Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
14:01 (GMT +7)

Chuyện xóa đói giảm nghèo ở Sài Gòn

VNTN - Tôi sống ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Khu nhà tôi ở là một đường phố nhỏ, con đường này tỏa ra hàng chục con hẻm nhỏ khác từ sáng sớm đến đêm khuya xôn xao tiếng nói cười, tiếng nhạc, tiếng hót thánh thót của những con chim nuôi trong vườn; chim câu gù nhau trên nóc mái ngói đỏ nhà ai. Hàng loạt căn nhà mới, kiểu dáng đẹp mọc lên. Từ lễ Noel và Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán, những con hẻm nhỏ như bừng sáng lên! Những ánh mắt long lanh của các cô gái, tà áo dài trắng học trò phơi phới trong gió xuân. Thanh niên nam nữ mới hôm nao tôi thấy họ còn nhỏ xíu, như chợt lớn vụt lên, chân dài, cao to hơn hẳn cha mẹ, ăn mặc đúng kiểu mới nhất, khỏe mạnh, hưng phấn. Họ là niềm tự hào của cha mẹ, của khu phố, là gương mặt của cuộc sống hôm nay.


 

Ký. Triệu Xuân

Sài Gòn có bao nhiêu đại lộ và đường phố lớn, điều này chỉ cần nhìn bản đồ là biết. Nhưng hỏi có bao nhiêu con đường nhỏ (rộng 3 mét trở xuống đến 1 - 2 mét đủ cho hai chiếc xe gắn máy tránh nhau) thì đến Sở Giao thông Công chánh cũng khó có số liệu chính xác. Ước có tới cả ngàn đường nhỏ và hẻm nhỏ. Cách nay vài năm, những con hẻm này là một thế giới hoàn toàn khác với những gì trên những đại lộ ở khu trung tâm thành phố. Do nghề nghiệp, tôi thường đi công tác xa nhà, xa thành phố. Nhưng mỗi khi về tới Sài Gòn, bao giờ tôi cũng dành thời gian, nhất là vào giờ tập thể dục buổi sáng hoặc những buổi chiều đi dạo để quan sát cảnh vật, con người trong thế giới ngõ hẻm. Không biết từ bao giờ, thói quen đó là niềm say mê của tôi.

Cuộc sống trong các ngõ hẻm dường như còn giữ được cốt cách phong tục của làng quê Việt Nam. Giữa chốn thị thành, thật thú vị khi gặp một khóm trúc, bụi tre ngà, vài cây chuối hay một khoảnh vườn nho nhỏ trồng đủ thứ rau thơm hành ớt; đàn gà con theo mẹ kiếm mồi bên một con gà trống mã thật oai vệ. Sự phồn vinh của một thành phố, suy cho cùng chính là sự phồn vinh của dân chúng, mà Sài Gòn có tới tám chục phần trăm hộ dân sống trong thế giới ngõ hẻm! Cuộc sống trong thế giới ngõ hẻm, vì thế là biểu tượng sinh động nhất cho sự tiến bộ hay là sự suy vong của một thành phố. Từ những năm 1982-1985, thành phố Hồ Chí Minh đi tiên phong cả nước về xóa bỏ cơ chế hành chính quan liêu bao cấp trên một số ngành sản xuất công nghiệp, thương mại…

Từ thực tế đầy sức thuyết phục của Sài Gòn, Đảng và Nhà nước đã chính thức ban hành những chính sách cụ thể, đưa cả nước vào công cuộc Đổi mới. Tháng 12-1986, Luật đầu tư nước ngoài được ban hành… Thế nhưng, phải đến đầu thập kỷ Chín mươi, sự nghiệp Đổi mới mới được tiến hành, mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất vẫn là Sài Gòn - Tp Hồ Chí Minh. Vấn đề người nghèo tại Sài Gòn vô cùng nhức nhối! Không thể để một thành phố từng là biểu tượng “Hòn ngọc Viễn Đông”, một thành phố được mang tên Bác Hồ mà người nghèo đói lên tới gần triệu người! Đây là thành phố đông dân nhất Việt Nam, cũng là thành phố nhiều người nghèo nhất Việt Nam. Năm 1992, Chương trình Xóa đói Giảm nghèo của thành phố chính thức vận hành. Lúc đó, thành phố lấy tiêu chí hộ được coi là nghèo với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/năm ở nội ô, và 2,5 triệu đồng/người/năm ở vùng ven và ngoại thành. Ngay tại quận Nhất, trung tâm thành phố, tôi đã thấy hàng chục con hẻm nhỏ nổi danh từ trước năm 1975 là những tụ điểm xì ke ma túy, tệ nạn xã hội.

Đó là khu vực nhà ổ chuột trên rạch Thị Nghè, khu Đồng Tiến - Mả Lạng, hay khu phố nghèo ở phường 5 quận Tư - cách những tòa nhà ngân hàng lớn bên quận Nhất chỉ một cây cầu nhỏ - vậy mà đến dưỡng khí và nước sạch cũng không có cho con người. Cái gọi là nhà thực ra chỉ là những tấm các tông và giấy dầu quây lại giống như một cái hộp, mỗi hộp từ sáu đến tám mét vuông, và mỗi hộ gia đình như thế có từ sáu đến mười bốn người! Trẻ em thất học cùng người lớn đi lột vỏ hành mướn, hoặc khuân vác thuê cho các chủ hàng trong chợ, hoặc đá cá lăn dưa tại các bến cảng chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh.

Tết năm 1996, chị Trần Thị Nga, Chủ tịch ủy ban Nhân dân phường 5 quận Tư tâm sự: “Đau lòng nhất là cuối năm, khi lĩnh tiền cứu trợ của thành phố và của các nhà hảo tâm, dân trong phường em đa số không biết ký tên. Trên bản danh sách hàng trăm người, đỏ chói như máu những dấu ngón tay lăn trên mực hộp dấu để điểm chỉ”. Hàng ngàn con người chen chúc nhau như cá mòi trong những chiếc hộp dựng trên con rạch cạn mà thực chất như một hố xí công cộng lộ thiên.

Đường vào khu phố này cũng chỉ là những tấm đan bê tông ghép với nhau trên hàng cọc cắm xuống con rạch cạn. Chỉ cần đi hết từ đầu hẻm tới cuối hẻm thì một người sức khỏe kém có thể phải cấp cứu vì thiếu dưỡng khí, do ở đây tràn ngập mùi xú khí. Từ nhiều chục năm nay, người dân nơi đây chịu cảnh sống như thế như một định mệnh. Họ không biết thoát khỏi nó bằng cách nào. Khi thành phố có chủ trương xóa đói giảm nghèo, phường 5 quận Tư đã có hàng chục gia đình thoát nghèo, nhưng vẫn còn hơn 140 hộ gia đình sống dưới mức nghèo khổ. Họ không biết dùng tiền vay từ quỹ xóa đói giảm nghèo để làm gì vì một tấc đất không có, nghề nghiệp chỉ là làm mướn, học vấn không, đầu óc kinh doanh buôn bán cũng không nốt. Ước mơ lớn nhất của họ là có người kêu gánh nước mướn, lột vỏ hành thuê, kiếm được đủ tiền mua gạo và nước tương nuôi nhau trong ngày!

Từ dinh Thống Nhất đi vài phút là tới Sở Thú, qua cầu Thị Nghè là tới khu phố 4 của phường 17 quận Bình Thạnh. Cách đây chỉ vài năm thôi, đây là bản doanh của thế giới bụi đời: bài bạc, xì ke ma túy, mại dâm, đá gà cá độ, đâm thuê chém mướn, ăn cướp... Tội phạm từ đây qua thành phố gây án rồi khi bị truy đuổi thì dùng rạch Thị Nghè đen ngòm làm nơi thoát thân an toàn. Từ bao năm nay vẫn thế. Cùng với Chương trình xóa đói giảm nghèo, Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là Phong trào xây dựng khu dân cư toàn diện. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới đã thực sự có hiệu quả bởi nó vì dân, hợp lòng dân.

Khu phố 4 phường 17 Bình Thạnh như lột xác. Dòng “kênh thối”, “kênh đen” xưa, nay biến mất! Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành dòng sông nước dần dần trong xanh, như giải lụa mềm làm đẹp thêm Sài Gòn. Hai bên bờ kênh hình thành hai con đường rộng 16 mét, ba làn xe, có công viên rộng từ 5 đến 10 mét ra tới bờ kè, trồng cây xanh và hoa, cỏ, mang tên Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là nơi sinh hoạt, thư giãn, vui chơi của người dân sống hai bên dòng kênh thối khủng khiếp khi xưa!

Những con hẻm ở Bình Thạnh được bê tông hóa hoặc tráng xi măng, nhà cửa khang trang hơn. Nhà nghèo nhất cũng không còn dột nát. Tình làng nghĩa xóm thấm vào từng căn hộ, làm dịu bớt nỗi cô đơn hờn oán và nâng con người đứng thẳng dậy để sống cho ra sống. Phường cùng khu phố đã huy động nhiều nguồn vốn cho dân vay để mưu sinh. Nạn cho vay nặng lãi giảm nhiều. Không còn cảnh mạnh ai nấy sống, đèn nhà ai nấy rạng như trước. Tại đây đã có tới tám chục phần trăm số hộ thoát nghèo bền vững. Vào một buổi trưa, tôi dừng lại trước một lớp học tình thương với hơn ba chục cháu tuổi từ sáu đến mười bảy. Các cháu thất học, nay được khu phố tổ chức cho học chữ quốc ngữ và chữ dân tộc Chăm. Học miễn phí, sách vở được cấp. Lớp học còn tuềnh toàng, quần áo các cháu còn luộm thuộm, nhưng nghe tiếng trẻ ê a học bài, học để thoát khỏi kiếp lầm than như cha mẹ thì ai mà không xúc động đến nao lòng.

Tại quận Tân Bình, các doanh nghiệp và tổ chức từ thiện, các khu dân cư đã giúp hàng trăm triệu đồng cho hàng trăm trẻ em nghèo đến trường. Phường 14 quận 8 giúp cho trẻ em nghèo ăn một bữa trong ngày để các cháu không phải bỏ học. Các khu dân cư ở Quận Nhất, Phú Nhuận, Tân Bình… đã giáo dục được hàng trăm trẻ hư hỏng thành người lương thiện. Phường 15 quận 10 với 23 ngàn nhân khẩu nổi tiếng là khu vực kinh doanh cà phê đèn mờ và mại dâm. Nay đã lành mạnh hóa được khu vực nhức nhối này. Điều quan trọng rút ra ở đây là việc thanh toán nạn mại dâm không chỉ bằng biện pháp hành chính đơn thuần để rồi chẳng khác chi bắt cóc bỏ dĩa. Ở đây toàn dân cùng hành động. Chính vì thế mà các chủ chứa mới chịu chuyển nghề.

Toàn dân cùng nhắc nhở nhau không xả rác xuống kênh. Nhờ thế mà Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sắp tới đây là Kênh Tẻ, mau đổi màu nước! Phong trào thu gom rác ở quận 8 đã thu được hàng ngàn tấn rác trong các ngõ hẻm và kênh rạch. Việc toàn dân xi măng hóa các con hẻm đã thực sự làm đẹp môi trường cảnh quan, xóa đi hình ảnh bùn lầy nước đọng, ổ chuột của thế giới ngõ hẻm Sài Gòn từ nhiều chục năm qua. Nếu không có sức dân và không được lòng dân nhất trí thì mọi chủ trương dù đúng, không thể thành hiện thực. Đó không phải là bài học của một phường, đó là bài học cho cả một chế độ, một Nhà nước.

Tôi chưa nói tới những mặt tồn tại, nhức nhối mà bất cứ đô thị lớn nào trên cõi nhân gian này cũng có. Tôi không nói tới những dự án đầu tư nước ngoài, những căn hộ cao cấp đã và đang mọc lên như nấm tại Sài Gòn. Tôi muốn nói đến nhà ở của lớp “bình dân”. Từ năm 1990 đến nay, thành phố đã xây dựng được hàng trăm ngàn mét vuông nhà cho dự án giải tỏa kênh Nhiêu Lộc, hàng ngàn căn nhà tình nghĩa. Thành phố  chi hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình chính sách sửa chữa nhà; huy động hàng ngàn tỷ đồng cho quỹ xóa đói giảm nghèo, trợ vốn cho hàng trăm ngàn hộ... Nói tới Chương trình Xóa đói Giảm nghèo phát động từ 1992 là phải nói tới Dự án cải tạo dòng kênh thối.

Năm 1993, thành phố HCM lập Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ cùng với việc xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Thời điểm đó, mọi thứ đều khó khăn thiếu thốn, thành phố đã đầu tư 1.600 tỷ đồng để đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh... Mười năm sau, năm 2003, Dự án cũ kết nối với dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng quốc tế, hơn 300 triệu USD, với các hạng mục chính như nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải. Khi hoàn tất, toàn bộ nước thải sinh hoạt trên lưu vực không đổ xuống kênh mà chảy vào tuyến cống bao, như một tuyến kênh ngầm để chảy về trạm bơm xử lý. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn chảy vào, nhờ đó nước dần dần trong xanh trở lại. Năm 2011, thành phố đầu tư cải tạo nâng cấp hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa từ cuối đường út Tịch quận Tân Bình đến đường Nguyễn Hữu Cảnh quận 1, tạo thành hai con đường đẹp và thơ mộng của thành phố.

Hai mươi ba năm thực hiện chương trình giảm nghèo, Sài Gòn trải qua nhiều giai đoạn với 8 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Giai đoạn 1992-2003 là 3 triệu đồng/năm ở nội ô; 2,5 triệu đồng/năm ở ngoại ô. Giai đoạn 2004-2010, tiêu chuẩn hộ nghèo là dưới 6 triệu đồng/năm (cả nội thành và ngoại thành). Giai đoạn 3 từ 2009-2015, tiêu chí hộ nghèo với mức thu nhập bình quân dưới 12 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2013, tổng số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm giảm từ 152.328 hộ vào đầu năm 2009 xuống còn 14.000 hộ vào cuối năm 2013; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 8,4% xuống còn 0,71% trên tổng số hộ dân. Như thế, thành phố đã kết thúc trước thời hạn hai năm của giai đoạn 3, và tiếp tục nâng tiêu chí chuẩn nghèo cho giai đoạn 2014-2015 là 16 triệu đồng/người/năm!

Theo số liệu chính thức của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 6- 2015, thành phố đã hoàn tất chương trình Giảm nghèo giai đoạn 2014-2015. Đến thới điểm này, chỉ còn 1,03 % hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm và 2,64 % hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập từ 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm. Đã có 8/24 quận huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí trên. Thành phố Hồ Chí Minh đông dân nhất nước mà chỉ còn 1,03% hộ nghèo theo chuẩn dưới 16 triệu đồng, thật là niềm vui lớn! Thành phố của tôi đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ xóa đói giảm nghèo với tiêu chí được coi là nghèo cao gấp 3 lần bình quân cả nước! ở ngoại thành, xã Thái Mỹ huyện Củ Chi là một điểm sáng Giảm nghèo. Ngay từ năm 2000, Thái Mỹ không còn nhà tranh tre nứa lá, nhà tạm, toàn nhà xây kiên cố. Hệ thống đường giao thông trong xã trải nhựa hoặc bê tông hóa. Tại nội thành, Quận 5 là quận đầu tiên hoàn tất chương trình giảm nghèo tăng hộ khá giai đoạn 2014-2015, về đích trước thời hạn ngay từ giữa năm 2014!

Dòng kênh chết hồi sinh giữa thành phố    Ảnh: Dương Thanh/ Dân Việt

 Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư thành ủy TP HCM phát biểu: “Thành phố chúng ta đã đặt vấn đề giảm nghèo của một bộ phận nhân dân trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; không dừng lại ở việc trợ vốn, học nghề, giải quyết việc làm mà còn gắn kết với chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật -  xã hội, nhà ở, chính sách học phí, viện phí, v.v… tăng điều kiện tiếp cận cơ hội học tập, chữa bệnh của người nghèo, hộ nghèo nội thành, vùng ven và nông thôn thành phố. Một trong những nguyên nhân thành công là cả hệ thống chính trị thành phố đã khơi dậy ý thức tự lực, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên của người nghèo, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tình tương thân, lòng nhân ái, nghĩa đồng bào rất tốt đẹp, đặc trưng văn hóa, truyền thống nhân văn của dân tộc ta, của thành phố Hồ Chí Minh”.

Những con số khô khan ấy là kết quả của biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt của người dân và những người lãnh đạo thành phố. “Họa phúc mối phi nhất nhật”, không phải cứ nằm chiêm bao là có, không tự nhiên mà có những thành tựu đó. Phải tiến hành cuộc kháng chiến ba mươi năm mới có ngày đất nước hòa bình, Thống nhất. Phải mất mười năm ấu trĩ, chủ quan, sai lầm liên tiếp mới có sự nghiệp Đổi Mới. Phải kinh qua hai mươi lăm năm Đổi Mới mới có hôm nay. Những con số giảm nghèo lấp lánh niềm vui, niềm tin vào một tương lai phồn vinh không còn xa nữa!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước