Chuyện tình chị Lý
(Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Bi Hùng của Đại đội TNXP 915, Đội 91 Bắc Thái – 24/12/1972)
Cựu TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái Hoàng Thị Lý
Tôi biết chị Lý vào giữa năm 1978, khi đó tôi là cán bộ giao nhận hàng hoá của Công ty Nông sản - Thực phẩm Bắc Thái.
Tôi phải đảm nhận chuyển 300 tấn chè búp khô của Trạm Nông sản Đại Từ giao cho Nhà máy chè Vĩnh Long (nhà máy chè Ba Đình), thời kỳ đó nhà máy sơ tán về xã Vĩnh Long, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc).
Ngày ấy xe của nhà máy chỉ có vài chiếc, tôi phải đi thuê lúc thì Đoàn 10 lúc thì Công ty Vận tải ô tô Bắc Thái mà vẫn không đủ xe vận chuyển, đành phải đi tìm thuê thêm ở các đơn vị có xe tải. Hôm ấy tình cờ đi qua Công ty Xây dựng dân dụng Bắc Thái đang đóng ở Đán, thấy rất nhiều xe, tôi định bụng vào hỏi thử xem sao.
Đang đứng trước giàn xe định tìm hỏi người phụ trách thì bỗng có tiếng gọi giật: Việt! Tôi giật mình quay lại, thấy Thiết - người ở xã Ký Phú cách tôi một xã. Hai chúng tôi lao vào ôm lấy nhau.
Trời ơi! Mới thế mà đã xa nhau 7 năm rồi. Tôi và Thiết cùng nhập ngũ cùng vào chiến trường cùng chiến đấu ở một đơn vị suốt 4 năm trời. Tối nào cũng ngủ với nhau nên “quen hơi bén tiếng”. Tháng 6/1972, tôi về học Trường Lục quân rồi xa nhau từ đấy. Cuối năm 1976, Thiết chuyển ngành về Công ty Xây dựng dân dụng này.
Thiết kéo tôi vào nhà vồn vã mời nước. Anh gọi: “Lý ơi, lên anh nhờ có khách”. Một lúc sau tôi thấy một cô gái nhanh nhẹn chạy lên.
- Anh cần gì ạ?
- Đây là anh Việt người cùng quê anh và cùng ở đơn vị chiến đấu bên Lào lâu quá nay mới gặp được.
Thiết quay sang cô gái nói: Đây là Lý nhà ở Hoàng Nông, Đại Từ, đang làm quản lý ở đơn vị. Thiết dặn Lý chuẩn bị cho anh mâm cơm đãi khách. Lý “dạ” một tiếng nhỏ nhẹ rồi xuống bếp.
Hỏi han được một lúc, Thiết nói: “mày cứ ngồi đây tao ra giải quyết nốt một chút công việc rồi ta về ăn cơm”.
Một lát sau Lý lên tiếp khách. Em bộc bạch: Anh là Việt à, suốt ngày anh Thiết kể về anh. Nào là anh lười tắm giặt, quần áo thay xong treo lên cây xong lại đập đập vài cái mang xuống mặc, nên anh ấy toàn giặt hộ. Nào là đêm ngủ nó gác chân lên bụng anh nặng như thanh tà vẹt nhấc không nối nên phải đánh hoặc béo cấu nó mới rút chân ra…
Ôi, bao nhiêu tật của mình nó đều kể hết với Lý! Tôi đoán chắc Lý và nó có tình ý với nhau đây.
Tôi nhìn kỹ thấy Lý không xinh nhưng nhìn lâu thấy vừa mắt.
Tôi hỏi: Thế Lý công tác ở đây lâu chưa? Lý trả lời, em trước ở đơn vị TNXP, ngày 30/4/1975 em chuyển sang đây, cũng được vài năm rồi đấy. Tôi nói, anh cũng biết ở tỉnh ta có nhiều đơn vị Thanh niên xung phong lắm, em ở đội nào? Lý bảo: 915 - Đội 91 Bắc Thái anh ạ! Giọng Lý trầm xuống mắt đượm buồn bằng cái nhìn xa xăm.
Tôi rụt rè hỏi: Có phải cái đại đội bị bom B52 ở ga Lưu Xá tháng 12/1972 không? Lý ấp úng: đúng rồi anh ạ.
Hôm ấy gia đình biết tin người yêu của em hy sinh ở chiến trường, em vội về động viên gia đình thì nghe tin đơn vị bị trúng bom. Em quay lại đơn vị ngay trong đêm, đến ngay hiện trường cùng mọi người. Nhưng cả đại đội 915 hầu như không còn ai. Vừa tham gia đào bới, tìm kiếm, vừa gọi tên những người thân. Và đi nhặt từng mảnh thi thế của anh em đồng đội đưa đi mai táng. Hai nỗi đau cùng xảy ra một lúc ngày ấy sẽ mãi mãi đọng trong ký ức không thể nào quên… Thấy Lý xúc động, tôi lảng sang chuyện khác.
Tôi kể: Ngày ấy anh đang thực tập sinh ở Quảng Trị, nghe đài biết Mỹ đánh bom bằng B52 ở Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội cũng đoán rằng ta thiệt hại nhiều lắm vì dân chưa biết sức mạnh của B52 như thế nào đế phòng tránh. Chứ còn bọn anh ngày nào cũng chịu tầm 2 chục trận B52, vui tai lắm. Ngày ấy ta rất bí mật về số thương vong nên chỉ nghe và đoán thôi.
Thiết đã về. Mâm cơm được dọn ra. Câu chuyện giữa tôi và Lý ngắt quãng. Cơm xong Thiết bảo: Hôm nay mày phải ở đây ngủ với tao một đêm, tao có chuyện cần nói. Rồi nó bảo: Lý, tối em mua ít rượu về đây 3 anh em mình cùng uống. Anh vui lắm vì thằng này không biết bao lần tưởng chết, thế mà giờ nó lại ngon hơn anh.
Các cựu TNXP Đại đội 915 thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim, TP. Thái Nguyên (2007). Ảnh tư liệu.
Nhớ ngày ở đơn vị Đại đội 62, D 923, ba chúng tôi ở cùng 1 tổ C bộ. Ở C bộ có 2 thằng Thiết - Hồng Thiết ở Vĩnh Phú, Huy Thiết ở Thái Nguyên. Hai thằng ấy cao bằng nhau, mắt đều híp và đẹp trai như nhau. Huy Thiết có đôi lông mày rậm nó chữ đẹp nên được làm Quản lý kiêm Quân khí đơn vị. Hồng Thiết làm liên lạc cho Chính trị viên Nguyễn Quang Vinh. Còn tôi làm liên lạc cho Đại đội trưởng Phạm Mang. Đại đội trưởng là người xông xáo, cầm quân giỏi, đánh trận nào cũng làm chủ công và luôn chiến thắng.
Tuy nhiên ông chỉ biết ký chữ Mang, ông không biết xem bản đồ, không biết cộng tới 3 con số nên mọi ghi chép đều ở tôi, bản đồ tài liệu tôi đều giữ, đi trinh sát ông phải đem tôi đi theo để ghi theo ý ông, rồi vẽ sơ đồ, tính toán cự ly toạ độ, hướng đánh, hướng rút, sử dụng lực lượng, lập bộ tiêu, lập nơi tập kết đắp sa bàn... Ba chúng tôi thân nhau lắm.
Một lần vào tháng 1/1970, bọn địch phát hiện dấu vết quân ta. Chúng cho quân lùng sục, đơn vị tôi rút vào rừng chuối đào công sự cá nhân cách đường mòn chừng 50m. Xung quanh chỗ trú quân là các quả đồi lúp xúp nhấp nhô toàn địch. Hố cá nhân của tôi và Huy Thiết cách nhau 20m. Bọn địch đã càn vào cách đơn vị chừng 50m, chúng vừa đi vừa bắn tiếng các bin, ga răng: Cắc cùm! Cắc cùm cùm cùm… nghe sốt một.
Bỗng tôi phát hiện một tên lính rằn ri cách tôi chừng 15m, nó giơ khấu các bin nhằm vào thằng Thiết. Thiết chưa biết gì, và chỉ vài tích tắc là thằng Thiết sẽ chết. Không kịp ngắm, tôi kẹp ngang người khẩu AK siết cò. 2 viên đạn lửa xuyên qua ngực tên lính. Trúng đạn ở cự ly gần, tên giặc nhảy dựng đứng lên 2 cái rồi ngã vật ra. Tôi hô: Thiết! Chạy! Vài phút sau từng chùm đạn M79 xé nát các bụi cây quanh đấy. Tôi và thằng Tâm người Hà Thượng, Đại Từ bị vài mảnh nhỏ như hạt thóc găm vào tay buốt lên tận óc. Cũng từ đấy tôi trở thành ân nhân Huy Thiết.
Là đơn vị xây dựng nhưng chỗ ở tại công trường nên cũng sơ sài lắm. Làm quản lý nên Lý và Thiết ở cùng một nhà, phòng hai người cách nhau tấm liếp, cùng chung cửa đi. Quan sát qua tôi nghĩ ngay đến chuyện “lửa rơm” của hai người.
Đêm hôm ấy tôi và Thiết ôm nhau ngủ. Thiết bắt tôi kể chuyện công tác và hỏi thăm có gặp ai là anh em ở đơn vị cũ không. Tôi nói tôi chở chè sang Vĩnh Phú có gặp thằng Đông (biệt hiệu “Đông mê gái”). Tôi còn mang chè Thái Nguyên, thuốc lá đi cưới vợ cho thằng Gấm rồi lên nhà máy Liên hợp dệt Vĩnh Phú thăm Đại đội phó cũ Trần Trọng Ăng.
Ăng hơn tôi 3 tuổi, anh quý và thương tôi như đứa em ruột. Tôi cũng quý anh, Ăng chọn được người vợ như các cụ ví “khô chân, gân mặt, đắt tiền cũng mua”. Anh làm bảo vệ nhà máy, chị Sản vợ anh làm ở xưởng dệt, cái nhà máy này có 2 vạn công nhân toàn là nữ.
Nhà anh chị Ăng ở Đồi Sắt. Khu tập thể nữ công nhân tuyệt nhiên không có nam giới.
Cứ mỗi lần lên chơi anh chị quý tôi lắm, phòng chật nhưng rất vui. Chị Sản vợ anh nói: Tôi thích chú Việt lắm, tính nết nó tôi cứ thương nó như đứa em trai, không trách lúc nào anh Ăng cũng nhắc đến chú.
Có lần tôi lên, anh đi làm ca chưa về, chị mới sinh con nhỏ, nhìn thùng không còn nước nấu cơm, tôi gánh đôi thùng đi lấy nước. Gần ra đến nơi, tôi thấy hàng chục cô gái tồng ngồng vừa tắm vừa trêu đùa nhau. Họ chỉ quây vài cái quầy cao ngang ngực để thay quần áo. Đặc biệt khu này không có nam nên chị em chủ quan lắm.
Tôi quay về lấy bộ quần áo bảo hộ của chị mặc vào, may là chị cao gần bằng tôi nên cũng hơi vừa. Tôi lấy chiếc khăn trùm kín mặt, đội thêm chiếc nón, quảy đôi quang thùng ra vòi nước. Tôi cúi xuống kéo sụp chiếc nón rồi hứng nước. Có lẽ mùi sữa từ chiếc khăn quàng toả ra nên các chị em không phát hiện ra tôi, tôi thấy họ chẳng thèm để ý đến tôi nên tôi thoát nạn, gánh nước về nhà mà rôm sẩy cắn đầy lưng.
Ôi thế giới đàn bà, ở đâu ra lắm đàn bà thế, những 2 vạn cơ mà, và chỉ tập trung ở Đồi Sắt. Thấy tôi gánh nước về, chị thốt lên: ôi chú thông minh thật? Tôi đắc ý: em là lính trinh sát mà!
Nghe tôi kể, Thiết ước ao: mày sướng thật. Tao thì khổ lắm. Trải qua một mối tình nhưng vì “cơm không lành, canh chẳng ngọt” nên chia tay. Người ấy đã mang theo đứa con vào Nam sinh sống.
Tôi nghe mà xót xa cho thằng bạn. Chuyện hạnh phúc rắc rối lắm, chỉ sai lầm một bước thôi, vội vàng một chút thôi là ân hận cả đời. Sống với nhau mà không yêu thương chia sẻ với nhau thì có ý nghĩa gì, chỉ làm khổ nhau thôi.
Tôi nghe rõ tiếng Lý thở dài ở phòng bên, câu chuyện chúng tôi chắc em nghe rõ.
Chuyện tình của Lý và Thiết xảy ra do hoàn cảnh, điều kiện hai người ở gần nhau làm việc cùng nhau, hiểu rất rõ về nhau và mỗi người lại có nỗi khổ riêng.
Tuổi xuân phụ nữ cứ trôi đi một cách nhanh chóng. Ngày ấy lứa tuổi như chúng tôi thật hiếm anh không vợ, phần đông là đang ở mặt trận Tây Nam, mặt trận phía Bắc. Thiết lại có lệnh tái ngũ, cả tôi nữa. Bao ước mơ dự định xây dựng một gia đình hạnh phúc đành gác lại. Cũng may cho Thiết là được vào học trường Quân chính Quân khu I cách đơn vị cũ một hàng rào, một mặt đường nên thứ Bảy, Chủ nhật họ lại có điều kiện gặp nhau.
Năm 1982 Lý xin về một cục. Cô mang theo đứa con trai kháu khỉnh về quê, kết quả của mối tình tự nguyện và hết lòng vì nhau.
Chỉ những người thân thiết như tôi mới hiểu được câu chuyện của họ khi mọi định kiến đã trở nên bình thường. Lý còn sinh thêm một cháu trai nữa, giờ các cháu đã trưởng thành. Tình yêu của hai người vẫn còn ở lại, tuy hai người không về ở cùng nhau. Song họ luôn nghĩ tốt về nhau.
Đã nhiều năm qua Lý được anh chị em bầu làm Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong của xã Hoàng Nông. Lý tâm sự với tôi: Đôi lúc em cũng muốn xin nghỉ công tác Hội đế có thời gian chăm lo các cháu nhưng anh chị em nhất quyết không cho, họ cứ bắt em làm, tuy vất vả nhưng cũng thấy vui anh ạ.
Chia tay với Lý tôi bỗng thấy nhẹ nhõm như gỡ được mối day dứt bấy lâu trong lòng.
Tháng 12/2021
Dương Mạnh Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...