Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
02:54 (GMT +7)

Cơ hội nào cho mỹ thuật ứng dụng

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ V năm 2022 do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hiệp Hội làng nghề Việt Nam tổ chức, cuối năm 2022, đã khép lại. Nhưng những dư âm của Triển lãm thì vẫn còn nguyên với hàng loạt câu hỏi lớn không chỉ giành cho những người hoạt động trong giới hội họa nói chung, mỹ thuật ứng dụng nói riêng mà còn của tất cả những người quan tâm đến lĩnh vực này về khả năng ứng dụng vào thực tiễn của các sản phẩm được chọn trưng bày tại Triển lãm và vấn đề bảo vệ bản quyền ra sao trước sự tham gia thậm chí là lấn lướt của công nghệ. Đồng thời, để có đội ngũ kế cận, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ra sao cũng được đặt ra.

Tiệm cận với hơi thở cuộc sống

Những cái tên quen thuộc và những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao đã tiếp tục được ghi nhận tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ V như: Tác phẩm đoạt Giải Nhì “Cổ tự môn” của Lê Duy Đức (Sơn La) và “Bình hoa đan tre” của Nguyễn Văn Tĩnh (Hà Nội); bộ nồi, chảo gia dụng có hỗ trợ người khiếm thị của Lưu Như Ngọc (TP. Hồ Chí Minh); hộp bạc mạ vàng “Kim long lưu bảo” của Quách Phan Tuấn Anh (Hà Nội); bộ sưu tập thời trang lân của Hoàng Thị Thu Trang (Hà Nội); tác phẩm “Mộng Nhật Bình” của Huỳnh Minh Thanh (Huế)... là những sản phẩm thu hút sự chú ý của người xem ngay khi đặt chân đến triển lãm. Nhiều sản phẩm trong số này đã có khách hàng đặt mua để làm sản phẩm chủ lực chuẩn bị cho chiến dịch sản xuất mới của công ty, cơ sở sản xuất…

Một góc Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ V

Đa dạng về mẫu mã, tiệm cần gần với xu hướng tiêu dùng thông qua sự sáng tạo, chế tác, ứng dụng mỹ thuật, kỹ thuật mới là điểm nổi bật trên hầu hết các sản phẩm góp mặt tại Triển lãm. Nếu như trước đây, sản phẩm tham dự Triển lãm chỉ để thỏa mãn sự tò mò về thị giác của công chúng với hàng loạt câu hỏi về tính ứng dụng vào cuộc sống ra sao, và ai đủ can đảm để sản xuất, sử dụng… thì nay, việc thỏa mãn sự tò mò của thị giác vẫn còn, song đã bớt dần những câu hỏi hoài nghi về tính ứng dụng, thay vào đó là những câu hỏi xoay quanh bản quyền sản phẩm khi xuất hiện những công trình, sản phẩm có sự tham gia của công nghệ hay còn gọi là mỹ thuật công nghiệp như: nhóm tác giả trẻ đến từ Đại học FPT đã giành giải Nhất với bộ chương trình giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ vị thành niên được thiết kế để tích hợp trên các thiết bị thông minh hay sản phẩm số của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, như đồ họa báo điện tử, thiết kế trò chơi trực tuyến, đoạn phim quảng cáo.

Theo các nghệ nhân làng nghề, ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, sự tham gia của công nghệ gần như rất thấp, nên những lo ngại về bản quyền không nhiều. Do đây chủ yếu là sản phẩm thủ công, được nghệ nhân chế tác bằng những kỹ thuật truyền thống, dựa trên những họa tiết, hình ảnh, hoa văn đặc trưng của Việt Nam nên hầu như không có sự tham gia của công nghệ, có chăng chỉ ở những công đoạn xử lý nguyên vật liệu, lên ý tưởng…

Trên thực tế, ở những cuộc triển lãm mỹ thuật ứng dụng nhỏ lẻ diễn ra gần đây cho thấy, sự quan tâm của công chúng đã tăng dần theo tỷ lệ thuận với các cuộc triển lãm. Không riêng gì ở triển lãm quy mô lớn như Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ V (triển lãm tổ chức định lỳ 3 năm/ lần) mà ở các cuộc triển lãm khác như: Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022, Festival Làng nghề Việt Nam 2022, Sơn mài Việt Nam, gốm Việt Nam… đã thu hút sự quan tâm của công chúng chứ không chỉ của giới làm nghề, cho thấy mỹ thuật ứng dụng đã trở thành một phần của đời sống, nếu như không muốn nói là một kênh chủ lực trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta hiện nay.

Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, tại các sàn thương mại điện tử, lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đang chiếm ưu thế với những đơn hàng xuất khẩu lớn. Các mặt hàng may mặc, mây tre đan, gốm, sơn mài, các sản phẩm trang trí trên ốp điện thoại… đã và đang nhận được sự ưu chuộng của khách hàng trong và ngoài nước.

Tác phẩm "Cổ môn tự" (mảng sản phẩm ứng dụng) của tác giả Lê Duy Đức đoạt Giải Nhì

Tính ứng dụng cao, tinh xảo trong đường nét chế tác chính là thế mạnh của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mà công nghệ không thể học, bắt chước và sản xuất hàng loạt, vì vậy, mà những nghệ nhân làng nghề truyền thống vẫn tự tin sống khỏe với nghề.

Tăng hàm lượng trí tuệ trong mỹ thuật ứng dụng

Trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, mục tiêu đề ra là: ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm phải đóng góp đạt 80 triệu đô la Mỹ (đến năm 2020) và 125 triệu đô la Mỹ (đến năm 2030). Để đạt được mục tiêu này, nhất là trong bối cạnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, trong đó mỹ thuật ứng dụng là nòng cốt cần một nguồn nhân lực chất lượng cao có tư duy mới mẻ, hiện đại, có khả năng sáng tạo ra các tác phẩm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật hiện nay, việc thực hiện chiến lược nói trên không hề đơn giản, thậm chí trở thành bài toán không có lời giả. Khó ở chỗ, cả nước hiện có hơn 80 cơ sở có đào tạo các ngành mỹ thuật với số lượng đào tạo khoảng 9.000 sinh viên ra trường/ năm. Trong đó, có nhiều sinh viên thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng nhưng số sinh viên ra trường theo nghề, thực sự sống được với nghề không nhiều. Các em chủ yếu chạy theo công nghệ, phụ thuộc vào các phần mềm thiết kế mà không trau dồi, tăng hàm lượng trí tuệ vào các sản phẩm thiết kế của mình, chưa kể nhiều em còn đầu quân cho các cơ sở sản xuất biến mình trở thành người thợ thủ công, gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng của đối tác. Việc sáng tạo hầu như không có mà thay vào đó chỉ là sự dập khuôn theo mẫu có sẵn… Những sản phấm ấy thiếu đi sự sáng tạo, thiếu dấu ấn cá nhân và vì vậy yếu tố chiều sâu văn hóa, hàm lượng trí tuệ đã không còn.

Những sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng dù chỉ để trang trí, hay sử dụng trực tiếp trong cuộc sống… đều chất chứa trong đó những tầng sâu văn hóa, hay nói đúng hơn là mỗi sản phẩm bản thân nó có thể kể về một câu chuyện, một vỉa tầng văn hóa Việt nào đó, đây chính là nét đặc sắc mà các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hướng đến. Đây cũng chính là thế mạnh và là nét riêng có thể đưa các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vượt ra ngoài biên giới, đáp ứng yêu cầu tất yếu của khách nước ngoài không chỉ khi họ đến Việt Nam mà còn được xuất khẩu ra thế giới.

Hàm lượng trí tuệ, chất văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được xem là chìa khóa để mỹ thuật ứng dụng nói chung, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng được người tiêu dùng ưa chộng. Hay nói như nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật Vi Kiến Thành đúc kết: Những yếu tố văn hóa trong các sản phẩm càng trở nên quan trọng, những sản phẩm hàng hóa nói chung, đặc biệt là những sản phẩm có yếu tố thẩm mỹ, văn hóa Việt khi ra nước ngoài sẽ trở thành tấm danh thiếp quảng bá cho văn hóa Việt Nam. Và như vậy, đối với công tác đào tạo, chỉ dạy kỹ thuật thôi chưa đủ, cần phải giảng giải, đào sâu hơn yếu tố lịch sử, văn hóa Việt trong mỗi cơ sở đào tạo cho mỗi sinh viên. Đây là kỹ năng mềm, bên cạnh các kỹ năng đào tạo “nghề” để các em có thể thổi hồn cho những sản phẩm sáng tạo của mình.

Mỹ thuật ứng dụng hiện đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Khi những quan tâm về ăn no, mặc ấm đã không còn trở thành gánh nặng của đại bộ phận người dân, thì yếu tố sử dụng, thụ hưởng những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao đang trở nên phổ biến, tạo cơ hội cho mỹ thuật ứng dụng can dự nhiều hơn vào cuộc sống. Và những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, thân thiện với môi trường đang ngày càng được ưa chộng. Đây cũng chính là lý do mà những mặt hàng thủ công, mỹ nghệ của nước ta được khách hàng thế giới đánh giá cao và được ưa chuộng.

Tác phẩm “Unzipped - Hỗ trợ trẻ vị thành niên về giới tính và ngăn chặn nạn xâm hại tình dục” của nhóm tác giả Lê Thị Thu Thảo, Bùi Hạnh Lưu và Trần Thị Lệ Quyên (Trường Đại học FPT Hà Nội) đoạt Giải Nhất

Song cũng có một nghịch lý, nhiều câu hỏi đặt ra cho không ít sản phẩm về tính ứng dụng. Trong khi có người thích sản phẩm, nhiều người lại tỏ vẻ thờ ơ, thậm chí tẩy chay vì cho rằng không có tính ứng dụng vào thực tiễn (ví dụ như các thiết kế về trang phục, tạo hình các sản phẩm mỹ nghệ…), cũng đã và đang đặt ra vấn đề, cần phải nâng cao thẩm mỹ của cộng đồng để họ tiếp nhận và có cái nhìn cởi mở hơn, xa hơn cho mỹ thuật ứng dụng. Đồng thời, chỉ ra những thách thức và cơ hội của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư để các cấp quản lý, cũng như những người hoạt động trong giới hiểu rõ hơn và có cái nhìn thấu đáo hơn về thực trạng hoạt động của các làng nghề, nơi sản xuất và phát triển những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đưa những ý tưởng trên bản vẽ thành sản phẩm ứng dụng vào thực tế cuộc sống, để từ đó xây dựng kế hoạch quản lý làng nghề, nghệ nhân và định hướng phát triển sản phẩm thủ công ở Việt Nam hiện nay, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần hiện thực hóa “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục