Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:24 (GMT +7)

Chuyện ở “chợ lao động”

VNTN - Ngót trăm người lao động, ngót trăm số phận, hoàn cảnh khác nhau hàng ngày đứng ngồi vạ vật bên gốc cây, vỉa hè trông ngóng người đến thuê mướn. Họ phơi sương, phơi nắng với mong muốn kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống hoặc tích góp gửi về cho gia đình… Nhỏ nhoi vậy thôi, nhưng nhiều khi vẫn là bất lực.


“Chợ lao động”

Khoảng chục năm lại đây, tại các điểm ngã tư Đồng Quang, cổng Nhà xác, trước cửa Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học, thường tập trung từng tốp chờ… bán sức lao động. Dần dần, người dân Thái Nguyên quen gọi đó là “chợ người”. Chợ được hình thành bộc phát, ban đầu chỉ là vài người về sau số lượng tăng lên, chủ yếu là người từ các huyện, tỉnh khác đến. Dễ dàng để nhận ra họ, đàn ông đội mũ cối, đi giầy bata, dép lê, mặc quần áo lao động lấm lem, còn phụ nữ thì thường đeo găng tay, bịt khẩu trang. Phần đông là thanh niên, cũng có không ít người trên 40 - 50 tuổi. Họ nhận làm mọi công việc từ: khuân vác, đào đất, dọn dẹp, đôi khi là khiêng xác người chết, khiêng quan tài… Vất vả, nhưng số tiền kiếm được nhiều khi chẳng là bao so với công sức bỏ ra.

Từ 6 rưỡi đến 8 giờ sáng là lúc chợ đông nhất, ngót nghét cả trăm người. Họ đứng ngồi vạ vật bên vỉa hè, gốc cây, mắt chăm chú nhìn sang hai đầu đường mong ngóng người đến thuê việc. Người lồng cồng quang gánh, liềm xén cỏ, quốc xẻng, có cả một “tiểu đội” xe đạp khoảng chục chiếc gắn thúng hai bên trực chiến sẵn sàng đi đào đất, chở hàng. Thỉnh thoảng có một vài “vị cứu tinh” ào đến rồi đi, mang theo những người được chọn cùng với vẻ mặt mãn nguyện của họ.

Dụng cụ, đồ nghề luôn sẵn sàng cho công việc được thuê

 Nơi đây mang đầy đủ dáng dấp của các chợ thông thường: có kẻ bán người mua, có thách giá, mặc cả, “chọn hàng” cho vừa ý… nhưng tôi nhận thấy ở đây người bán lép vế hơn hẳn so với các “thượng đế”. Một chiếc ô tô tải dừng tại vỉa hè, ngay lập tức cả chục người bu kín lấy nhao nhao: “Làm gì anh ơi, cần bao nhiêu người, thuê bọn em đi, dạo này đói quá…”. Cậu lái xe đảo mắt một vòng: “ba người thôi, bốc vác hàng lên xe rồi đi cùng dỡ xuống. Mỗi người tám chục không hơn không kém, đi được thì đi”. Rồi anh ta chỉ: “Thằng này, tìm thêm hai thằng nữa”. Có vẻ tiền công hơi thấp, anh được thuê phân trần: “Anh trả bọn em thêm tí, thế này hơi ít”. Cậu thanh niên cau mày: “Lằng nhằng quá, có đi không để còn tuyển người khác”. Thế là ba anh tặc lưỡi, có còn hơn không, rồi nhảy tót lên xe tải. Chiếc xe đi khuất, đám đông xì xào: “Chắc lại bốc xi măng, đầy xe chắc phải hơn trăm bao. Cái xe này của công ty gần đây, thỉnh thoảng ra đây thuê, trước còn trả được trăm rưỡi hai trăm, giờ bèo quá, chắc lái xe ăn chặn mất rồi”.

Cả chục người vội vã đón vị khách hiếm hoi

Sau đó, ai nấy trở về vị trí lại tiếp tục chờ khách.

Chợ xuất hiện cũng đã một thời gian nên cũng có những quy định riêng, chúng được hình thành một cách tự nhiên. Nhìn có vẻ nhốn nháo như vậy nhưng thật ra chợ cũng có “cơ cấu” cả. Mỗi cột điện, gốc cây đều đã có vị trí nhất định, không phải cứ muốn ngồi dưới cây mát, hoặc tùy tiện trải chiếu, nilon ra bất cứ chỗ nào ở vỉa hè này mà được. Người lao động thường đi theo nhóm ít nhất 3 đến 4 người, đông thì hơn chục người, họ là bạn bè, những người cùng quê, có khi là họ hàng với nhau. “Luật bất thành văn”, khi có khách, người trong nhóm nào đón được khách thì chỉ có nhóm đó có quyền đi làm. Thỉnh thoảng cũng xảy ra một vài mâu thuẫn tranh chấp nhỏ, không đáng kể. Người lạ mới đến hay bị soi mói, dễ bị bắt nạt.

Cô bán hàng nước đã nhiều năm, đủ hiểu rõ được sự khốn khó của những con người đang từng ngày vật lộn mưu sinh nơi đây, cho biết: “Chẳng phải do ghen ghét gì đâu, đều là người lao động thật thà chất phác nên dễ cảm thông cho nhau. Có điều vẫn hay có kẻ nghiện ngập, người xấu đến trà trộn vào nên phải đề phòng, cảnh giác. Sau khi tìm hiểu rõ lai lịch biết là người lao động chân chính thì họ vui vẻ cho vào nhóm. Cả trăm người nhưng cả ngày chỉ có vài chục người may mắn tìm được việc. Cứ đứng ngồi la liệt thế này thôi. Thỉnh thoảng công an phường đi giải tán do làm mất mỹ quan tuyến phố văn hóa. Mỗi lần như vậy thì họ lại sơ tán chẳng khác gì chạy loạn. Rõ khổ!”

Đến khoảng 11 giờ, chợ vãn hẳn đi do một số đã được tuyển đi làm, và khách đến cũng lèo tèo. Có người được thuê đã làm xong việc, tiếp tục quay lại chờ việc mới, người không có việc vẫn còn rất đông. Trời nắng nóng, một vài người chán nản bỏ đi ăn, quay về nhà trọ, người thì ngồi ngáp, đọc báo hoặc tranh thủ ngả lưng, chị em phụ nữ ngồi dựa vào nhau cho đỡ mệt.

Những phận đời bấp bênh

Việc tiếp xúc với những người lao động ở đây không hề dễ dàng bởi nhiều người tự ti về chính công việc mình đang làm. Bắt chuyện với họ, một số trả lời “Cái nghề bán sức lao động như bọn em có gì hay ho, đáng tự hào đâu”, rồi lảng tránh đi chỗ khác.

Tôi để ý thấy một chàng trai rất trẻ, hễ thấy khách lại chạy ra đon đả, nhưng rồi lại tiu nghỉu trở lại chỗ ngồi vì không được tuyển. Tên cậu là Tiến, quê ở Võ Nhai, năm nay mới 18 tuổi. Gia đình khó khăn, Tiến phải bỏ học để xuống thành phố kiếm sống được gần một năm nay. Cậu tỏ ra ngán ngẩm chia sẻ: “Ở thành phố đất chật người đông này thật khó kiếm được công việc lao động chân tay, chẳng có khách đâu. Có hôm đỏ thì kiếm được đôi ba trăm nhưng thường thì nhiều ngày không có ai thuê…, chán nản và mệt mỏi lắm!”. Nhưng Tiến vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác vì không phải lo tiền trang trải cuộc sống cho cả gia đình. Ở cái chợ lao động này, gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn đè nặng trên vai mỗi người. Nhiều người phải rời quê hương đơn giản vì số tiền kiếm được không đủ để đóng các khoản tiền từ điện nước, ăn uống, đóng học phí cho các con… Thức khuya dậy sớm, chôn chân cả ngày ở khu chợ, cốc nước mát cũng không dám uống chỉ để dành dụm cho người thân.

Gia đình chú Thuần ở trọ cạnh nhà tôi. Ba người sống trong một căn phòng nhỏ chỉ đủ kê một giường và trải tấm chiếu xuống đất. Họ ăn uống rất đạm bạc và tiết kiệm, thường chỉ là rau, đậu. Cậu con trai thứ hai đã tốt nghiệp đại học ở cùng bố mẹ, cậu út thì đang theo học một trường đại học ở Hà Nội. Chỉ biết rằng họ lao động tự do nhưng tôi chưa từng nghĩ họ đứng ở chợ người này bởi chú Thuần đã 55 tuổi và cô Dăm vợ chú cũng đã 52 tuổi. Vợ chồng chú quê ở Bắc Ninh, cả gia đình chỉ trông vào hơn 1 sào ruộng, mỗi vụ thu hoạch may thì được gần 2 tạ thóc, bán đi được hơn 1 triệu đồng. Nghèo đói luôn đeo bám dai dẳng, lại phải lo cho con cái được học hành bằng người nên hơn sáu năm trước vợ chồng chú quyết định lên Thái Nguyên tìm việc làm. Ban đầu được bạn giới thiệu đi xây, phụ hồ nhưng về sau hết việc đành phải đi bán sức lao động ở chợ người. Chú tâm sự: “Có tuổi rồi, nào muốn đứng ở đây đâu. Hai vợ chồng bạc mặt ngoài đường cả ngày cũng chả được là bao. Cứ đến ngày gửi tiền cho thằng út đóng học phí và trả tiền phòng là lại quáng quàng lên chạy đi vay mượn. Thằng thứ hai học xong không kiếm được việc giờ cũng ra đây đứng. Cả nhà phải giữ kín với thằng út cho nó yên tâm học hành, không tủi thân…”.

Phụ nữ thiệt thòi hơn bởi những công việc nhẹ nhàng như dọn dẹp, lau chùi khách thuê thì ít, người làm thì đông. Đối với những công việc nặng, cánh đàn ông khỏe mạnh luôn là lựa chọn số một chứ không ai muốn thuê phụ nữ chân yếu tay mềm.

Chị Ngà (huyện Phú Lương) đợi việc từ sáng nên đã khá mệt mỏi, ngồi phịch xuống gốc cây tránh nắng. Nhìn vào dáng vẻ gày gò, khuôn mặt hốc hác bơ phờ, đôi mắt trũng sâu không ai nghĩ rằng chị mới 26 tuổi. Hai năm trước người chồng phụ bạc đã lén lút khoắng hết tài sản bỏ chị cùng đứa con thơ mới lên 4 tuổi để đi theo người phụ nữ khác. Không chịu được miệng lưỡi người đời, quá tủi nhục chị mang con bỏ xuống thành phố rồi dạt đến chợ người này. Con nhỏ hay ốm vặt nên chị thường quanh quẩn ở căn phòng trọ lạnh lẽo ẩm thấp rồi tranh thủ đi bán sức lao động. Áp lực kiếm tiền đang từng ngày vắt kiệt sức của người mẹ đáng thương này. Chị Ngà ngậm ngùi: “Cứ mỗi lần tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà con gái lại toe toét: “Cún sẽ ở nhà chơi ngoan để mẹ đi làm kiếm tiền mua sữa cho Cún”. Không giấu được dòng lệ, chị nghẹn lời: “Những đứa bé khác được đi mẫu giáo, thương con lắm nhưng không làm gì được. Đủ trả tiền phòng, tiền ăn sống qua ngày là vui lắm rồi. Cháu ngày càng còi, thỉnh thoảng các cô chú ở chợ thương nhường việc hoặc cho mấy đồng mua sữa. Có hôm đứng cả ngày không có việc mệt mỏi, về đến nhà thì hết gạo mà chẳng còn xu nào. Con hồn nhiên nói: hôm nay Cún ngoan mà, sao mẹ lại buồn vậy? Lúc đó hai mẹ con chỉ biết ôm nhau…khóc”. Sống mũi tôi chợt cay cay, không biết rồi tương lai hai mẹ con tội nghiệp này sẽ như thế nào? Những người lao động ở đây phải thức khuya dậy sớm, phơi nắng phơi sương, chịu biết bao thiệt thòi chỉ để mong kiếm được tiền sống qua ngày. Đã vậy họ còn phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của việc lao động cật lực suốt ngày đêm cùng cả những cám dỗ, hiểm họa.

Thấy bốn thanh niên đang tranh thủ nghỉ ngơi, hút thuốc lào trên vỉa hè hiệu sách Giáo dục (Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học), tôi lân la đến bắt chuyện. Họ đều là người huyện Phú Bình. Hơn một năm trước các anh rời quê hương nơi chỉ có những đồng ruộng, ụ rơm lên thành phố mong muốn sẽ kiếm được công việc nào đó đem lại thu nhập. Nhưng rồi cũng chỉ quanh quẩn đứng đường, đào đất, khuân vác… đói vẫn hoàn đói. Đào đất, xới cỏ cả ngày, được nhà chủ bao một bữa trưa tiền công cũng chỉ được 100 - 120 nghìn đồng. Công việc vất vả, bữa được bữa không nên họ phải bám lấy nhau mà sống. Có người hết tiền, đói quá đang làm bị ngất thế là anh em góp mỗi người một chút mua cho bát cháo, thang thuốc uống. Khi mọi người có những ngày nghỉ, dịp lễ Tết thì họ lại thường xuyên vắng mặt, về tụ họp với gia đình muộn bởi lúc đó lại là lúc nhiều người có nhu cầu thuê lao động nhất. Anh Trường chia sẻ: “Giữa vụ mùa, chạy ù qua nhà vài hôm cày cấy giúp bố mẹ, nói dối các cụ là làm công nhân. Nhiều lúc nản lắm muốn về nhà làm ruộng, ít nhất còn có cơm, rau mà không phải suy nghĩ nhiều. Nhưng thấy bố mẹ vất vả, muốn các cụ đến Tết có được gói mứt, gói kẹo nên lại cố làm để đỡ đần họ. Với lại cũng sợ người ta xì xèo là lớn mà không làm được gì nên lại khăn gói lên đường”.

Vạ vật đứng ngồi trên vỉa hè ngóng người đến thuê

Làm việc ở đây cũng gặp rất nhiều trường hợp trớ trêu, rủi ro. Anh Trường kể: “Có đợt một thanh niên đến thuê nhóm bọn tôi, rồi còn thuê thêm cho đủ chục người, trả mỗi người ba trăm ngàn. Hỏi công việc là gì thì anh ta bảo yên tâm chỉ việc đi cùng, cầm theo gậy gộc, cuốc xẻng và tỏ ra hung hăng một chút thôi. Lờ mờ nhận ra là có liên quan đến mâu thuẫn, đánh nhau nên cũng chả ai dám đi. Rồi có lúc đi khuân vác đồ chẳng may làm hỏng, méo mó đồ đạc bị chủ phát hiện là bị trừ tiền, thậm chí còn bị đền. Có vài người gặp khách là côn đồ bị bùng tiền, trả ít hơn so với thỏa thuận nhưng thấp cổ bé họng không làm gì được đành ngậm ngùi chịu”.

Tôi tò mò: “Nhìn các anh đẹp trai khỏe mạnh thế này, chắc cũng có đối tượng đến để thuê “người phục vụ người” luôn đấy nhỉ, kiểu gì chẳng được nhiều tiền hơn?”. Các anh phá lên cười rồi thật thà trả lời: “Có chứ, thỉnh thoảng có mấy bà cô và cả trai nửa nạc nửa mỡ đến hỏi, trả nhiều tiền lắm. Nói thế thôi chứ bọn em sợ chạy mất dép ngay, dây vào mấy cái đó sida thì toi. Ở chốn này phải vững lòng mới sống được. Có nhiều “tấm gương” lắm rồi, họ chán nản suốt ngày rượu chè, cờ bạc rồi chẳng đến đâu”.

Thành phố như một guồng quay cần mẫn ngày đêm. Trong lòng guồng quay ấy có ồn ào, náo nhiệt những khu vui chơi mua sắm sang trọng, những nhà hàng tưng bừng đặc sản, và có nổi chìm những số phận, những mảnh đời nghèo khổ chỉ mong được bán sức lao động của mình mỗi ngày. Tận mắt chứng kiến và chuyện trò cùng họ, càng cảm thương hơn với biết bao nhiêu người đang chắt chiu, tích góp từng xu từng đồng chỉ để tồn tại, chống chọi với muôn mặt cuộc mưu sinh

Phóng sự. Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước