Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
11:43 (GMT +7)

Chuyện một “liệt sĩ” chưa được công nhận là liệt sĩ

VNTN- Hai cuộc kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ) giành độc lập, tự do của nhân dân ta thật là oanh liệt. Nhưng bước qua hai cuộc chiến đó, đã có không biết bao nhiêu máu xương của các chiến sĩ cách mạng phải đổ xuống…

Nghĩa trang liệt sĩ xã Phục Linh, huyện Đại Từ
Nghĩa trang liệt sĩ xã Phục Linh, huyện Đại Từ

Đất nước hoà bình, các thế hệ ngày nay luôn ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ và cố gắng thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, nối tiếp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cha ông. Dẫu vậy, nhưng do sự khốc liệt của chiến tranh; bao trường hợp hy sinh trong những hoàn cảnh đặc biệt… khiến vẫn còn những người dù đã hiến thân cho độc lập tự do của Tổ quốc nhưng đến nay chưa được ghi công đầy đủ.  

Một liệt sĩ đặc biệt

Ông Nguyễn Văn Vượng (tổ dân phố Hàm Rồng, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), là giáo viên đã về hưu và rất đam mê nghiên cứu lịch sử địa phương đưa chúng tôi vào thăm Nghĩa trang liệt sĩ xã Phục Linh, huyện Đại Từ.

Trong khi anh Vượng và phóng viên Hồ Điệp lên chân tượng đài để thắp hương thì tôi vẫn mải mê ghi hình ở phía dưới. Tôi chọn vị trí trung tâm Nghĩa trang để đứng tác nghiệp. Khi anh Vượng cầm bó hương xuống, tôi nói: Anh đã thay mặt đoàn dâng hương kính cáo anh linh các liệt sĩ trên đài rồi. Giờ anh chỉ cho em phần mộ của liệt sĩ Hà Văn Thứ để em thắp hương trước, rồi sẽ thắp hương cho các phần mộ khác. Anh Vượng nói: Phần mộ của liệt sĩ Hà Văn Thứ ngay trước mặt chú đó thôi!

Lúc này tôi mới để ý, hoá ra khối gạch xây ở chính giữa nghĩa trang lại là một ngôi mộ. Anh Vượng cũng bảo: ngày đầu tôi đến tìm mộ ông Thứ cũng phải tìm mãi mới thấy vì cứ đi tìm ở hai khu mộ nằm hai bên tượng đài, không nghĩ đây lại là một ngôi mộ vì nó nằm biệt lập, ở chính giữa nghĩa trang và có kích thước, hình dáng khác hẳn.

Như vậy, có thể xác định rằng phần mộ của ông Hà Văn Thứ đã được địa phương quy tập về ngay đợt đầu tiên khi xây dựng nghĩa trang này (năm 1985) và dành cho vị cán bộ cách mạng tiền bối này một sự trân trọng đặc biệt, sự biết ơn sâu sắc. Bia đá gắn trên mộ tạc dòng chữ “Liệt sĩ Hà Văn Thứ. Hy sinh: 1945”.

Ông Nguyễn Văn Vượng giới thiệu về mộ liệt sĩ Hà Văn Thứ

Nhưng đấy là trên thực địa, còn theo hồ sơ, giấy tờ thì hiện ông Hà Văn Thứ chưa được công nhận là liệt sĩ. Các cán bộ ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) huyện Đại Từ cũng như ở Sở LĐ-TB & XH tỉnh Thái Nguyên đều xác nhận như vậy.

Theo ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng LĐ-TB & XH huyện Đại Từ: ông Hà Văn Thứ là cán bộ Việt Minh, được giao nhiệm vụ phát triển tổ chức cách mạng ở địa phương. Đầu năm 1945, ông bị kẻ địch giết hại. Nhiều cuốn lịch sử đảng bộ địa phương đã ghi rõ về điều này. Khi đó, nhân dân địa phương đã tự suy tôn ông là liệt sĩ và đưa phần mộ của ông vào nghĩa trang liệt sĩ xã. Nhưng cho tới nay, ông vẫn chưa được công nhận là “liệt sĩ” là bởi địa phương chưa tìm được thân nhân của ông để có người đứng tên làm hồ sơ và nhận thờ cúng. 

Lần giở lại các cuốn lịch sử đảng bộ địa phương của Đại Từ, chúng tôi thấy nhân vật Hà Văn Thứ (Giáo Thứ) xuất hiện khá nhiều: Trang 52 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Từ (1930 - 1954) tập 1; trang 61 và 73 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Từ (1936 - 2015); trang 39 – 40 cuốn Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng bảo vệ Tổ quốc của quân và dân huyện Đại Từ (1945 – 2000); trang 22 cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Cù Vân (1946 - 2016); trang 32 cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phục Linh (1946 - 2015); trang 24 cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hà Thượng (1953 – 2010)...

Tổng hợp các cuốn trên đều có nội dung cơ bản là: Đầu năm 1945, cơ sở cách mạng đã phát triển mạnh ở xã Hà Thượng, Cù Vân. Rút kinh nghiệm từ quá trình xây dựng phát triển phong trào cách mạng ở các xã phía Bắc Đại Từ, tại địa bàn Cù Vân, cán bộ cách mạng coi trọng việc xây dựng tổ chức lực lượng Tự vệ cứu quốc, phát triển đến đâu huấn luyện đến đó. Ban chỉ huy Phân khu B cử đồng chí Hà Văn Thứ cán bộ quân sự phân khu về làm giáo viên quân sự huấn luyện cho tự vệ các xã Phục Linh, Hà Thượng, Cù Vân. Đồng chí Hà Văn Thứ đã bị bọn phản động sát hại đầu năm 1945.

Anh Vượng cho biết: Ngôi mộ của liệt sĩ Hà Văn Thứ nằm ở chính giữa nghĩa trang và có hình dáng, kích thước khác hẳn so với các ngôi mộ khác.
Anh Vượng cho biết: Ngôi mộ của liệt sĩ Hà Văn Thứ nằm ở chính giữa nghĩa trang và có hình dáng, kích thước khác hẳn so với các ngôi mộ khác.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được ông Vũ Thanh Khôi, nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Nguyên cho biết: Vào những năm 1969 – 1970, thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa III về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, có một số trường hợp cán bộ cách mạng bị hy sinh cần phải làm rõ, xác định lại để xem xét, xử lý, nên Tỉnh uỷ đã triển khai đợt xác minh trên diện rộng, trong đó có một số trường hợp điển hình như: Giáo Thứ (Đại Từ), Giáo Ngọ (Phổ Yên), Lôi Viết Dìu (Phú Lương)… Chính vì thế, tài liệu về Giáo Thứ (Hà Văn Thứ) được lưu trữ tại Phòng Lưu trữ (Văn phòng Tỉnh uỷ) khá nhiều và tương đối đầy đủ thông tin.

Từ nguồn tin trên, chúng tôi đã tiếp cận tài liệu lưu trữ và “dựng lại” quá trình hoạt động, những cống hiến và sự hy sinh oanh liệt của một cán bộ Việt Minh trên địa bàn huyện Đại Từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Hy sinh trong hoàn cảnh đặc biệt

Mặc dù đã có rất nhiều tài liệu trong tay, nhưng tôi vẫn muốn được tiếp xúc trực tiếp với nhân chứng. Thật may mắn, ở xã Phục Linh vẫn còn một số người cao tuổi đã chứng kiến sự kiện ông Giáo Thứ bị địch giết, nay các cụ vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn.

Người mà chúng tôi gặp và nghe kể lại câu chuyện về Giáo Thứ là cụ Trần Mạnh Khai, sinh năm 1939, trú tại xóm 2, xã Cù Vân. Cụ Khai là giáo viên cấp 3 Đại Từ về hưu. Cụ kể: khi ấy tụi trẻ con chúng tôi còn ra xem, họ để thủ cấp của ông Giáo Thứ vào cái sọt lót lá dong cùng một con dao nhọn, một cuốn sổ công tác và đặt ở cây đa trước cửa đình Cù Vân. Sau này, tôi được nghe kể lại: Ông Thứ bị địch giết hại ngay trước khi địa phương giành chính quyền chỉ vài tháng, do vậy lai lịch hoạt động đã được những người cùng hoạt động xác minh, làm rõ (lúc hoạt động là bí mật). Ông Hà Văn Thứ là cán bộ Việt Minh, được tổ chức giao cho phát triển cơ sở ở vùng Phục Linh, Khuôn Lình, Hà Thượng, An Khánh. Đây là vùng nằm về phía nam của huyện Đại Từ, bao quanh núi Pháo và bám vào suối nước.

Cụ Trần Mạnh Khai, xóm 2, xã Cù Vân kể lại sự việc
Cụ Trần Mạnh Khai, xóm 2, xã Cù Vân kể lại sự việc

Quá trình hoạt động và sự kiện Giáo Thứ bị bọn phản động ở địa phương giết hại mà ông Khai kể lại cơ bản khớp với các tư liệu lưu trữ ở Văn phòng Tỉnh uỷ.

Theo tài liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng phát hành ngày 20/11/1969 (mã số BC-00-201069 tại Kho Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh uỷ) thì Giáo Thứ tên thật là Hà Văn Thứ, dân tộc Tày, quê quán ở Lộc Bình, Lạng Sơn, sang làm ruộng ở xã Tư Chấn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Năm 1942, Hà Văn Thứ vì quen ông Vi Văn Thu (tức thày Sâu) cũng là người Lạng Sơn về làm ruộng ở Đại Từ nên đã chuyển cả gia đình từ Sơn Dương về Đại Từ.

Hà Văn Thứ có một mẹ và một vợ, chưa có con.

Khi về Đại Từ, Hà Văn Thứ phát nương ở Đồng Lũng, chân núi Tam Đảo, cũng có dạy vài trẻ em học vỡ lòng nên dân ở đây thường gọi là Giáo Thứ.

Khoảng cuối năm 1943, vợ chồng Giáo Thứ đến nhà ông Thu chơi, bất ngờ gặp đồng chí Tân Hồng tức Chu Văn Tấn, được giác ngộ cách mạng và tham gia Việt Minh.

Khoảng tháng 4 năm 1944, tên Tri huyện Đại Từ bắt dân dồn làng nên Giáo Thứ đem gia đình về xóm ở. Một hôm Tri huyện đem lính đi lùng sục ở khu vực La Bằng, đến bãi tập quân sự của Việt Minh, cách khu nhà cũ của Giáo Thứ khoảng 300 mét, chúng bắt được một ống bương đựng nước đã mục, đem về đối chiếu với ống bương của gia đình Giáo Thứ, thấy giống nhau nên địch nghi Giáo Thứ có hoạt động cách mạng.

Thấy vậy, đồng chí Thứ đề nghị và được cấp trên đồng ý cho đi thoát ly và thường hoạt động ở vùng Bắc Đại Từ.

Sau đảo chính Nhật Pháp (tháng 3/1945), ta chiếm huyện lỵ Đại Từ rồi rút đi. Được ít lâu (khoảng tháng 4/1945), quân đội Nhật lại đem quân lên chiếm lại Huyện. Một số Chánh tổng, Lý trưởng... ở các địa phương cho rằng Nhật đã vững, nên tìm cách chống đối cách mạng.

Cũng thời gian nói trên, đồng chí Thứ đến xã Phục Linh củng cố tổ chức và phát triển phong trào Việt Minh. Dù chưa phải là đảng viên nhưng đồng chí vẫn được tin cẩn và giao trách nhiệm nặng nề.

Bọn phản động đã bày mưu giết hại đồng chí Thứ. Chúng vờ đưa Giáo Thứ đi họp Việt Minh nhưng sự thật là đưa vào ổ phục kích ở một quãng rừng có suối và bắn chết.

Ông Vượng (bên phải) và tác giả tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Phục Linh
Ông Vượng (bên phải) và tác giả tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Phục Linh

Theo bản ghi lời kể của đồng chí Nguyễn Trung Thành, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, nguyên Thường vụ Khu ủy Việt Bắc (tài liệu Lưu trữ Tỉnh uỷ): Lý do anh Thứ tham gia phong trào là anh Thứ đến chơi nhà ông Thu tức thày Sâu. Trong lúc đó trong nhà có cán bộ (có đồng chí Tân Hồng, tức Chu Văn Tấn). Sau khi anh Thứ về thì đồng chí Tân Hồng mới ra ngoài nhà. Anh Thứ quên cái nón quay lại thì gặp anh cán bộ. Sợ lộ, đồng chí Tân Hồng gọi cả hai vợ chồng vào trong nhà giải thích, tuyên truyền, tổ chức cho anh Thứ vào Việt Minh.

Từ đó đồng chí Tân Hồng đi lại ở vùng này, ban ngày thì vào nhà anh ở vì nhà ở một mình. Đến ngày 10/8/1943 bầu Ban Chấp hành Việt Minh xã Cao Vân tức Phú Xuyên tại nhà anh Thứ thì anh Thứ trúng cử vào Ban Chấp hành Việt Minh được phân công là thủ quỹ.

“Đến tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, vùng này thành lập bộ đội giành chính quyền, trong lúc ấy anh Thứ cũng yếu, bị bệnh hay về nhà. Trong hai hôm ấy tôi đi lên huyện Đại Từ, về đến xã Phú Xuyên thì được biết anh Thứ đi Phục Linh rồi nhưng chưa có ai phân công. Đi được hai ngày sau thì được tin anh đã bị giết ở Phục Linh… (trong lúc ấy huyện Đại Từ ta đã lấy)” – bản ghi lời kể của đồng chí Nguyễn Trung Thành.

Theo báo cáo (năm 1971, tài liệu Lưu trữ Tỉnh uỷ) của ông Triệu Văn Nghiên, quê ở Xóm Thọ, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, là Công an Khu Tự trị Việt Bắc, Giáo Thứ bị bọn phản động giết hại vào tối 22 tháng 2 âm lịch năm 1945 (tra lịch vạn niên thì đó là ngày 04/4/1945). Đây chính là thời điểm giao thời giữa chính quyền cách mạng và chính quyền cũ như trên đã đề cập. Khi ấy, bộ máy chính quyền cũ vẫn nắm quyền hành. Một một số người trong bộ máy chính quyền cũ là Việt Minh.

Theo bản viết của ông Nghiên, năm 1946 ở Phục Linh có cơ sở Đảng và chi bộ, “nhưng số Đảng viên lúc đầu phát triển hầu hết là tổng lý kỳ hào, địa chủ và phú nông”. Không ít người trong số này liên quan đến việc giết hại Giáo Thứ và sau này ta đã xử lí.

Theo các tài liệu nêu trên, những kẻ phản động sau khi giết xong Giáo Thứ đã cắt đầu Giáo Thứ đem về Thái Nguyên nộp cho Tỉnh trưởng Thái Nguyên Cung Đình Vận để lấy thưởng.

“Khi xuống đến Thái Nguyên, Cung Đình Vận hỏi: cái gì đây? Bọn chúng trả lời: cái đầu tên giặc cỏ. Y nói tiếp “giặc cỏ gì, Việt Minh đấy, đem đi, đem đi”. Xong bọn chúng cho ông cụ Hưu và Thi khiêng ra khoảng đầu cầu Gia Bẩy bỏ vào một hố và lấp đi...” – trích báo cáo của ông Triệu Văn Nghiên.

Cũng theo lời kể của đồng chí Nguyễn Trung Thành, gia đình anh Thứ chỉ có một mình, bố chết ở Lạng Sơn, chỉ có mẹ và một vợ. Lúc hai vợ chồng trốn đi khai hoang, bà mẹ ở lại xã. Xã nuôi bà từ lúc anh Thứ đi bí mật một năm đến khi bị chết. “Mẹ anh Thứ ở nhà nào thì cho hai nồi thóc cho bà ấy ăn”.

“Khi anh Thứ chết một thời gian thì vợ Thứ ở La Bằng đi theo một anh bộ đội cũng ở La Bằng. Hai người bỏ về Cao Bằng, từ lúc ấy đến nay không có tin tức gì cả… Mẹ anh Thứ xã nuôi khá lâu mới chết, tôi không rõ chết như nào vì đi xa không ở nhà. Khi anh Thứ bị giết cũng chưa cho mẹ anh Thứ biết vì sợ khóc nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sau bà cũng biết, cứ thấy tôi về thì bà khóc, nên lúc tôi ở huyện thỉnh thoảng tôi vẫn cho tiền và gửi quà cho nhưng lúc tôi đi công tác xa bà cụ chết nên tôi không rõ” – lời kể của đồng chí Nguyễn Trung Thành.

Đền ơn đáp nghĩa

So với nhiều trường hợp cán bộ cách mạng hoạt động bí mật bị địch giết hại, trường hợp của đồng chí Hà Văn Thứ còn may mắn là có nhiều người làm chứng, được ghi lại qua các tài liệu (báo cáo, bản ghi lời chứng, văn bản của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh,…) và được lưu trữ tại Văn phòng Tỉnh uỷ.

Thời gian qua, địa phương (Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã Phục Linh) cũng đã có những hành động cụ thể để tri ân công lao của đồng chí Thứ.

Tuy vậy, băn khoăn của nhiều cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây là đến nay đồng chí Hà Văn Thứ vẫn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận là liệt sĩ.

Theo Điều 72 của Nghị định 131 về “Căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sĩ”, tại “Điểm 2. Một trong các căn cứ sau”, khoản a) nêu rõ: “Người hy sinh trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh đã được chính quyền và nhân dân đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước”.

Hoặc tại khoản b) quy định: được ghi nhận trong cuốn lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định bằng văn bản và đã xuất bản.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì thấy rằng căn cứ để làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho đồng chí Hà Văn Thứ là đảm bảo. Vấn đề là địa phương cần đứng ra làm hồ sơ và đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận, vì gia đình đồng chí Thứ hiện nay không còn ai thân thuộc.

Bia liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phục Linh (tên đồng chí Hà Văn Thứ ở dòng đầu)
Bia liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phục Linh (tên đồng chí Hà Văn Thứ ở dòng đầu)

Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng LĐ-TB & XH huyện Đại Từ cho biết: Nếu xác định đồng chí Hà Văn Thứ không còn ai là thân nhân đúng như các tài liệu lưu trữ, thì việc lập hồ sơ công nhận liệt sĩ sẽ do UBND xã Phục Linh đảm nhiệm. Tới đây, Phòng LĐ-TB & XH huyện Đại Từ sẽ tham mưu, chỉ đạo việc lập hồ sơ, đề nghị công nhận liệt sĩ cho đồng chí Thứ.

Phát biểu của ông Nguyễn Đình Sáng

Việc công nhận liệt sĩ cho đồng chí Hà Văn Thứ (Giáo Thứ) không chỉ đáp ứng nguyện vọng của người dân Phục Linh, thể hiện lòng biết ơn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mà hơn nữa, còn góp phần tô thêm trang sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ huyện Đại Từ, qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ mai sau về tấm gương anh dũng hy sinh của một chiến sĩ cách mạng.

Trần Thép

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy