Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:59 (GMT +7)

Chuyện ông chủ ngôi nhà Luông Pha Băng ở Thái Nguyên

Ghi chép. Phạm Ngọc Chuẩn

VNTN - Vầng trán cao, mắt sáng, giọng nói nhỏ nhẹ, chịu lắng nghe, biết chia sẻ và luôn hết mình với con em các dân tộc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Tôi biết: Lòng ông sâu nghĩa, nặng tình với nhân dân Lào, nên cứ đau đáu nghĩ suy là phải làm một việc gì đó, không phải để trả ơn cuộc đời, cũng không phải để “gom đức” như người ta bảo, mà ông thương các cháu người Lào như con. Cũng bởi thế ông dành một khoản tiền để xây dựng ở giữa lòng thành phố thép một ngôi nhà mang tên Luông Pha Băng. Và trở thành “địa chỉ đỏ” ấm áp cho hàng nghìn lưu học sinh Lào tại Thái Nguyên. Mỗi ngày cứ ríu ran như chim về tổ, “chúng” gọi ông Nguyễn Mạnh Thắng, 67 tuổi, chủ nhân của ngôi nhà là người cha thứ hai.

Mọi việc đều có nguồn cơn cả. Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi của một người từng trải với cuộc đời. Đó là những năm tháng trẻ trung, ông như bao người con của một đất nước anh hùng mang sức trẻ vào các mặt trận đánh giặc. Đời binh lửa của ông, xin được kể mộc mạc, chân chất như lời bao người lính sinh ra ở chốn thôn dã… Sau 3 tháng hành quân, làm bạn với muỗi mòng và đói, Nguyễn Mạnh Thắng cùng đơn vị pháo cao xạ 37 ly, Tiểu đoàn 94, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tập kết an toàn tại các điểm Plây khôc, Phi Hà, Tà Ngâu, Nậm Công, Xiêm Pạng (ngã ba Đông Dương). Trên giao cho đơn vị nhiệm vụ đánh trả máy bay địch; nghi binh thu hút hỏa lực địch để các tuyến đường sông, đường bộ bảo đảm an toàn cho chi viện từ hậu phương miền Bắc vào mặt trận B3 Tây Nguyên, Hạ Lào, Nam Bộ và Cam Pu Chia.

Trước ngày hành quân, Ban Chỉ huy Sư đoàn khích tướng: Bao giờ “dê đực đẻ”, Tiểu đoàn 94 mới được trở về. Anh em trong Tiểu đoàn đều hiểu rất rõ, đó là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi toàn cục. Ông Thắng còn nhớ như in, khi đó, tháng 1-1972, tiết khí khô hanh, trên bầu trời máy bay OV10, AC130 và F4 của địch quần đảo, tìm mục tiêu đánh phá suốt ngày đêm. Đám giặc trời thay nhau ném bom, rải mìn lá, bom vướng nổ xuống khu vực đơn vị đóng quân. Tiếng bom sát thương của địch, tiếng pháo cao xạ đáp trả của ta tạo nên một âm thanh hỗn loạn, khủng khiếp.

Trận đánh ngày 30/1/1972, khi vừa cầm cuộn dây thông tin hữu tuyến lao lên mặt đất để nối lại liên lạc với các đơn vị, một quả bom phá nổ rất gần hất anh ngã nhào. Mình mẩy đau ê ẩm, song anh vùng dậy, lao đi trong đạn lửa, vừa nối dây thông tin, vừa lo cho anh em thương binh tử sĩ. Khi đến Đại đội 3, máu đồng đội nhuốm đỏ áo, mệt lử. Anh đã chạy, đã trườn lết dưới bom địch trong nhiều giờ, và nhiều lần phải dùng răng cắn dây để nối và rải được 6 km đường dây thông tin từ Tiểu đoàn xuống các đại đội chiến đấu. Sang ngày 2/2/1972, máy bay địch trút bom liên tục từ 7 giờ sáng đến 17 giờ cùng ngày. Đáp lại, bộ đội Tiểu đoàn bắn hạ được chiếc F4. Ngay hôm sau, anh Thắng được Tiểu đoàn trưởng biểu dương, tặng cho cuốn sổ tay để ghi nhật ký.

Sau 2 trận đánh, Sư đoàn giao nhiệm vụ cho đơn vị: Vừa sẵn sàng tham gia chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm có đủ lương thực, thực phẩm và nhà ở cho một số đơn vị bộ đội. Để hoàn thành nhiệm vụ, Tiểu đoàn chuyển quân đến vùng đất thuộc huyện Mường Mày, tỉnh Atôpơ. Vốn nhanh nhẹn, năng động và có duyên, Thắng được chỉ huy Tiểu đoàn bộ điều động làm đội trưởng sản xuất. Đó là một vùng đất màu mỡ, rộng lớn nằm bên dòng sông Nậm Công. Nhưng nếu bộ đội ta tự khai đất, mở bãi sẽ nhanh chóng bị máy bay địch phát hiện, đánh phá. Bởi lẽ ấy, đơn vị của anh đã dựa vào 2 bản Mày Mọ và Săm Bòi, huyện Mường Mày làm nhiệm vụ tăng gia.

Đưa cán bộ, chiến sĩ đến vùng đất mới, lấy tán cây làm nhà, tăng võng làm giường, muỗi mòng kêu vo vo không thể chợp mắt. Ông Thắng nhớ lại: Biết gần đơn vị có chùa, tôi cùng Ban Chỉ huy Đại đội đến bái sư, thắp hương, và mang hơn chục cân muối vào bản chia cho đồng bào. Rồi cùng đồng chí Hà Anh Luận, y tá đơn vị đi khám bệnh cho người già, em nhỏ. Đồng thời tuyên truyền - bộ đội Việt Nam sang cùng nhân dân Lào đánh kẻ thù chung của 2 dân tộc.

Hằng ngày, ông Nguyễn Mạnh Thắng đều dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục tập quán của nhân dân Lào.

Hiểu rõ mục đích bộ Việt Nam đến bản, ông Mùng Thà, Trưởng bản Mày Mọ phấn chấn nói: Đánh xong thằng giặc chung của 2 nước, chúng tôi bắt bộ đội ở lại làm rể. Còn ông Bun Son, Trưởng bản Săm Bòi bảo: Người làng trên, bản dưới đều mến quý bộ đội Việt Nam. Vì bộ đội hay giúp đỡ nhân dân dựng nhà, làm vườn, hướng dẫn cho cách ăn ở hợp vệ sinh. Mến bộ đội Thắng, nên đi đâu, anh Thắng cũng được trưởng bản dẫn đường.

Chân bước, miệng nói, anh “xông xáo” từ làng trên sang bản dưới. Gặp chùa thì vào thắp hương, gặp nhà sư, gặp người dân anh đều chắp tay chào hỏi lễ phép. Cũng vì thế mà người trong làng bản bàn tán nhiều về bộ đội Thắng. Quý mến bộ đội Thắng như người thân trong gia đình. Có lần ông Mùng Thà nói: Dân bản ơi, làng ta đói muối đã lâu, nay bộ đội Thằng về, cho muối, tình nghĩa nó dành cho dân bản ta cũng mặn như hạt muối. Còn ông Bun Son bảo: Bộ đội Thắng từ Việt Nam sang, nó cắn hạt muối chia cho dân bản và chữa được khỏi bệnh cho nhiều người. Cái nghĩa nó dành cho dân bản giống như người một nhà.

Ông Thắng kể: Một lần đi bản, thấy trong nhà có người ốm, nhưng gia đình đặt cành lá xanh ngang cổng, theo phong tục của đồng bào thì người ngoài không ai được vào. Đang phân vân thì Trưởng bản Săm Bòi đến, hú mấy tiếng thì cổng được mở. Vào đến nơi, tôi thấy chủ nhà đang dùng đất vách trộn lẫn phân gà rang khô, đổ nước vào, đun lên cho người bệnh uống. Tôn trọng cách chữa bệnh “độc đáo” của đồng bào, xong tôi và anh Luận xin phép được khám bệnh cho người ốm. Phải nhờ Trưởng bản thuyết phục, chủ nhà mới cho phép. Người bệnh bị đi ngoài gần một tuần, người lả đi vì mất nước. Y tá đơn vị cho thuốc, uống vào, chỉ ngày hôm sau bệnh khỏi. Thấy thế, nhiều bà con nói với nhau: Bộ đội Thắng biết đuổi con ma rừng.

Một lần đang lên kế hoạch tăng gia cho đơn vị, chợt có người đàn ông vạm vỡ, lưng đeo gùi, tay cầm con dao phát nương bước vào lán, hỏi cộc lốc: Thắng?. Rồi ú ớ nói gì đó, xong 2 tay ôm bụng lăn ra đất kêu la. Anh phán đoán: Chắc vợ anh ta bị đau đẻ. Anh gọi y tá Luận sang, bảo: Chuẩn bị đi đỡ đẻ. Anh Luận bảo: Tôi chỉ được huấn luyện, đào tạo cứu thương cho bộ đội, chứ chưa bao giờ đi đỡ đẻ. Anh Thắng phải nói cứng: Đây là mệnh lệnh, yêu cầu đồng chí chấp hành.

Miệng nói mạnh, nhưng lòng ông Thắng lo lắm. Ông phân trần: Người dân đau đẻ, mình không giúp sẽ mất niềm tin. Nhưng giúp không thành thì cầm chắc bị cấp trên kỷ luật, dân đuổi ra khỏi bản. Căng thẳng quá, tôi hỏi lại, người đàn ông lại ôm bụng kêu đau quằn quại. Bí quá, tôi phải sử dụng đến “ngôn ngữ cử chỉ”. Người đàn ông có vẻ hiểu ra, ngồi thừ mặt rồi tiếp tục trình bày bằng cách dùng chân, tay diễn tả. Tôi cũng lờ mờ hiểu được, thở dài như vừa trút bỏ được gánh nặng. Người đau bụng là mẹ của anh ta. Mà người già thì không thể đau đẻ. Chúng tôi theo anh ta về bản, chỉ cho cụ uống mấy viên thuốc chữa bệnh đi ngoài, sau nửa giờ, cụ đã cười nói, mời bộ đội Việt Nam ở lại… ăn rượu với gia đình.

Vừa về đến lán trại đơn vị, chưa kịp nghỉ ngơi, Thắng đã thấy một cô gái e ngại đứng trước cửa. Sau một hồi trao đổi bằng ngôn ngữ cử chỉ, cô gái thẹn đỏ mặt, mở ngực áo cho Thắng xem. Anh thảng thốt khi thấy cô gái bị bỏng cả một khoảng rộng. Cô gái bị thọt một chân, do để chậu nước sôi trên cao, vô tình đụng phải, chậu nước đổ làm bỏng vùng ngực. Anh gọi y tá đơn vị, bảo lấy lọ dầu cá nghiền ra, bôi vào vết thương cho bệnh nhân. Một tuần sau, cô gái tự chèo thuyền ngược dòng Nậm Công, mang theo những gạo, chuối, đu đủ và một chiếc đài National biếu bộ đội Thắng. Nọi Su Khiệp (tên cô gái) tha thiết bảo: Trả công bộ đội chữa cho cái ngực. Không từ chối được, anh Thắng bảo: Bộ đội chỉ lấy của Khiệp gạo, chuối, đu đủ, còn cái đài phải mang về cho phò, mè (bố, mẹ) nghe. Khiệp gật đầu, xuống bến, chèo thuyền xuôi theo dòng nước về nhà.

Một chiều, ông Bun Son đến thăm đơn vị, nhân đó kể: Thằng Bun Khăm, bản Săm Bòi, đùi nó bị sưng to như cây chuối rừng. Người nhà nó đã mời thầy mo về cúng, hết mấy con lợn, gà mà con ma rừng không chịu đi. Nó khóc nhiều vì đau. Anh Thắng lại cùng y tá đơn vị theo Bun Son về Săm Bòi để chữa bệnh cho Bun Khăm. Bun Khăm bị sưng bắp chuối, đau nhức phát sốt, song y tá chỉ tiêm một mũi thuốc kháng sinh, nửa giờ sau Bun Khăm ngồi dậy, nói tươi tỉnh: Cái thuốc của bộ đội Thắng đuổi được con ma rừng ra khỏi người tôi rồi.

Trưởng bản Mày Mọ và bản Săm Bòi bảo: Việc bộ đội Thắng làm giống như có phép thần. Bà con dân bản chỉ biết nói một câu: “Khốp chay lai lai” có nghĩa là cảm ơn rất nhiều. Và xin lấy chỉ buộc vào cổ tay bộ đội Thắng. Trong lúc trò chuyện, các trưởng bản biết bộ đội Thắng được cấp trên giao cho nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị tăng gia, sản xuất lương thực, thực phẩm tại chỗ và làm nhà ở cho một số đơn vị trú quân, chuẩn bị vào chiến dịch. Ngay sớm hôm sau, anh Thắng giật mình khi hàng chục thanh niên vạm vỡ tay dao, tay cuốc hăm hở theo trưởng bản đến đơn vị. Theo sau nữa là những phụ nữ lưng đeo gùi, trong đó có hạt ngô, lúa giống, hạt rau giống và mấy con gà mái tơ, trống choai, một số người gùi theo lợn con, ai nấy phấn chấn trò chuyện. Mùng Thà và Bun Son lại nói: Dân 2 bản Mày Mọ, Săm Bòi đến làm nương, làm nhà cho bộ đội Việt Nam ở. Nói xong, dân bản hò nhau đi làm. Ông Thắng kể: Chỉ sau một tuần, dân của 2 bản đã phát, dọn được hàng chục ha đất đồi, đất ruộng. Rồi tra hạt giống. Vụ đó, đơn vị thu hoạch được gần 50 tấn lương thực cung cấp cho Tiểu đoàn.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng (đứng trong cùng bên trái) cùng các đồng chí trong Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào thăm nơi ăn, ở, học tập của lưu học sinh Lào tại Thái Nguyên.

Vừa chăm lo giúp bộ đội Thắng làm mùa vụ, bà con dân bản còn vào rừng chặt cây, dựng được hàng chục ngôi nhà chắc chắn giao lại cho đơn vị. Anh Nguyễn Tiến Thăng, Tiểu đoàn Phó về thăm, thấy nương ngô trải dài đến lưng núi và khắp một vùng bờ sông Nậm Công. Nhiều khu đất thuận nước được san lấp làm ruộng cấy lúa. Vui lắm, nhưng hỏi cứng: Đồng chí Thắng bắt bộ đội làm cả ngày, đêm là vi phạm quân pháp đấy. Anh Thẳng tủm tỉm nói: Đây là thành quả của bộ đội Việt Nam và nhân dân Lào cùng làm. Nói rồi, Anh Thắng đọc khẩu lệnh: Đồng chí Hà Quang Tầm, gõ kẻng, gọi lợn, gà về cho Tiểu đoàn Phó kiểm tra.

Tiếng kẻng reo lên ròn tan, từng đàn gà cục tác gọi bầy, mấy đàn lợn ủn ỉn theo nhau về trước sân Đại đội “điểm danh”. Cùng đi, anh Sở - trợ lý hậu cần của Tiểu đoàn buột miệng: Thắng và anh em trong Đại đội tăng gia đã làm được một công việc như có phép nhiệm màu. Anh Thắng đáp lời: Phép nhiệm màu đó được sinh ra từ lòng dân Giây lát nghĩ suy, ông Thắng tiếp tục câu chuyện: Đời người như dòng sông, cứ chảy hoài rồi đến ngày cũng về biển lớn. Tôi vinh dự có 5 năm, 7 tháng phục vụ trong quân đội, trong đó có 2 năm trực tiếp chiến đấu, lao động tăng gia bên nước bạn Lào, nhưng nhớ nhất là những tháng ngày ở Mày Mọ, Săm Bòi. Ở đó tôi hiến dâng một phần tuổi thanh xuân. Cũng ở đó cơn sốt rét rừng quật tôi ngã bệnh. Mỗi lần tỉnh lại, tôi thấy bên mình có phò, mè người Lào bón cho tôi từng miếng cháo, động viên tôi cố nuốt thìa nước dừa. Phò, mè còn nói: Bộ đội Thắng phải cố ăn, mau khỏe còn đi chữa bệnh giúp dân bản, dạy cho dân quân của bản “xạ kích bộ binh”; tập chiến thuật tổ tam tam, và cùng dân bản đánh đuổi kẻ thù chung của 2 nước chứ.

Ông Thắng thở phào, phóng đôi mắt nhìn vào khoảng không trước mặt, bảo: Nhớ lắm, Trưởng bản Mày Mọ là Mùng Thà. Trưởng bản Săm Bòi là Bun Son, tôi luôn mong có ngày được gặp lại.

Không khí câu chuyện ông dành cho chúng tôi lắng lại. Tất cả những gì đã đi qua đều thuộc về quá khứ. Nhưng với ông, đó là những năm tháng không bao giờ quên. Từng kỷ niệm sẽ theo ông suốt cuộc đời. Vâng! Sau năm tháng phục vụ trong quân đội, ông Nguyễn Mạnh Thắng trở về Thái Nguyên, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2010, ông nghỉ hưu. Bạn đồng ngũ đến nhà nói chuyện đời, chuyện mình, rồi khơi khơi kể chuyện phía sau những tấm huân, huy chương. Tôi biết, thế hệ kháng chiến chống Mỹ như ông Thắng, để có được một tấm huân, huy chương, thậm chí là một lời khen của cấp trên, nhiều “cụ” phải… từ cõi chết trở về.

Ông Thắng cũng từng được Tiểu đoàn Trưởng tặng cho một lời khen, một cuốn sổ tay sau trận đánh trên đất bạn Lào. Nhưng nhiều đồng chí của ông phải nằm lại chiến trường ở tư thế xung phong. Cũng vì thế mà suốt nhiều năm công tác ở Nhà máy xi măng Cao Ngạn, ông làm việc hết mình để xứng đáng với xương, máu đồng đội đã đổ. Kết quả của hơn 30 năm lao động, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, và từng đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc. Còn Bằng khen của các bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh Thái Nguyên, ông vinh dự được nhận hơn 100 lần. Đặc biệt năm 2014, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị. Gần đây nhất, tháng 7/2017, ông được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen về công tác đền ơn đáp nghĩa.

Với bề dày thành tích như vậy, nhưng chưa bao giờ ông bằng lòng với chính mình, mà tiếp tục đi trên dòng sông cuộc đời bằng những việc làm thiết thực. Hiện ông là Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin huyện Đồng Hỷ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn và tham gia cấp ủy Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên. Ông bảo: Tôi đã nghỉ hưu, không ham quyền, cố vị, nhưng tham gia các chức danh này, tôi được gặp gỡ nhiều đồng đội cũ, cùng kể chuyện những ngày kề vai, sát cánh cùng quân dân Lào đánh kẻ thù chung của 2 nước. Và được gặp gỡ con em các dân tộc Lào ngay trên vùng đất thép Thái Nguyên.

Tôi biết, ông là người có tình cảm rất đặc biệt với nhân dân Lào. Vì như ông kể: Ông và nhiều đồng đội của mình từng được nhân dân Lào cưu mang. Nhiều lần ốm “thập tử nhất sinh” ông đều nhận được sự chăm sóc ân cần của người dân Lào. Vì thế ông luôn tự nhủ: Mình phải làm một công việc gì đó cho nhân dân Lào. Nhỏ bé thôi, nhưng không phải trả ơn hay ban phát, mà tự tâm muốn giúp con em nhân dân Lào khi đến Thái Nguyên học tập, giảm bớt khó khăn về kinh tế cũng như tình cảm do thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Đây là một trong những nguyên do để ông Thắng thực hiện quyết tâm xây dựng nên ngôi nhà mang tên Luông Pha Băng, dành cho con em người Lào.

Ông Thắng kể: Năm 2007, khi khánh thành ngôi nhà này, ông Khăm Khẳn, Phó Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã từ Hà Nội lên thăm. Ông Khăm Khẳn hỏi tôi: Ông có thể giải thích việc lấy tên của một tỉnh thuộc đất nước Lào để đặt tên cho ngôi nhà của mình? Tôi bảo: Tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên thường xuyên có hơn 1.500 lưu học sinh là con em nước Lào đang theo học tại các trường: Văn hóa I, Đại học Sư phạm; Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên; Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; Đại học Nông lâm và Trường Đại học Y Dược… Xa quê hương, khi nhìn thấy chữ Luông Pha Băng, chắc chắn các cháu sẽ nguôi vơi nỗi nhớ quê để tập trung học tập tốt hơn. Còn ông Khăm Khẳn Chăn Thạ Vi Súc, UV BCH T.Ư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luông Pha Băng khi đến Thái Nguyên làm việc, đã đến thăm ngôi nhà. Ông rất phấn khởi, yên tâm, vì con em Lào sang Việt Nam học tập được chào đón thân thiện.

Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các cháu, ông Thắng chủ động mua sắm thêm các đồ dùng phục vụ sinh hoạt hằng ngày, như chảo rán, nồi nấu, bát, đĩa, ấm chén và cả chiếc cối đá, chày gỗ, lò nướng… Nhờ đó, ở ngay quê hương Thái Nguyên, các cháu thỏa thích trổ tài làm các món ăn mang đậm nét văn hóa Lào, như: Gà nướng, thịt lợn hấp măng, cá nấu me chua, tam maak hung… cơm xôi. Dù mâm cao, cỗ đầy đến mấy, các cháu không bao giờ quên làm món lạp.

Ông Thắng giải thích: Món lạp được làm bằng thịt lợn băm nhỏ, trộn gia vị Lào ăn với cơm xôi. Còn một món chấm các cháu hay làm là món chẻo. Món chẻo được các cháu chế biến khéo léo từ mắm, muối, mì chính, ớt, tỏi, hành, chanh. Sảnh A Thít, SV Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên góp vui: Ở Thái Nguyên, chúng cháu được ăn Tết Bun Pi May ở ngôi nhà mang tên Luông Pha Băng. Ở đây, mọi thứ đều do bố Thắng đi mua về theo đề nghị của chúng cháu. Còn Nọi Su Ny, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên, Trưởng Ban Liên lạc sinh viên Lào tại Thái Nguyên cho biết: Ngoài tết truyền thống Lào, chúng cháu còn được bố Thắng tổ chức cho đón Tết Nguyên đán và Tết Độc lập của Việt Nam.

Niyom VilayThong và Khamla Suliyadeth đang theo lớp cao học Khoa Điều khiển và Tự động hóa ở Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên tâm sự: Nhờ bố Thắng xây dựng nên ngôi nhà Luông Pha Băng, chúng cháu cảm nhận được quê hương mình rất gần. Mỗi khi nhớ phà, mè, chúng cháu lại tìm về ngôi nhà này để chia sẻ với nhau. Nhiều bạn còn kể với bố Thắng chuyện yêu đương thầm kín, nhờ bố gỡ khó.

Ông Thắng cho chúng tôi biết thêm: Chủ yếu vào dịp tết, lễ, các con đến rất đông. Để tất cả các con đều được chung vui, tôi cùng Nọi Su Ny và các thành viên Ban Liên lạc lên kế hoạch, xếp lịch cho từng nhóm nhỏ các con đến sinh hoạt. Nhân đó, tôi cũng hỏi cặn kẽ xem các con có nhu cầu về nguyên liệu chế biến món ăn như thế nào. Rồi tự lái xe ra chợ, mua mang về, giao lại cho các con. Trong nhà, mỗi ngày đều vui như ngày hội. Các con thi nấu ăn, mời bố Thắng làm trưởng ban giám khảo.

Ông Thắng không nhớ được hết tên của các cháu con em người Lào. Nhưng ông nhớ mỗi một ngày hội, ngày lễ của tháng, của năm thì bỏ tiền đi mua các thực phẩm phù hợp để các con trổ tài nấu nướng. Ông luôn thấy mình là người hạnh phúc, vì có hàng nghìn con em nước bạn Lào gọi thân thiện: Bố Thắng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước