Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:54 (GMT +7)

Chuyện về nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên

VNTN - Trước mặt tôi là một phụ nữ có dáng vóc khiêm nhường nhưng toát lên một nghị lực phi thường. Phương châm sống của chị là: “Hãy cố gắng thắp lên một ngọn nến, còn hơn cứ ngồi nguyền rủa bóng tối”. Nhờ vậy, chị đã vượt qua mọi khó khăn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ và trên con đường tri thức, để trở thành nữ tiến sĩ người Dao đầu tiên của Việt Nam. Chị là Bàn Thị Quỳnh Giao.

Trở thành cô giáo vì cha không muốn xa con gái

Sinh năm 1977 tại Phấn Mễ, Phú Lương, Bắc Thái (cũ), tuổi thơ của Quỳnh Giao thiếu thốn, vất vả. Suốt thời thơ ấu, chị cùng mẹ và anh cuốc từng đám ruộng thụt, trồng từng gốc sắn đỏ để ăn trong những ngày giáp hạt, những khi tem phiếu được trả bằng phân đạm và dầu ma dút. Chị là con gái của tiến sĩ Bàn Tiến Tân (1945-1994), một người Dao Tiền sinh ra tại nơi núi cao Nguyên Bình (Cao Bằng). Khi mới 11 tuổi, ông đã cõng gạo đi bộ hàng tháng trời xuống Thái Nguyên học Trường Thiếu Nhi vùng cao. Vất vả, thiếu thốn, nhưng cậu thiếu niên ấy đã cặm cụi “nhặt” từng con chữ. Và chính những năm tháng miệt mài đèn sách ấy, đã chắp cánh cho ông để sau này trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên đại học - Trưởng bộ môn Văn học dân gian của Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Là lớp sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (1966 - 1970), được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Văn, năm 1977, ông là một trong ba cán bộ của Trường thi đỗ học bổng nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn là tiến sĩ người Dao đầu tiên và duy nhất của Việt Nam học tại Đại học Tổng hợp Lômônôxôp (Liên Xô cũ).

Tiến sĩ Bàn Thị Quỳnh Giao (thứ hai từ trái sang) trong dịp đi điền dã tại xã Bản Cầm (Bảo Thắng, Lào Cai).

Nhiều thế hệ sinh viên Khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc vẫn còn nhớ những kỉ niệm về ông, thầy giáo Bàn Tiến Tân gần gũi, mộc mạc, thương học trò như con, với những tiết giảng về văn học dân gian đầy thú vị, thoải mái. Nhớ những đợt thầy trò cùng nhau đi điền dã văn học dân gian, sưu tầm những câu chuyện cổ, những câu hát đối của đồng bào dân tộc tại Tràng Xá, Võ Nhai. Lúc đó TS Bàn Tiến Tân đúng là một nhà nghiên cứu, sưu tầm dân gian, tỉ mỉ, cần mẫn, mộc mạc mà uyên thâm, dân dã mà không xô bồ… TS Bàn Tiến Tân còn là hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Thái (cũ), ông đã có nhiều công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian đóng góp với địa phương.

Ông cũng chính là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự nghiệp Bàn Thị Quỳnh Giao sau này, bởi theo chị tâm sự trong ba anh em chị có vẻ bề ngoài giống cha nhất và được cha yêu chiều nhất nhà. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Quỳnh Giao luôn mơ ước mình sẽ trở thành một nữ luật sư, chị đã xin cha đi thi đại học Luật nhưng cha chị nói: “Con gái rượu mà đi học Luật thì ai sẽ ở gần bố? Thôi con cứ thi Sư phạm đi, bố con ta sống gần nhau chả tốt quá hay sao!”. Và rồi chị đã thi vào Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc theo mong muốn của cha.

Vừa thi đại học xong, hai cha con dắt nhau về quê Nguyên Bình thăm bà nội như ông đã hứa với con gái. Lúc ấy, đi lại khó khăn vô cùng. Một ngày đi ô tô khách mới về đến thị xã Cao Bằng. Đi thêm một ngày nữa, đến huyện Nguyên Bình. Rồi thêm một ngày đi bộ nữa, hai bố con mới về đến Quang Thành, nơi bà nội đang sống. Trong một ngày đi bộ về quê, có những lúc chân đau quá Quỳnh Giao ngồi bệt xuống đất mà thở, cha đã động viên chị: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”, làm cái gì con cũng phải có quyết tâm và không được chán nản, thì con mới có được kết quả tốt đẹp. Những lời nói đó cũng chính là những lời căn dặn cuối cùng của cha dành cho chị, bởi khi trở lại Thái Nguyên, ngay ngày hôm sau ông bị tai nạn giao thông và mất!

Cha đột ngột lìa đời, chị chông chênh, mất phương hướng, mọi thứ sụp đổ… Nửa tháng sau, có kết quả thi đại học, chị là người có số điểm cao thứ hai vào Khoa Văn năm đó. Chị nhớ cha. Chị thầm hứa sẽ không làm cha thất vọng. Tốt nghiệp đại học, chị về công tác tại Trường phổ thông cơ sở Giang Tiên (Phú Lương), suốt 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy, chị luôn là giáo viên dạy giỏi, được học sinh yêu mến.

Từ “cô giáo làng” trở thành nữ tiến sĩ

Cuộc sống nhiều khi không như ý muốn, những lúc đau buồn nhất, chị thường nghĩ đến cha và dường như cha luôn đồng hành, tiếp cho chị sức mạnh để vượt qua mọi bão tố cuộc đời. Ngay cả khi chị nghĩ mình đã gục ngã, thì đâu đó bên tai luôn văng vẳng lời dạy của cha: “Nếu con bị phản bội, mất lòng tin và bị tổn thương, con hãy vững vàng vượt lên, giữ lại những gì tốt đẹp nhất và đừng tự thương hại mình quá!”. Chị lại đủ sức đứng lên đi tiếp những bước khó nhọc trên quãng đường gập ghềnh sỏi đá. Chị tự nhủ, nếu muốn ngày mai được đi trên con đường trải nhung đỏ, chi bằng ngay hôm nay ta hãy tìm vải nhung. Những tấm vải nhung đó chính là kiến thức để chị có thể sải những bước dài trên con đường bớt chông gai sau này.

Năm 2008, chị quyết định đi học cao học. Đối với một trường cấp 2 tại một huyện miền núi, thời điểm đó, tấm bằng đại học chính quy của chị cũng đã là ổn rồi, nên chị biết có xin đi học cao học cũng sẽ chỉ nhận được những cái lắc đầu. Chị âm thầm tự thu xếp, ngày đi dạy, tối đi ôn thi. Và rồi chị đã thi đỗ. Chị nhớ lại những ngày đó bằng một nụ cười buồn: “Vừa đi dạy, vừa “trốn” đi học, những hôm thi mình phải nghĩ ra đủ mọi lí do để đổi giờ dạy khắp tổ. Nào là “mai cháu đi khám bệnh”, hay “con cháu lại bị sốt”... Chỉ đến khi cầm được tấm bằng thạc sĩ trong tay, chị mới báo cáo nhà trường.

Gia đình chuyển về Hà Nội, chồng chị thấy vợ cứ như con thoi giữa Hà Nội - Thái Nguyên với đồng lương giáo viên ít ỏi, nên muốn vợ nghỉ, tìm việc khác. Chị thì không muốn bỏ nghề, nên cứ ôm hồ sơ đi nộp khắp các trường ở Hà Nội. Gần hai năm không được trường nào nhận, đang bế tắc thì được anh trai gợi ý chị nên về viện nghiên cứu, vì dù gì cũng đã học xong cao học, nếu không tiếp tục làm nghiên cứu kiến thức sẽ mai một dần đi. Và rồi chị đã nộp hồ sơ về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mấy tháng sau thì được nhận về công tác tại Viện Văn học.

Chị Bàn Thị Quỳnh Giao trong ngày nhận Bằng Tiến sĩ.

Ngày đầu tiên đến cơ quan, chị có cảm giác ngộp thở, bởi xuất phát điểm chậm hơn các bạn trẻ trong cơ quan quá nhiều. Cũng may, các giáo sư đã từng dạy thời cao học đều động viên chị cố gắng cho bằng đồng nghiệp. Loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu, bởi từ khi ra trường chị chỉ quen cầm phấn đâu có làm nghiên cứu. Mất hơn một năm, không biết phải làm gì; có những đêm thức trắng, chị lại nhớ đến lời của Viện trưởng trong ngày đầu tiên chị đi làm: “Tôi cho bạn 5 năm, bạn phải làm được điều gì đó, nếu không bạn hãy tự nghĩ đến việc chuyển công tác”.

Chị lại nghĩ đến cha, người đã từng là một tiến sĩ về Văn học dân gian, vậy hà cớ gì mà chị không bước theo ông? Như thế, vừa kế thừa được tủ sách của cha, vừa làm tiếp được những dự định của cha vẫn còn dang dở. Như tìm được “ánh sáng cuối đường hầm”, chị lao vào nghiên cứu. Và tại một cuộc Hội thảo được tổ chức vào tháng 11 năm 2012, bài viết đầu tiên của chị đã được sử dụng. Đó là bài viết về tri thức chọn giống cây trồng của người Dao cổ. Bài viết cung cấp được rất nhiều kinh nghiệm của người Dao trọng việc chọn đất, làm đất, chọn giống cây trồng mà chủ yếu là giống lúa và giống ngô. Đó là những kiến thức mà chị biết rất rõ, bởi khi còn sống với cha mẹ chị đã là một nông dân chính hiệu. Điều này tưởng như rất đơn giản, nhưng nó lại rất có ý nghĩa với Quỳnh Giao lúc đó, nó cho chị có thêm động lực để tiếp tục công việc mới mẻ này.

Khi con thứ hai được 6 tháng (8/2013), bắt đầu đi làm lại sau khi nghỉ chế độ thai sản, cũng là lúc chị nộp hồ sơ thi nghiên cứu sinh. Nhiều người bảo, con nhỏ đi học vất vả lắm, với lại vừa về viện nghiên cứu còn chưa biết ngô khoai thế nào thì làm sao mà làm được luận án. Chị tìm gặp PGS.TS Nguyễn Thị Huế nhờ bà hướng dẫn. Khi đó, PGS cũng rất băn khoăn bởi hướng dẫn một “giáo viên làng” lại có con nhỏ không hiểu có thành công không, hay rồi lại rước vạ vào thân? Nhưng rồi, sự quả quyết của Quỳnh Giao đã làm bà siêu lòng.

Luận án của chị làm về mảng “khó nhằn” nhất của người Dao, đó là về dân ca nghi lễ. Thế giới tâm linh của người Dao được phản ánh rõ nét nhất trong dân ca nghi lễ, khi cắt nghĩa, giải mã được ý nghĩa của mỗi bài dân ca nghi lễ là đồng nghĩa với việc đưa mọi người tiếp cận gần hơn với thế giới tâm linh của người Dao. Có những lúc khó khăn quá chị định bỏ cuộc, song rồi lại hình dung ra ánh mắt khích lệ của cha, chị lại xách ba lô lên đường.

Con được một tuổi, đúng hôm mưa rét căm căm, chị nhận được điện thoại của thầy cúng gọi ở bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai báo có người chết. Đồng hồ đã chỉ 23g10, giờ này chả còn xe ô tô nào chạy, mà để sáng mai thì đi mất cả ngày, nghi lễ làm ma tươi đã gần kết thúc. Đám cưới hay lễ cấp sắc còn chọn được ngày, chứ người chết có ai báo trước bao giờ.

Cực chẳng đã, vợ chồng chị phải giao cho thằng anh trông em. Hai vợ chồng “cưỡi” xe máy đi xuyên đêm lên Mường Khương, quay phim, chụp ảnh, thu thập tư liệu. Những ngày đầu mới đi thực địa, không quen thời tiết, không quen thức đêm, chị lăn ra ốm ngay tại nhà người thụ lễ, khi đó may có chồng cáng đáng hết việc quay quay, chụp chụp. Đi điền dã ròng rã từ năm 2013 đến hết năm 2015, đầu năm 2016 khi tư liệu đã khá dày dặn, chị bắt tay vào việc xử lý tài liệu và viết luận án. Và đến tháng 3 năm 2017, chị đã bảo vệ thành công luận án của mình, đúng tiến độ, được đánh giá là có nhiều đóng góp mới. Đúng ngày 20/11/2017, chị cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ với tất cả sự nỗ lực của mình và sự ủng hộ động viên của gia đình, đồng nghiệp. Hân hoan trong niềm vui hoàn thành nghĩa vụ học tập của bản thân không nhiều bằng vui sướng với niềm vui của gia đình, bởi cùng ngày hôm đó anh trai của chị là Bàn Tuấn Năng công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng được nhận bằng tiến sĩ.

Đam mê “khoe” nét đặc sắc của dân tộc mình

Khi từ bỏ phấn trắng, bảng đen bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học, TS. Bàn Thị Quỳnh Giao không mơ ước điều gì quá cao sang, chị chỉ mong muốn nhiều người biết đến văn hóa của tộc người mình. Chị đã “khoe” rất nhiều những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình bằng việc công bố những bài báo, những bài nghiên cứu, các đề tài về văn hóa của người Dao như: tục khâu áo cho ông bà, tục biếu tiền cho người chết, tín ngưỡng thờ thần Đế Mẫu, tín ngưỡng chia của cho người chết…

Mỗi nét văn hóa chị đem “khoe” với công chúng, là một lần chị thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ những nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chị luôn tâm niệm “Cuộc sống của bạn chỉ thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi bạn biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, biết ghi nhận, biết tin vào những lời hứa”, đó chính là ước mơ gìn giữ văn hóa dân tộc mình và lời hứa không bao giờ được gục ngã trước sự nghiệt ngã của cuộc đời với người cha trước khi ông nhắm mắt xuôi tay. Vì thế mà cho đến bây giờ chị vẫn có thói quen xách ba lô lang thang khắp những bản làng của người Dao, người H'Mông, người Hà Nhì… để “khoe” những đặc sắc văn hóa của các tộc người với công chúng gần xa.

Với đàn ông làm công việc nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu tộc người vất vả năm, thì phụ nữ làm nghiên cứu văn hóa tộc người vất vả mười. Bởi sau lưng họ là cả một gia đình luôn trông chờ vào bàn tay người phụ nữ, vậy mà chị vẫn sắp xếp công việc để có thời gian đầu tư cho khoa học. Chị cho tôi biết vừa gửi xong hai bài hội thảo và bây giờ lại bắt tay vào nghiên cứu hoa văn thêu trang trí trên trang phục của phụ nữ Dao. Chị nói nghiên cứu hoa văn trên trang phục người phụ nữ Dao không vất vả bằng đi nghiên cứu dân ca nghi lễ trong những nghi lễ vòng đời của người Dao như lễ đặt tên, đám cưới, cấp sắc, tang ma. Nhưng để lý giải được vì sao họ sử dụng những hoa văn đó trên trang phục và tại sao chỉ có người phụ nữ Dao mới thêu được những hoa văn đó, thì nó vẫn còn là một câu chuyện dài. Để đi đến tận cùng của câu chuyện ấy, chắc chắn chị lại vẫn sẽ phải xách ba lô lên đường bỏ lại gia đình phía sau để về cùng ăn, cùng ở, cùng học thêu với những người phụ nữ Dao quê chị.

Từ năm 2013 đến nay, TS. Bàn Thị Quỳnh Giao đã làm khoa học một cách thực sự say mê và nghiêm túc, nên kết quả đạt được thật đáng tự hào. Với 16 bài báo khoa học đã được công bố, tham gia 6 đề tài nghiên cứu cấp bộ và cơ sở, xuất bản một cuốn sách chuyên khảo Dân ca nghi lễ của người Dao Tuyển (2017) và 3 chuyên khảo in chung như: Thơ Bàn Tài Đoàn - Tiếng nói tâm hồn đích thực người Dao (2012); Dấu ấn văn hóa Tày trong tiểu thuyết Vi Hồng (2016); Tín ngưỡng của người Dao Tuyển trong dân ca nghi lễ vòng đời (2018).

Hỏi về những dự định sắp tới của chị sẽ là gì, TS Bàn Thị Quỳnh Giao không ngại ngần đáp, chị vẫn sẽ tiếp tục đem văn hóa của dân tộc mình để “khoe” với mọi người.

 

Quỳnh Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước