Chuyện sinh viên khởi nghiệp
VNTN - Năm 2016 được Chính phủ chọn là “Năm Quốc gia khởi nghiệp”. Năm 2017 được dự báo sẽ là năm chạy đà để tăng tốc hoạt động khởi nghiệp thời gian tiếp theo. Chính phủ cũng như nhiều địa phương đã nỗ lực hết sức để tạo đà cho mọi thành phần kinh tế và tầng lớp nhân dân tham gia khởi nghiệp. Đối tượng được đặc biệt quan tâm là những người trẻ, các bạn sinh viên - những người chủ tương lai của đất nước, luôn tràn đầy nhiệt huyết, sức sáng tạo và sự tự tin.
Nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ Thông tin Thái Nguyên đoạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” tháng 3 vừa qua
Ngại khởi nghiệp - “bệnh” thường gặp ở sinh viên
Thái Nguyên đang là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 cả nước với 25 cơ sở đào tạo, trong đó có 7 trường đại học với số lượng sinh viên khoảng 50.000, cùng với các hệ đào tạo khác thì tổng số khoảng 150.000 người. Hầu hết các trường đều khảo sát tỉ lệ sinh viên ra trường kiếm được việc làm. Việc này được thực hiện qua website của trường, email và mạng xã hội... Đôi khi con số này chỉ mang tính ước lệ vì các bạn tốt nghiệp rồi có thể sẽ không còn liên lạc với nhà trường, hoặc nhà trường chưa chắc đã nói thật, bởi mục tiêu là thu hút sinh viên mới. Có trường, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm khá cao, lên đến 90%. Nhưng cũng không ít trường, tỉ lệ đó còn hạn chế. Nhiều bạn buộc phải chấp nhận làm những công việc không đúng chuyên môn, thu nhập bấp bênh... vì mưu sinh.
Trao đổi về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp, chúng tôi nhận được không ít những tâm sự bi quan, lo lắng nhưng cũng khá thành thật, hồn nhiên của các bạn sinh viên. Nhiều bạn chưa định hướng cho tương lai, cứ học xong rồi gia đình “tính tiếp”. Có bạn nói vui đầy bi hài, tiêu cực: Thời buổi này rất khó còn “chỗ” cho “sinh viên bình dân”; ngành giao thông thì đi làm xe ôm, môi trường... thì dọn vệ sinh đường phố. Thậm chí có bạn lại đổ lỗi cho cơ quan tuyển dụng yêu cầu cao, đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm...
Quả thực, bài toán việc làm không chỉ là câu chuyện riêng của bản thân người trong cuộc mà còn làm đau đầu các chuyên gia, nhà quản lý. Nhưng không thể phủ nhận trong đó có một phần “lỗi” từ chính các bạn sinh viên.
Năm đầu đại học, anh Nguyễn Thành Chung, cựu sinh viên trường Đại học Công nghệ thông tin (chủ một doanh nghiệp tư nhân về máy tính) đã tranh thủ vốn kiến thức “đủ dùng” của mình để kiếm thêm thu nhập từ việc cài win, sửa một vài lỗi máy tính vặt. Ngay khi ra trường, anh dễ dàng được nhận vào một công ty phần mềm. Làm thuê 2 năm, tích lũy được kinh nghiệm, anh quyết định mở công ty riêng. Anh thẳng thắn chia sẻ: “Nhiều công ty yêu cầu có kinh nghiệm, bởi đứng trên phương diện một nhà tuyển dụng thì làm tốt việc luôn là quan trọng nhất. Kỹ năng mềm cũng rất cần thiết, chỉ những cử chỉ nhỏ như việc chào hỏi, giao tiếp, sự tự tin khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng cũng phần nào nói lên năng lực của ứng viên. Tất cả các yếu tố trên hoàn toàn có thể tích lũy được ngay từ khi còn là sinh viên, thông qua việc đi làm thêm. Nhưng hiện nay, vẫn còn rất nhiều bạn chưa ý thức được tầm quan trọng của nó, nếu không muốn nói là các bạn lười và rất thụ động”.
Theo anh Chung, đi làm thêm được thường xuyên giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp và nhà quản lý có kinh nghiệm, sẽ học hỏi được rất nhiều... Điều đó không chỉ có ích khi ra trường đi xin việc mà còn rất hữu ích với việc học tập trên giảng đường. Anh nhấn mạnh: “Nếu bạn thường xuyên đi làm thêm, thì khi ra trường con đường của bạn sẽ rất khác. Có thể sẽ không còn là “xin” việc nữa, mà đơn giản chỉ là một quá trình đàm phán, thương lượng hợp đồng kinh tế giữa hai bên”.
Theo anh Nguyễn Đình Yên, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên: Việc sinh viên ngại khởi nghiệp, khách quan có thể do Thái Nguyên vẫn chưa thật sự có nhiều cơ hội kiếm việc làm thêm. Bên cạnh đó một bộ phận chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc khởi nghiệp ngay khi còn là sinh viên. Các bạn không bị chi phối bởi áp lực về kinh tế do được gia đình chu cấp đều, hoặc cảm thấy ngại, không đủ kiên trì, thấy chút vất vả đã từ bỏ...”.
Từ đam mê và táo bạo…
Bên cạnh đa số sinh viên ngại khởi nghiệp thì vẫn có nhiều bạn luôn chủ động trong việc này. Những ý tưởng kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ như bán hàng online, quán nước vỉa hè..., mặc dù còn mang tính bột phát “theo phong trào”, vì vậy tỉ lệ thành công không cao, các bạn phải bỏ khá nhiều công sức để “cầu may” kiếm được chút thu nhập trang trải cuộc sống. Nhưng dù vậy cũng rất đáng trân trọng, bởi đó là tinh thần dám thử sức, khẳng định bản thân của tuổi trẻ. Điều mà các bạn còn thiếu có thể là kinh nghiệm, sự đam mê, nỗ lực... và đôi khi lại chính là cái “duyên” kinh doanh và một chút liều lĩnh.
Sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở chợ Thái, “máu” kinh doanh đã ngấm vào cô sinh viên Nguyễn Thị Thùy Ninh (khoa Văn k48, đại học Sư phạm Thái Nguyên) ngay từ khi còn học phổ thông. Cứ đến các ngày lễ lớn, bạn lại tranh thủ nhập 50 quả bóng bay, chạy ngược chạy xuôi rao bán khắp các đoạn đường đông đúc. Mỗi quả lãi 7 ngàn đồng, có lúc bán không hết nhưng Ninh vẫn cảm thấy vui vì đã kiếm được tiền. Năm thứ nhất đại học, thấy các bạn thường có nhu cầu mua kính mắt “bình dân” nên bạn chuyển sang bán mặt hàng này ở vỉa hè, cổng sau ký túc nhà trường. Ninh nhớ lại: “Hôm đầu em bày hàng còn bị mấy chị xung quanh lườm nguýt.Thường xuyên phơi mình dưới trời nắng, lúc ấy da em đen nhẻm. Rồi không ít lần phải “chạy” trật tự đường phố, không nhanh là bị thu lên phường hết”.
Lang thang ở khu chợ sinh viên cạnh trường, Ninh thấy có 1 gian hàng trống đang chờ người thuê. Ý tưởng kinh doanh thời trang chợt lóe lên trong đầu, Ninh quyết định liên lạc thuê lại quầy ngay với giá 5 triệu đồng/tháng rồi lập tức về trình bày ý tưởng, thuyết phục sự trợ giúp của gia đình. Tin tưởng con gái, bố mẹ Ninh đã xoay xở 150 triệu cho con kinh doanh. Ninh nghiên cứu, tham khảo kỹ các mẫu mã, nguồn hàng với phương châm “ngon, bổ, rẻ” phù hợp với sinh viên. Vừa có duyên kinh doanh và bằng sự sắp xếp hợp lý vừa học vừa làm, hơn 2 năm hoạt động, cửa hàng của bạn lúc nào cũng đông khách, giờ cao điểm còn chật cứng người ra vào. Số tiền nhờ bố mẹ mượn giúp bạn đã trả được hết và bây giờ quầy hàng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình.
Gần giống như Ninh, Đào Trần Ngọc Tuấn (sinh viên năm thứ hai, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên) lại trở thành ông chủ quán giải khát và đồ ăn nhanh tại khu vực gần trường. Trước đó, nhờ có chút năng khiếu về hội họa, bạn đã khắc, vẽ lên trứng các hình ngộ nghĩnh, bán với giá 40 ngàn/ 1 quả. Tích lũy được một số vốn nhất định, Tuấn thấy rằng quanh khu vực trường dù có nhiều quán nước và đồ ăn nhưng ít có sự nổi trội và khác biệt. Bạn mạnh dạn đầu tư mở một cửa hàng có không gian thân thiện với những trang trí ngộ nghĩnh, thú vị trên tường, khách ngồi quây quần bên sạp. Ngoài ra thỉnh thoảng bạn còn tổ chức cho khách hàng hát karaoke miễn phí tại quán, hoặc mời bạn bè đến chơi các loại nhạc cụ như ghita, sáo trúc. Điều này khiến cho khách hàng chủ yếu là các bạn sinh viên thích thú, thu hút được đông khách.
Ngoài ra, xuất phát từ đam mê và có nền tảng kiến thức sâu rộng, không ít cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc, là những nghiên cứu khoa học. Có thể kể đến Nguyễn Trọng Giáp (năm thứ tư ngành Điện tử - Tự động, khoa Quốc tế, đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên) tiếp cận với đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng bắt đầu từ thú đam mê điều khiển các dụng cụ tự động sử dụng pin, ắc quy… Để kéo dài tuổi thọ pin, ắc quy cho các đồ chơi của mình, Giáp vận dụng quy trình thu nạp năng lượng mặt trời vào các bình ắc quy. Để tận thu tối đa ánh sáng mặt trời, bạn đã tích hợp hệ thống cảm biến ánh sáng tự chuyển động theo ánh sáng mặt trời. Và Đề tài “Sản xuất điện sạch” được ra đời. Ứng dụng này đã vượt qua hàng nghìn sáng kiến khoa học để được công bố đăng trên tạp chí Khoa học kỹ thuật trẻ quốc tế. Và con đường nghiên cứu khoa học tại Hoa Kỳ đang rộng mở với Giáp, khi sản phẩm này được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về môi trường của các trường đại học Hoa Kỳ đề nghị cộng tác tiếp tục mở rộng nghiên cứu.
…Cho đến sáng tạo, độc đáo
Mấy năm gần đây, nhất là từ năm 2016, bên cạnh các ý tưởng khởi nghiệp cá nhân, sinh viên Thái Nguyên đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, độc đáo mang tính ứng dụng cao theo nhóm.
Quán nước và đồ ăn nhanh của bạn Đào Trần Ngọc Tuấn thu hút khá đông khách do có không gian thân thiện và trang trí độc đáo
Tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên “Start-up Student Ideas” do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội tháng 3 vừa qua, ý tưởng của nhóm sinh viên đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên đã xuất sắc vượt qua 569 ý tưởng trên cả nước để giành ngôi vị quán quân. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng Đại học CNTT mà còn là của cả tỉnh. Ngoài phần thưởng trị giá 50 triệu đồng, cùng vốn hỗ trợ tối đa 500 triệu từ Ban Tổ chức để triển khai dự án, các bạn còn có cơ hội đến Mỹ tham quan, học tập các mô hình khởi nghiệp tại Silicon Valley - vườn ươm khởi nghiệp (thành phố San Francisco).
Dự án khởi nghiệp của nhóm nhằm tự động hóa việc thu thập chỉ số nước sinh hoạt và chất lượng nguồn nước cho nhà máy nước tại Việt Nam, đồng thời đánh giá các chỉ số chất lượng nước sạch trong thực tế sử dụng của người dân. Điểm mới của sản phẩm là việc giám sát chất lượng nguồn nước được xây dựng hệ thống toàn diện từ thiết bị phần cứng tới hệ thống website phần mềm và tự động hóa hoàn toàn. Ngoài ra còn có thiết bị tự động đo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.
Tác giả của ý tưởng này là 3 chàng sinh viên trẻ: Dương Quang Đạt, Trương Phương Nam - lớp Điện tử Truyền thông K11; Nguyễn Đức Tú - lớp Thương mại Điện tử K14. Thời điểm này, 3 bạn đã thành lập công ty riêng để triển khai dự án và nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, công ty từ cuộc thi. Trao đổi về ý tưởng, nhóm trưởng Dương Quang Đạt hồn nhiên: “Chúng em đã gặp nhau trong môn học và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng: đam mê công nghệ thông tin, yêu thích chơi game tương tác và khám phá internet - một thế giới vạn năng có thể kết nối vạn vật, là cánh cửa khám phá khoa học, công nghệ. Nhận thấy, hiện nay các nhà máy nước ở Việt Nam vẫn chưa tích hợp được một số công nghệ tự động hóa trong việc thu thập chỉ số nước tiêu thụ của các hộ gia đình hàng tháng, mà vẫn làm theo cách thủ công là tới từng nhà ghi chỉ số đồng hồ, vì vậy bọn em bắt đầu nhen nhóm ý tưởng từ đây.”
Nghĩ là làm ngay, cả nhóm bắt tay vào thực hiện. Mỗi người một phần việc, từ lập Wap, viết phần mềm, lựa chọn thiết bị và xây dựng các thuật toán lập trình tự động, hạch toán kinh tế… và nhất là phần khảo sát thực địa. Nguyễn Đức Tú, “em út” của nhóm chia sẻ: Chúng em rất thích thú với đề tài này, vì bất cứ phần việc nào cũng cần phải đi thực tế, không chỉ thuần túy ngồi trong trường nghĩ ra. Mỗi lần thực địa, chúng em được bổ sung thêm những kiến thức về khoa học môi trường, vật lý, kiến thức quản lý và xã hội học…”.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp lại có ý tưởng “Eco washing - Thiết bị rửa xe máy tự động hiệu quả và thân thiện với môi trường”. Nếu như với dịch vụ rửa xe thủ công, khách phải chờ 15-20 phút, chưa kể thời gian đợi đến lượt thì với hệ thống tự động này, thời gian làm sạch một chiếc xe chỉ là 3 phút mà giá thành lại rẻ hơn. Máy có hệ thống gom nước thải và bùn đất tương tự ống xả máy giặt nên không gây mất vệ sinh đường phố. Một ưu điểm khác của thiết bị là kiểm soát lượng tiêu thụ điện, nước ở một con số ổn định, tiết kiệm tối đa. Máy cũng giúp công việc quản lý cửa hàng trở nên thuận lợi hơn nhờ bộ đếm có khả năng theo dõi chính xác số xe đã rửa trong ngày.
Ngoài ra còn có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc khác như: “Câu lạc bộ cung cấp hướng dẫn viên du lịch và dịch vụ cho du khách nước ngoài đến Thái Nguyên” (Khoa Quốc tế); “Dịch vụ giống và khám chữa bệnh thú y lưu động” và “ANTI Hppro - Sự khác biệt từ thiên nhiên” (Đại học Nông Lâm)... cũng rất đáng hoan nghênh.
Để có được những ý tưởng tốt, khả thi không chỉ đòi hỏi kiến thức mà phải biết vận dụng chúng vào thực tế, đòi hỏi các bạn sinh viên phải luôn bám sát cuộc sống, nắm bắt được yêu cầu xã hội và những vấn đề mang tính thời đại toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Sự giúp đỡ, cố vấn từ các giảng viên có kinh nghiệm cũng rất cần thiết. Trong các ý tưởng nổi bật trên đều có bóng dáng, đóng góp thầm lặng của họ. Một yếu tố quan trọng nữa là phía nhà trường, định hướng và truyền cảm hứng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cho các bạn sinh viên, hỗ trợ hoàn thiện và thương mại hóa các ý tưởng.
Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên Nguyễn Đình Yên, cho biết: Mặc dù chủ đề “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm nay mới được các trường triển khai sâu rộng, nhưng trước đó, hàng năm các cấp bộ Đoàn, Hội Sinh viên và nhà trường cũng đã tổ chức Hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học. Đại học Thái Nguyên sẽ dành tối thiểu 3% từ nguồn thu học phí trong các năm tới để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và sẽ tiến hành xây dựng Vườn ươm khởi nghiệp”.
Đối với từng trường thì có nơi hỗ trợ vốn không lãi suất cho cá nhân hoặc nhóm sinh viên khởi nghiệp nếu xét thấy ý tưởng đó khả thi. Một số trường mỗi năm đều tổ chức cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên và mời các công ty, doanh nghiệp đến tham gia. Với các sinh viên đoạt giải hoặc có ý tưởng tốt sẽ được họ hỗ trợ vốn phát triển ý tưởng, hay về thực tập tại công ty, được ký kết trước và tài trợ cho thời gian học còn lại. Như vậy các em chắc chắn có việc làm tốt ngay khi chưa tốt nghiệp...
Nước ta nói chung và Thái Nguyên nói riêng, nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ, với một cộng đồng những người trẻ đầy nhiệt huyết sáng tạo. Đó là điều kiện lý tưởng cho môi trường khởi nghiệp phát triển. “Năm quốc gia khởi nghiệp” 2016 mới chỉ là bản lề, trong thời gian tới đây, chắc chắn sẽ tiếp tục được Chính phủ và các địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Đây là thời điểm thuận lợi nhất để các bạn sinh viên thỏa sức sáng tạo, mạnh dạn với ý tưởng khởi nghiệp của mình. Gây dựng lòng tự tin ở chính bản thân mình, quyết tâm, không chùn bước trước thất bại - đây mới chính là tinh thần khởi nghiệp của sinh viên!
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...