầu tư kinh phí cho công tác CCHC; Sở Nội vụ tăng cường tham mưu cho tỉnh trong việc thanh tra, kiểm ra, đôn đốc thực hiện công tác CCHC của các sở, ngành, địa phương…

Được biết, việc đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC được thực hiện đối với 19 sở, ban, ngành của tỉnh và 09 đơn vị cấp huyện, theo 02 phương pháp là tự đánh giá và điều tra xã hội học. Thông qua Chỉ số CCHC nhằm xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện CCHC, qua đó giúp các sở, UBND cấp huyện có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai CCHC hàng năm, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng cơ quan, đơn vị về công tác CCHC.

Kim Oanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy