Con đường hạnh phúc giữa lòng thành phố
VNTN - Mặc cho nắng, mưa mặt đường vẫn phẳng lì đen nhẵn. Hai bên đường những ngôi nhà cao tầng khang trang đua nhau mọc lên san sát kèm theo là hàng quán và vô vàn những dịch vụ buôn bán sầm uất. Người dân ở các tổ dân phố dọc con đường ai cũng vui mừng vì ước mơ và những đóng góp của họ suốt gần 30 năm nay đã thành hiện thực.
Từ những ngày khai phá
Để có con đường Việt Bắc như ngày hôm nay, thế hệ thanh niên 9x và trẻ hơn thế của thành phố, khi nghe chuyện chắc hẳn sẽ không tin và không thể hình dung ra cảnh quan ngày xưa của một con đường giữa lòng thành phố. Tuy nhiên, với lớp người cao tuổi và những người dân đã đổ biết bao mồ hôi, công sức từ những ngày đầu hình thành con đường thì câu chuyện đó chỉ như mới ngày hôm qua.
Người ta thường bảo “đi mãi rồi cũng thành đường” vậy mà người dân ở khu vực dọc đường sắt từ trường Đại học Nông nghiệp III (nay là Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đến ga Đồng Quang, xuôi tới đường tàu Bắc Nam không hề thấy điều đó. Gần 30 năm trước, dù cách trung tâm thành phố không xa, nhưng nơi đây như bị bỏ quên bởi bị những rừng tre, rặng tre già rậm rạp bao bọc. Hun hút và hoang dại, dọc hai bên đường sắt tới mấy cây số đâu cũng chỉ thấy tre, người ta cũng gọi luôn khu vực này là xóm Cầu Tre. Và thời đấy, muốn di chuyển người dân chỉ đi bộ trên đường sắt hoặc nếu ai có xe đạp phải vừa đi vừa dắt men theo con đường đá bé tẹo, gập ghềnh phủ lá tre mục ven đường tàu.
Ông Lê Quang Hãnh, 75 tuổi từng giữ chức Chủ tịch UBND phường Đồng Quang từ năm 1985 đến 1994, là một trong những người khởi thảo xây dựng con đường. Khi nhắc về ngày đó, ông không khỏi tự hào. Có lẽ suốt cuộc đời làm việc và gần 10 năm làm lãnh đạo một phường lớn của thành phố, với ông việc làm được con đường này là một thành công ý nghĩa nhất. Cũng xuất phát từ khó khăn thì mới có con đường, ông nhớ lại: “Hồi đó buổi tối tôi thường hay đi họp ở các tổ dân phố dọc đường tàu, nhiều hôm trời tối quá phải lần mò, tôi đánh rơi cả đèn pin, phải đợi sáng hôm sau dậy sớm đi tìm. Vài lần như vậy tôi nảy ra ý nghĩ, giá có một con đường đất chạy dọc theo đường tàu thì thuận lợi và đỡ khổ biết bao nhiêu. Hội đồng Nhân dân phường, tôi nêu ra chủ trương đó và được mọi người nhất trí. Họp dân, dân cũng đồng tình ủng hộ thế là quyết làm đường luôn…”.
Quyết tâm thì như vậy nhưng khi bắt tay vào làm quả thật khó khăn. Về điều này ông Vũ Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch phường Đồng Quang, người đầu tiên được ký quyết định thi công đường Việt Bắc và ông cũng là người trực tiếp chỉ huy làm đường rõ nhất. Ông kể: “Phường chỉ cần có ý tưởng như vậy là dân ủng hộ ghê lắm. Chúng tôi quyết định thuê đơn vị quân khu Việt Bắc - một đơn vị xây dựng của quân đội vốn thân thiết với phường thi công, trên tinh thần giúp là chính. Kinh phí rất hạn hẹp, người dân thì nghèo, Đảng ủy và ban lãnh đạo phường đã đặt vấn đề với Phòng Lao động thành phố xin thu tiền lao động nghĩa vụ 9 ngày công của sinh viên các trường: Đại học Sư phạm, Đại học Nông nghiệp III, Đại học Y, trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc và đã được thành phố đồng ý”.
Khi có kinh phí, năm 1991 con đường bắt đầu khởi công. Ngày ra quân đông như hội. Người dân cạnh đường dù chẳng có tiền đền bù nhưng người thì hiến đất, người góp công cùng nhau chặt tre, chặt cây, dỡ nhà, dỡ bếp dọn dẹp để mặt bằng thoáng đãng, thuận lợi cho phương tiện đến thi công. San đồi lấp hủng, máy ủi, máy xúc cứ ầm ì làm việc như thế gần một năm thì con đường dần bằng phẳng. Chỉ còn lại chỗ phốc ngâm tre (khu đầm sâu gần cổng trường Đại học Nông nghiệp III) thì máy ủi khựng lại. Hết đất. Chả lẽ chỉ còn vài chục mét mà con đường lại không được khai thông nối với bờ đê. Tiền cũng đã cạn, đang loay hoay không biết lấy đất ở đâu để san lấp thì rất may cách đó không xa tại đồi Yên Ngựa Mỏ Bạch đang có một vết nứt rất lớn, dài cả trăm mét. Tỉnh có quyết định phải xử lý ngay nếu chậm vết nứt có nguy cơ sập xuống khu nhà dân phía dưới. Tỉnh giao cho Sở giao thông chuẩn bị máy móc đào đất đổ đi. Biết thông tin ấy ông Hoạt sang ngay Sở giao thông đề nghị xin Sở khi đào đất sẽ đổ đất vào khu hủng ấy. Thấy việc làm ý nghĩa Sở giao thông nhiệt tình ủng hộ luôn. Và khi đào hết góc đồi đó thì phốc ngâm tre cũng được san phẳng, con đường đã nối liền.
Trong quá trình làm con đường, toàn bộ diện tích đất làm đường là người dân hiến. Phường chỉ cần mất tiền mua cống, hỗ trợ một phần tiền chặt tre và tiền san ủi cho đơn vị thi công còn những thiệt hại về cây cối, hoa màu người dân cũng chẳng tính đếm. Đặc biệt còn có một số hộ sẵn sàng dỡ nhà, dỡ bếp như gia đình ông Luông, ông Cử, ông Cảnh… Tất cả đều vì mục tiêu chung là nhanh có con đường. Tinh thần cao như vậy nhưng không phải không gặp những khó khăn. Ngoài lấp đoạn phốc ngâm tre còn phải kể đến việc chuyển cột điện cao thế ở gần đường tàu Bắc Nam và nhiều đoạn làm những tầm cống để thoát nước cho con đường không bị sạt lở…
Ông Lê Quang Hãnh (bên phải) đang kể về những ngày mới khai phá con đường
Con đường hoàn thành dài hơn 3km với diện tích mặt đường gần chục mét, thẳng tắp mang tên gọi là đường Quang Trung. Con đường không những thuận tiện cho người dân, học sinh, sinh viên của các trường đi lại mà nó còn là tuyến nối giao thông quan trọng giữa khu vực phía Bắc và phía Nam thành phố Thái Nguyên. Chính vì vị trí quan trọng đó nên sau này các lãnh đạo tỉnh và thành phố quyết định quy hoạch để làm con đường lớn hơn. Nhưng vì vấn đề khó khăn nguồn kinh phí nên nhiều lần dự án mở rộng, trải nhựa con đường đều thành dang dở.
Đến con đường mơ ước
Gần 30 năm, đời sống người dân cũng đã đổi thay, rất nhiều con đường trong thành phố đã được làm lại khang trang, duy chỉ có dự án mở rộng cải tạo đường Quang Trung vẫn treo lơ lửng. Người dân ven đường chỉ biết mỏi mòn chờ đợi, nhà cửa và các công trình cũng không dám xây dựng. Con đường ngày một xuống cấp, lầy lội, những lúc đường hỏng người dân ở các tổ dân phố lại tự vá víu sửa chữa bằng gạch vỡ, xỉ than, đất đá… Nhìn con đường như một vết thương dài trong lòng thành phố, ai cũng ngao ngán.
Đầu năm 2014, hi vọng của người dân được thổi bùng lên khi nghe phong thanh, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Thái Nguyên”, tỉnh sẽ quyết định đầu tư nâng cấp con đường với tên gọi mới là đường Việt Bắc.
Và niềm vui đó đã thành hiện thực khi ngày 1/8/2014, người dân được thông báo về quyết định 1656 của UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đường Việt Bắc. Tuyến đường được xây dựng từ km 0+00 tại điểm giao với đường Thống Nhất (phường Đồng Quang), đến điểm cuối tuyến tại km 3+075 giao với đường đê Mỏ Bạch (phường Quang Trung). Con đường sẽ do UBND thành phố Thái Nguyên là chủ đầu tư, với tổng mức kinh phí tới hơn 350 tỷ đồng, trong đó có hơn 123 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và gần 176 tỷ đồng chi phí xây dựng và các chi phí khác. Nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng thế giới gần 211 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.
Trước khi công trình được tiến hành, việc giải phóng hành lang để các nhà thầu thi công vẫn luôn là điều cần thiết. Nhưng lần này với một công trình giao thông được triển khai ở giữa lòng thành phố, có liên quan nhiều tới quyền lợi của người dân nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng là phần việc khó khăn, nặng nhọc nhất. Ý thức rõ việc này lãnh đạo địa phương thấy thật sự phải cần có cách làm bài bản khoa học. Đồng chí Tô Hạ Sỹ (lúc đó đang là Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung) cho biết: Phường đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đầu tiên chúng tôi đã xác định và quán triệt trong các cuộc họp chi bộ ở các tổ dân phố với tinh thần: trong mỗi hộ, đảng viên phải đi đầu và làm gương cho người khác. Tiếp theo là những cuộc họp để phổ biến chủ trương chính sách phương án đền bù và huy động sức dân. Cuộc họp nào, nhân dân cũng tham dự đông đủ và nhiệt tình ủng hộ, tự nguyện ký nhận các quyền lợi và tự tháo dỡ công trình, thu tài sản trên đất để giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Những ngày sau đó, cùng với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, các gia đình cạnh chỉ giới lòng đường đã nhanh chóng tháo dỡ các công trình xây dựng và chặt hạ, cây xanh, dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng...
Tuy nhiên không phải mọi việc đều thuận lợi như như dự tính. Trong quá trình triển khai dự án, cũng gặp không ít khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng... Là một trong những người dân thường xuyên theo dõi thi công, ông Vũ Xuân Thủy, tổ dân phố 35, số nhà 308, đường Việt Bắc tâm sự: Nhà tôi là nhà tầng khi nâng cấp con đường phải phá cả vào nhà nhưng gia đình vẫn vui vẻ chấp nhận theo chính sách đền bù của nhà nước. Tuy nhiên, cũng trong tổ tôi, những ngày đầu mới thi công có một số hộ vì vấn đề đền bù đã chưa kịp thời giải phóng mặt bằng khiến môi trường bụi bặm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và làm chậm tiến độ, gây khó khăn cho quá trình thi công của nhà thầu. Tôi và các hộ dân rất bức xúc và đã nhiều lần có ý kiến gay gắt ở tổ dân phố, cuối cùng những hộ này cũng phải chấp nhận di dời.
Dù đã vận dụng đúng chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư và thực hiện theo đúng tinh thần người dân có lợi nhất, nhưng do chính sách đền bù đất còn nhiều quy định khá phức tạp. Vẫn có những trường hợp cho rằng được đền bù chưa thỏa đáng nên hai hộ dân thuộc phường Đồng Quang đến những ngày cuối, khi dự án sắp hoàn thiện, mới chịu nhận phương án đền bù và chấp nhận di dời.
Gần hai năm thi công, tháng 12 vừa qua con đường đã được nghiệm thu và hoàn thiện. Nhìn con đường thẳng tắp rộng 22,5m chạy song song với đường tàu, mặt đường ap phan, người dân ai cũng rất hài lòng. Thật sự đây là một con đường đạt yêu cầu cao về chất lượng và mỹ thuật. Rào chắn lan can, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước rất tốt… Và điều đặc biệt, toàn bộ các đường điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, cáp quang, viễn thông, nước sạch... được đặt ngầm trong hệ thống hào kỹ thuật đúc sẵn bằng bê tông vỏ mỏng. Đây sẽ là con đường đầu tiên tại Thái Nguyên sẽ loại bỏ hình ảnh những mạng dây điện, dây thông tin chằng chịt treo trên cột làm mất mỹ quan đô thị.
Đường Việt Bắc - con đường mang ước mơ của người dân thành phố, nhìn từ trên cao nó như một điểm nhấn mềm mại gắn kết các trục giao thông quan trọng của thành phố. Chắc chắn khi đưa vào sử dụng nó sẽ giảm tải cho các tuyến đường nội thị, thuận lợi cho việc đi lại, thuận lợi cho việc buôn bán của người dân. Thành phố và tỉnh Thái Nguyên cần lắm những con đường như thế.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...