Cổ phần của người lao động đi đâu?
VNTN - Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển năng động, bền vững. Cổ phần ưu đãi dành cho người lao động thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Nghị quyết 10-NQ/ TW ngày 17/3/1995 của Bộ Chính trị đã nêu: Thực hiện từng bước vững chắc về tổ chức cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp không cần nhà nước đầu tư 100% vốn. Tùy tính chất loại hình doanh nghiệp mà tiến hành bán tỷ lệ cổ phiếu cho công nhân viên chức làm tại doanh nghiệp để tạo động lực bên trong trực tiếp thúc đẩy phát triển và bán cổ phần cho tổ chức hay cá nhân ngoài quốc doanh. Ngay từ năm 1992, nước ta đã thực hiện thí điểm cổ phần hóa với Chỉ thị số 202/CT ngày 08/6/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về tiếp tục thí điểm chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định số 28/CP ngày 07/5/1996 của Chính phủ về chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Chỉ thị số 202/CT). Thực tiễn khẳng định tiến trình cổ phần hóa đã được chính phủ và các bộ ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt. Mục đích đa dạng hóa chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm thu hút các nguồn vốn và kinh nghiệm tổ chức sản xuất từ các nhà đầu tư và người lao động, phát huy quyền tự chủ kinh doanh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình tích tụ tập trung vốn hiện đại hóa nền kinh tế, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động cho doanh nghiệp để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của nhà nước và của doanh nghiệp. Huy động vốn của toàn xã hội, bao gồm: cá nhân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển doanh nghiệp. Chính phủ không bán đứt các doanh nghiệp của mình cho các cá nhân, thay vào đó là tiến hành chuyển các doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp cổ phần. Tài sản của doanh nghiệp được chia thành các cổ phần bán cho cán bộ công nhân trong doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư, phần còn lại do nhà nước sở hữu. Tùy từng doanh nghiệp, phần cổ phần do nhà nước sở hữu có thể nhiều hay ít. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, phần lớn các doanh nghiệp đã được tiến hành cổ phần hóa trong thời kỳ 2006 - 2010. Thời kỳ này khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá đấu thành công. Hầu hết các cổ phần giá đấu thành công có mệnh giá trên (10.000 đồng/cổ phần). Như vậy, về bản chất Nhà nước đã thực hiện ưu đãi cho người lao động tại doanh nghiệp 40% giá trị của 01 cổ phần. Phần giá trị ưu đãi được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động chỉ phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần theo mệnh giá của giá đấu thành công. Ví dụ một người lao động làm việc tại khu vực nhà nước 20 năm, theo quy định thì sẽ được mua 2.000 cổ phần với giá mua là 60% giá đấu thành công. Giả định giá đấu thành công bằng mệnh giá cổ phần (10.000 đồng) thì mức ưu đãi cho người lao động sẽ là 8 triệu đồng. Người lao động không phải trả tiền 800 cổ phần (20 năm x 40 cổ phần), chỉ phải nộp 12 triệu đồng (tương đương 60% giá trị cổ phần được mua theo mệnh giá). Theo phản ảnh của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, tất cả người lao động đều tham gia mua cổ phần, hiện tượng “bán lúa non” do khó khăn rất ít xảy ra vì công đoàn đã có nhiều biện pháp chia sẻ giúp đỡ. Riêng tỷ lệ cổ phần bán cho tổ chức công đoàn, mục đích tạo điều kiện cho công đoàn đại diện người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp hầu hết các công đoàn cơ sở đều không mua. Lý do công đoàn không có nguồn kinh phí kết dư. Mặt khác cổ phần công đoàn không được phép chuyển nhượng, điều đó cũng khiến các công đoàn cơ sở thiếu linh hoạt trong huy động nguồn vốn, bởi cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp tham gia hoạt động theo nhiệm kỳ, thường luân chuyển, điều động sang công tác khác nhanh. Trao đổi với nhiều người nguyên là cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn thời kỳ các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa, nhiều người bày tỏ đồng tình với chính sách bán cổ phần ưu đãi dành cho người lao động làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp, đồng thời cũng không ít băn khoăn. Có lẽ cũng bởi muốn tạo điều kiện cho người lao động mua cổ phần ưu đãi, nên việc xác định giá trị doanh nghiệp có phần “ưu ái”, chưa tính hết một số khoản như: Giá trị thương hiệu, đất đai, giá trị trữ lượng tài nguyên khoáng sản nằm trong đất (với các doanh nghiệp được cấp mỏ), giá trị dây chuyền thiết bị đang hoạt động nhưng hết khấu hao, số lượng nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất… Điều này dẫn đến một số bất cập sau cổ phần hóa. Có thể nêu ví dụ như Công ty Gang thép Thái Nguyên, một đơn vị lớn nhất trên địa bàn khi cổ phần hóa, được xây dựng từ năm 1959 với hàng chục nhà máy, xí nghiệp, mỏ nguyên liệu, trữ lượng tài nguyên khoáng sản trong các mỏ đã được cấp trị giá hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi cổ phần hóa, giá trị doanh nghiệp của công ty được xác định chỉ là 1.843 tỷ đồng. Khác với nội dung nhiều bản báo cáo tổng kết cổ phần hóa, trên thực tế người lao động trong các doanh nghiệp “bán lúa non” khá phổ biến. Rất nhiều người chỉ đứng tên trên danh nghĩa, còn cổ phần thực chất đã được bán ngay trong thời gian diễn ra quá trình cổ phần hóa. Việc mua bán diễn ra khá kín đáo nên không hẳn ai cũng biết. Căn nguyên của tình trạng này là cuộc sống người lao động còn khó khăn, tiền lương chỉ đủ chi tiêu cuộc sống thường nhật, ít có tích lũy. Mặt khác họ chưa có sự tin tưởng vào sự phát tiển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Với “lợi thế” của doanh nghiệp nhà nước chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong khoảng 2- 3 năm đầu, hầu hết các công ty đều có lãi và chi cổ tức cho cổ đông khá cao, thấp nhất cũng bằng lãi suất ngân hàng trong cùng kỳ, cá biệt có công ty chi cổ tức ở mức trên 30%. Tuy nhiên, sau một vài năm, khi “lợi thế” gần như cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản, có doanh nghiệp giữ tên gọi, đổi chủ và chuyển hướng kinh doanh như Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng. Một số doanh nghiệp chi cổ tức không bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng, thậm chí có doanh nghiệp không chi trả nổi cổ tức cho cổ đông, dẫn tới việc người lao động không mặn mà giữ tấm thẻ không có giá trị thanh khoản khi mua bán hàng hóa. Trao đổi với một số chủ tịch công đoàn về vấn đề trên, nhiều người không tỏ ra bất ngờ, bởi chính họ cũng đã không còn nắm giữ cổ phần của mình. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù chủ trương bán cổ phần cho người lao động là một ưu đãi của nhà nước, nhằm tạo điều khiện cho người lao động phát huy tinh thần làm chủ, song về thực chất họ không thể làm chủ và chẳng hề có quyền hành gì, mọi vấn đề đều do ban điều hành quyết định. Ngay đại hội đồng cổ đông hoặc đại hội cổ đông thường niên họ cũng không được tham dự. Có những đơn vị trên 5 - 6 nghìn cổ đông, nhưng số lượng cổ đông được phân bổ tham dự cũng chưa tới con số 200 người. Người lao động nếu nắm giữ cổ phiếu phải thực hiện ký ủy quyền cho lãnh đạo để họ đủ mức cổ phần tham dự. Thực chất đại hội chỉ dành cho các cổ đông lớn. Mặt khác, với số cổ phần nắm giữ, nếu chuyển sang tiền mặt, họ có thể gửi ngân hàng hưởng lãi suất, còn giữ lại đã không có cổ tức, lại trồi sụt bấp bênh mất giá. Điển hình một đơn vị lớn như Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên từ năm 2012 đến nay cổ phiếu không có cổ tức, không ai “dại” để giữ một khoản tiền càng để lâu càng mất giá.
Vậy thì cổ phần người lao động đi đâu? Không khó để có thể trả lời ngay: Đa số cổ phần của người lao động được chuyển nhượng cho các cổ đông là những đối tác có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp thông qua việc mua bán vật tư nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư các dự án tại doanh nghiệp. Những người đại diện vốn nhà nước tham gia quản lý doanh nghiệp cũng bằng nhiều cách mua vào các loại cổ phiếu, một động thái khi nhà nước không giao vốn, họ vẫn có khả năng điều hành doanh nghiệp. (Những người nhiều tiền mua cổ phần chỉ với mục đích hưởng cổ tức là hiếm). Thông qua việc săn lùng mua gom cổ phiếu của người lao động, trong nhiều giai đoạn giá trị cổ phiếu cũng diễn biến khó lường. Với các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, người bán có thể căn cứ chỉ số được cập nhật để giao dịch qua ngân hàng, nhưng phần đa người lao động bán theo phong trào và sự trồi sụt của tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Rất ít người bán được trên 10, chủ yếu ở mức 0,55 đến 0,75 giá trị một cổ phần, cá biệt có những trường hợp chỉ bán ở mức 0,35 - 0,4. Hầu hết người lao động khi bán cổ phiếu không quan tâm đến giá trị ưu đãi, chỉ mong bán thu hồi số tiền mình bỏ ra. Anh Trần Văn Bình, Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim bộc bạch: “Nhà nước ưu đãi cho người lao động là một chính sách hợp lý. Nhưng sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định. Con cái cần nhiều khoản đóng góp đầu năm học, em đánh tiếng bán, “cò kè bớt một thêm hai”, may quá bán được 0,6”. Với người lao động đã công tác nhiều năm khi chuyển nhượng có đôi chút băn khoăn tiếc nuối, nhưng với lực lượng lao động trẻ, số năm công tác ít, không nhiều người muốn giữ lại cổ phần. Tìm hiểu nhiều lao động đã chuyển công tác tại doanh nghiệp khác, hoặc về nghỉ chế độ, hầu hết đều khẳng định cổ phiếu của mình đã chuyển nhượng hết, không ai còn nắm giữ, dù chỉ đôi chút làm “kỷ niệm”. Tiếp xúc với nhiều kỹ sư chuyên viên hoặc những người thợ từng được coi là “thợ lành nghề”, khi tôi hỏi về việc nắm giữ cổ phần ưu đãi, ai cũng không ngần ngại trả lời thẳng thắn: “Nếu doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, dù cổ tức có thấp hơn lãi suất ngân hàng, chúng tôi cũng chả bán đi làm gì. Mấy nghìn cổ phần, lớn thì lớn thật, nhưng đâu phải quá túng thiếu mà bán. Mồ hôi công sức của mình gắn với cổ phiếu ấy, cái chính là cực chẳng đã…”. Một doanh nhân trong lĩnh vực thương mại (xin được giấu tên) chia sẻ: “Tôi cũng mua nhiều cổ phần của người lao động, chủ yếu với giá 1/1, còn lại 0,8 - 0,9. Những tưởng sẽ được hưởng lợi, không ngờ chỉ được mấy năm… Tôi mua cổ phần cốt kiếm một chân cung ứng vật tư nguyên liệu, nhưng không thể lách qua khe “cửa hẹp”. Cổ đông như tôi, đủ cổ phần dự đại hội thường niên, được tham gia biểu quyết còn chẳng ăn thua, nữa là cổ phần bé tý của công nhân. Họ bán đi cũng phải”. Một số công ty khu vực phía Nam thành phố, dù các ngành nghề nhà nước không cần nắm giữ phần vốn, nhưng hiện nhà nước vẫn có cổ phần, có công ty chưa tới 10% vốn điều lệ. Có phần vốn nhà nước tất yếu có người đại diện vốn tham gia quản lý doanh nghiệp. Hiệu quả quản lý phần vốn đó ra sao, chúng tôi không đề cập trong phạm vi bài viết này. Chưa có những thống kê đầy đủ về cổ tức qua các năm từ sau ngày đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần của các doanh nghiệp. Tuy nhiên sự phát triển không ổn định, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn làm nản lòng nhà đầu tư và người lao động. Trong các công ty cổ phần có phần vốn nhà nước, mong muốn phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của các cổ đông, tăng cường sự giám sát của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động là không thể. Người đại diện phần vốn nhà nước được cấp trên chọn, chỉ tham gia theo nhiệm kỳ. Vì vậy chừng mực nào đó cũng có tâm lý thụ động, không thể quyết liệt có các giải pháp linh hoạt vì ngại vi phạm quy định nhà nước, ngại những lãnh đạo cấp trên đã bổ nhiệm mình… Khi đã mua cổ phần công ty, người lao động trở thành một cổ đông, mọi cổ phần đều có giá trị như nhau và có quyền chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác. Song người lao động không thiết tha nắm giữ cổ phần ưu đãi, âu cũng là một vấn đề cần được nhìn nhận một cách khách quan. Từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp đa sở hữu, chúng tôi thấy rằng nếu những ngành nghề nào nhà nước không cần thiết nắm giữ phần vốn và tư nhân có thể làm được, nên chăng xác định đúng đủ giá trị doanh nghiệp và mạnh dạn thoái hết vốn nhà nước cho tư nhân. Người chủ doanh nghiệp sẽ có biện pháp quản trị doanh nghiệp và tuyển chọn nhân sự để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Như vậy sự chuyển nhượng cổ phần nếu có diễn ra, người lao động ít nhiều không bị thiệt thòi. Mặt khác, chủ doanh nghiệp cũng biết cách tạo điều kiện cho người lao động phát huy cao nhất khả năng làm việc để đồng vốn của họ được bảo toàn và sinh lời. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một xu thế tất yếu và quá trình này đang tiếp tục diễn ra. Hy vọng những người có trách nhiệm xây dựng được các giải pháp thích hợp để người lao động mua cổ phần và nắm giữ cổ phần của mình, làm cơ sở cho việc tham gia quản lý doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Thái Dương0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...