Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:32 (GMT +7)

Có gan mạo hiểm, có ngày thành công

VNTN - Táo bạo và liều lĩnh, biết rồi sẽ có những bất trắc nhưng thích thử thách chính mình, chàng thanh niên Dương Văn Tuấn ở xóm Giàng, xã Dương Thành (Phú Bình) đã làm giàu như một cuộc phiêu lưu của người chơi lướt ván. Dữ dội, đầy can đảm…


Không ngại phiêu lưu 

Nhắc đến Tuấn, người ta nói đến một “đại gia” làng trẻ tuổi nhưng đầy tham vọng. Chàng trai trẻ đã gây dựng "cơ ngơi tiền tỷ" là nhà cửa khang trang, hệ thống chuồng trại, khu ấp nở được xây dựng khoa học, hợp vệ sinh cùng nhiều phương tiện đi lại, vận chuyển phục vụ công việc và cuộc sống cá nhân. Tư duy nhạy bén luôn bắt nhịp với thời cuộc, vừa nỗ lực tìm kiếm đầu ra sản phẩm, Tuấn vừa tự học hỏi các kỹ thuật chăn nuôi, ấp nở trứng gia cầm qua sách, báo. Rồi không chỉ chuyên tâm với trứng, gà, từ năm 2009, Tuấn “lấn” thêm một việc nữa là làm đại lý cấp 1 của Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam, cung cấp thức ăn là cám gà đẻ, cám lợn con, lợn thịt… cho bà con trên toàn huyện, tỉnh, và một số tỉnh lân cận với số lượng khoảng 200 tấn/tháng. Thời điểm kinh doanh tốt, đại lý của Tuấn nhập/xuất ra 1-2 xe cám, bình quân 5-7 tấn/ngày. Bây giờ, mô hình kinh tế của anh còn “khủng” hơn trước, khủng cả về lợi nhuận lẫn rủi ro. Đó là chăn nuôi lợn giống.

Dù đã hẹn để Tuấn sắp xếp từ hôm trước, nhưng chúng tôi vẫn phải đợi cả giờ đồng hồ mới gặp được anh. Công việc cứ tất bật, vừa ở nhà thoắt cái anh đã có mặt ở thị trấn. Chạy xe ào ào, nói chuyện tiền trăm, tiền tỷ cứ nhẹ hều, ngay cả chuyện Tuấn bỏ làm ấp trứng, chăn gà cũng nhẹ bỗng như thế.

Năm 2014, khi thị trường gà bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái, quy mô dần bị thu hẹp, sức bán ra chậm và lợi nhuận cũng sụt giảm, Tuấn không do dự trong việc tìm một hướng đi mới. Qua tìm hiểu, được các cán bộ của Công ty Cổ phần Thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam tư vấn, anh quyết tâm bỏ gà, dốc hết vốn liếng tích cóp được, vay thêm tiền ngân hàng mua đất, xây dựng trang trại nuôi lợn. Khởi đầu bằng 30 con lợn bố mẹ đảm bảo chất lượng được cung ứng từ CP Việt Nam, Tuấn lại bắt đầu một hành trình làm giàu mới với những thành công đáng nể nhưng cũng không ít rủi ro, mất mát.

 Tự học hỏi, trau dồi kiến thức, Tuấn chăm sóc lợn rất chuyên nghiệp và thuần thục

Tiếp xúc với Tuấn, thấy thấp thoáng ở anh cái khí chất có phần liều lĩnh, ngang tàng. Nói về việc chuyển đổi từ gà sang lợn, Tuấn bảo đó là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, nhưng cũng là sự thức thời cần có của người làm kinh tế. Hỏi chuyện chăm lợn, về những may rủi với nghề, Tuấn cười, kể: Nuôi lợn vất vả hơn chăn gà rất nhiều. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm gì, cả tháng trời tôi ăn, ngủ với lợn. Có những đêm thức canh lợn đẻ mệt đến nỗi ngủ luôn trên sàn. Nuôi lợn vốn đầu tư rất lớn, rủi ro lại cao, cũng nhiều phen lao đao vì những sự cố bệnh dịch, việc xoay xở vốn đầu tư, nợ nần bù đầu…, cũng nản lòng ghê lắm. Nhưng xác định tâm lý, cái gì đầu tư lớn thì lợi nhuận cũng không nhỏ, và đi kèm cũng là rủi ro lớn, phải chấp nhận quy luật thôi. May mắn là tôi nhận được sự hỗ trợ từ các kỹ sư nông nghiệp phía Công ty CP Việt Nam về kỹ thuật chăm sóc. Rồi vừa làm vừa học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, chủ động đi tham quan các mô hình khác trong và ngoài tỉnh để tích lũy kiến thức. Bây giờ thì hầu như tự tay làm tất cả mọi việc, việc nào cũng thuần thục.

Từ ngày chuyển sang chăn lợn, gia đình thấy Tuấn “già xọm” hẳn, bởi phải chi li, tính toán và đối mặt với thất thiệt nhiều hơn. Anh đã “nếm mùi” mất mát ngay từ 30 con lợn giống đầu tiên. Lợn bắt về được ít ngày thì đến kỳ vào vacxin Parvo (vacxin kiểm soát bệnh khô thai, sảy thai truyền nhiễm), 10/30 con được Tuấn phân loại tiêm trước, số thuốc còn lại anh đem bảo quản trong tủ lạnh gia đình. Thông thường các loại vacxin phải được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C, nhưng tủ lạnh gia đình nhiệt độ thường cao hơn (12-13 độ), vì thế vacxin bị mất tác dụng. Chưa có kinh nghiệm nên sau đó Tuấn vẫn tiếp tục tiêm cho 20 con lợn giống còn lại, đến khi đẻ thì đều bị khô thai, thai chết lưu… Đến tháng 6/2015, đàn lợn bị tiêu chảy cấp, mặc dù khống chế dịch bệnh chỉ sau một ngày, song cũng thiệt hại gần 200 lợn con, mất trắng 300 triệu đồng. Gần đây nhất là tháng 7/2016, dịch bệnh tai xanh cũng làm chết 20 lợn đẻ và gần 10 lợn con, lấy đi của Tuấn gần 200 triệu đồng.

Để vào tham quan chuồng trại, chúng tôi phải trang bị quần áo, ủng, mũ và qua hệ thống sát trùng nghiêm ngặt. Trang trại lợn giống của Tuấn có tổng diện tích 2800 m2, được xây dựng chia ra làm 4 khu, lợn được phân tách theo từng loại: lợn đẻ, lợn đang mang thai, lợn giống… Với chế độ chăm sóc theo kỹ thuật an toàn sinh học, quy mô hoạt động trại kín, có giàn lạnh, quạt hút gió điều chỉnh nhiệt độ phù hợp theo từng mùa. Bảng biểu theo dõi quá trình phát triển, lịch tiêm phòng, thụ thai, chế độ ăn… được gắn cụ thể tại từng ngăn nuôi nhốt. Lợn được tiêm chủng đầy đủ các loại vacxin: long móng lở mồm, khô thai, hậu bị, giải dại, suyễn, dịch tả… bằng thuốc ngoại. Chất thải thì được kiểm tra, thu dọn thường xuyên, thông qua hệ thống an toàn sinh học bioga rồi mới thải ra máng tiêu nên đảm bảo vệ sinh môi trường. Phân khô thì bán cho những người nuôi cá, trồng rau, hoa màu…

Trứng, gà và hành trình thành “đại gia” làng

Mới bước qua tuổi 28, nhưng cách đây 4- 5 năm Dương Văn Tuấn đã là ông chủ một cơ sở ấp trứng gia cầm có lợi nhuận tiền tỉ trong năm.

Từ những năm 1990, gia đình Tuấn đã có nghề ấp trứng gia cầm với các sản phẩm trứng con non, gà con. Cái nghề “hữu xạ tự nhiên hương” gắn bó với Tuấn từ thơ bé, và anh cứ như một “dân buôn” khi vừa đi học vừa tranh thủ đi bán trứng, giao gà giúp bố mẹ. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông Lương Phú, Phú Bình (2006), Tuấn không quyết tâm vào trường đại học như bạn bè đồng trang lứa mà định hình một lối rẽ riêng, với những ý tưởng kinh doanh táo bạo. Từ kinh nghiệm tích cóp nhiều năm với trứng và gà, Tuấn mạnh dạn vay thêm tiền ngân hàng bắt đầu xây dựng cơ sở ấp nở, cung ứng con giống quy mô lớn với 4 máy ấp cùng 500 gà đẻ trứng, chủ yếu là giống gà ta.

Nhanh nhạy, linh hoạt là đặc tính của tuổi trẻ. Tuấn thuộc tuyp người khá ồn ào, lắm khi “ruột để ngoài da”, song rất chắc chắn, kiên định với những hoạch tính của mình. Trong chuyện làm kinh tế, anh giữ tác phong của một người có cái “đầu lạnh” và “quả tim nóng”, không chỉ dùng chất lượng hàng hóa để gây dựng uy tín, mà còn dùng sức trẻ, nhiệt huyết của mình để tin tưởng và nhận được sự tin tưởng từ khách hàng. Không bó hẹp thị trường trong tỉnh, Tuấn nỗ lực tìm kiếm đầu ra ở các tỉnh bạn, từ Hải Dương, Hải Phòng, Tuyên Quang, vào tận Nghệ An… Nắm bắt nhu cầu xã hội, anh chuyển đổi từ gà ta sang gà mía với số lượng cả ngàn con mái đẻ. Thời điểm “ăn nên làm ra”, trang trại của Tuấn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 8 lao động địa phương với mức lương trên dưới 2,5 triệu đồng/ người/ tháng. Anh còn khuyến khích, hỗ trợ con giống cho anh em, bạn bè ở các xã lân cận mở trang trại gà bố mẹ. Năm 2011, số lượng gà đẻ từ trang trại của Tuấn và các cơ sở chi nhánh lên đến gần 20 nghìn con, Tuấn phải mua thêm gần 20 máy ấp trứng mới đủ công suất. Trong khoảng thời gian từ 2008 - 2012, việc chăn nuôi gà phát triển khá mạnh, cơ sở của Tuấn cứ 2 ngày lại cung ứng ra thị trường 7.000 con gà giống, giá bán trung bình 8.000 đồng/con. Những năm đó, trừ các khoản chi phí, Tuấn có dư 2-3 tỷ đồng/năm.

Thành công = kỹ thuật + quy trình + uy tín 

Cuộc trò chuyện, tham quan mô hình cứ chốc chốc lại phải ngừng lại vì những cuộc điện thoại của khách hàng, nào đặt hàng thức ăn chăn nuôi, nào thì hỏi về việc ngừa bệnh, phối giống… Tuấn trả lời với vốn kiến thức dày dạn, cả quyết và vui vẻ. Sau 2 năm vừa làm vừa mở rộng, tính đến tháng 11/2015, số lượng lợn nái sinh sản trong trang trại đã lên đến 180 con, sang năm 2016 đã tăng gần 300 con, trị giá gần chục tỷ đồng. 30 con lợn giống ban đầu đã sinh sản được 5 lứa, mỗi lứa bình quân 10 - 12 con. Lợn con cứ nuôi khoảng một tháng thì xuất bán với trọng lượng bình quân 6 - 8kg/con, giá dao động từ 1,4 - 1,8 triệu đồng/con. Hiện tại mỗi tháng, số lợn trang trại của Tuấn xuất bán ra thị trường khoảng từ 450 -500 con, chủ yếu là Hiệp Hòa (Bắc Giang) và địa bàn Phú Bình. Trang trại hiện thuê 6 lao động làm việc thường xuyên ở các khâu như: quản lý, trực điện nước, vệ sinh, cho lợn ăn, phối giống, chăm sóc lợn con…; mức thu nhập thấp nhất là 5 triệu/người/tháng.

 Khu chuồng trại được xây dựng đảm bảo an toàn sinh học

Chăn nuôi hiệu quả nhưng cũng qua nhiều phen mất mát, Tuấn dần học cách làm “kỹ sư” trại lợn. Với sự trợ giúp từ các cán bộ nông nghiệp, Tuấn nghiên cứu tự làm vacxin trị tiêu chảy cấp. Tuấn tâm sự: Chăm sóc lợn hay bất cứ giống loài nào, thì điều quan trọng nhất vẫn là nắm chắc kỹ thuật, làm đúng quy trình. Thứ nữa là luôn đảm bảo uy tín với khách hàng và chủ động nguồn vốn để xoay sở khi bất trắc.

Với những thành quả có được, Dương Văn Tuấn là một trong 55 thanh niên tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho phong trào thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Thái Nguyên biểu dương năm 2015. Tháng 3/2016 vừa qua, anh vinh dự là một trong 43 gương điển hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” tỉnh Thái Nguyên, được Tỉnh Đoàn biểu dương, khen thưởng. Ngày 27/11 vừa qua, Tuấn vinh dự là một trong 85 gương thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng. Giải thưởng này được trao hằng năm cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới...

28 tuổi, trải đời và không ngại phiêu lưu, nghe Tuấn nói chuyện chăm sóc lợn, gà mà cứ ngỡ đang nghe kỹ sư chăn nuôi giảng giải với vốn kiến thức phong phú, dày dạn. Tuấn là vậy, làm cái gì cũng chuyên tâm, quyết liệt, hết lòng hết dạ như thế!

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước