Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
11:38 (GMT +7)

Cờ đi nước một!

VNTN - Có cằm quân, mới biết cờ ai cao, ai thấp. Ngồi trước bàn cờ, có người tính trước được nhiều nước, lại có người tính nước nào, đi nước ấy. Dĩ nhiên, ai tính trước được nhiều nước, người đó sẽ ở thế chủ động và nắm chắc phần thắng hơn.

Ngược lại, người đi nước một, thì luôn ở thế chống đỡ và dễ bị thua. Cuộc sống cũng giống như một cuộc cờ. Ở đó, cuộc đấu tranh với thiên nhiên, với xã hội luôn diễn ra gay gắt. Bởi thế đòi hỏi người “cằm quân” phải tính toán tổng thể và chi tiết đến từng nước đi, mới mong giành được thắng lợi. Điều này đúng với mọi trường hợp, từ một gia đình, đến một quốc gia. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, đã có không ít kiểu làm việc giống như cờ đi nước một vậy. Đó là có chính sách, vấn đề còn chưa thực hiện đã phải sửa đổi, bổ sung; có quy định thiếu đồng bộ, chỉ đúng với ngành này mà không phù hợp với ngành kia. Không ít những bộ luật đã phải nhiều lần bổ sung, sửa đổi… Kết quả là, nhiều vấn đề, dù đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền ban hành, mà vẫn vướng khi thực hiện. Xin lấy việc kê khai tài sản, kê khai thu nhập làm ví dụ. Ai cũng biết, việc bắt buộc một số người phải kê khai thu nhập, kê khai tài sản là biện pháp rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thế nên mới phải ghi vào luật. Sau nhiều năm nghiên cứu, ngày 29 tháng 11 năm 2005 Luật Phòng, chống tham nhũng đã ra đời và có hiệu lực từ 1/6/2006. (Ngày 23 tháng 11 năm 2012 lại có Luật bổ sung, sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013).

Vậy mà đến nay, sau gần 10 năm, việc người có chức, có quyền kê khai tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đi vào cuộc sống như xã hội mong đợi. Nói vậy, là bởi:

Một là: Theo qui định tại điều 44, Luật phòng, chống tham nhũng, thì số người phải kê khai tài sản trong cả nước có tới cả triệu người, nhưng thời gian qua, người ta thấy chỉ có mấy người kê khai không chính xác, nghĩa là tỷ lệ về số người thiếu trung thực chỉ chiếm mấy phần triệu. Nếu sự thực như vậy, thì có gì đáng quan ngại? Phải chăng, số người kê khai thiếu trung thực lớn hơn, mà cơ quan, tổ chức chưa phát hiện ra?

Hai là: Việc kê khai chưa đi liền với việc công khai. Điều này cho thấy, nếu kê khai mà thiếu sự giám sát, thì nó dễ trở nên hình thức hơn là hiệu quả của nó.

Ba là: Về mặt pháp lý, sau 10 năm thực hiện, bây giờ người ta bảo còn nhiều vướng mắc, phải ra luật nữa mới thực hiện được. Vậy là 10 năm qua, với hai Luật đã ra, vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý. Bây giờ lại phải bắt đầu làm luật… (Tham khảo từ nguồn http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160107/duong-day-nong-to-tham-nhung-sau-25-ngay-nhan-329-cuoc-goi/1034134.html).

Xin có mấy lời bàn:

 

- Người ta bảo, do đối tuợng phải kê khai tài sản lớn, cơ quan chức năng không đủ sức theo dõi, từ đó muốn kiến nghị giảm đối tượng phải kê khai. Thật ra, số lượng người phải kê khai tuy lớn, nhưng không phải dồn về một cơ quan nào đó ở Trung ương, mà là tiến hành ở mọi cơ sở, từ xã, phường trở lên. Ở mỗi nơi như vậy, số đối tượng trong diện phải kê khai, đếm được trên đầu ngón tay, thì sao không đủ sức theo dõi? Vấn đề ở đây có lẽ là trách nhiệm của Cấp ủy, thủ trưởng đơn vị và vai trò quần chúng đã phát huy đúng mức hay chưa? Hơn nữa, nếu loại bớt đối tượng, thì loại ai? Trên thực tế, không ít người tuy chức bé (thậm chí không có chức), nhưng “quyền” thì lại rất to, và do đó số tài sản của họ không hề nhỏ. Vậy có nên loại những người này khỏi diện kê khai?

- Luật nào, Nghị quyết nào cũng có luận cứ khoa học và thực tiễn của nó, cũng có cơ quan khởi thảo... Tuy nhiên, từ Luật hay Nghị quyết đến cuộc sống, vẫn luôn có khoảng cách. Điều ấy cũng là bình thường. Vấn đề là, cái khoảng cách ấy, qua thực tiễn, với việc tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, nó sẽ được rút ngắn. Nếu chưa làm được như vậy mà đã cho là Luật, Nghị quyết không phù hợp, đó mới là điều không bình thường.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy