Còn đó nỗi đau mang tên Trà Lĩnh
VNTN - Trước đây và nay vẫn thế, ở nhiều vùng nông thôn kinh tế khó khăn, trai tráng thường rủ nhau “dệt” giấc mộng làm giàu bằng việc đi đào vàng, tìm quặng. Số người giàu lên nhờ các kim loại quý chẳng có bao nhiêu, mà ngược lại nơi rừng thiêng, nước độc số người mắc bệnh do nhiễm sốt rét, hóa chất, vương vấn “ả phù dung” không phải ít. Nhưng đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Dường như rừng, núi có linh hồn, khi thân núi bị đào ruỗng với các hang ngầm ngang dọc hay bị đào khoét dưới chân tựa như cái mỏ quạ cũng là lúc núi “rên rỉ” đau đớn rồi nổi giận. Tôi đã chứng kiến núi lở, vùi lấp, nghiền nát gần 20 người trong nỗi đau rền rĩ đến tận cùng của thân nhân của họ như trong vụ sập núi tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái (tháng 9/2012). Cả xã chìm trong tang tóc, không khí rờn rợn lan ra tới tận trung tâm huyện, về thành phố. Để rồi lại nghĩ, không biết cái ngày mà xã Cam Giá, thành phố Thái Nguyên mất đi cùng lúc 52 công dân đang sung sức, trong đó, xóm Núi (nay là tổ 13) trong một ngày mất đi 37 người con thì sự tình bi thảm đến thế nào?!
Đó là vào một ngày cuối tháng 6 (âm lịch) năm 1992. Khi ấy thông tin đại chúng chưa phát triển như bây giờ, mạng xã hội lại càng chưa có nên không có quá nhiều người biết đến sự cố sập núi Kép Ky, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng chôn vùi hơn 500 phu quặng trong lòng núi. Nhưng đối với người dân phường Cam Giá, ai cũng nhớ nằm lòng cái bi thương, tang tóc đó dù đã hơn 20 năm trôi qua…
Giấc mộng làm giàu và một lũng núi chỉ toàn thắp nến
Phải chăng nỗi đau ngày đó quá nặng, quá sâu đến mức hằn lên từng búi tre, gốc sấu trong làng nên đến nay tổ 13 vẫn có phần như quạnh quẽ chứ không nhộn nhịp như nhiều khu dân cư thành thị khác. Người tôi tìm gặp là anh Lê Văn Toàn, tổ 13 (trước là xóm Núi, xã Cam Giá). Anh là một trong số ít những người sống sót trở về từ Trà Lĩnh. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu cũng từ lũng núi ấy.
Anh Lê Văn Toàn kể lại vụ sập núi với tác giả.
Ký ức của anh tìm về mùa giáp hạt năm 1992. Anh kể: Thời điểm đó tôi đang đi làm vàng ở Na Rì (Bắc Cạn), nhà nhắn lên là bố tôi bị bục dạ dày, tôi về nhà chăm ông. Lúc ấy ở làng có hai anh em con nhà bà Nhường đi làm quặng đầu tiên, trúng quả bọn nó về mua được cái đài Tàu mở inh om, oách lắm. Anh em nó về rủ thêm người nhà và lấy quân lên để làm. Thấy vậy, thanh niên trong làng mới rủ nhau đi. Có nhà cả con trai, con rể và cháu chắt đến gần chục người. Bố tôi khỏe lại, ông bảo tôi cứ đi nếu muốn. Đợt tôi đi đông lắm, chúng tôi tập trung ở nhà ông Độ cùng xóm. Nhà ông ấy có bốn con trai, một con rể và một cháu họ cùng đi hôm ấy. Trước khi đi, ông Độ còn bổ mít cho chúng tôi ăn. Đến nửa đêm, anh em mới rồng rắn nhau đi bộ lên chỗ đường tròn Mỏ Bạch rồi bắt xe Zin đoàn 10 ngồi đầy thùng xe tải.
Lên đến bãi, ai đến trước thì được ở dưới chân núi gần nguồn nước, ai đến sau phải làm lán mãi trên cao về phía đỉnh núi. Cứ tám, chín “thằng” một lán. Chị tưởng tượng xem cả một lưng núi dày đặc lán, dân ở đấy vào bãi buôn bán đông lắm, có nhà vào cả nhà gần chục người. Dân Trung Quốc sang mua quặng cũng đông nhưng họ không ngủ lại. Có điều lạ là thời điểm đó, máy phát điện rất thịnh hành, tôi đi bao nhiêu bãi vàng, bãi nào người ta cũng dùng máy phát nhưng ở núi Kép Ky chỉ rặt nến là nến. Cả dân đi đào quặng, cả người dân vào buôn bán cũng chỉ thắp nến. Sau khi thảm họa xảy ra tôi nghĩ lại cảnh đêm đêm toàn ánh nến, cứ như… Anh rùng mình bỏ dở câu nói.
- Đêm xảy ra sự việc anh còn nhớ không?
- Tôi không thể quên dù chỉ là một chi tiết. Thực ra tối hôm xảy ra việc ấy đã có dấu hiệu báo rồi tại mình không biết thôi. Năm đấy mưa nhiều khủng khiếp, tối hôm đó cũng mưa. Tối chúng tôi đã thấy đất đá lăn nhưng ai cũng nghĩ là do người ở phía trên đi lại làm đất đá rơi xuống thôi. Đất ở đây rất yếu, như này nhé, chúng tôi đào xuống sâu 9m, đào như đào giếng, chớm thấy nẹp quặng thế là đào ngách chui theo nhưng thấy toàn đất mượn. Sau thấy dân trên đấy người ta bảo từ thời quân Pháp nó đã cho ủi ở khu vực này để lấy quặng rồi nên đất mới rỗng thế. Tôi cũng nghe họ kể có cái năm nào đó đã từng có 50 công nhân chết ở đó rồi. Thế nên chẳng ai thấy lạ khi đất lăn. Ăn cơm xong, mấy thằng lán tôi rủ nhau chơi tú quỳ. Chơi chán đến lúc buồn ngủ, ai ngồi vị trí nào nằm ngủ luôn tại ví trí đó. Lán khi ấy làm đơn giản lắm, chỉ che mỗi bạt làm mái, bên dưới làm cái sàn để nằm là xong. Nhìn sang lán bên cạnh thấy thằng Quyền nằm phía đầu hồi bị hắt, tôi rủ nó sang lán tôi ngủ cho đỡ chật. Nó nằm ngay cạnh tôi phía bên ngoài. Cứ thế ngủ cho đến khi nghe đến uỵch một cái, tất cả chấm hết. Cả nghìn người vĩnh viễn ra đi trong giấc ngủ, không hề biết chuyện gì xảy ra.
Đồng hồ chỉ 3 giờ sáng, tất cả như xẻng đất úp vào tổ kiến
- Vậy là quả núi nơi các anh dựng lán bị sạt?
- Không. Là quả núi đối diện, đất đá tụt xuống đến đâu đẩy sang quả núi chúng tôi nằm đến đó, giống như nước đổ xuống rồi dâng lên cao dần ấy. Hàng trăm lán bị vùi lấp hết, chỉ có 2 lán trên gần đỉnh núi là không việc gì. Lán tôi có 8 người, lán bên cạnh cũng 8 người, thằng Quyền sang ngủ với tôi bên đó còn lại 7. Tất cả chết hết, chỉ còn tôi và thằng Quyền còn sống. Tôi với nó bị bắn lên xa lắm. Lán tôi ở dưới chân núi mà lúc tôi mở mắt ra mình đã ở lưng núi rồi. Chỗ sườn núi tôi bị hất lên ấy có 3 hòn đá mồ côi to. Thằng nằm ngủ sát sau lưng tôi bị mấy hòn đá đó lấp đầu chết, chân chổng thẳng lên trời. Anh rể nó thì ở trên cái lán cao, lúc kéo nó ra, tôi xem đồng hồ đeo ở tay nó, kim dừng chạy lúc 3 giờ sáng và đoán là thảm họa xảy ra vào thời gian đó.
- Bắn lên cao thế anh có bị thương không?
- Không việc gì mới lạ chứ. Tôi chỉ thấy bị văng lên rồi lộn một vòng xong rơi xuống. May cho tôi là đất rơi xuống trước người rơi xuống sau mới còn mạng. Hoảng, rơi xuống cái là vùng chạy. Nhưng chạy chỗ nào cũng thấy đất. Tôi còn nghĩ hay là có bọn nào ném lựu đạn vào lán, vì vừa hôm trước có trận đánh nhau giữa đội ở Bắc Thái với đội ở Cao Bằng do kèn cựa nhau về chỗ làm. Xong lại nghĩ hay bị Trung Quốc ném bom vì giáp biên mà. Còn một thằng sống nữa, kỳ diệu đến mức này: Lán của nó ở mãi dưới chân núi, thế mà đất nó vò kiểu gì đẩy cả lán và người lên trên gần đỉnh núi. Mọi người trong lán bị đất nhào lấp chết hết, còn thằng này đất vùi kín từ ngực xuống, đầu vẫn hở nên thở được. Thế là sáng ra được bới cứu lên.
- Lúc đó nhìn cảnh tượng chắc khủng khiếp lắm?
- Thực ra thì lúc sáng ra chưa thấy sợ mấy đâu vì khung cảnh lúc đó giống hệt như người ta ụp xẻng đất vào tổ kiến thôi, ngoài đất ra không thấy gì cả . Nhưng đến chiều, cả mình, cả bộ đội vào hỗ trợ bới được người mang ra xếp hàng ở rìa đường, nhìn mới thấy sợ kinh khủng.
- Khi ấy nhiều người được tìm thấy không?
- Tìm được xác của 52 người. Đất đá nhiều như thế chỉ ai trật hở ra mới tìm được thôi còn lại biết chỗ nào mà bới, mà sáng ra vẫn mưa nên tìm càng khó. Thi thể được xếp ở ria đường, đánh số thứ tự và chụp ảnh từng người để người nhà nhận diện.
- Tính đến thời điểm đó, anh lên Trà Lĩnh được lâu chưa?
- Cũng mới được mấy ngày. Hôm xảy ra chuyện cũng là ngày đầu tiên chúng tôi tìm được nẹp quặng. Tôi vẫn nhớ hôm đó bán quặng được 90 nghìn, mấy thằng đang bàn nhau là cử tôi về lấy thêm người lên làm. Số tiền này tôi đưa lại cho thằng ở lán trên có em rể bị 3 hòn đá kẹp đầu chết ấy để nó lo cho em. Mấy thằng còn sống ở cùng bộ đội và dân địa phương bới tìm người đến chiều. Có một thằng bới lên xây xước hết mặt nhưng còn sống. Chúng tôi còn đưa nó ra trạm y tế Trà Lĩnh xong thì về. Lúc ấy, còn duy nhất cái quần đùi mặc trên người, ra xin dân họ cho quần áo. Đến công an huyện Trà Lĩnh nhờ gọi điện về xã thông báo sự việc, xong công an họ bắt xe cho về. Hồi đấy điện chậm lắm. Sáng nay điện báo thì phải chiều hôm sau ở dưới nhà mới nhận được điện. Cảm giác sợ cứ tăng dần cho đến khi về tới nhà. Xe ôm chở chúng tôi về đến xóm ngoài, bà con biết tin đã ào ra để hỏi tình hình, xe còn không đi được vì tắc đường. Tôi về đến nhà, bố mẹ hai bên, vợ và anh em cũng đang khóc vật vã rồi. Bởi vì khi người ta điện về xã chỉ báo là dân lên Trà Lĩnh làm quặng bị sập núi chết hết rồi, chứ có bảo ai còn sống đâu. Nhà tôi hôm đó chật cứng người, cảm giác nặng nề vô cùng vì xung quanh, nhà nào cũng có anh em bị chết, khói hương nghi ngút, tiếng khóc than rầm rĩ. Đúng một tháng tôi không dám bước chân ra khỏi nhà. Sau trấn tĩnh lại được, tôi mới đến được từng nhà thắp hương cho người đã mất.
Nỗi đau xóm Núi
Xóm Núi khi đó có 34 nóc nhà (tính cả hộ độc thân) thì mất tới 37 người ở Trà Lĩnh. Trong căn nhà quạnh quẽ, nỗi đau mất con vẫn hằn lên gương mặt vợ chồng ông Trương Văn Báo và bà Nguyễn Thị Phong. Bà Phong nhớ lại: Nó (anh Trương Quang Nhuận, sinh 1971) khi ấy chưa lập gia đình. Từ lúc nó đi lên Trà Lĩnh đến lúc mất được có 10 ngày. Biết tin, tôi như người không hồn. Ngay trong ngày hôm sau, ông nhà tôi cùng người làng lên Trà Lĩnh. Nhà khi đó nghèo lắm, tôi phải bán con chó để có tiền cho chồng lên tìm xác con. Tôi vẫn nhớ con chó bán được 34 nghìn đồng, người mua kèo nhèo đòi bớt 4 nghìn, đang lúc quẫn trí, tôi tức quá bảo thả chó ra không bán nữa, con tôi chết đang vùi xác ở trên Cao Bằng, tôi phải bán chó lấy tiền đi tìm xác con nhưng giờ tôi không thèm bán cho anh nữa. Lúc ấy cái anh mua chó cuống quýt xin lỗi và trả đủ tiền. Ông nhà tôi đi, nhưng thực ra cũng chỉ đến nhìn nơi con chết thôi không làm gì được. Tháng 6 (âm lịch) xảy ra chuyện, tháng 8 thành phố tổ chức đoàn thân nhân đi Trà Lĩnh. Tôi say xe khủng khiếp nhưng vẫn quyết tâm đi. Họ hỗ trợ tiền xe và chỗ nghỉ. UBND huyện Trà Lĩnh đón tiếp chu đáo. Tôi vẫn nhớ, có anh cán bộ huyện trên đó bảo, dù chỉ một người, họ cũng sẽ tạo điều kiện cho người thân vào thắp hương. Khi chứng kiến cảnh tượng ở núi Kép Ky, chỗ thì cây que ngổn ngang, chỗ còn cái áo, chỗ có cái chăn chiên do mưa làm trật ra, biết con mình đang nằm đâu đó dưới kia, ruột tôi đau như có ai cắt ra từng đoạn. Không kìm nén được cơn xúc động, bà Phong bỏ dở câu chuyện, vội vã bỏ ra ngoài với cái khăn ấp vào mắt. Hồi lâu bà trở vào nhà, chốc chốc lại ngước lên nhìn tấm ảnh thờ của con, giọng bà lại tắc nghẹn, mắt như dại đi: Mấy năm sau, vợ chồng tôi cưới vợ cho thằng thứ hai. Hôm làm cỗ, tôi cứ bước vào nhà là lại có cảm giác thằng Nhuận nó đang nhìn mình. Cứ thế, chỉ cần nhìn thấy bà con lối xóm là nước mắt đã chảy ra rồi không sao mà mời rượu được. Nhà tôi mất một đứa đã vậy, có nhà mất cả năm, sáu người con, có nhà còn mất hết, chắc không ai có thể hiểu hết được nỗi đau của họ!
Bà Nguyễn Thị Phong lại hình dung ra thảm cảnh ở Kép Ky.
Một trong số những người mất nhiều con nhất trong xóm là vợ chồng ông Trần Văn Độ. Lúc tôi đến, ông Độ đang sàng sảy đống ngô mới tách ngoài sân, bà Vũ Thị Vân vợ ông đang rẫy đám cỏ ngoài vườn để trồng đợt rau mới. Ở độ tuổi 80 lẽ ra phải được nghỉ ngơi, nhưng ông Độ cùng vợ vẫn ngày ngày phải bươn bải với ruộng vườn nuôi cháu và chắt nội. Bốn người con trai, một người con rể và năm người cháu đã vĩnh viễn bị vùi lấp tại Trà Lĩnh. Nỗi đau chồng chất khiến người cha héo mòn, quay quắt. Khi nhắc về Trà Lĩnh, giọng nói ông đứt quãng: Thời điểm bọn nhỏ nhà tôi đi đang là mùa giáp hạt, thiếu đói nên muốn đi để kiếm chút tiền trang trải. Nhiều người cũng muốn đi nhưng vì không có tiền, có gạo để thuê xe. Nếu không xảy ra thảm họa hôm đó, chắc 2-3 hôm sau sẽ có rất nhiều người lên tiếp, thiệt hại về người sẽ càng nặng nề hơn. Kể từ đó đến nay, hình ảnh về ngọn núi đó không ngừng ám ảnh tôi. Cứ đến ngày giỗ chúng nó (25-6 âm lịch), mùi nhang lại gợi cho tôi nhớ lại cảnh tang tóc năm ấy. Nhiều nhà mất con, mất cháu quá, không ai còn sức động viên ai nữa, nhiều người chỉ biết khóc ngất. Khi đó, rất nhiều cán bộ y tế được huy động túc trực ở xóm để hỗ trợ sức khỏe cho những người sốc quá ngất đi. Sau tôi lên thêm 3 - 4 lần nữa, giờ người ta quây khu đó lại thành nấm mộ chung và xây tường be chung quanh rồi. Bốn thằng nhà tôi, lớn nhất sinh năm 1962, thằng thứ hai vừa cưới vợ. Ở nhà vợ nó có mang, sau này, con dâu tôi đi bước nữa, vợ chồng tôi nuôi cháu từ bé, rồi nó lập gia đình nhưng vợ chồng cũng không sống được với nhau giờ chúng tôi nuôi cả chắt. Chốc chốc bàn tay gầy guộc run rẩy của ông lại tìm chén nước đưa lên miệng nhấp nhấp để ngăn dòng cảm xúc. Nhìn ông, tôi hiểu nỗi đau của người cha đã lên đến tột cùng.
Dù đã ngoài 80 tuổi, sức đã yếu nhưng ông Trần Văn Độ hàng ngày vẫn cáng đáng
việc đồng áng để chăm lo cho cháu, chắt.
Nỗi đau mất con đối với những người dân ở phường Cam Giá chẳng dễ gì phôi phai cùng năm tháng. Tháng sáu âm lịch hàng năm, mùi hương vẫn đặc quánh như lưỡi dao khứa sâu thêm vào thịt da những người mất con năm ấy.
Tôi bỗng rợn người, bởi đâu đó quanh mình vẫn còn nhiều người đang sống đời phu quặng.
Sa Mộc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...