Chuyện về người vẽ Quốc kỳ, qua ký ức người thân
VNTN - Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều về nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến người được cho là đã vẽ lá Quốc kỳ Việt Nam. Thật tình cờ và thú vị khi chúng tôi được biết, những người ruột thịt của ông đang sinh sống tại thành phố Thái Nguyên và đều là những người có uy tín, có địa vị trong xã hội.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Bùi Điệp, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Thái. Ông Bùi Điệp năm nay 79 tuổi, hiện đang sống tại phường Hoàng Văn Thụ. Ông là cháu ruột, gọi nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến là bác (anh trai của mẹ). Mặc dù không biết mặt bác, nhưng từ nhỏ ông Điệp đã được gia đình và đặc biệt là người cậu ruột kể nhiều về “bác Tiến”. Nhất là hơn ba mươi năm nay, người cậu ruột của ông - ông Nguyễn Hữu Uẩn, cán bộ lão thành cách mạng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; Trưởng ty Công an - không may qua đời, ông Điệp lại tiếp tục làm nốt những việc cậu ông để lại, đó là thu thập thông tin về liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, báo hiếu với người đi trước, đồng thời xây dựng truyền thống của gia tộc để giáo dục con cháu noi theo.
Người cháu ruột thứ hai của ông Nguyễn Hữu Tiến hiện đang sống tại thành phố Thái Nguyên là bà Nguyễn Thị Ngà, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Bà Ngà năm nay 61 tuổi, đang sống tại phường Đồng Quang. Bà là con gái ông Nguyễn Hữu Uẩn. Ông Uẩn chính là người đã dày công tìm kiếm, chắp mối thông tin về anh trai mình, để sau này trao lại cho ông Bùi Điệp tiếp tục thực hiện, mà chúng tôi đã nhắc đến ở trên. Bà Ngà và ông Điệp đều gọi ông Nguyễn Hữu Tiến là bác ruột (mẹ ông Điệp là chị gái của bố bà Ngà).
Trong không gian yên vắng tại tư gia, tôi đã được nghe ông Bùi Điệp và bà Nguyễn Thị Ngà kể lại câu chuyện về cuộc đời của bác mình.
Chân dung ông Nguyễn Hữu Tiến do nhạc sỹ Văn Cao vẽ qua lời kể của nhà văn Sơn Tùng. Sau đó một thời gian, nhà văn Sơn Tùng gặp được ông Nguyễn Hữu Uẩn, nhờ vậy mà có được tấm ảnh Nguyễn Hữu Tiến bóc từ hồ sơ mật thám Pháp lưu giữ tại Nha Văn khố Đà Lạt. Nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Sơn Tùng và những người thân của Nguyễn Hữu Tiến nhận ra bức ảnh được Văn Cao vẽ và tấm ảnh chụp không khác bao nhiêu. Hiện bức chân dung này được treo tại Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến, tại quê ông.
Ông Nguyễn Hữu Tiến sinh ngày 5/3/1901 tại làng Lũng Xuyên xã Yên Bắc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Cha ông là một công chức nhỏ (lục sự) của chính quyền thuộc địa những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Lúc nhỏ, ông thường được cha mang theo trong những chuyến công cán tại Kiến An (Hải Phòng) và Thạch An (Cao Bằng). Khi cha và ông nội mất, ông Tiến được chính quyền bảo hộ mời ra làm quan ở nơi cha ông đã sống, nhưng ông từ chối, trở về làng mở trường dạy học, cùng mẹ nuôi các em.
Những năm 1925, 1926, cả nước với phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, chàng thanh niên Nguyễn Hữu Tiến đã tham dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và tham gia biểu tình đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, tại Hà Nội. Từ đó ông được giác ngộ cách mạng và đã giác ngộ thêm nhiều thanh niên yêu nước ở quê nhà. Năm 1927, ông gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐC Hội). Cùng năm đó, chi bộ VNTNCMĐC Hội đầu tiên được thành lập ở làng Lũng Xuyên quê ông, gồm ba người: Trần Tử Yến, Nguyễn Hữu Tiến và Vũ Hưng. Sau này, chi bộ phát triển ở 7 làng 3 tổng với số hội viên lên tới hơn ba mươi người. Tháng 11 năm 1929, chi bộ VNTNCMĐC Hội do ông Tiến làm Bí thư đã lựa chọn những hội viên ưu tú để tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương khi có chủ trương hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản theo sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở đình làng Lũng Xuyên, huyện Duy Tiên quê ông, có 6 đảng viên, Bí thư chi bộ là ông Nguyễn Hữu Tiến; ông Trần Tử Yến và Vũ Hưng tham gia Chi ủy.
Tháng 1 năm 1931, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam họp tại nhà ông trưởng thôn làng Lũng Xuyên gồm 13 đại biểu các huyện, thị. Đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ cũng về dự. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Hà Nam gồm 7 đồng chí. Ông Lê Công Thanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Ông Nguyễn Hữu Tiến là ủy viên BCH phụ trách tuyên truyền. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ông đã cho in một số bài báo và chịu trách nhiệm xuất bản tờ báo “Đỏ” của Tỉnh ủy Hà Nam.
Ngày 20/4/1931, Xứ ủy viên Bắc Kỳ Nghiêm Thượng Biền phản bội đã giả mạo triệu tập hội nghị ở Hà Nội để thực dân Pháp vây bắt. Ông Nguyễn Hữu Tiến và một số đồng chí khác đã bị bắt ở nhà số 166 đường Gia Long, Hà Nội. Sau nhiều ngày giam cầm, tra tấn, bọn chúng đã đánh ông què chân. Ngày 29/5/1932, Tòa án tỉnh Hà Nam đã xét xử và kết án ông tử hình. Ông chống án lên tòa thượng thẩm, chúng đã phải hạ mức án xuống khổ sai chung thân. Chúng giam ông ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó lưu đày lên nhà tù Sơn La. Trong tù, ông tham gia nhiều hoạt động chống chế độ tù đầy hà khắc, chống tra tấn dã man. Cũng tại đây, ông tham gia học tập lí luận cách mạng. Tháng 11/1933, chúng lại chuyển ông trở lại Nhà tù Hỏa Lò và ngày 15/12/1933, chúng đã chọn ra 150 tù chính trị cứng đầu để đày ra Côn Đảo, trong đó có Nguyễn Hữu Tiến. Cùng chuyến lưu đày đó còn có các ông Lê Duẩn, Trần Quang Tặng, Phạm Văn Tô, Nguyễn Duy Huân, vv…
Ở Côn Đảo, ông mang số tù 6063. Ông được cử vào ban lãnh đạo của chi bộ nhà tù. Cũng tại đây, ông được gặp người em ruột của mình là Nguyễn Hữu Tiêm, sinh viên trường Bách nghệ Hà Nội, bị bắt khi đang rải truyền đơn, bị đày ra Côn Đảo tháng 12/1933. Sau này, khi phát hiện ông Nguyễn Hữu Tiến đã vượt ngục, thực dân Pháp đã xử bắn ông Tiêm tại Hàng Dương vì biết ông Tiêm và ông Tiến là hai anh em ruột.
Họ tộc Nguyễn Hữu chụp ảnh trước Đình làng Lũng Xuyên, nhân ngày giỗ ông Nguyễn Hữu Tiến (Ảnh do gia đình cung cấp)
Đêm 30/4/1935, chi bộ nhà tù quyết định tổ chức cho một số đồng chí vượt ngục để trở về đất liền hoạt động. Chuyến vượt ngục này có 5 đảng viên là các ông: Tống Văn Trân, Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Hồng Thám, và Nguyễn Văn Trọng, cùng bốn quần chúng ở Bạc Liêu, là những người thông thạo địa hình, sông nước để thuận lợi cho quá trình di chuyển trên biển cũng như việc bắt liên lạc khi vào bờ. Nơi đặt chân lên đất liền là bãi biển Vĩnh Châu, Bạc Liêu. Với bí danh Quế Lâm, Nguyễn Hữu Tiến đã dạy học ở ấp Long Điền, Bạc Liêu. Từ đó, ông cùng các đồng chí của mình xây dựng phong trào quần chúng. Ông tham gia ban lãnh đạo liên Tỉnh ủy Long - Châu - Rạch - Hà (Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên), phụ trách tuyên huấn. Trong cao trào cách mạng Dân chủ năm 1936 - 1939 ông được rút về Xứ ủy Nam Kỳ. Sau chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nhiều đồng chí trong Xứ ủy bị địch bắt, ông lại được điều về Sài Gòn Chợ Lớn, tham gia Thành ủy Sài Gòn Gia Định do bà Nguyễn Thị Minh Khai là Bí thư Thành ủy. Lúc đó, Nguyễn Hữu Tiến làm báo Dân chúng với tên mới là Trương Xuân Chinh.
Ngày 30/7/1940, tại một cơ quan của Đảng ở Chợ Lớn, mật thám Pháp đã bắt được ông Nguyễn Hữu Tiến và bà Nguyễn Thị Minh Khai. Trong cuốn Lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa của Trần Giang do Nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1996, tại trang 55, 56 có ghi: ông Tiến bị bắt khi đang là Ủy viên Trung ương Đảng; nơi ông và bà Minh Khai bị bắt là nơi phát hành báo Tiến lên, tờ báo của cơ quan Mặt trận Dân chủ phản đế. Trong một khối lượng lớn tài liệu, truyền đơn, dụng cụ in ấn… thực dân Pháp đã tìm thấy một tài liệu chúng cho là rất quan trọng, đó là bản kế hoạch khá tỉ mỉ về khởi nghĩa.
Cùng với việc mật thám tập trung lùng sục, nhiều cán bộ lãnh đạo của ta ở nhiều nơi như Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Thủ Dầu Một… đã bị bắt và bị sát hại trong thời kỳ này.
6 giờ sáng ngày 28/8/1941, ông Nguyễn Hữu Tiến cùng các ông Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập và bà Nguyễn Thị Minh Khai cùng nhiều đồng chí đồng bào tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ đã bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn. Trước lúc ra pháp trường, ông còn nhắn nhủ lại anh em đồng chí bằng những lời thơ đầy xúc động và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc cách mạng.
Vĩnh biệt hôm nay có mấy lời
Nhắn cùng đồng chí khắp nơi nơi
Tinh thần để lại cho non nước
Thù hận ghi sâu giữa đất trời
Án chém Hà Nam đà rũ sạch
Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi
Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai.
Ghi nhận công lao của ông, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi danh ông ở Đền thờ Bến Dược, Củ Chi; đặt bia mộ ghi danh ở Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố; có đường phố mang tên Nguyễn Hữu Tiến. Tại quê hương ông, Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Tiên đã xây dựng nhà lưu niệm Người vẽ cờ Tổ quốc làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và có nhiều trường học, đường phố mang tên ông. Ngày 25/8 vừa qua, Huyện ủy Duy Tiên tỉnh Hà Nam đã phối hợp với gia đình, dòng họ khánh thành bức tượng bán thân nhà cách mạng, liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, đặt tại Nhà lưu niệm mang tên ông. Hiện nay, ngôi nhà được giao cho cháu ngoại ông trông coi, vợ và con gái ông đều đã mất. Hàng năm họ tộc Nguyễn Hữu vẫn tề tựu đông đủ vào mỗi dịp giỗ tết, đặc biệt là vào ngày 28/8 dương lịch - ngày ông bị kẻ thù giết hại.
Ông Bùi Điệp, cháu ruột ông Nguyễn Hữu Tiến
Nói về chuyện vẽ Quốc kỳ, trong rất nhiều thông tin mà các cơ quan truyền thông đã nêu đều cho rằng ông Nguyễn Hữu Tiến chính là người vẽ lá cờ Tổ quốc, thì cũng có thông tin cho rằng ông Lê Quang Sô - một người đồng chí của ông ở Tiền Giang - mới là người thiết kế lá cờ. Bài báo này không bàn chuyện ai là tác giả chính xác của lá cờ Tổ quốc, vì đó là việc của các cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi mang câu hỏi này trao đổi với ông Bùi Điệp, ông cho biết: “Gia đình không đòi hỏi gì, chúng tôi chỉ có trách nhiệm cung cấp các thông tin về bác tôi cho Nhà nước. Sau bao nhiêu năm, cơ quan chức năng vẫn trả lời là còn phải xem xét, nghiên cứu. Chúng tôi cũng không thắc mắc gì, vì tôi nghĩ, khi bác tôi làm việc này, chắc chắn ông không nghĩ đến chuyện để sau này được vinh danh. Tôi vẫn tâm đắc câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là: “Lịch sử chỉ diễn ra có một lần, nhưng chép sử thì có thể diễn ra nhiều lần”, nên việc vênh lệch cũng có thể xảy ra. Vậy nên, dù bác Tiến có được công nhận là người vẽ cờ Tổ quốc hay không thì chúng tôi vẫn luôn tự hào về ông, tự hào về gia đình mình, dòng tộc mình - một gia đình có truyền thống yêu nước”.
Noi gương người anh cả Nguyễn Hữu Tiến, các em trai em gái của ông đều tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ông Nguyễn Hữu Tiêm bị giặc bắn tại Côn Đảo. Bà Nguyễn Thị Yên, thân sinh ra ông Bùi Điệp, cũng tham gia cách mạng từ năm 1929, làm liên lạc cho anh trai, được nhà nước công nhận là Cán bộ Lão thành Cách mạng. Ông Nguyễn Hữu Uẩn, thân sinh ra bà Nguyễn Thị Ngà, tham gia cách mạng từ năm 1931, bị địch bắt đi tù khi mới 13 tuổi, cũng là cán bộ Lão thành Cách mạng, sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh Thái Nguyên. Và các cháu của ông: ông Bùi Điệp và bà Nguyễn Thị Ngà cũng đều là những cán bộ đảng viên gương mẫu, có năng lực và phẩm chất chính trị, được Đảng và Nhà nước giao những trọng trách trong xã hội. Đó chính là phần thưởng không gì sánh nổi đối với dòng tộc Nguyễn Hữu.
Nhân 78 năm ngày mất của ông (28/8/1941 - 28/8/2019), cũng là dịp mừng cả dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ra đời (19/8 và 2/9), chúng ta cùng nhớ về công lao của những người đi trước như một sự tri ân đối với các bậc tiền bối đã hi sinh cuộc đời mình cho con cháu hôm nay.
Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...