Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:52 (GMT +7)

Chuyện về một điệp báo an ninh CÓ GIÁ “1 TRIỆU ĐÔ LA”

VNTN - Tết Tân Sửu năm nay, Đại tá Dương Tuấn Phẩm, bí danh khi hoạt động cách mạng là Lê Tuấn, ở tổ dân phố 3, phường Châu Sơn (TP. Sông Công) bước sang tuổi 93. Ở tuổi “xưa nay hiếm” song ông vẫn khỏe mạnh, lưng vẫn thẳng, đi lại nhanh nhẹn, đôi mắt sáng tinh anh, đặc biệt còn minh mẫn và thành thạo sử dụng điện thoại thông minh. Trong ngôi nhà cấp bốn giản dị đầy ắp kỷ vật, bên chén trà nóng hổi những ngày đầu Xuân, ông vui vẻ kể chuyện về những tháng năm hoạt động cách mạng hào hùng của mình.

Sớm giác ngộ

Sinh năm 1928 trong một gia đình trung nông ở xã Bá Xuyên, tổng Niệm Quang, huyện Đồng Hỷ (nay là phường Châu Sơn, TP. Sông Công), hoàn cảnh của ông Dương Tuấn Phẩm khá éo le. Bảy tuổi mất ông nội, chín tuổi mất bố, mười bốn tuổi mất bà nội. Mẹ ông một nách bảy đứa con, nhưng đã cho ông theo các thầy đồ trong làng học chữ Hán, đến trường thuộc tổng Niệm Quang học tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ, sau này là mời thầy dạy tại nhà. Vốn chữ Hán, tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ là cơ sở để sau này ông có điều kiện thuận lợi hoạt động và cống hiến cho cách mạng.

 

Mặc dù tuổi cao nhưng vị cán bộ lão thành vẫn luôn bắt kịp thời đại. Trong ảnh: Ông Phẩm sử dụng điện thoại Smart phone một cách thuần thục

Theo lịch sử Đảng bộ TP. Sông Công, đầu năm 1941, thực dân Pháp chọn khu vực đồi gò ở thôn Bá Vân (nay thuộc xã Bình Sơn) khi đó còn là nơi “rừng thiêng, nước độc” để lập Trại giam (Căng) Bá Vân giam giữ những người chống đối, sau này chủ yếu là tù cộng sản. Tháng 6/1942, các đồng chí đảng viên trong Căng Bá Vân đã tập hợp thành lập Chi bộ Đảng, ban đầu có 10 đảng viên, sau tăng lên hơn 30, do đồng chí Hoàng Văn Trành, tiếp đến Hà Kế Tấn, sau là đồng chí Thẩm làm Bí thư.

 

"...Những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, nhiều lần cận kề với cái chết, tôi hiểu và trân trọng hơn giá trị của tự do, nhất là sự hy sinh của đồng đội cho mình được sống trong hòa bình"

Sống gần Căng Bá Vân nên cậu bé Phẩm khi đó là 1 trong 6 thanh thiếu niên ở địa phương được những người cộng sản trong Căng giác ngộ cách mạng từ sớm (năm 1942) và tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc do Căng Bá Vân tổ chức. Ông kể: Tôi gặp và được đồng chí Nguyễn Đình Lim (tức Thảo Cù - biệt danh khi hoạt động cách mạng), người Đình Bảng (Bắc Ninh) bị giam giữ tại đây giác ngộ rằng, thanh niên thấy cảnh mất nước chịu thế nào được, phải cùng nhau đoàn kết để giải phóng dân tộc, tiến tới con đường cộng sản chủ nghĩa. Vậy là tôi cùng 5 người là: Đồng Văn Tập, Đồng Đức Chính, Dương Quang Huy, Nguyễn Văn Nhân và Đồng Văn Tranh bắt đầu tham gia hoạt động do Chi bộ phân công.

Hồi ấy, do biết tiếng Pháp nên ông có điều kiện tiếp cận với những tên cai quản lý trại giam, qua đó biết được nhiều thông tin quan trọng để báo cho các chiến sĩ cách mạng. Ông cùng các thanh niên cứu quốc được đồng chí Bí thư Chi bộ Hà Kế Tấn (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) giao nhiệm vụ liên lạc và bảo vệ các cuộc họp Chi bộ tại chùa Bá Xuyên. Nhờ những cuộc họp bí mật được bảo vệ an toàn suốt thời gian từ năm 1942 đến 1944 mà sự liên lạc và chỉ đạo hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ đối với Chi bộ Đảng ngày càng chặt chẽ, các cơ sở cách mạng cũng lan rộng ra các vùng xung quanh. Ngày 21/8/1944, 8 đảng viên trong Căng đã vượt ngục an toàn về với phong trào cách mạng. Hơn 2 tháng sau, thực dân Pháp buộc phải giải tán Căng Bá Vân.

 

Đang kể, ông dừng lời, nheo mắt nhìn lên tấm ảnh ông và các bạn thiếu niên năm đó sớm được giác ngộ cách mạng chụp chung, treo trong ngôi nhà tưởng niệm của gia đình, rưng rưng: Chúng tôi vẫn luôn tự hào mình được tiếp xúc với các bậc tiền bối trong sự nghiệp cách mạng từ sớm, để từ đó về sau chúng tôi một lòng theo Đảng, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chỉ tiếc, trong số 6 người cùng tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc khi đó, giờ chỉ còn lại mình tôi. Các anh em của tôi đều đã trở thành người thiên cổ rồi!

Dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng

Sau năm 1944, ông Dương Tuấn Phẩm được cử đi huấn luyện quân sự và làm công tác tuyên truyền vũ trang của tỉnh. Cuối năm 1947, ông được cấp trên điều về công tác ở Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, rồi Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên. Ngày 2/9/1948, tròn 20 tuổi, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi đó, ông làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Trung Đình, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh (sau là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên).

Năm 1962, ông được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Công an TP. Thái Nguyên. Đến tháng 8/1967, ông nhận lệnh điều động chi viện của cấp trên vào chiến trường miền Nam, ở Ban An ninh, là Phó Tiểu ban Điệp báo Đặc khu Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng). Vào chiến trường đúng lúc cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968, được giao nhiệm vụ chỉ đạo mạng lưới, ông đã tham gia viết bài và tổ chức huấn luyện những thanh niên sống trong vùng địch kiểm soát, trở thành trinh sát, điệp viên phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Quảng Đà. Ngoài ra, huấn luyện về chính trị, nghiệp vụ để ta phát hiện, lôi kéo người có tinh thần yêu nước chống lại hoạt động phá hoại của kẻ địch và bảo vệ lực lượng cách mạng trong các thành phố, quận, lỵ. Công việc của ông đòi hỏi phải tiếp cận với địch nên cán bộ của ta đã làm căn cước giả để ông cùng các điệp viên có thể vào nội thành của Đặc khu Quảng Đà, thị xã Hội An. Vài hôm sau khi vào Đà Nẵng, ông đã có thẻ căn cước ghi tên: Phóng viên Nam Phong của Báo Sài Gòn. Căn cước tiện cho việc tiếp cận với những tên cầm đầu Mỹ - Ngụy, trên danh nghĩa cần thông tin viết báo nhưng thực chất là lấy những tài liệu mật của địch. Nhưng ông chưa kịp vào nội thành thì bị địch tập kích, người làm giả căn cước mặc dù hủy tư liệu nhưng chưa kịp đốt hết, địch phát hiện ra ông qua những tấm ảnh còn lại. Một tên bị địch bắt biết ông trước làm Phó Trưởng Công an TP. Thái Nguyên nên đã khai tên để địch phóng to tấm ảnh truy nã ông.

“Bức ảnh đó, tôi nhìn rõ vết sẹo trên má mình, ở dưới có đề dòng chữ: Ai bắt, bắn được Lê Tuấn sẽ được trao giải 1 triệu đô la (cùng đồng chí Trần Thận, Phó Bí thư Đặc khu ủy V). Tôi cười thầm, không ngờ mình lại có giá cao đến như vậy! Địch truy bắt gắt gao nhưng may nhờ sự giúp đỡ của đồng đội và nhân dân, tôi đã liên tục cải trang và trốn thoát, trở về vùng Điện Bàn, Điện Hồng tìm cách chỉ đạo đường dây liên lạc trong nội thành”.

8 năm ở Quảng Đà, ông cùng các đồng chí lãnh đạo Đặc khu trực tiếp chỉ đạo công tác điệp báo và nắm nhiều thông tin có giá trị; phát hiện không ít tên phản gián, phản bội để lực lượng trinh sát vũ trang vô hiệu hóa, tiêu diệt, góp phần thành công giải phóng Đà Nẵng. Đối diện với biết bao nguy hiểm, trước sự truy lùng của lính đánh thuê, ông đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc để tiếp tục luồn sâu hơn vào lòng địch thực hiện nhiệm vụ. Ông bảo: Các “điệp viên” thời ấy luôn phải sống dưới giá treo cổ. Có khi bên ta và bên địch đều cảnh giác cao độ. Chỉ những người đồng chí cùng tổ chức, cùng hoạt động mới biết rõ lòng trung thành với dân với nước của họ… “Giờ kể lại những câu chuyện hoạt động điệp báo khi đó cho con, cháu nghe, chúng nó cứ nghĩ đó là truyện cổ tích. Ví dụ như khi sử dụng tài năng “điểm huyệt” địch bằng đòn tâm lý chiến với một lá thư, các nhà điệp báo đã vô hiệu hóa được những tên đầu sỏ của Ngụy”.

 

Đại tá Dương Tuấn Phẩm vẫn coi việc đọc sách là một thú vui rèn luyện trí nhớ.

Nhắc về những kỷ niệm sâu sắc, ông nhớ về lần dùng danh nghĩa Mặt trận Miền Trung Trung bộ gửi thư cho Hoàng Xuân Lãm, lúc ấy là Tư lệnh vùng 1 chiến thuật của Ngụy, cầm đầu chiến dịch đường 9 Nam Lào, kêu gọi tinh thần yêu nước, dừng ngay các hoạt động chống phá, gây tổn thất cho đồng bào, nếu không sẽ bị tiêu diệt tại nhà (Hoàng Xuân Lãm chỉ huy 4 sư đoàn quân Ngụy và cả thủy quân, lục chiến Mỹ tới cả một trung đoàn - PV). Sau khi nhận được bức thư, đọc những lời lẽ ngắn gọn, đanh thép, hắn ta khiếp sợ không dám ra trận và bị truất quyền Tư lệnh vùng 1. Kết quả là trong 52 ngày đêm, chúng ta đã đánh tan chiến dịch Lam Sơn 719, khiến địch tổn thất lớn. Ngoài Hoàng Xuân Lãm, còn có Giám đốc Cảnh sát Vùng 1 chiến thuật tên Lương, Chủ tịch Hội đồng TP. Đà Nẵng tên Khôi và nhiều tên khác đã bị lực lượng tình báo tấn công bằng đòn chính trị như trên…

Vẫn tiếp tục “nêu gương”

Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 6/1975, Đại tá Dương Tuấn Phẩm lại được Bộ Công an điều làm Trưởng Công an TP. Thái Nguyên, sau đó về công tác tại Phòng Pháp chế (Bộ Nội vụ) cho đến khi nghỉ hưu năm 1990.

Nghỉ công tác, song ông vẫn hăng hái tham gia cấp ủy địa phương hàng chục năm, rồi tiếp tục làm Bí thư Chi bộ phường thuộc Quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng gần mười năm. Từ năm 2010 đến nay, ông về lại nơi mình sinh ra (tại tổ 3, phường Châu Sơn, TP. Sông Công) vừa để hương khói tổ tiên, vừa sống những ngày tháng cuối đời nơi chôn nhau cắt rốn.

Thông qua các tư liệu được chúng tôi cung cấp, đã có nhiều nhà báo của tỉnh, của trung ương, đoàn làm phim của Bộ Công an về gặp cựu điệp viên tình báo an ninh để tìm hiểu tư liệu, viết bài, xây dựng phóng sự, phim tài liệu. Trân trọng và gìn giữ từng bài báo, thước phim, ông bảo: “Tôi mong sau khi mình đi xa, những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình sẽ góp phần để các con, cháu, thế hệ mai sau biết rằng đất nước, quê hương, gia đình, ông cha họ đã đi qua những tháng năm vất vả, bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng, để biết trân trọng hơn cuộc sống hôm nay”.

Hơn 70 năm tuổi Đảng, cả đời giữ tấm lòng kiên trung với Đảng, đại tá Dương Tuấn Phẩm đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước như: Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhì, Bằng có công với nước, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước