Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:33 (GMT +7)

Chuyện về thành phố tương lai

Ký. Phạm Quý

VNTN - 1.Nghe cái tin có một cuộc tọa đàm với chủ đề “Phát triển thành phố hai bên bờ sông Cầu” tôi mừng lắm. Bỗng thấy dội về những câu hát đã rung động trong lòng từ lâu “Ngọn nguồn từ câu lượn. Ngọn nguồn từ câu sli. Rì rầm trong cổ tích. Chảy về quê hương mình”. Nhà thơ Hiền Mặc Chất không phải người Thái Nguyên mà sao lại có những câu thơ làm bật lên cái bản sắc của thành phố Thái Nguyên đến thế. Rồi cái ông nhạc sỹ nào cũng lại ăn nhập ngay với cái hồn thơ ấy. Vậy là bài hát đã nằm lòng của những người Thái Nguyên và bạn bè tỉnh bạn. Nhiều lúc đi bên bờ sông Cầu, nhớ đến giai điệu, ca từ bài hát, lòng tôi cứ chộn rộn như nghe được con sông đang hát và bức tranh đẹp đẽ, êm đềm, đầy bản sắc Thái Nguyên cứ hiện lên.

Thành phố đã như một ngôi nhà chung gắn bó với bao niềm vui, nỗi nhớ của những người con Thái Nguyên trong đó có tôi. Được chứng kiến những thăng trầm của thành phố mình hơn nửa thế kỷ qua. Có tuổi thơ gắn bó, có những năm tháng cách xa. Những cảm xúc ấy chất chứa nhiều cung bậc của ký ức và cả hiện tại bây giờ.

Tôi sinh ra đã gần sông, lớn lên lại có những năm tháng học hành nơi thành phố nên dòng sông này, những hình ảnh của thành phố này từ thời thơ ấu đã in đậm trong lòng. Ngay từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi mới thành lập, thành phố Thái Nguyên đã trở thành niềm tự hào của cả miền Bắc với tên gọi thành phố Gang Thép. Đêm về, điện sáng lung linh một vùng phía nam thành phố. Tiếng còi tầm vào ca vang trong không gian một âm thanh mới lạ làm háo hức lòng người. Rồi khi mỗi mẻ gang ra lò, cái ánh hồng hắt lên làm sáng rực một khoảng trời rộng lớn xung quanh. Khách ở xa đến sẽ không khỏi khấp khởi trong lòng, khi trước mắt mình sừng sững một khu công nghiệp với những ống khói cao vút đang tỏa khói.

Người ở Thái Nguyên đi xa về cũng vậy. Hình ảnh đầu tiên làm chộn rộn lòng mình cũng là những ống khói cao vút kia. Nó chẳng khác gì cái cảm giác đã nhìn thấy cây đa làng  sau bao ngày xa cách. Đấy là những hình ảnh, những ấn tượng của một thành phố công nghiệp đầu tiên trên cả nước. Tuy vậy những con đường thành phố vẫn còn nhỏ bé, hai bên những hàng cây xà cừ. Nào quốc lộ 3 từ ngã ba Bắc Nam đến Quán Triều mà bây giờ mang tên Lương Ngọc Quyến; nào con đường từ Gang Thép lên ngã tư Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam mà bây giờ có tên đường Cách mạng Tháng Tám. Tất cả đều chưa đến mươi mét chiều rộng, hai bên phần lớn vẫn là những ao rau muống và cả những cánh đồng lúa, thấp thoáng phía trong là làng. Ngay nơi gọi là trung tâm như gần sân vận động và rạp chiếu bóng thành phố thì những ao rau muống vẫn liền kề. Hồn phố vẫn dáng dấp nửa phố, nửa làng. Những năm Mỹ ném bom miền Bắc, thành phố càng tiêu điều vì chợ và các cơ quan trường học đều đi sơ tán hết. Tôi còn nhớ, mỗi đợt Mỹ ngừng ném bom tạm thời thì cứ dịp 2-9 con đường từ ngã tư Bến tượng đến ngã tư Bảo tàng dòng người đi chen chân nhau. Hình như mỗi đoạn đường ấy mang cái hồn của phố. Hàng xà cừ hai bên con đường đôi đã có mấy chục năm tuổi làm người đi thư thái khi bước trên đoạn đường này. ở đó như mới nghe được những âm thanh của phố. ở đó như mới có được sự hòa quện với không gian êm đềm của con sông kề bên.

Người ta vẫn bảo thành phố Thái Nguyên là thành phố bên sông vì con sông Cầu vẫn hiền hòa chảy ở phía đông thành phố. Cả một đoạn sông dài như vậy chỉ duy nhất có một cây cầu Gia Bảy bắc qua sông. Từ cuối thập kỷ 90 tôi đã nghe thành phố sẽ phát triển về hướng tây nối liền với hồ Núi Cốc và như vậy thật đúng với câu hát “Sông Cầu như dải lụa, ôm Thái Nguyên vào lòng”. Con sông vẫn nằm ngoài thành phố.

2. Giá như không có cái thông tin vui kia, có lẽ tôi chẳng có dịp để gặp và chuyện trò với anh Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên về một đề tài đang nóng hổi này. Tôi đã nghĩ, phải trao đổi thật thoải mái với anh về những gì mà lâu nay tôi vẫn băn khoăn về thực tại và cả về cái bức tranh của thành phố trong tương lai nữa, thì anh lại bảo: Ta cứ chuyện trò thoải mái, cùng cánh văn nghệ cả, bàn về cái đẹp mà anh. Vậy là tôi nói. Nói trên tinh thần của một người mù về kiến trúc, chỉ lấy cái cảm nhận của đôi mắt và tấm lòng mình với thành phố tôi yêu. Tôi bảo với anh rằng thành phố mình đang phát triển thật mạnh mẽ. Nhà cửa, đường phố đã rất đẹp. Cây xanh cũng thấy rõ một sự qui hoạch rõ rệt, nghe đâu được đứng ở tốp 20 toàn quốc. Chợ cũng đã có chợ Thái, chợ Đồng Quang rất khang trang. Vậy mà tôi vẫn thấy thiếu những cái hồ nước, những công viên xanh cho xứng tầm của thành phố mình.

Tôi đi qua Hưng Yên, Vĩnh Phúc gần mình đây, thành phố của họ không lớn hơn mình nhưng chớm vào đã thấy ấn tượng, đã nhận ngay ra cái hồn của phố. Những công viên xanh ven hồ nước xanh đã điểm tô và làm mềm mại hơn, rực rỡ hơn những công trình trong thành phố. Chỉ nhìn chứ chưa cần bước đi trên con đường ven hồ ấy, đã đủ thấy lòng mình được giãn nở trong sự đẹp đẽ trong lành. Tôi cũng kể với anh những cảm nhận khi vừa có ít ngày sống ở Hà Nam. Tôi thấy thành phố của họ có những điểm tương đồng với thành phố mình. Họ cũng có con sông Nhuệ chảy qua thành phố.

Trước kia thành phố nằm ở phía đông con sông, giờ lại đang phát triển về hướng tây, đưa con sông vào giữa lòng thành phố. Thành phố ấy vẫn đang có sự bộn bề của sự phát triển, nhưng những điểm nhấn về cảnh quan môi trường vẫn làm nên một nét đẹp cho thành phố. Thành phố Hà Nam không rộng nhưng đã có tới hai công viên là công viên Nguyễn Khuyến và công viên Nam Cao cùng chiếc hồ Chùa Bầu ngay trung tâm. Anh đã nghe tất cả, và bảo tôi: - Những điều anh nói đều đúng, vì một thành phố muốn đẹp, muốn gây ấn tượng và có cái hồn riêng phải có mấy điểm như: Thứ nhất là cửa ngõ, không cần biển báo, nhưng cứ chớm đến đấy người ta đã bị gây ấn tượng và biết đã được bắt đầu bước chân vào thành phố rồi. Nó cũng như cái nhà anh ở, phải có cái ngõ để người ta nhận ra ranh giới nhà anh. Có thể chỉ một cái cổng với vài dáng cây đã gây ấn tượng về thẩm mỹ với người đến rồi. Thứ hai là trung tâm, nó được thể hiện từ qui củ những con đường, những ngôi nhà, khu vui chơi giải trí, các khu vực hành chính các trung tâm thương mại, nơi tổ chức lễ hội rồi cảnh quan môi trường và chợ. Thứ ba là môi trường xanh gồm diện tích cây xanh, diện tích mặt nước và một môi trường sạch sẽ làm cho con người thoải mái, hứng thú với nơi mình đang sống.

Đấy là sơ lược thế thôi chứ đi vào từng chi tiết cụ thể nó mới tạo nên một nét riêng. Cái nét riêng ấy không thể tách rời đặc điểm địa hình, bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền.

Nói đến đặc điểm địa hình, tôi lại nghĩ đến thành phố Đà Lạt. Một thành phố mà ai đến đều không thể quên những ấn tượng về sự thơ mộng của nó. Cái đẹp là sự sáng tạo của con người luôn kết nối với dáng vẻ nguyên sơ của thiên nhiên. Nó đã khoe được các sắc màu mà thiên nhiên đã ban tặng nơi này. Sự kiến tạo những ngôi nhà, những con đường trên dáng núi trập trùng sắc thông đã làm nên một không gian Đà Lạt tuyệt vời.  Quay về chuyện thành phố mình, tôi bảo tại sao trong thành phố không có một cái hồ nào, công viên lại vừa nhỏ vừa chẳng thấy một qui mô gì rõ rệt. Mặc dù khu quảng trường Võ Nguyên Giáp tới đường tròn Đồng Quang đã có một trục đường rộng và đẹp, với đảo tròn có hệ thống phun nước như một trục xuyên suốt trung tâm. Mặc dù những nhánh đường Bến Tượng, Đội Cấn, Nha Trang, Hùng Vương, Cách mạng Tháng Tám cũng đã rất đẹp với những hàng cây xà cừ, bằng lăng, hoa sữa. Anh Cường đã nói với tôi: Trước cũng đã có những dự tính xây đắp hai chiếc hồ ở khu Phủ Liễn và Đại học Thái Nguyên để cân bằng sinh thái nhưng vì nhiều lý do không thực hiện được. Bây giờ đang có hồ Xương Rồng nằm trong dự án khu đô thị Xương Rồng ở phía nam thành phố. Tôi cũng đã đọc được thông tin này trên mạng.

Khu đô thị hồ Xương Rồng đang được công ty cổ phần Sông Đà 2 chủ đầu tư. Dự án này nay mai sẽ là một trong những khu đô thị đẹp nhất thành phố với những khu nhà ở, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí cao cấp. Đặc biệt có 95.000m2 mặt nước và hơn 25.000m2 diện tích cây xanh, tạo nên một không gian đặc biệt như một điểm nhấn cho thành phố. Từ những câu chuyện lan man, mọi suy tư từ quá khứ đến hiện tại, giờ tôi lại lôi anh về câu chuyện thành phố hai bên sông của tương lai. Cuộc tọa đàm hôm ấy vẫn còn nóng hổi với anh và đang đầy háo hức trong tôi. Anh đưa tôi cuốn kỉ yếu gồm các tác phẩm mà các kiến trúc sư của Thái Nguyên và nhiều tỉnh đã tham luận vừa rồi. “Nó có cả trong này anh cứ đọc đi”.

Tôi biết mỗi một đề án qui hoạch cho độ dài 15, 20 năm và dài hơn trong sự phát triển của một địa phương, khởi đầu phải là sự tính toán biết bao yếu tố. Phải cân nhắc đi, cân nhắc lại, phải có nhiều cuộc tọa đàm như thế này rồi mới trình để được phê duyệt. Và cái yếu tố quyết định đầu tiên là tầm nhìn của các nhà quản lý về một chiến lược phát triển lâu dài. Điều ấy nó có thể làm nên một diện mạo, một di sản quí báu cho các thế hệ mai sau. Cái yếu tố đầu tiên ấy đã được bắt đầu bằng bài phát biểu của ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong cuộc tọa đàm với nhan đề: Đánh thức tiềm năng sông Cầu, tạo động lực cho phát triển thành phố Thái Nguyên bên bờ sông Cầu. Tôi có một cảm nhận, những gắn bó của dòng sông Cầu với quê hương Thái Nguyên đã bắt đầu được con người đón nhận. Dòng sông bao đời bù đắp phù sa cho Thái Nguyên, gắn bó với lịch sử Thái Nguyên, bốn mùa với khúc hát ru ôm thành phố vào lòng. Bây giờ nó sẽ được ôm vào lòng thành phố. Ai cũng biết, từ năm 1996 qui hoạch chung việc xây dựng thành phố Thái Nguyên được phát triển về hướng tây gắn với hồ Núi Cốc. Con sông Cầu vẫn nằm ngoài thành phố. Năm 2005, điều chỉnh qui hoạch chung vẫn chủ yếu về ba hướng bắc, tây và nam. Đã có tiếp cận một chút ở hướng bắc về phía đông sông Cầu đó là hai xã Cao Ngạn và Đồng Bẩm. Hiệu quả của nó đã bắt đầu hiển hiện như dự án Trường đại học Việt Bắc. Khu đô thị Picenza, qui hoạch cảnh quan sông Cầu A, cảnh quan sông Cầu B, khu phố châu Âu. Đến năm 2014, khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng chính phủ về việc điều chỉnh qui hoạch mở rộng địa giới hành chính sang thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng thì mới có đồ án phát triển sang phía đông bờ sông Cầu. Vậy là để có một đồ án này phải trải qua bao sự đổi thay của thành phố với một thời gian không nhỏ.

3. Mừng thì mừng thế nhưng sau khi đọc các tham luận trong buổi tọa đàm, tôi vẫn hình dung ra không ít khó khăn. Nào là phải đối mặt với sự ô nhiễm của dòng sông, phải khắc phục được tình trạng này, trả lại sự trong lành cho nó. Nào là phải có một hệ thống đê kè đồng bộ để kiểm soát và điều tiết mực nước, chống được ngập lụt xói lở và phải khai thác được mặt đê vào chức năng đô thị. Rồi một hệ thống cầu qua sông phải trên chục chiếc trong khi hiện nay mới chỉ có mỗi cầu Gia Bảy. Dòng chảy của sông nhiều chỗ lại biến dạng, từ lâu đã mất đi khả năng lưu thông đường thủy trên sông. Những khó khăn ấy phải khắc phục mới tạo được sức sống cho dòng sông để phục vụ sự phát triển, phục vụ lợi ích con người.

Khó khăn vẫn còn trước mắt nhưng những dẫn chứng của các kiến trúc sư đến từ Bộ Xây dựng, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và các kiến trúc sư tỉnh nhà đã phác lên được một bức tranh cho tương lai. Những bài học quí báu từ sông Hàn của Đà Nẵng, sông Hương của Huế biết tận dụng tiềm năng con sông kết hợp với ý tưởng qui hoạch tổ chức không gian đô thị tốt, tạo nên một bản sắc riêng, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đem lại nhiều lợi ích cho con người.

Chia tay với Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thái Nguyên, tối ấy, ngồi mung lung nghĩ về một tương lai của thành phố mình, lòng tôi vẫn nao nao một nguồn cảm hứng. Một mai các đô thị ở hướng tây sẽ nối liền với hồ Núi Cốc, những đồi chè ở vùng Tân Cương sẽ làm nền cho một điểm nhấn rất riêng. Rồi các đô thị ở phía nam như đô thị Xương Rồng vẫn gắn liền với Gang thép đã một thời là niềm tự hào của Thái Nguyên. Phía bắc, những khu đô thị mới như Picenza, những công viên xanh hàng trăm ha như sông Cầu A, sông Cầu B. Rồi những khu phố châu Âu sẽ lung linh in bóng bên dòng sông Cầu. Phía đông, những khu đô thị mới với những chiếc hồ rộng lớn, có công viên xanh và những khu nghỉ dưỡng đẹp đẽ sẽ mọc lên khi có dự án này. Những cây cầu mới sẽ in bóng xuống dòng sông. Những chiếc thuyền du lịch sẽ nhẹ lướt giữa đôi bờ yên ả. Tôi tin, thành phố sẽ có một bản sắc riêng khi tình người, tình sông gắn kết nhau vì một tình yêu thiên nhiên và vì một cuộc sống hạnh phúc của con người. Tự nhiên trong đầu tôi lại vọng lên câu hát: “Tay nắm tay cùng đi. Xây ước mơ ngày mai, thành phố tháng mười - thành phố tương lai.”

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước