Có một “người hùng” đang bị lãng quên?
Công lao thầm lặng
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ tại xóm Nam Hưng, ông Phạm Văn Tuấn với chồng tài liệu nặng hơn chục kg vẫn say sưa nói về quá trình đấu tranh chống tham nhũng của mình tại xã Tân Cương. Ông kể rằng, xưa kia ông cũng có nhà mặt phố, nhưng rồi trải qua hằng chục năm bền bỉ đấu tranh chống tham nhũng bằng sức lực và nguồn kinh phí của chính gia đình mình nên dần cũng khánh kiệt tài sản, ông buộc phải bán ngôi nhà đó để vào sâu trong xóm xây dựng lại ngôi nhà nho nhỏ cho gia đình mình.
Khi được hỏi rằng có khi nào ông cảm thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ việc tìm kiếm, tố giác tham nhũng hay không thì người đàn ông hơn 70 tuổi ấy vẫn hào sảng và lạc quan trả lời rằng ông tin việc mình làm là hoàn toàn đúng đắn và điều đó cho ông động lực để tiếp tục đương đầu với khó khăn. Cho dù hơn 10 năm đấu tranh, tố giác những sai phạm về các vụ việc tham nhũng tại địa phương nơi mình sinh sống đã cướp đi của ông quá nhiều sức lực, tiền bạc, thậm chí đe dọa tới cả hạnh phúc gia đình nhưng ông Phạm Văn Tuấn vẫn tin mình làm điều hoàn toàn đúng đắn và không hề nản chí, từ bỏ.
Kể từ năm 2005, ông Phạm Văn Tuấn bắt đầu nghi ngờ về những sự việc có dấu hiệu sai trái của lãnh đạo Đảng ủy xã Tân Cương. Trong tháng 9/2005, ông Tuấn gặp gỡ nhiều người dân và cán bộ địa phương để tìm kiếm những bằng chứng về việc ăn chặn, tham ô trong việc thi công các tuyến đường bê tông trên địa bàn xã. Sau đó, theo đơn thư tố giác của ông Tuấn, đoàn thanh tra liên ngành thành phố Thái Nguyên đã về làm việc nhưng sau hơn 3 tháng trời thì "không tìm ra được dấu hiệu tham nhũng tiêu cực". Không nản chí, ông Phạm Văn Tuấn tiếp tục tố cáo và sau một tháng vào cuộc, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đã có kết luận một số cá nhân trong Đảng ủy xã Tân Cương đã rút ruột công trình 700 tấn xi măng và hiện công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án tham nhũng gần 800 triệu đồng trong vụ việc này.
Năm 2006, dựa trên đơn tố cáo của ông Phạm Văn Tuấn, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên có kết luận số 202 về việc cán bộ lãnh đạo Đảng ủy xã Tân Cương chỉ đạo chia lô đất, bán trái pháp luật tới 46 héc ta đất tại Soi Vàng.
Trong những năm sau đó, ông Phạm Văn Tuấn vẫn miệt mài với việc đi tìm bằng chứng, ban ngày thì đi thu thập, ghi âm chứng cớ, tối về lại cặm cụi phân loại, bóc tách từng sự việc mà ông nghi ngờ làm trái pháp luật. Rồi ông lại vác đơn lên thành phố, lên tỉnh để tố giác. Khi chưa có được phản hồi và giải đáp cụ thể, tường tận thì ông Tuấn lại mang đơn về tận Trung ương để được xem xét.
Thế rồi, trời không phụ lòng người, từ cấp Trung ương chỉ đạo xuống tỉnh, tỉnh chỉ đạo xuống thành phố, hàng loạt các đợt thanh, kiểm tra lại phát hiện ra vô số các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng diễn ra tại địa phương nhỏ bé này. Qua đó, thu hồi trên hàng chục bộ huân huy chương giả, huân chương ma, lật tẩy nhiều vụ việc gian lận chạy chế độ thương binh, phát hiện xử lý việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, thu hồi tài sản công bị chiếm đoạt làm của riêng... Ước tính sau hơn 10 năm tố cáo các vụ việc tham nhũng và đã được thanh tra kết luận chính xác, ông Tuấn đã giúp Nhà nước thu hồi và tránh thất thu với số tiền trị giá lên tới hàng tỷ đồng.
"Người hùng" đang sống ra sao?
Với những người dân Tân Cương thì ông Phạm Văn Tuấn thực sự là người hùng theo đúng nghĩa bởi ông dám đương đầu, bất chấp nhiều hiểm nguy, đe dọa luôn rình rập. Đó là điều mà không phải ai cũng dám, thậm chí chỉ là trong suy nghĩ. Trong suốt quá trình đấu tranh chống tiêu cực, nhà của ông Tuấn liên tục bị ném gạch đá, gia đình ông thường xuyên nhận được những lời đe dọa, thậm chí ngay bản thân ông Tuấn cũng đã từng bị côn đồ chặn đường hành hung và khủng bố tinh thần rất nhiều lần. Chua xót hơn, ngay cả các cấp chính quyền cũng đã từng liệt ông vào danh sách phần tử gây rối, kích động, chống phá. Thậm chí vào ngày 2/6/2006, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên còn có văn bản gửi Công an tỉnh đề nghị phải có biện pháp xử lý công dân Phạm Văn Tuấn.
Hiện giờ người hùng thầm lặng ấy đang ở cùng vợ và hai đứa con trong căn nhà nhỏ, bốn miệng ăn giờ chỉ trông chờ vào khoản thu nhập ít ỏi của người vợ đi hái chè thuê hằng ngày và chút tiền còm cõi, thất thường kiếm được bằng nghề chạy xe ôm của ông. Chia bình quân thu nhập trên đầu người với gia đình ông giờ chỉ khoảng 500 nghìn đồng, có lẽ quá thấp đối với thời buổi giá cả leo thang như hiện nay. Vậy mà ông vẫn có nhiều niềm tin lắm, ông vẫn chấp nhận việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" bởi ông có sự động viên của người vợ tần tảo, luôn sát cánh và chung lòng với ông. Những lúc mệt mỏi, ông thường kéo violon để thả hồn vào những giai điệu, tạm quên đi cuộc sống thường nhật và những bộn bề lo toan. Đôi mắt của người đàn ông hơn 70 tuổi vẫn sáng lên niềm tin khao khát đi tìm công lý, với ông đó mới thực sự là thanh thản.
Vinh danh hay lãng quên?
Căn cứ vào những thành tích trong việc tố cáo, phát hiện tham nhũng, Hội đồng Thi đua khen thưởng thành phố Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo số 223/CV-TĐKT ngày 23/5/2014; 284/CV-TĐKT ngày 02/7/2014; 371/CV-TĐKT ngày 20/8/2014; 34/CV-TĐKT ngày 20/1/2015 đề nghị Hội đồng Thi đua khen thưởng xã Tân Cương xem xét, khen thưởng đối với ông Phạm Văn Tuấn. Nhưng ngày 27/1/2015, Đảng ủy xã Tân Cương tổ chức họp quân dân chính xóm Nam Hưng để lấy ý kiến đại diện các cấp ủy, chính quyền, chi bộ, ban công tác mặt trận xóm Nam Hưng lại biểu quyết không đồng ý khen thưởng cho ông Tuấn với các lý do như ông không tham gia các tổ chức đoàn thể nào, gia đình ông không đạt gia đình văn hóa, không thừa nhận những vụ việc tố cáo của ông là đúng, và ông không phải người gốc Tân Cương...
Tiếp đó, ngày 23/3/2015, Hội đồng Thi đua khen thưởng xã Tân Cương tiếp tục tổ chức hội nghị xét thi đua khen thưởng cho ông Tuấn, có mời Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng TP Thái Nguyên tham dự. Hội nghị này, một lần nữa thống nhất không đề nghị khen thưởng đối với công dân Phạm Văn Tuấn.
Khi chúng tôi làm việc với ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Cương và đặt câu hỏi: liệu rằng Ban thi đua khen thưởng của xã đã thực hiện đúng quy trình hay chưa, thì vị này lúng túng trả lời rằng còn nhiều điều chưa rõ, chưa chắc chắn. Vậy những quy định trong Luật thi đua khen thưởng mà vị Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban Thi đua khen thưởng xã này còn không nắm được thì người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính đúng đắn và khách quan trong việc xét thi đua khen thưởng cho công dân Phạm Văn Tuấn.
Về phía thành phố Thái Nguyên thì dường như còn đang trông chờ vào cấp cơ sở là xã Tân Cương báo cáo để làm căn cứ xét khen thưởng cho công dân Phạm Văn Tuấn. Sự chậm trễ này phải chăng đã "vô tình" phủ nhận mọi công sức đóng góp trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng và "lãng quên" người hùng thầm lặng này? Dư luận đang chờ đợi quyết định giải quyết triệt để việc xét thi đua khen thưởng cho ông Phạm Văn Tuấn không chỉ bởi đó là việc ghi nhận sự đóng góp của một cá nhân mà lớn hơn đó là sự kỳ vọng vào việc thực hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vinh danh những người dám đứng lên chống lại tiêu cực, chống lại cái xấu.
Hải Nguyên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...