Chuyện về những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa
VNTN - Nhân kỉ niệm một năm ngày thành lập Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi tìm gặp những nữ chiến sĩ năm xưa. Các cô gái mười tám, đôi mươi thủa nào giờ đã ngoại lục tuần, mang trên mình bệnh tật và những nỗi đau da cam... Sức khỏe giảm sút, nhưng họ vẫn giữ được ý chí quật cường của người lính và tinh thần đồng đội ấm áp, sẻ chia.
Một thời khói lửa
Cách đây 57 năm (1959), tuyến đường vận tải quân sự chiến lược mang tên Trường Sơn hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh ra đời. Đây là tuyến đường đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia để vận chuyển binh lực, lương thực, và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng vạn cô gái còn rất trẻ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Họ tham gia vào các đơn vị công binh, hậu cần, quân y, bộ binh… phục vụ và chiến đấu tại tuyến lửa ác liệt này.
Mỗi bước đi trên đường Trường Sơn ngày ấy đều trong bom rơi đạn nổ, khói lửa ngút trời, cái chết luôn cận kề rình rập. Bà Nguyễn Thị Lúa, sư đoàn 471 tiểu đoàn 102, là quân y sơ cấp bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó tôi đi theo xe chở hàng và đạn dược từ Trường Sơn đi qua một số tỉnh nước bạn Lào (Mường Phìn, Savannakhet), đường đi dốc đứng, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Nhiều lần, vượt đèo, xe yếu hai bánh sau không lên được bị chòng chành. Mỗi lần như vậy, anh lái xe lại bảo mọi người chuẩn bị tinh thần để rồ ga. Một là xe lên được thì sống, hai là trượt bánh lăn xuống vực thẳm. Có đợt bị địch ném bom, cả đoàn xe hy sinh quá nửa. Lòng chúng tôi quặn thắt, nhưng không thể nán lại, phải tiếp tục di chuyển để hoàn thành nốt nhiệm vụ”.
Những cô gái Trường Sơn năm xưa
(Ảnh do bà Nguyễn Thị Lúa cung cấp)
Trưởng Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn thành phố Thái Nguyên - bà Hồ Thị Hà từng tham gia đơn vị công binh của đoàn 559 Trường Sơn kể lại: “Phơi mình dưới trời nắng gay gắt, từ nhặt đá, đào đất, đến đặt bộc phá phá đường, việc gì chúng tôi cũng làm. Có những đêm giặc bắn phá ác liệt, phải ngâm mình dưới nước, nắm tay nhau làm cọc tiêu dẫn đường hộ tống xe qua. Mệt lắm nhưng không ai nản. Chứng kiến đồng đội mình hy sinh, chúng tôi phải nén đau thương mà bám trụ và tự nhủ rằng dù phải đổ máu cũng không được tắc đường”.
Bà Nguyễn Phương Nga (tiểu đoàn 77, Lữ đoàn 205 - Bộ Tư lệnh Thông tin) thì không thể nào quên được hình ảnh mình cùng các bạn, ai cũng bé nhỏ, có khi nặng không đến 40kg nhưng vác trên vai những chiếc máy liên lạc 15w nặng gần 30kg băng băng vượt đường Trường Sơn, vượt đèo Hải Vân, trong khi máy bay Mỹ gầm rít trên đầu, sẵn sàng thả bom xuống bất cứ lúc nào.
Cuộc sống giữa nơi “rừng thiêng nước độc” nên thường xuyên bị côn trùng, đỉa, vắt cắn rồi đến những cơn sốt rét dai dẳng, những mái đầu rụng tóc. Thiếu thốn đủ đường, phải dùng quả bồ hòn thay xà phòng tắm, hay nhiều ngày bữa ăn chỉ có lương khô, bánh bao mọt và những ngọn rau rừng. Những gian khó, hiểm nguy mà những nữ chiến sĩ Trường Sơn phải trải qua không gì có thể đong đếm được, nhưng tất cả cũng không thể làm sờn lòng họ, ngăn cản họ hoàn thành nhiệm vụ. Những cống hiến, công lao của họ chính là một phần rất quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc ta chống quân xâm lược Mỹ.
Và những câu chuyện buồn
Chiến tranh kết thúc, nhiều nữ chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, những người còn lại trở về với cuộc sống đời thường, là công nhân, giáo viên, y tá… tiếp tục lao động cống hiến cho đất nước. Có người lập gia đình, cuộc sống êm ấm, con cái thành đạt nhưng vẫn còn đó không ít những trường hợp cuộc đời dang dở, không may mắn, luôn phải gồng mình chống chọi với bệnh tật và cuộc sống cơm áo gạo tiền. Có những câu chuyện, những cảnh đời thật đáng xót xa.
Năm 1972, cô y tá quân y Nguyễn Bích Thảo (tổ 2A phường Hoàng Văn Thụ), nên duyên với chàng chiến sĩ lái xe Nguyễn Xuân Minh. Đám cưới của họ được đơn vị tổ chức ở ngay chiến trường. Sau ngày đất nước thống nhất, họ có với nhau 3 người con nhưng đều mang những di chứng của chất độc màu da cam. Trong đó, nặng nhất là người con gái cả, sinh ra đã bị liệt toàn thân. Nuôi con vất vả, suy đi tính lại, bà Thảo đã xin nghỉ chế độ theo diện mất sức lao động để dành thời gian bù đắp tình thương và tìm cách chữa trị cho con, nhưng bao cố gắng của bà cũng chỉ là để đỡ áy náy với con chứ chả làm thay đổi được gì. 41 năm trôi qua, người con gái cả của bà Thảo vẫn chỉ nằm một chỗ, giao tiếp với gia đình bằng những cái nghoẹo đầu hay ánh mắt buồn, vui. Bà Thảo giờ cũng 71 tuổi, nhưng vẫn phải cố gồng mình tiếp tục làm điểm tựa chăm con, chăm cháu. Bà nghẹn ngào: “Đứa cháu nội tôi mới học lớp 1 mà thời gian này có hiện tượng bị giảm thị lực khiến gia đình rất lo lắng. Chiến tranh nghiệt ngã quá. Giá mà chỉ chúng tôi phải chịu thì tốt biết bao, giờ kéo theo cả đời con, đời cháu. Nỗi đau này kéo dài đến bao giờ mới dứt!”.
Bà Nguyễn Bích Thảo bên người con gái cả bị liệt toàn thân do ảnh hưởng của chất độc da cam.
Câu chuyện của bà Bùi Thị Tâm (tổ 7, phường Trung Thành) lại là một nỗi đau khác. Bà Tâm quê ở Thanh Hóa, trước đây là công binh sư đoàn 473 Trường Sơn. Đất nước hòa bình, bà Tâm làm việc tại một cửa hàng ăn uống của nhà nước nhưng sau đó bị giải thể nên chẳng có chế độ gì. Bà kết hôn rồi có hai người con, éo le thay cuộc hôn nhân đổ vỡ, người con cả đi theo bố rồi mất liên lạc. Người con trai út lập gia đình ở quê nhưng có hoàn cảnh rất khó khăn. Bà sống một mình trong một căn phòng nhỏ tại khu tập thể cũ được xây dựng cách đây 40 năm đã xuống cấp. Cả phòng chẳng có gì ngoài một chiếc phản nằm, một cái niêu nấu cơm và một chiếc đèn dầu... để thắp sáng. Mỗi tháng bà sử dụng không đến 2 số điện. Năm 2012, con trai út bị bệnh, thương con, bà Tâm đã bán căn hộ chỉ được hai chục triệu để chạy chữa cho anh nhưng anh cũng không qua khỏi.
Ông Nguyễn Văn Sản, tổ trưởng tổ 7, phường Trung Thành, một người hiểu rõ về hoàn cảnh của bà Tâm ngậm ngùi: “Bà ấy thuộc diện chính sách hộ nghèo nhưng do không còn cư trú ở đây nữa nên đã bị cắt. Đi bộ đội về, mang trong mình biết bao nhiêu bệnh nên bà ấy yếu lắm, nhưng cũng không được công nhận là nạn nhân chất độc màu da cam. Chẳng biết là do thiếu giấy tờ hay là thiếu bệnh nữa. Trước còn khỏe, bà ấy cũng tranh thủ ra chợ bán hoa quả, nhưng sau cứ ngất lên ngất xuống, phải bỏ chợ, đi nhặt phế liệu để sống qua ngày”.
Mất con, không còn nhà, bà Tâm lên La Hiên (Đồng Hỷ) ở nhờ nhà bà dì cũng đã 75 tuổi. Bà sống qua ngày bằng những đồng ít ỏi từ việc đi nhặt phế liệu, hái chè thuê. Chúng tôi không gặp được bà, chỉ trò chuyện qua điện thoại, cứ chốc chốc giọng bà lại nghẹn ngào. Những tiếng nấc đứt quãng ấy như lên án sự nghiệt ngã của số phận và cuộc đời.
Bà bảo: “Sống được đến bây giờ là nhờ vào uống thuốc trợ tim. Mỗi vỉ thuốc 90 nghìn đồng uống được một tháng, bà không đủ tiền mua cả vỉ nên đành phải mua chục viên một. Nhiều khi hết thuốc, không kịp mua, cơn đau ập đến chỉ biết cắn răng chịu đựng rồi ngất đi lúc nào không biết”. Sống mũi chúng tôi chợt cay cay, trong đầu cứ hiện lên câu hỏi: với hoàn cảnh như vậy thì liệu bà còn sức chiến đấu với hàng loạt căn bệnh: tim hở lá 2, lá 3; co thắt mạch vành; áp huyết cao, rối loạn tuần hoàn máu não; thoát vị đĩa đệm, viên đa dây thần kinh bán cấp; đau dạ dày; chảy máu đại tràng; sỏi thận… được bao lâu nữa?
Cũng mang trên mình nhiều bệnh tật, nhưng dường như tinh thần lạc quan yêu đời, không khuất phục trước hoàn cảnh của những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã tiếp thêm sức mạnh cho bà Nguyễn Thị Lúa (sư đoàn 471, tiểu đội 102). Chồng mất đã lâu, người con gái duy nhất cũng đi lấy chồng xa, bà phải sống một mình trong căn nhà tình nghĩa ở tổ 39, phường Phan Đình Phùng. Hàng ngày, những mầm bệnh của chiến tranh cứ hành hạ, đeo bám bà một cách dai dẳng, thường xuyên đau ốm phải đi nằm viện. Cách đây 5 năm bà phát hiện mình bị bệnh ung thử tử cung. Có lúc bệnh nặng, máu cứ chảy ra ồ ạt, người quen bảo nhau chuẩn bị hậu sự cho bà. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là bà không hề bi quan, mà vẫn rất vui vẻ: “Ngày trước, trong chiến trường chết hụt vài lần rồi. Bom đạn Mỹ còn xem nhẹ thì mấy căn bệnh cỏn con này có là gì. Cứ vui vẻ mà sống thôi”.
Không buồn vì bệnh tật nhưng bà Lúa không thể giấu được nỗi buồn cô đơn. Thỉnh thoảng bà rất nhớ con và nhớ những đồng đội năm xưa. Mỗi lần như vậy bà lại đem những kỉ vật còn giữ lại được ra xem cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Đó đơn giản chỉ là bức tranh con gái vẽ lúc hồi nhỏ, chiếc mũ tai bèo, chiếc ca, chiếc chăn bà đã sử dụng khi ở chiến trường. Tất cả những vật đó tưởng như không có chút giá trị gì, nhưng đối với bà chúng đều là những kỉ vật vô giá.
Bà Nguyễn Thị Lúa chia sẻ các kỉ vật Trường Sơn.
Thắm đượm nghĩa tình đồng đội
Đã từng sống chết có nhau nơi Trường Sơn năm xưa nên giờ đây những người cựu binh ấy vẫn luôn nhớ về đồng đội, dành cho nhau những tình cảm ấm nồng. Khi biết được cuộc sống vất vả của đồng đội, nhiều người dù còn khó khăn nhưng vẫn quyên góp tiền bạc, đồ dùng đến thăm và động viên, chia sẻ. Ban liên Lạc nữ Trường Sơn tỉnh Thái Nguyên đã chính thức được thành lập ngày 22/10/2015, để có một nơi kết nối những vui buồn. Đến nay, Ban Liên lạc có tất cả 120 hội viên thuộc 9 chi hội, trong đó 4 chi hội ở các huyện và 5 chi hội ở thành phố. Những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đã có nhiều cơ hội gặp nhau, cùng ôn lại truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng và tri ân đồng đội; động viên, quan tâm giúp đỡ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần.
Một năm qua, Ban liên lạc nữ Trường Sơn tỉnh đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ và trao tặng tiền, quà cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng do đặc thù là một tổ chức xã hội tự nguyện, không có ngân sách nên gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí chủ yếu do các hội viên tự nguyện đóng góp và tranh thủ sự ủng hộ từ các cơ quan, doanh nghiệp. Địa điểm để tổ chức các buổi gặp mặt trò chuyện cũng thường xuyên phải đi nhờ.
Việc đi kêu gọi tiền ủng hộ là không hề đơn giản. Các bà đều đã có tuổi, hầu hết đều mang bệnh tật do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Nhưng để có kinh phí giúp đỡ đồng đội của mình, họ vẫn kiên trì, không nề hà bất cứ khó khăn nào. Bà Hồ Thị Hà và bà Nguyễn Phương Nga là một ví dụ. Để Ban liên lạc có kinh phí hoạt động, hai bà đã từng lặn lội khắp nơi đi xin tài trợ. Tuổi cao sức yếu, đi cả ngày đã thấm mệt, lại qua đoạn đường đá, không giữ được tay lái nên hai bà bị ngã, bầm tím chân. Về nhà, đau lắm nhưng họ đều giấu gia đình, vì sợ người nhà lo lắng lại trách mắng. Hôm sau, hai bà vẫn tiếp tục lên đường vì một tinh thần và trách nhiệm với đồng đội.
Bà Đào Thị Bích Thủy - Trưởng Ban liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh bộc bạch: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là các cơ quan cấp trên chú ý đến trường hợp một số chị em tham gia chiến đấu ở Trường Sơn năm xưa, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng về chính sách chất độc màu da cam. Ngoài ra, Ban Liên lạc nữ Trường Sơn cũng rất mong muốn nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm để hoạt động của chúng tôi ngày càng hiệu quả hơn nữa”.
Những nữ chiến sĩ Trường Sơn giờ đây đều đã tóc bạc, da mồi nhưng mỗi dịp được gặp gỡ, ngồi bên nhau họ vẫn tươi cười hồn nhiên như mới tuổi đôi mươi ra trận. Mỗi người là một số phận nhưng điểm chung ẩn chứa trong mỗi số phận ấy là sức chịu đựng, đức hy sinh, sự lạc quan, không ngại nhận phần khó, phần khổ về mình. Đó là những điều đã được tôi luyện qua thời đạn bom khói lửa. Ở họ chính là biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí sắt đá, kiên trung không bao giờ khuất phục kẻ thù của người phụ nữ Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm một năm thành lập Ban liên lạc nữ Trường Sơn tỉnh và ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, xin chúc các bà sức khỏe, luôn giữ mãi sự trẻ trung, lòng nhiệt huyết của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Bài ca về những nữ bộ đội Trường Sơn anh hùng sẽ vang mãi trong trái tim của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Anh Thắng - Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...