Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
03:33 (GMT +7)

Cơn mưa bất ngờ

VNTN - “Đi nhanh lên trời sắp mưa rồi”. Người đi đường dừng xe lại nhắc tôi, rồi lại chạy xe đi. Tôi cũng nhận thấy trời sắp mưa qua từng cơn gió lạnh. Chắc hẳn mây đen đang che kín bầu trời. Người đi đường lại nhắc tôi: "Nhanh lên, cơn dầy sẽ mưa to và mưa lâu đấy". Ếch nhái đang kêu vang cả cánh đồng.

Nắng tắt từ khi nào? Đi theo hướng đông - tây, tôi không còn thấy nắng soi vào mặt. Gió lạnh không đẩy được bước chân tôi đi nhanh hơn. Cỏ cây khát nước, cất tiếng reo vui. Lâu lắm rồi nay mới lại có cơn mưa. Chim dáo dác về tổ, trong lùm cây xanh.

Trời sắp mưa to. Sấm nổ rền vang. Tôi không còn gặp ai đi đường, để nhờ sự giúp đỡ, đành cứ phải đi theo con đường thẳng. Quãng đường là con đê cũng ít người đi. Tới ngã tư rẽ phải, qua cánh đồng mới về tới làng.

Gió thương người khuyết tật, đổi chiều, ép hàng cây nghiêng về cánh bãi. Nó mở rộng đường cho khỏi vướng chân đi. Dưới sông nước nổi sóng vỗ bờ ì ầm. Tiếng máy nổ của con tàu hút cát, rú lên rồi ngừng hẳn.

Trời mưa, tôi sẽ bị ướt. Nước mưa sẽ làm tôi bị cảm. Nhưng bước chân không thể dài hơn. Đi nhanh tôi có thể vấp ngã. Đường bê tông, mương bê tông sẽ rất nguy hiểm. Tôi có thể bị thương, sây sát nhẹ cũng khổ hơn là bị ướt. Tôi vừa đi vừa nghĩ.

Gió lạnh thổi mạnh hơn. Trong không gian đã có mùi hơi nước. Mưa bám theo gió đang chạy về. Trong cơn gió có mùi đất khô gặp nước mưa, ngai ngái, hăng hắc. Từng giọt mưa rải rác, rơi lộp độp. Gió ngưng thổi, mưa ngừng rơi. Mặt đường được gió dọn sạch, như có người cầm cây chổi dài quét hết cành lá khô và cát bụi dồn xuống dòng kênh. Cây gậy tre không còn phải nhắc tôi có chướng ngại vật là cành lá khô.

Khoảng lặng trước cơn mưa diễn ra mau chóng. Tôi chưa kịp vui thì đã có tiếng rào rào đuổi phía sau. Người hỏng mắt chạy thi với cơn mưa chắc chắn là thất bại. Quãng đường qua cánh đồng ngắn, mưa đã không đuổi kịp tôi trước khi về tới đầu làng. Lại có người nhắc tôi đi nhanh. Tôi nhờ họ giúp chỗ trú, không có lời đáp lại.

Cành cây quất gió vun vút. Gặp ngã tư rẽ phải, tôi đi trên con đường song song với con đê theo chiều ngược lại. Dường như đuổi theo tôi không được, mưa chơi xấu, tắt qua cánh đồng chặn trước mặt, chạy thi với mưa, tôi đã bị thua. Mưa đổ, tôi đi trong mưa. Cây gậy không bảo được cho tôi biết nơi nào có một cánh cổng hay có một mái che, để tránh những giọt mưa rát bỏng, đang tát vào mặt. Kẻ thắng thế đang chà đạp lên người thua trận một cách không thương tiếc. Gần hai cây số nữa mới về tới nơi ở. Đường vắng chẳng phải lo tránh ai, tôi cứ đi giữa đường. Mưa trùm lên đầu. Nước dội xuống vai, thấm vào quần áo.  Người ướt sũng nước mưa. Cây gậy hàng ngày trung thành với tôi là thế, bây giờ nó cũng phản chủ, cứ nhằm tuột ra khỏi tay chạy theo dòng nước, để vui chơi cùng với cây cỏ đang được hồi sinh qua nhiều ngày nắng hạn.

Mưa bủa vây tôi. Nắm chắc đầu gậy, tôi gõ mạnh xuống đường, cảnh cáo: "Mày không nghe theo tao, sẽ bị đập vỡ đầu". Tôi hét lên để tự trấn tĩnh mình. Bị đau, cây gậy không có ý định giẫy ra khỏi tay tôi nữa.

Không khuất phục được, mưa thỏa hiệp với con đường giữ chân tôi lại. Bùn cát nặng trĩu, giày ngập nước. Bước chân tôi nặng nề. Hối hận vì đã vội đi chỉ có một mình, tôi cũng rơi nước mắt. Tôi có nhìn thấy gì đâu mà đòi đi ngắm chiều vàng trên đê. Niềm vui của kẻ nhiều mơ mộng đã trở thành giọt đắng.

Gió động lòng bảo cho tôi biết có chỗ trú mưa, bằng việc quất mạnh lên mái tôn bên đường, cho tôi nghe thấy, những tiếng ầm ầm. Nếu con mắt còn, tôi sẽ thấy được nó từ xa mà chạy đến… Qua hàng giọt gianh nước đổ ào ào là một cánh cổng. Tôi nép mình vào cửa sắt tránh mưa. Có đứa trẻ con chạy ra nắm bàn tay tôi. Hơi ấm từ bàn tay của nó giúp tôi lại sức: "Cháu bảo ai mở cổng giúp chú!". Đứa bé không trả lời. Nó chạy vào nhà. Tôi nghe thấy tiếng quát: "Em ra ngoài chơi cho anh học bài". Có người ở nhà. Họ không nhìn thấy tôi hoặc có nhìn thấy nhưng làm ngơ không biết. Dù sao thì được chỗ này cũng tốt hơn là đi ngoài đường nhiều.

Có tiếng ghế đổ bên thềm cửa. Tiếng chân người anh rời bàn học đi ra: "Em không ở trong nhà, anh khóa em vào phòng đó". Đứa bé hét lên những lời chỉ có anh nó hiểu. Chìa khóa leng keng, rồi tiếng chân của hai anh em đi ra cổng. Cậu thiếu niên mở khóa: "Chú đứng đây lâu chưa? Cháu học bài ở phòng trong, không nhìn thấy. Em cháu bảo, cháu lại nghĩ là nó đùa".

Đứa bé cầm tay dắt tôi vào nhà, tỏ thái độ thân mật như đã quen lâu ngày. Người anh giới thiệu: "Em cháu đấy chú ạ! Em bị thiểu năng trí tuệ. Hơn chục tuổi rồi mà như đứa trẻ lên năm."

Tôi cảm động, nếu nó không làm đổ ghế thì không biết khi nào anh nó mới biết có người đứng ở cổng. Chú bé vẫn nhận thức được về cuộc sống. Việc đá đổ ghế chưa chắc đã phải là vô tình. Tôi chợt nhớ đến Kiên học sinh thiểu năng của trường tôi. Nhớ những buổi chiều trong lúc chờ xe ôm, tôi thường đi dạo quanh sân trường, Kiên thường chơi cùng tôi. Một lần, do lơ đãng, tôi vập trán vào cột điện, mặc dù có mũ bảo hiểm che đỡ nhưng Kiên vẫn cầm tay tôi hỏi: có đau không?! Với trẻ thiểu năng, tình cảm đó là rất quý. Mặc dù học bốn năm chưa viết nổi tên mình nhưng nó vẫn biết quan tâm đến người khác. Kiên thường sang chỗ tôi nhặt giúp đồ rơi. Đầu tuần nó kể cho tôi nghe những việc làm trong ngày nghỉ bằng những từ rất ngắn gọn, như: "Chủ nhật, bố Kiên Đồ Sơn (Chủ nhật bố cho Kiên đi Đồ Sơn chơi). Ngày qua, quê nội (Ngày hôm qua em được về quê nội). Trẻ thiểu năng cũng có tâm hồn, có yêu và có ghét.

Tiếng thằng anh kéo tôi ra khỏi dòng suy nghĩ: "Cháu tên Thanh, còn em cháu tên An. Mấy chiều nay cháu thấy chú đi ngoài đê. Mẹ cháu nhìn chú bảo, hỏng mắt mà trí tuệ minh mẫn vẫn tốt hơn là thiểu năng."

Bản thân tôi cũng tự nhận thấy mình sướng hơn nhiều người. Hỏng mắt tôi vẫn có việc làm. Nhờ có trái tim nhân hậu của người hiệu trưởng, tôi được đi du lịch nhiều nơi, xa nhất là miền đất mũi Cà Mau. Trời cho tôi được gặp nhiều người có tâm Phật. Trời làm mưa. Trời lại chỉ cho chỗ trú. Vững niềm tin vào tương lai, sẽ tìm ra lối thoát.

Tôi ngồi xuống thơm lên má An cảm ơn về lòng nhiệt tình. Sấm ngưng chỉ còn tiếng mưa đổ trên mái tôn. Thanh mời tôi vào nhà. Tôi từ chối với lý do cả người đang ướt sũng. Cái lạnh đã ngấm vào cơ thể, hai hàm răng va vào nhau lập cập, cảm lạnh nước mưa là cái chắc. Ốm ở đây, chuyến đi sẽ kéo dài, tôi  không kịp về thành phố, tham gia Liên hoan công nghệ thông tin của Hội như đã hẹn.

Thanh lấy ghế cho tôi ngồi ngoài hiên. Cậu gọi bà giúp việc bật nước nóng, còn mình lên gác lấy quần áo khô: "Bị nước mưa phải tắm ngay chú ạ!". Tôi nói với Thanh: "Chú ở thành phố, là giáo viên trường khiếm thị, về chơi nhà anh Hòe, bên xóm Đông. Chú thích ra triền đê hóng gió nhưng không may gặp mưa, làm phiền cháu quá”. Thanh cười: “Vậy anh ấy nay đâu không dắt chú đi?"… Dầm mưa, tìm thấy mái nhà, được tắm nước nóng, mặc quần áo khô, tôi như kẻ "chết đuối vớ được cọc". “Chú đọc số anh Hòe, để cháu gọi giúp. Hỏng mắt chú mới tới nhà cháu. Chứ cạnh đê có nhiều chòi coi cá, nếu mắt sáng thì chú đã vào đó trú rồi”. Hòe đang đội mưa đi tìm tôi. Cả nhà bạn đang rất lo lắng. Người hỏng mắt đi tới đâu cũng làm phiền người khác, tôi chợt áy náy. Người bình thường như Hòe kết bạn với người hỏng mắt, giúp đỡ tôi đi nhiều nơi là người rất dũng cảm.

Bà giúp việc sấy tóc cho kẻ xa lạ là tôi: "Hỏng mắt không nên đi một mình. Nhiều người dầm mưa lâu cảm lạnh không cứu được đấy cháu ạ! Chỉ nên đi dạo lúc trời không có cơn mưa. Năm nay bao nhiêu tuổi mà tóc có nhiều sợi bạc thế?".

Quần áo ướt của tôi được Thanh cho vào máy giặt sấy khô. Cậu thật thà: "Mặc dù chú với em cháu không giống nhau nhưng cùng là người khuyết tật. Cháu giúp chú, sau này sẽ có người khác giúp em cháu". Tâm sự của Thanh khiến tôi nhớ tới hai câu thơ, trong bài dạy con của nhà thơ Trần Nhuận Minh: “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này.” Thanh nói tiếp: "Lát nữa anh Hòe đến chú cứ mặc đồ của bố cháu về. Sáng mai cháu sang chơi lấy cũng được. Bố cháu có rất nhiều quần áo, nếu cần chú cứ dùng luôn. Cháu thấy chú mặc bộ này rất vừa."

An đã ngủ trong lòng tôi. Hơi ấm của nó giúp tôi đẩy hết khí lạnh ra khỏi cơ thể. Nếu gia đình này ở trong thành phố, rất có nhiều khả năng An là học sinh trường tôi. Nhiều năm gần đây, trường Khiếm thị cũng có lớp chậm để giúp đỡ trẻ thiểu năng. Khi nào các huyện mới có lớp thiểu năng để giúp đỡ những em kém may mắn, tôi tự hỏi. Cùng với sự gia tăng dân số, trẻ chậm phát triển giờ có rất nhiều. Hàng ngày tôi đi làm bằng xe khách, có rất nhiều người từ nông thôn bế con cháu mắc bệnh chậm trí tuệ vào thành phố học. Thiểu năng thiệt thòi, ở vùng sâu vùng xa lại càng thiệt thòi hơn.

Mưa mỗi lúc một to, mái nhà thành dòng thác, đổ xuống đường ầm ầm. Người mẹ về, chị pha cho tôi cốc trà gừng: "Ngấm nước mưa uống trà gừng là tốt nhất. Sao chú không bảo cháu pha cho!". Tôi nhận sự chăm sóc của những người dưng một cách mặc nhiên. An tỉnh giấc, nó rời lòng tôi chạy về phía mẹ. Chị bồng con lên tay: "Hôm nay ở nhà có bị anh mắng không?"

Người mẹ quay sang phía tôi: "Lớn lên gia đình chỉ mong cháu biết tự phục vụ cho bản thân là quý rồi chú ạ! Nó là đứa gánh hán gánh hạn cho cả nhà. Từ khi có cháu vợ chồng tôi ăn nên làm ra. Cơ ngơi này cũng có công của cháu."

Giọng chị tựa giọng mẹ tôi khi nói về con mình. Dường như những người mẹ có con khuyết tật, giọng nói đều buồn buồn giống nhau. Chiều chiều gặp người đi đón con, nghe họ tâm sự về ước mơ với những đứa trẻ khuyết tật, tôi bị ám ảnh rất nhiều.

Người ta mơ ước con làm nhà khoa học hay doanh nhân thành đạt…, còn  họ chỉ mơ ước đơn giản là con có khả năng tự phục vụ cho mình. Sự kì vọng thấp, thường có kết quả cao. Khi gia đình chọn được phương pháp chăm sóc và giáo dục phù hợp với đứa trẻ kém may mắn, chúng có khả năng hoàn thành ước mơ của cha mẹ và cao hơn nữa là biết lao động tự nuôi sống bản thân.  Những người sinh ra những đứa con khuyết tật là những người thiệt thòi nhất trong xã hội. Giàu hay nghèo, họ đều có sự dằn vặt trong lương tâm. Mẹ An cũng như rất nhiều người mẹ khác, luôn tự trách mình không chữa chạy cho con kịp thời vì điều kiện kinh tế khó khăn. Trong xã hội, có những cháu thiểu năng, cả bố và mẹ là bác sĩ, họ chữa chạy cho con chắc là phải đúng khoa học, tại sao các cháu vẫn mang tật cả đời? Hiện đại như nước Mỹ vẫn có trẻ thiểu năng, điều đó chứng tỏ, cuộc sống vẫn có rất nhiều điều nằm ngoài sự hiểu biết của Y học. Đừng nên đặt chữ “giá như” vào cuộc sống, những gì không thay đổi được thì nên chấp nhận. Tạo hóa có những người khuyết tật thì cũng phải có những người nuôi con khuyết tật. Mưa đến, mưa đi vẫn nằm ngoài ý muốn của con người.

Theo đức Phật, người sinh ra sướng khổ đều là cái nghiệp. Cái nghiệp cũng có thể thay đổi bằng chính việc làm thiện tâm của mình. An lại đi sang tôi, nó tựa đầu vào cánh tay tôi. Nếu không có cơn mưa bất ngờ này thì tôi đâu có biết em, âu cũng là cái nghiệp. Trong trí nhớ tôi, từ nay có thêm một đứa trẻ thiệt thòi đã giúp mình tránh cơn mưa bão. Tôi không thể giúp An tới trường như nhiều đứa trẻ khác. Việc tôi có thể làm được là gửi những tài liệu về trẻ chậm phát triển vào hòm thư của Thanh, để em in cho mẹ đọc. Có phương pháp, mẹ sẽ là cô giáo của An. Người mẹ có hiểu biết là người thầy tốt nhất của con, vì đứa trẻ như An rất cần lòng kiên trì và trái tim nhân hậu của người giáo dục. Như mẹ em Nhữ Minh Nhật, học sinh trường khiếm thị, gần mười năm chị chở con đi học, đều như vắt chanh bất kể nắng mưa. Chưa bao giờ tôi nghe thấy chị phàn nàn về nỗi vất vả. Cố gắng của chị đã được đền bù, bằng việc con biết tự phục vụ cho mình. Yêu quý người thân trong gia đình, giúp đỡ họ phát triển cũng là một việc làm phúc, lộc nhận được là sự nhẹ gánh cho ta. Bởi vậy mới có câu: "Thứ nhất là tu tại gia…”

Đường ngập nước mưa, tôi tự đi bộ về mà không chờ Hòe đến đón như đã hẹn. Gió đùa tôi bằng việc rung cành để những hạt mưa còn đọng trên lá rơi rào rào. Tôi đứng khựng lại vì tưởng trời mưa lại. Nhưng tự nhiên rất hài hòa với những ai yêu quý nó.  Gió chưa kịp làm tôi sợ hãi, nắng đã bảo cho kẻ hỏng mắt biết trời quang. Chắc hẳn sau cơn mưa, không gian trong sáng hơn, tuy yếu ớt nhưng nắng chiều vẫn còn đủ sức đuổi theo tôi, uống hết những giọt mưa vừa rơi trên vai áo.

Lê Trung Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước