Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
20:41 (GMT +7)

Chuyện xóm Bờ Tre

VNTN - Nhiều ngày nay ông bà Đực mệt mỏi, đau đầu không thiết làm ăn gì nữa. Từ lần đi họp xóm nghe thông báo về chủ trương mỗi nhà đóng góp 5 triệu để làm rãnh thoát nước và cơi nới thêm con đường bê tông ở làng để hoàn thiện dần chuẩn nông thôn mới mà lòng ông như có lửa đốt. Thì xây mới cái gì chả khang trang, chả đẹp đẽ nhưng có điều, tiền không có ông biết chạy vạy ở đâu? Ở cái làng thuần nông này nhà nào cũng chỉ quanh năm ngụp lặn với mấy sào ruộng, chẳng bao giờ đủ ăn. Lũ thanh niên làng bỏ lên thành phố làm thuê hết nên nhiều nhà cũng có chút đổi thay. Nhà ông Đực phải nuôi hai đứa con đang học đại học ở trên tỉnh nên cuộc sống ngày một túng quẫn. Nhưng chủ trương lãnh đạo xóm nêu ra rồi chẳng ai dám phản đối. Có phát biểu nhỡ mồm lại quy cho tội xa rời làng xóm, chẳng ai dại gì. Nhiều người cùng ủ rũ như ông Đực.

Không ai nghi ngờ gì về mục tiêu tốt đẹp của chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhưng nhiều điều thực hiện ở cái xóm Bờ Tre này rất bất hợp lý. Và dân ở xóm cũng đang nghi ngờ những toan tính của ông Chợ - trưởng xóm. Nghe đâu ông ta đang ngấp nghé một chức gì đó ở xã. Ông Chợ mà lên được xã lại vài người dưới quyền ông có cơ hội thay thế chức trưởng xóm.

Hôm nay là cuộc họp để lấy ý kiến dân lần cuối. Ông Chợ giọng oang oang, quyết tâm cao như núi.

- Kính thưa bà con, chỉ còn một vài chuẩn nữa thôi là xóm ta cán đích chuẩn văn hóa. Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, mọi người cố gắng lên, mỗi nhà chỉ thêm 5 triệu là chúng ta hoàn thành tiêu chuẩn đường làng ngõ xóm.

 Một vài người có ý kiến rằng, phải cần sự đầu tư thêm của Nhà nước chứ xóm ta cứ cố gắng, cứ tự lực thì tốn kém vô cùng. Cuộc họp trầm xuống. Vào cái phút ấy, như mọi lần chỉ cần bồi thêm mấy ý kiến tích cực của những người thân cận trưởng xóm Chợ là mọi người đành phải ngậm ngùi đồng ý… thì ông Đực bỗng đứng lên. Giọng ông run run nhưng rắn rỏi:

- Kính thưa mọi người. Chủ trương nông thôn mới là tốt đẹp, nhiều nơi đã làm thành công và mang lại cuộc sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng tôi thấy xóm này chưa thể hoàn thành được. Bao lần đóng góp rồi. Xây nhà văn hóa rất to chỉ để hàng năm họp vài lần, xây chợ thì bỏ hoang vì không tiện đường đi lại. Làm xong con đường thì bao nhiêu nhà phải vay nợ và rơi vào cảnh túng quẫn. Đường đẹp hơn nhưng còn bao nhiêu nhà vẫn vách lá lụp xụp, gạo không đủ ăn, con cái nheo nhóc không được đến trường. Năm nay dịch hại, chuột bọ phá hại khắp nơi. Tại sao mọi người không lo diệt chuột!?

Giọng ông Đực run run, khô khốc trong cổ họng:

- Nhà tôi đã cắm bìa đỏ rồi, cố lo cho con nó ăn học để thoát cái cảnh bùn lầy nước đọng này thôi… Đường mới để làm gì mà chả thấy cuộc sống đổi thay. Tụi trẻ thì bỏ ruộng vườn, bỏ làng đi hết còn mỗi người già cày với cuốc… Tội lắm!

- Phải rồi… Ông Đực nói đúng lắm…

Không đợi cho ông Đực nói hết mọi người bỗng nháo nhác.

-  Nhà tôi… cũng cắm bìa đỏ rồi.

Như tức nước vỡ bờ mọi người đứng cả dậy. Một người mạnh bạo cất giọng oang oang như có lửa, chỉ thẳng vào ông Chợ:

- Ông Chợ ạ, ông đừng cố tình bịt mắt chúng tôi, bao nhiêu năm ông cho dân ăn “bánh vẽ” rồi. Ông dối trên lừa dưới, xây dựng, bớt xén công trình mọi người đều biết. Ông không xứng với chức trưởng xóm. Tôi ủng hộ “chủ trương diệt chuột”, lo vụ mùa trước đã. Các việc khác bàn sau.

Chỉ chờ có thế mọi người đều đồng thanh nhất trí. Ông Chợ im lặng cúi đầu. Cuộc họp kết thúc, người dân phấn khởi ra về. Họ chợt nhận ra xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ tư duy mới và sự đoàn kết, bằng việc thiết thực giải quyết các vấn đề an sinh của xóm. Đã lâu lắm họ mới thấy một cuộc họp xóm quan trọng và ý nghĩa như vậy.

Ngô Đồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước