Có mặt chú Khách, vắng mặt thằng Ngô
VNTN - Hẹn làm việc với lãnh đạo cơ quan X lúc 8 giờ, nhưng hơn 7 giờ Lam đã có mặt ở phòng chờ. Người đến giao dịch công việc khá đông, mấy cô nhân viên ra ra vào vào, bảo nhau:
- Này, quét qua cái phòng đi, đeo phù hiệu vào, bọn nhà báo nó đến bây giờ đấy.
- Chúng nó đến làm việc với ai?
- Nghe nói phỏng vấn lãnh đạo.
- Ờ, thế thì liên quan quái gì đến bọn mình.
Đến giờ hẹn, Lam đứng dậy gõ cửa phòng lãnh đạo cơ quan X.
Đưa cho Lam bản báo cáo chuẩn bị sẵn, thủ trưởng cơ quan nọ thao thao nói về nếp sống văn hóa ở đơn vị ông. Nào là cơ quan tôi đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu, toàn thể cán bộ nhân viên có tác phong làm việc văn minh, chuẩn mực trong giao tiếp với nhân dân. Đặc biệt - thủ trưởng nhấn mạnh - về kỷ luật phát ngôn rất tốt. Anh em được tập huấn về văn hóa ứng xử, nói năng lịch sự, đúng mực…
Nghe ông nói, Lam cố nhịn cười. Cô đã biết cái lịch sự văn hóa ý nó thế nào rồi.
Nghe Lam kể câu chuyện cô vừa trải qua, tôi chợt nhớ đến Hùng, phóng viên ảnh có hạng ở cơ quan tôi.
Lần ấy tôi và Hùng được lãnh đạo phân công đến dự chương trình tôn vinh một cá nhân tiêu biểu, thấy cậu ta ôm máy ảnh ngồi một chỗ, tôi bảo:
-Ơ, không đi chụp ảnh mà cứ ngồi đấy.
-Chán rồi, chả muốn chụp - cậu cười cười - Đố chị biết em vừa nghe thấy gì?
-Nghe gì? Tôi tò mò.
-Ông anh của người được tôn vinh hôm nay nói với người nhà họ thế này: “Mọi người yên tâm, tí tôi bảo mấy thằng nhà báo nó chụp ảnh cho”. Nói thật với bá, tí xong việc là em chuồn, nhờ “thằng” nào thì nhờ, “thằng” này chối thẳng thừng.
Tôi hiểu tâm trạng của Lam cũng như của Hùng khi phải nghe những lời khiếm nhã như thế. Bởi họ là những đồng nghiệp đáng quý của tôi, họ rất đàng hoàng và giàu lòng tự trọng.
Ngày còn bé, tôi thỉnh thoảng nghe các bậc cao niên trong xóm trách một ai đó là nói năng theo kiểu “có mặt chú Khách, vắng mặt thằng Ngô”. Tôi tò mò hỏi, được các cụ giải thích thế này: Khách và Ngô đều là từ chỉ người Trung Quốc. Nhưng Khách là cách nói tôn trọng, còn Ngô là cách gọi miệt thị. Trước mặt thì gọi họ là chú Khách, sau lưng lại gọi họ là thằng Ngô là con người bất nhất, không chân thật.
Lớn lên, tôi thấy không ít quan hệ giữa người với người, trước mặt thì tỏ ra tôn trọng, lễ phép (chú Khách), sau lưng thì coi thường, dè bỉu (thằng Ngô) như vậy. Ấy thế nên mới có những từ kiểu “thằng nọ, con kia, hắn ta, lão già, mụ khọm…” để chỉ người thứ ba vắng mặt. Sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như người thứ ba đó không nghe được câu nói kia, họ vẫn “hồn nhiên như cô tiên” trong mối quan hệ. Nhưng chắc chắn họ không thể bình thường nếu vô tình nghe được mấy lời kiểu “thằng Ngô” như thế.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài thơ nổi tiếng của Raxun Gamzatop:
Năm và tháng đến cùng ta như khách,
Nhưng nhiều khi - không hiểu lỗi bên nào
Ta vui vẻ, ta đón chào, khen khách,
Nhưng khách về, ta nói xấu. Vì sao?
Câu hỏi “vì sao” của Raxun Gamzatop thì những đồng nghiệp của tôi lại không đặt ra. Họ lại quan tâm đến việc sẽ cư xử thế nào sau khi nghe được những lời khiếm nhã sau lưng ấy. Tôi nói với họ cũng là tự nói với mình: Hãy xác định đó là quan hệ xã hội, nên người ta có thể “bằng mặt” mà không “bằng lòng” với mình cũng là chuyện thường. Còn nếu đó là mối quan hệ bạn bè thì chắc chắn ta không coi người “có mặt chú Khách, vắng mặt thằng Ngô” ấy là bạn.
Vì cách nói ấy đã nói lên suy nghĩ của họ về ta như thế nào.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...