Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
00:02 (GMT +7)

Chuyện về bức ảnh “Nền Tổ Quốc”

VNTN - Năm 2000, tại Triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh toàn quốc lần thứ nhất 1996 - 2000, do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức, tác giả Đào Ngọc Long (Thái Nguyên) đã vinh dự đoạt Huy chương Vàng với tác phẩm “Nền Tổ quốc”. Bức ảnh về đề tài thương binh liệt sĩ đã khiến người xem xúc động.

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, chúng tôi xin kể lại câu chuyện của tác giả Đào Ngọc Long về nguồn gốc ra đời tấm ảnh này.


Hồi đó, tôi đang là Cửa hàng trưởng Cửa hàng Nhiếp ảnh số 5 thuộc Công ty Nhiếp ảnh - Mỹ thuật Bắc Thái, tình cờ được ông Phạm Khắc Mã, công tác tại Nhà máy Xi măng La Hiên cho biết, gần nhà máy ông (xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái) có một ngôi mộ tập thể là các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu chống giặc Pháp, ngày 15 tháng 10 năm 1947. Thông tin này cũng được ông Mã với bút danh Na Giang viết và gửi đăng trên báo Bắc Thái, báo Lao động và báo Quân đội nhân dân lúc bấy giờ. Nhờ vậy mà các cơ quan chức năng đã có cơ sở trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Một hôm, tôi nhận được tin Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các cơ quan chức năng sẽ tiến hành quy tập ngôi mộ tập thể các anh hùng liệt sĩ nói trên vào đêm 26 rạng sáng 27/7/1997. Tôi chợt nghĩ, dứt khoát phải xin được theo sự kiện trọng đại này. Và thật may, mong muốn của tôi đã được chấp thuận.

Ngày quy tập đã đến, tôi háo hức chuẩn bị đồ nghề lên đường, hành trang mang theo là một túi chuyên dụng, trong đó có vài cuộn phim ORWO 200 DIN, một chiếc đèn flash và chiếc máy ảnh Nhật Bản, nhãn hiệu RICO - H, lens 50mm f2.0. Chúng tôi đến điểm tập kết tại Ủy ban nhân dân xã La Hiên vào khoảng 15h và được Ban tổ chức thông báo sẽ tiến hành động thổ khai quật ngôi mộ vào lúc 10h đêm. Sau bữa cơm chiều, khi bóng tối phủ dần trên bầu trời lãng đãng mây trôi, chúng tôi cùng đoàn cán bộ quy tập và những đồng đội của các chiến sĩ đã hy sinh, ra mộ thắp hương cho các liệt sĩ. Ngôi mộ nằm giữa đồng lúa, hằng năm gia đình chủ đám ruộng vẫn chăm sóc phần mộ chu đáo, vì thế nấm mộ luôn được bồi đắp ngày một to thêm. Để ghi ơn các liệt sĩ, nhân dân địa phương đã đặt tên ngôi mộ này là ngôi mộ “Đồng Chí”.

Bức ảnh “Nền Tổ quốc” của tác giả Đào Ngọc Long.

Khói hương nghi ngút lan tỏa khắp vùng làm cho không gian quanh ngôi mộ có phần trở nên ấm cúng. Tôi nôn nóng chờ đợi giờ động thổ, chiếc kim đồng hồ cứ nhích dần chậm chạp, thời gian chờ đợi chỉ vài tiếng đồng hồ mà sao cảm giác như nó đang dài vô tận! Bỗng nhiên tôi liên tưởng tới người anh trai yêu quý của mình đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại mặt trận phía Nam, nay vẫn chưa tìm thấy mộ, lòng không khỏi bùi ngùi.

Thế rồi giờ hoàng đạo cũng điểm, tôi thầm cầu nguyện cho các liệt sĩ và mong rằng, tất cả hài cốt các anh đều được tìm thấy nguyên vẹn. Nhát cuốc đầu tiên được mở màn, nấm mộ dần được san phẳng, khi đào sâu xuống dưới lớp bùn khoảng chừng 1m, trong phạm vi chân nấm, vẫn chưa có dấu hiệu tìm được hài cốt. Đội quy tập quyết định mở rộng ra xung quanh, khi mở rộng sang phía nam, cách tâm mộ chừng 3 - 4m, mọi người tìm được một mũi giáo, 3 dây lưng đeo đạn và một trái lựu đạn.

Những chiến sĩ trong đội quy tập như được tiếp sức, các anh nhẹ nhàng hớt từng lớp đất mỏng, bốc từng nắm đất nhỏ, khéo léo, cẩn trọng... Không phụ công những người tìm kiếm, thế rồi từng phần xương cốt cũng lộ dần, tất cả những người có mặt đều vỡ òa sung sướng, như thể những liệt sĩ đang nằm dưới mộ chính là ruột thịt của mình vậy. Cứ như vậy diện tích tìm kiếm được mở rộng, rồi khoanh vùng trong phạm vi khoảng 12m2. Quá trình tìm kiếm, đoàn quy tập đã tìm được tất cả 12 hộp sọ, cùng nhiều phần xương khác lẫn lộn, chỉ tiếc là không có bộ hài cốt nào được tìm thấy nguyên vẹn.

Kết thúc tìm kiếm, hài cốt các liệt sĩ được “tắm rửa” sạch sẽ và đặt trong 12 tiểu sành, phủ cờ Tổ quốc rồi lần lượt được chuyển về trụ sở Ủy ban nhân dân xã La Hiên làm lễ truy điệu.

Lúc này, từ chân trời phía đông những tia sáng đầu tiên bắt đầu xuất hiện, ánh bình minh đang dần bừng lên rực rỡ. Không xa, từ những cánh rừng xung quanh, từng bày chim hoang, lạ thường đua nhau cất tiếng hót rộn vang, véo von như thể đang vui mừng chào đón các anh trở về.

Khoảng 6h sáng, nườm nượp từng đoàn người xếp hàng đến viếng các liệt sĩ. Tôi nghe Ban tổ chức giới thiệu đoàn khách đến từ Hà Nội là những đồng đội từng cùng các liệt sĩ tham gia trận đánh ngày 15/10/1947 năm xưa. Lúc ấy, tôi đang thẫn thờ ngồi trên chiếc ghế ba nan, cảm xúc xáo trộn, bỗng như có ai xui khiến, tôi bật dậy tay xách chiếc ghế theo và chạy vào góc hiên. Rất nhanh, tôi nhảy phắt lên ghế, bằng kỹ năng nghề nghiệp, tôi bật nắp ống kính, nâng máy ảnh, hướng ống kính ngược chiều đoàn khách viếng, kéo cần lên phim, không cả kịp chỉnh nét mà chỉ đặt áng chừng cự ly 3.5m, tốc độ cửa chập 60, độ mở ống kính 5.6. Khoảnh khắc thăng hoa lóe lên, tôi bấm 3 kiểu liên tục ở các góc độ khác nhau cho riêng đoàn khách đặc biệt này. Và cứ thế tiếp tục với những cú bấm máy như vô thức.

Kết thúc sự kiện, tôi chụp hết một cuộn phim. Về đến nhà, tôi lập tức pha thuốc tráng phim trong háo hức và mong chờ kết quả. Cuộn phim vừa tráng xong, được xả nước, treo, hong khô trong râm mát. 38 kiểu phim (theo quy ước chỉ có 36 kiểu, nhưng những thợ ảnh kiếm gạo như chúng tôi hồi ấy thường rất chắt chiu, cố gắng vớt vát thêm được 1- 2 kiểu nữa) được lộ sáng đều tăm tắp trong sự vui mừng khôn tả của tôi. Vào thời kỳ đó chưa có máy ảnh kỹ thuật số ghi hình vào thẻ nhớ, đo sáng và chỉnh nét tự động như bây giờ, chúng tôi chỉ chụp bằng máy cơ, tự định liệu nguồn sáng cho độ nhạy của phim bằng kinh nghiệm của mình, cho nên chỉ cần sơ sểnh tí là rất có thể đi tong bao công sức.

Ông Đào Ngọc Long

Tôi chọn một ảnh để làm tin (không phải ảnh đoạt giải) gửi cho báo Quân đội nhân dân. Sau đó tôi nhận thức rằng, đây là một sự kiện có giá trị lịch sử và cuộn phim này sẽ là một tư liệu quý, nên đã bảo quản và cất giữ rất cẩn thận.

Thời gian trôi nhanh, năm 2000 đã đến. Đây là một năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là năm cuối cùng chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, vì thế có những 3 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật (TLANT) liên tiếp được tổ chức trong tháng 8 đó là TLANT tỉnh Thái Nguyên, ngày 15/8, TLANT 16 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc tổ chức tại Bắc Giang, ngày 19/8 và TLANT toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội, ngày 28/8. Tôi đã gửi tác phẩm “Nền Tổ quốc” ở cả 3 cuộc triển lãm này. Và thật vui cho tôi, cả 3 Triển lãm, tôi đều đoạt giải và càng cuộc to thì giải càng cao. Triển lãm của tỉnh, tôi đoạt giải Nhì (không có Nhất), Triển lãm Khu vực, tôi đoạt Huy chương Bạc (không có Vàng) và cuộc Triển lãm Toàn quốc do Bộ Văn hóa tổ chức, tôi đã đoạt Huy chương Vàng. Khỏi phải nói tôi và gia đình hạnh phúc thế nào. Đến bây giờ, sau 21 năm rồi, nhắc lại mà tôi vẫn còn thấy lâng lâng…

Giấy chứng nhận đoạt giải của tác giả.

Nhân đây, tôi cũng muốn kể lại thêm một lần nữa và cảm ơn những người bạn của tôi. Đó là trước khi tôi gửi tác phẩm tham gia TLANT tỉnh Thái Nguyên, tình cờ nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa và Thế Hoàng ghé thăm tôi nơi làm việc. Biết tôi sẽ gửi tác phẩm này tham gia triển lãm, hai anh rất ủng hộ và đều quả quyết với tôi: “Chắc chắn tác phẩm này sẽ lọt vào vòng giải”. Nhưng Vũ Kim Khoa chợt hỏi tôi: Ông đặt tên bức ảnh này là gì? “Trong lòng Tổ quốc” - tôi trả lời đầy tự hào. Suy nghĩ một lát, Khoa nói: Theo tôi, ông nên đổi là NỀN TỔ QUỐC. Ồ, cái tên hay quá - tôi thốt lên - rất ý nghĩa và tính khái quát rất cao.

Vậy là NỀN TỔ QUỐC của tôi đã được ra đời như thế đó.

***

Sau này, vì công việc thay đổi, Đào Ngọc Long không còn xuất hiện trước công chúng với những bức ảnh, nhưng tác phẩm Nền Tổ quốc của ông vẫn khiến bạn bè và giới nhiếp ảnh nhắc nhớ về ông, nhất là những dịp tháng Bảy thiêng liêng này.

Minh Huệ

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy