Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:00 (GMT +7)

Chuyện tình ở Viêng Thoong

1. Tháng 12/2011. Chia tay với đại tá Xèng Phon, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn (Lào), chiếc xe U oát đưa 5 anh em trong đội tình nguyện tìm mộ liệt sĩ đi về hướng Mường Hiềm. Đội có bác Nguyễn Công Nhuế là người cao tuổi nhất 73 tuổi, còn chúng tôi đều từ 63 tuổi, Lại là người ít tuổi nhất cũng đã 60 tuổi.

Xe chạy được 2 giờ đồng hồ thì đến bản Nậm Tạt (huyện Húa Mường) nay đã đổi tên thành bản Pha Nang, rồi đến Na Piêng. Trước đây bản Na Piêng có cây đào rất to, bộ đội ta đặt kho ở đây, vì vậy anh em thường gọi là kho Cây Đào. Vì gần đường xe ô tô nên kho rất lớn, đủ lượng thực, thực phẩm và vũ khí cho một trung đoàn. Anh Minh kể chuyện: Năm 1973 tôi và y sĩ Phúc (người Bắc Kạn), y tá Hải ở Phú Thịnh, Đại Từ đã mổ vết thương cho một chiến sĩ người Lào. Người ấy bị đạn cạc - bin bắn vào đầu. Anh em phẫu thuật thành công, sau 45 ngày người thương binh ấy đã ra viện, không biết giờ này người ấy còn sống không?

Câu chuyện đưa chúng tôi trở về quá khứ 39 năm về trước…

Khẩu pháo tại đồi A1 Phu Cúm bị chính tác giả bài viết phá hủy ngày 28/4/1972

Năm 1973 đơn vị chúng tôi di chuyển gạo từ kho Cây Đào vào tuyến trong. Đường vận chuyển qua một cái kho của bản Na Piêng. Kho này có hai người Lào coi giữ. Một hôm đi qua kho thấy không có người, chúng tôi vào trong kho xem tình hình thì thấy hai người Lào đang nằm, một người bị thương vào đầu máu tụ to như quả cam trên đỉnh đầu đang mê man và lên cơn sốt. Người kia kể lại: 5 ngày trước tôi đi vào nương ngô săn gấu, trời sắp tối tôi nhìn không rõ tưởng là gấu nên tôi đã bắn không ngờ phải ngay đồng đội. Nói rồi anh ta khóc, đồng chí Thiện lấy ra ít mật gấu mấy hôm trước anh em bắn được đắp vết thương cho anh ta, rồi lệnh cho mấy đồng chí khiêng người ấy ra viện Quân y Tiểu đoàn. Khám qua viết thương, y sĩ Phúc quyết định mổ, ca mổ lúc này có y tá Minh và y tá Hải phụ tá. Vì trời tối nên đồng chí Lại lấy đèn pin để chiếu sáng. Chỉ vài nhát dao kỹ thuật, mảng da đầu lật ra, máu chảy từng cục xuống chiếc thau nhôm. Vài phút sau viên đạn rơi cộc xuống chậu, anh em ai cũng rùng mình. Bệnh nhân đã được cứu sống.

45 ngày sau tôi đi vác gạo và gặp người thương binh này. Anh đã chống gậy đi lại được. Gặp tôi anh ta gật đầu mỉm cười, tôi trêu “ải bo đẩy au mia, au mia là tai thẹ”, nghĩa là anh không được lấy vợ, lấy vợ sớm 5 năm chết đấy. Anh mỉm cười gật đầu.

Dọc đường đi, câu nói của Đội trưởng Đội Quy tập Liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa Lê Bật Phong khiến tôi ám ảnh: Nếu các đồng chí không sang thì liệt sĩ của chúng ta vĩnh viễn nằm lại đây, chúng tôi đã đào bới cả tháng nay rồi mà chưa thấy.

2. Xe chạy độ hai tiếng nữa thì đến huyện Mường Hiềm. Mường Hiềm nay đã đổi thành Viêng Thoong. Trước những năm 1969 đây còn là sân bay dã chiến của giặc, đồn bốt đóng ở xung quanh. Tháng 3/1969 ta mới giải phóng được Mường Hiềm.

Sây bay Mường Hiềm xưa nay là trung tâm hành chính của huyện Viêng Thoong, nhiều ngôi nhà hai tầng đã mọc lên, thị trấn sầm uất, đường nhựa từ Sầm Nưa qua đây rồi chạy thẳng sang Luông Pha Băng. Xung quanh thị trấn là đồng lúa xanh ngát. Từ ngã ba này con đường ô tô còn chạy xuôi Xốp Xiêm qua Nậm Khao sang Phu Viêng - Xiêng Khoảng. Dọc hai bên đường, làng bản mọc lên san sát. Trước những năm 1972 đơn vị tôi từ ngã ba Xốp Khao ra Mường Hiềm thường phải đi mất hai ngày. Mùa mưa anh em phải đi bộ, gùi gạo và đạn vào tuyến trước. Cứ mỗi lần ra lấy gạo chúng tôi thường vào nhà một bà mẹ người Lào ngủ trọ, nhà bà chỉ có hai mẹ con.

Gọi là mẹ nhưng có lẽ bà cũng chỉ hơn tôi 20 tuổi. Em May là con gái mẹ lúc ấy khoảng 16 - 17 tuổi. May cao gầy và hơi đen trông mới ra mã con gái. Ở bản chẳng có nam thanh niên nào nên em chưa lấy chồng. Thấy tôi em quấn quýt hỏi thăm đủ thứ, biết tôi thích cơm nếp em thường ép cơm cho tôi ăn, khi tôi đi còn gói cho nắm cơm to tướng. Tối đến bên bếp lửa hồng trên sàn nhà em dạy tiếng Lào cho tôi, tôi dạy tiếng Việt cho em. Chúng tôi học đến khuya, mẹ May giục: Con đi ngủ để cho anh con mai còn phải đi qua nhiều con dốc. Quả là vậy, đường hành quân tôi thường qua những con dốc, dốc Phu Săm Si cao hơn nghìn mét mỗi lần qua đây mệt muốn vỡ cả lồng ngực. Tuy nhắc vậy, song có lẽ mẹ May cũng muốn cho anh em chúng tôi ngồi lâu hơn, bởi nửa tháng trời anh em chúng tôi mới được gặp nhau. Mẹ vẫn thường bảo, xa con em nó nhắc nhiều lắm!

Ở góc nhà bên anh Thiết quản lý và anh Viện đã ngáy đều đều. Bếp than hồng thỉnh thoảng lại nổ lách tách. May nhìn tôi đôi mắt mở to đen láy như muốn nói: Anh nói gì đi chứ. Tôi nhìn May mà lòng ngổn ngang, nửa như muốn May là em gái. Bởi tôi không có em gái và rất muốn có đứa em gái, sau này hòa bình hai nước có quan hệ tốt tôi sẽ đón em về thăm quê hương và giới thiệu với gia đình làng xóm. Nhưng ý nghĩ ấy thoáng qua rất nhanh. Trước mặt tôi là một người con gái với những đường cong lộ rõ, quyến rũ đến mê hồn.

Tôi miên man suy nghĩ và nhìn đăm đăm vào bếp lửa. May đứng dậy đi trải đệm và mắc màn cho tôi. Bỗng tôi ngạc nhiên thấy em cũng trải đệm cạnh tôi rồi em giục tôi đi ngủ. Tôi ngoan ngoãn nằm xuống kê lại ba lô gối cao đầu cho khỏi ngáy, sợ ngáy to May không ngủ được. Bên ngoài có lẽ là canh hai rồi, tiếng gà vỗ cánh gáy râm ran khắp cả bản, mọi người đã say giấc.

Dọn dẹp song May đi lại phía tôi buông màn, rồi nằm xuống, mùi hương tóc của em phảng phất, tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Trong đầu tôi rối bời bởi tôi quý và thương em như đứa em gái ruột thịt, muốn vỗ về che chở cho em nhưng cũng lại muốn em lớn hơn chút nữa làm người yêu bé nhỏ của tôi. Đã 4 năm xa nhà, xa trường học thân yêu. Lúc học lớp 10 tôi cũng đã từng yêu thầm một người con gái nhưng chỉ dám nhìn trộm không dám tỏ tình, càng không dám viết thư.

Bỗng May thì thầm cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi: Eng Việt à! Eng có ngủ được không? Tôi nói: Anh không ngủ được, anh nhớ nhà lắm, hôm nào trước khi đi ngủ anh cũng dành ít phút tưởng tượng lại cảnh gia đình lúc anh ở nhà. Ôi! Biết bao giờ hết chiến tranh để có ngày sum họp, ngày ấy sẽ hạnh phúc biết chừng nào. May thủ thỉ: Em cũng không ngủ được, em thương và lo cho anh lắm! Ở Phu Cúm đánh nhau ác liệt, bộ đội hy sinh rất nhiều, em chỉ lo cho anh thôi. Anh có làm sao thì mẹ và em chết mất, mẹ thương anh lắm. Cứ mỗi lần nghe tiếng súng nổ nhiều là mẹ đứng ngồi không yên. Tôi nói: Mẹ và em không phải lo cho anh đâu, anh số cao không chết được đâu. Tôi trằn trọc một lúc rồi giả vờ ngáy khe khẽ, được một lúc sau thì ngủ thật.

Bỗng tôi thức giấc, hơi thở dồn dập của May phả vào mặt tôi. Mùi hương tóc của em, cánh tay tròn lẳn của em ôm ngang ngực tôi, da thịt em chạm vào người tôi nóng hôi hổi. Tôi run bắn người như lên cơn sốt, tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Phải làm sao đây? Tôi nghĩ rất nhanh, mình là chiến sĩ quân tình nguyện phải thực hiện mười điều của Bộ Tổng tư lệnh đã dạy. Hơn nữa câu nói của Chính ủy Triệu Quang văng vẳng bên tai: Trận này tôi thay mặt Bộ Tư lệnh trao quả bộc phá 10kg cho đồng chí Dương Mạnh Việt đánh tan trận địa pháo của địch đặt tại sân bay Phu Cúm làm hiệu lệnh cho toàn mặt trận. Đây là vinh dự và trách nhiệm mà Bộ Tư lệnh giao cho đồng chí, mong đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!

Tôi bật dậy đi về phía bếp lửa, May cũng dậy theo. Khi ngọn lửa cháy lên, em đã đặt hông xôi lên bếp, ánh lửa bập bùng soi rõ khuôn mặt em đượm buồn, nói chuyện với tôi em có vẻ rụt rè không sôi nổi như trước nữa.

10 giờ đêm ngày 28 tháng 4 năm 1972 quả bộc phá khối của tôi đã phát nổ phá hủy hoàn toàn kho đạn và trận địa pháo địch. Đêm ngày 2 tháng 5 năm 1972, tôi dẫn đội hình đột phá mở được 7 lớp hàng rào của địch tại đồi A1 Phu Cúm mở đường cho xung kích tiến công tiêu diệt địch. Đêm đó tôi bị sức ép của quả bộc phá 15kg (loại hợp chất C4), hất ra hơn chục mét. Sức ép của bộc phá xé nát quần áo tôi, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trên cáng, toàn thân đau rát.

Ngày 5 tháng 5 năm 1972, biết tôi bị thương, May và hơn chục cô bạn gái đến thăm tôi. Thấy tôi, em òa lên khóc, rồi ôm chặt lấy tôi như chẳng muốn rời ra. Tôi vỗ về và an ủi: Anh không sao, em và các bạn về đi kẻo trời tối. Ở đây các anh quân y chăm sóc tốt lắm, anh cũng khỏe rồi sắp được ra viện em và mẹ đừng lo nhé.

Sau đợt điều trị này tôi được đơn vị cho về nước theo học tại Trường Lục quân. Năm 1974 tôi quay lại Mường Hiềm làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ, theo tập tục của dân Lào, nhưng chúng tôi không được phép vào bản. Không ngờ suốt từ ngày ấy tôi và May đã xa nhau. Trở lại Mường Hiềm lần này sau 40 năm tôi có ước ao gặp lại May song lại nghĩ chắc May đã quên tôi rồi.

3. Ngày Chủ nhật, đón chúng tôi là đồng chí Khăm, Chánh Văn phòng huyện ủy Viêng Thoong. Bắt tay nhau một lúc anh ngờ ngợ: Có phải ải Việt đó không? Tôi nói: Đúng rồi. Khăm phải không? Hai chúng tôi lao vào nhau, Khăm ôm chặt tôi tưởng chừng như nghẹt thở giữa sự sửng sốt của mọi người. Ôi! 40 năm rồi còn gì? Ngày ấy Khăm trẻ lắm, mới 15 tuổi nhưng đã đi bộ đội rồi, chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau. Khăm ngày ấy béo tròn, giờ đã già giặn hơn nhiều. Khăm nói ngay, chị May nhớ anh lắm, chị chờ anh mãi mới chịu lấy chồng. Nhà chị ở gần đây thôi lát nữa em báo tin cho chị ấy.

Tiếng cụm ly lách cách, tiếng cười nói râm ran có cả những giọng ca tự phát của anh em trong đội quy tập và cán bộ các phòng ban của tỉnh của huyện. Hình ảnh của May chiếm cả tâm hồn tôi, đang ăn uống mà đầu bao ý nghĩ, bao nhiêu là câu hỏi cứ ngổn ngang.

Tiệc tan, tôi về phòng nghỉ. Đang chuẩn bị xếp lại vài thứ đồ dùng cá nhân thì cậu Thông - phiên dịch của đội quy tập gọi với: Bác Việt ới, có bác gái nào ở bản đến hỏi thăm bác này! Tôi vội chạy ra.

Em đây! Ôi, trước mắt tôi là một phụ nữ tóc búi cao, vẫn dáng cao, đen và đôi mắt sáng. Tôi sững người lại, May đấy em! Ôi, đã 40 năm rồi,... May thì nói, anh giờ này béo hơn trước, sao anh trẻ giai thế, đi với nhau thế này người ta coi như hai chị em ấy!

May vừa dẫn tôi đi vừa nói. Nhà em ở gần đây, anh ấy là cán bộ làm việc ở tỉnh giờ đã về hưu rồi, em sinh được 7 cháu nhưng chỉ nuôi được có 3 đứa. Mẹ mất lâu rồi từ ngày mới hòa bình ấy! Các con của em đã xây dựng gia đình, con út em là gái nó đang học Cao đẳng ở Luông Pha Băng.

May đưa tôi vào nhà giới thiệu với chồng em về tôi. May nói em rất mừng vì thấy anh vẫn khỏe lại có gia đình hạnh phúc. Vì tình cảm đồng đội, anh sang đây, anh em mình lại được gặp nhau. Giờ thì em mãn nguyện rồi!

Từ huyện Viêng Thoong xe chạy độ 2 giờ thì đến bản Na Cút - Na Khằng. Trước những năm 1969, Na Khằng là căn cứ lớn thứ 3 của địch ở Sầm Nưa sau Pha Thí, Noọng Khạng. Địch bố trí một sân bay (T28), trận địa pháo 150mm, súng cối 106,7 và các loại hỏa lực. Chúng huy động 6 tiểu đoàn gồm 3 tiểu đoàn quân đặc biệt Vàng Pao, 3 tiểu đoàn Thái Lan và chư hầu hỗn hợp đóng giữ. Tháng 3/1969 ta mới giải phóng được Na Khằng và đưa được hàng nghìn dân ra vùng giải phóng. Khu vực Na Khằng còn để lại trên 200 liệt sĩ mà đến nay qua nhiều đợt tìm kiếm của đội quy tập, song không kết quả, vì thời gian quá lâu, hồ sơ thất lạc, lại thiếu thông tin, môi trường thay đổi rất nhiều. Đợt khảo sát tháng 8/2011 tôi đã báo cáo đồng chí Khằm Hùng Vường, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn là đồi Củ Khoai (Sở Chỉ huy cụm cứ điểm) có trên 30 liệt sĩ của Đại đội 3 đặc công thuộc Tiểu đoàn 923 hy sinh tại đây. Vì vậy đợt này anh em quyết tâm tìm bằng được liệt sĩ.

Quy tập liệt sĩ tại Pha Thí

Bản Na Cút nằm ở dưới sườn đồi nhìn ra những cánh đồng bằng phẳng xa tít tận phía rừng xanh. Đón chúng tôi là đội phó Nguyễn Bá Tùng. Anh em bộ đội đỡ ba lô, đồ dùng rồi dẫn chúng tôi ở nhờ các nhà dân.

Ngày 22 tháng 12 năm 2011, anh em bộ đội tổ chức liên hoan tại nhà trưởng bản nơi Ban Chỉ huy đội đóng quân. Khoảng 7 giờ tối buổi liên hoan bắt đầu. Trong Đội quy tập có 29 anh em cùng 3 đồng chí là cán bộ của Lào. Gồm 1 đồng chí ở Bộ Chỉ quy Quân sự tỉnh, 1 ở Sở Lao động Thương bình và xã hội, 1 ở Sở Công an tỉnh Hủa Phăn, cùng hơn chục già làng trưởng bản đến dự. Đồng chí Lê Bật Phong, Đội trưởng tuyên bố lý do và giới thiệu với mọi người về tôi và các thành viên trong Đoàn công tác. Tiếng hô Xa ma khi (đoàn kết), Kheng heng (mạnh khỏe) cùng tiếng cười nói vang lên không ngớt. Vừa liên hoan, vừa văn nghệ, cuộc vui kéo dài mãi đến nửa đêm. Chúng tôi hỏi: Bản ta có đồng chí nào là thương binh bị đạn bắn vào đầu được bộ đội cứu sống năm 1973 không? Hai người đó hiện ai còn, ai mất. Trưởng bản nói ngay: Có đấy! Người bị thương còn sống, nhà ông ở gần đây, còn người bạn của ông ấy đã mất. Rồi Trưởng bản sai con đi gọi người thương binh ấy. Một lúc sau thấy có ông tuổi gần 70 đứng thập thò ở cửa. Anh Minh và Lại sau khi bắt tay chào hỏi, anh Minh bỗng chỉ vào đầu người thương binh ấy và reo lên: Đúng rồi, vết sẹo ở cằm, vết sẹo ở đỉnh đầu to bằng cái chén vẫn còn. Anh Minh nói: chính tôi và chú Lại đây đã tham gia mổ viết thương cho anh. Người thương binh òa khóc ôm lấy chúng tôi. Tin này nhanh chóng được truyền đi khắp bản, lúc sau trước cửa nhà trưởng bản đông nghịt người. Vợ con ông và ông cứ khóc mãi. Ông cảm động nói: Không có bộ đội Việt Nam thì tôi đã chết lâu rồi. Đây là những người đã cứu sống tôi suốt 38 năm qua giờ gặp lại mừng lắm, cám ơn nhiều lắm!

Ông bảo, tôi vẫn nhớ câu anh Việt nói thế mà tôi vẫn lấy vợ và đã có 3 con, 2 cháu gái đã đi lấy chồng, còn cháu trai ở với tôi. Tôi cười vội giải thích bị thương nặng như anh phải kiêng lấy vợ 5 năm đầu, nếu lấy sớm hơn anh sẽ chết có đúng không, anh cười gật đầu.

Đêm đã về khuya tôi không sao ngủ được. Những câu chuyện hy hữu kia cứ mãi trong đầu tôi. Tất cả, cứ như có người sắp đặt, có linh hồn chỉ đường dẫn lối, nên mọi việc đều trọn vẹn!

Sáng hôm sau tất cả anh em trong đội quy tập và rất nhiều người dân đã lên đồi Củ Khoai (Sở Chỉ huy cụm cứ điểm Na Khằng) phát cây, đào bới theo kế hoạch. 9 giờ 30 phút, liệt sĩ đầu tiên được tìm thấy, anh em nâng niu từng đoạn xương, từng chiếc răng, từng chiếc cúc áo, thắt lưng... Di vật có cả những đôi giầy cao cổ vẫn còn hình hài nguyên vẹn. Không khí lao động phấn khởi hẳn, những ngách hầm hào, súng đạn của địch vẫn ngổn ngang nằm đấy. 3 ngày sau, lần lượt 37 liệt sĩ được quy tập trong đó có 21 anh em ở chung một hố. Ông Nhuế người tham gia trận đánh đồi Củ Khoai khẳng định: “Tất cả chỉ có 37 người nay đã lấy đủ, sau này có chết đi tôi cũng không ân hận nữa”.

Những bó hương được thắp lên, vài loạt AK được bắn lên trời báo tin vui tìm thấy đồng đội. Dân bản Na Cút đón các anh em về Nhà văn hóa để làm lễ cầu siêu và tiễn các anh về Tổ quốc. Tạm biệt Bản Na Cút thân yêu. Chúng tôi đưa hài cốt các anh trở về Tổ quốc giữa bao vui buồn lẫn lộn.

Dương Mạnh Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước