Chuyện lính và bát cháo mẹ Nghiệp Quảng Bình
“Ăn đi cho nhanh khỏe!”. Tôi giật mình khi vừa thiêm thiếp. Còn một lính sốt rét nữa. Hùng, da xanh bủng. Chỗ này thuộc Quảng Trạch. Trong ngôi nhà nhỏ chẳng có gì đáng giá ngoài một người đàn bà chừng 60 tuổi, gầy. Chỗ này là trạm dừng chân của thương bệnh binh “thải” từ chiến trường ra.
Chỉ trong vòng động tác vươn thở, bát cháo cá đầy ớt đã hết sạch. Tôi chảy nước mắt nước mũi vì độ cay và sức nóng, thấy người khỏe hẳn. “Mẹ kiếp, bao tháng ngày chui trong hầm chơi toàn lương khô, có bao giờ nghĩ còn sống để được ăn cháo cá như thế này!” - Hùng nói.
Tôi vào chiến trường Quảng Trị giữa lúc ta và địch đang giành nhau thế thượng phong ở bàn Hội nghị Paris. Tôi bị thương ở tay phải và đùi trái. Hùng nhập ngũ sau tôi ba tháng. Ngày vào chiến trường hắn được biên chế vào trung đoàn vận tải. Còn tôi đối mặt với địch như cơm bữa.
- Tao nhớ đời đời, đây là bát cháo ngon nhất trong cuộc đời tao! - Tôi nói.
Hùng: - Tao cũng thế, cảm thấy hết sạch sốt rét!
Bát cháo cá của mẹ Nghiệp cứ theo tôi từ đấy, để mỗi lần nhắc đến cháo là tôi lại nhớ ngay tới người mẹ Quảng Bình. Bát cháo đã khích lệ tinh thần cho tôi vượt qua bao nỗi đau…
“Kể chuyện của mày đi. - Hùng nhìn tôi năn nỉ - Mày còn được bắn nhau với địch, chứ tao từ hồi vào chiến trường chưa được một phát bóp cò!”
Và tôi bắt đầu “vừa đi đường vừa kể chuyện”…
***
Tiểu đoàn 51, sư 304 chúng tôi rời làng Tràng ra ga Phổ Yên vào một chiều hè tháng 6 năm 1972. Tiếng ve sầu ra rả. Con tàu dài ngoẵng, cũ kỹ, nhả tiếng còi như tiếng tù và. Những âm thanh phả lên mặt đường ray “xoạch xoành xoạch, xoạch xoành xoạch...”. Nặng nề. Những ánh mắt phóng theo con tàu. Không biết đã bao lần họ đưa tiễn đoàn quân ra trận?
Cầu Long Biên bị hư mấy nhịp vì trúng bom Mỹ. Lính phải “tăng bo” qua phà vào Hà Nội. Hà Nội về đêm vắng teo, lác đác dân phòng đeo súng CKC, người đứng, người đi. Bức tranh “36 phố phường” trở nên trầm mặc. Mấy bà mấy chị ngồi bên những mẹt bánh chưng, bánh gai... Tiếng ai trong đoàn quân: “Thằng nào còn tiền thì mua đi, chứ khi vào Nam thì chỉ có vứt”. “Bán cho hai bánh chưng bác ơi!”. “Một đồng chú!”. “Bán cho em một đồng xôi!”. “Bán cho cháu một đồng bánh cuốn!”… Trung đội trưởng Thổ nhìn đám lính giận dữ: “Đi ngay!”. Lính ào đi vào ga Hàng Cỏ, ai mua được gì thì vừa đi vừa ăn…
Tàu tiếp tục xuôi về ga Gôi, sau đó thì “hết đường tàu”. Chặng đường hành quân Nam tiến tiếp theo, lúc đi bằng ô tô, lúc cuốc bộ. Qua Ninh Bình tôi nhớ tới chiến sỹ Giáp Văn Khương ở chùa Non Nước. Đi tiếp đến “Đây Thanh Hóa anh hùng và dòng sông Mã mến yêu” trong câu ca ngày nào… “Xe đi trong tầm bom rơi”, nhớ thơ Phạm Tiến Duật, rồi tiểu đoàn cũng đến được quê hương Bác Hồ. Dòng sông Lam đây rồi, “Rộ rệ tiếng Nghệ ta lại dễ nghe chú hề”… Mấy o đưa bộ đội qua sông về Hà Tĩnh, nước mắt không còn để mà rơi. Bom Mỹ lại nổ trên sông. Đoàn quân lại một lần nữa thoát chết để về với “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc”… Mưa vẫn rơi, bom vẫn rơi, pháo vẫn nổ, “đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp”. Mồ hôi đổ trên đường hành quân, đói khát và mệt mỏi, nhưng trái tim người lính vẫn hừng hực lý tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Quảng Bình đây rồi. Đế quốc Mỹ đã đổ xuống “nơi đầu sóng ngọn gió” này không biết bao nhiêu sắt thép - những thứ giết người? Những khuôn mặt hốc hác sạm màu lửa đạn mà nụ cười vẫn tươi, ánh mắt vẫn hồn nhiên để “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Một trận bom B52 rải xuống bìa rừng trước khi tiểu đoàn qua sông Bến Hải ở vùng thượng nguồn vào Cam Lộ.
Một sự tan hoang trải ra trước mắt chúng tôi. Những ngôi nhà sập đổ. Đường sá dày đặc hố bom đạn. Những lá tôn va đập nhau oành oành, gió rít và nắng nóng, đủ mùi xú uế. Trên trời xa xa vẫn ù ù máy bay địch. Những “Vua chiến trường” (pháo 175li) bùa hộ mệnh của quan thầy Mỹ giờ nằm chỏng chơ đến tuyệt vọng. Những xác trâu bò đang thối rữa, khoái khẩu của lũ ruồi nhặng. Rồi đêm đó qua sông Ba Lòng chúng tôi đến nơi tập kết để biên chế vào các đơn vị chiến đấu.
Bất ngờ một tiếng nổ lớn, lá cây rơi rào rào. Pháo chụp. Quả pháo rơi tới gần mặt đất mới nổ. Chính trị viên phó tiểu đoàn và hai liên lạc hy sinh tại chỗ. Chính trị viên trưởng tiểu đoàn bị thương. Chính trị viên Đức từ vị trí Đại đội đã lên “vị trí Tiểu đoàn”, ông nói với đám lính: “Thằng Mỹ nó có đủ loại vũ khí giết người. Oai đấy nhưng đang bên bờ vực thẳm”. Huy Lạng Sơn, giọng Tày: “Bên bờ vực thẳm cái đầu vầy nó. Nó chơi cho bao nhiêu trận bom rồi. B52 nó bay lù lù mà đéo dám bắn!”. Tiểu đội trưởng A11 cất tiếng hát chế bài Tiếng đàn ta lư: “Đi chiến trường mùa khô năm 72, bộ ưu tiên cho F (sư đoàn) con cưng mới được đi tàu vào tới tận Gio Linh…”. “Tàu đến ga Gôi thôi, tới Gio Linh thì hóa ra hòa bình mẹ nó rồi à”… Những tiếng cười như xóa sạch nỗi lo âu.
Chiều nay chúng tôi hành quân vào chốt. Tôi nói với Su: “Chính trị viên Đức nói phét, lần này vào chỉ có mà nhặt ống bơ vỏ đạn…”. Chưa hết câu thì pháo địch từ đâu cấp tập tới, như thể chúng đã phát hiện “địch”. Tôi lao vào một hố pháo. Nhớ tiểu đội trưởng Vận nói, không có điểm nào một lúc trúng hai quả đạn. Tuy thế, khi nghe tiếng rít trên đầu, tôi vẫn nhẩm tính: “Quả này thể nào cũng trúng đầu”. Lính lao vào trú trong hệ thống cống 5 cửa trên đường nối điểm cao 105 với 367. Bào Lạng Sơn kêu ré: “Mẹ kiếp người chết!”. Một tên lính Ngụy trong bộ rằn ri, mặt tím bầm... Pháo địch tăng cường cấp tập. Mặt đất rên rình rịch. Tôi, suýt thì mất gáo nếu vẫn nằm chỗ cũ. Những mảnh gang bay vèo vèo vào mép cống phát tiếng “pinh pinh…” “Đ.mẹ nó, đạn đâu mà lắm thế” - thằng Su mở miệng nói là buồn cười. Nó nhìn xác tên lính Ngụy, rồi đọc mấy vần thơ, chẳng biết của nó hay của ai: “Thôi nhé từ nay tạm biệt nhau/ Hoàng hôn rủ mát nắng phai màu/ Sương buông thong thả trời mau tối/ Tạm biệt làm chi vĩnh biệt thôi”. Bình “híp” nhìn xác lính Ngụy “phán”: “Thằng này chắc chó gì đã có người yêu mà vĩnh biệt hay không vĩnh biệt”…
Đấy là lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức món “pháo” dữ dội. Tôi lại nhớ đến bài thơ “Tây rất sợ pháo ta” trong tập thơ của chiến sĩ Điện Biên: “Tây rất sợ pháo ta/... Cứ nghe thấy tiếng uỳnh/ Là chúng nằm sấp mặt/”. Tôi cười thầm, chế thơ: “Cứ nghe thấy tiếng uỳnh/Việt Cộng nằm sấp mặt”.
***
Hầm chốt có ba người, tôi, Su và anh Lân. Anh Lân, lính cũ không tiếc lời khen “Hai em đẹp trai, rồi sẽ trở thành anh hùng!”. Thế là, đi đâu anh ấy cũng “giao nhiệm vụ” cho tôi và Su. Tôi và Su tranh nhau giành thành tích, mong sớm “trở thành anh hùng”.
Chừng hai giờ sáng anh Lân kéo tôi dậy:
- Đi công tác!
- Đánh nhau hả anh?
- Thì cứ đi, khỏi mang súng!
Tôi xỏ dép, vơ vội chiếc mũ tai bèo lao ra cửa hầm, giật mình khi thấy một người to lù lù đang ôm khẩu AK. “Đi nhanh!”- một mệnh lệnh sắc lạnh! Đi như chạy. Tôi như bị kéo bằng sợi dây thừng lao đi xồng xộc. Lúc xuống dốc, lúc lên dốc, rồi tới một khu rừng. Anh lính già ngó nghiêng, rồi chỉ cho tôi vào một chỗ tối om: “Chui vào kéo nó ra!”. Tôi ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh. Ôi cái hầm. Suýt nữa thì tôi nôn mửa bởi mùi tanh, cộng với lũ muỗi rừng khát máu nổi loạn. “Nhanh lên!”. Tôi lấy tay quơ quơ như người mù. Bất ngờ đụng vào búi vải mềm mềm. Một tiếng hét như ma quỷ: “Ớ ơ ơ…” Hóa ra cái đầu người! Cái đầu đã bị băng bó kín mít. Đúng là một người khổng lồ, nếu so với cái thân còm của tôi. “Kéo nó ra nhanh!”. Tôi vừa sợ vừa ghét cái “mệnh lệnh” mà kéo chả nổi. Anh lính già đành phải vào hỗ trợ. “Mang cái võng ra!”. Thì ra người lính bị thương này được người ta cáng cho vào cái hầm. Anh ta được đặt nằm trên chiếc võng dù, có cái đòn khiêng bằng gỗ. Tôi đâu nhìn kỹ người lính bị thương trong bóng tối giữa rừng. “Lên vai đi trước!”. Tôi gồng mình mấy nhịp, suýt nữa thì ngã. “Đi nhanh!”. Tôi lại ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh. Trên vai tôi như có một quả núi đè, chân đi chéo bên nọ, chéo bên kia, nhưng vẫn phải cố sức. Đường rừng lên xuống, quanh co, đi được là nhờ ánh sáng lân tinh. Đi như chạy. Cáng người sao mà nó nặng đến thế. Tôi suýt ngã mấy lần! Bỗng tiếng pháo cầm canh của địch bay qua đầu, tôi loạng choạng. “Kệ mẹ nó!”, giọng anh lính già vẫn đanh thép. Tôi tưởng tượng đang đi bên một con quỷ. Người gì mà toàn dùng ngôn ngữ thô! Lạnh tanh! Cuối cùng tôi phải “kệ mẹ nó, khổ cũng không bằng các chiến sĩ cộng sản bị địch tra tấn trong nhà tù Côn Đảo”. Mà đi đâu không biết? Đi kiểu này không may gặp thám báo thì toi mạng. Người nằm trên võng chốc chốc lại kêu rú lên chẳng giống tiếng người. Lại một cái dốc dài. Lần này chắc cố cũng không được. Tim tôi đập rối bời, trong khi anh lính già vẫn hừng hực và lì lợm. Rồi cũng lên tới đỉnh dốc. “Giải lao!”. Ối, cha mẹ ơi... Tôi ngồi gục mặt, tay bó gối thở, mặc tiếng người lính bị thương rên rỉ. Bỗng anh lính già nói giọng Nam: “Đù má, lần nầy cho mầy về với Tổng thống Thiệu nha!”. Tôi quay mặt lại… Ôi một tên lính Ngụy! Nó bị thương vào đầu, vào chân. Người ta băng bó chỉ để cho nó hở hai lỗ mũi. Quần áo nó bó sát người.
- Mầy nhảy dù đơn vị nào ? – Vẫn giọng miền Nam, anh lính già hỏi.
- Dạ, Lữ đoàn Ba.
- Chắc giết được nhiều Việt Cộng lắm ha?
- Dạ !
Lúc này anh lính già chuyển sang giọng Bắc:
- Thế mày muốn Tổng thống Thiệu tặng thưởng cho cái gì?
Tên địch không trả lời mà quặn người lên như muốn mở mắt. Anh lính già hỏi tiếp:
- Giết được nhiều Việt Cộng thì phải được thưởng to chứ!
Tên địch vẫn không trả lời. Anh lính già nói tiếp giọng Nam: “Thưởng cho mầy một băng AK nhá vì giết được nhiều Việt Cộng?”. Tên địch run bần bật: “Em xin! Em vừa nhảy xuống thì bị các anh bắn bị thương…”. “Nói láo!” Anh lính già tháo băng AK rồi giả vờ lên đạn roàn roạt. Tên địch bất tỉnh. Chắc hắn đang sẵn sàng chết? Tôi vừa buồn cười, vừa thấy thương người lính bên kia chiến tuyến. Thế rồi anh lính già xuống giọng: “Chúng tao cứu mày! Ai thèm giết mày!”. Nói xong anh nhìn tôi hất hàm. Tôi hiểu mình phải làm gì. Chúng tôi lại đi như chạy. Tôi như nhìn thấy dòng nước mắt chảy trên gò má tên địch.
Giao địch cho phẫu trung đoàn, tôi và anh lính già vội quay trở về, lại đi như chạy. Về tới cửa hầm, tôi quay lại, anh lính già đã biến đâu mất. Nếu không có anh ấy thì thật sự tôi khó lòng tìm thấy đường về. Vì chiến sự chủ yếu vào ban đêm. Mà đường đi lối lại phải xóa cho bằng hết dấu vết trước khi trời sáng.
Anh Lân nhìn tôi nói: “Em khỏe đấy, nếu phải anh chắc chết dọc đường rồi”. Thằng Su bật dậy nhìn anh Lân: “Lần sau anh Lân phải đi, cái đéo gì cũng sai bọn em!”. Anh Lân im lặng, khó hiểu. Tôi không ngờ thằng Su hôm nay ghê thật.
Nắng nóng bắt đầu đổ lên điểm cao. Anh Lân như quên đi mọi chuyện, rồi khen tôi và Su thông minh, dũng cảm, lạc quan yêu đời. Tôi bảo: “Chính trị viên bảo lũ chúng em là lũ dại khờ đó”. “Dại khờ mà để anh đây còn phải sợ…” Anh Lân nói xong, cả ba cười giòn.
Chiều hôm đó đánh nhau với bọn lính dù, anh Lân ôm AK chiến đấu hăng lắm, tôi và Su đã trở lại hầm mà chẳng thấy anh về. Ngay đêm đó được tin anh hy sinh. Tôi và Su òa khóc. “Hay là do câu nói của tao mà anh Lân chết?”, Su nhìn tôi hỏi, vẻ mặt hốt hoảng. Thế là từ nay có muốn được anh Lân “giao nhiệm vụ” cũng chẳng có…
Su năn nỉ Trung đội trưởng: “Em không quen chôn người, em thích đi đánh nhau, cho em đi đánh nhau!”. Trung đội trưởng im lặng giây phút, rồi quyết định: “Được! Hai cậu chuẩn bị, đúng giờ xuất kích”.
Mũi tiến công của chúng tôi đêm đó có tất cả tám người. Tôi đã bắn hết một băng AK và ném một quả lựu đạn. Bất ngờ như có ai cưa mất cánh tay phải và một ống chân trái, súng rời khỏi tay. Tôi chỉ còn cách nằm úp mặt “chờ” băng đạn của địch vào đầu. Quân ta hy sinh sáu (trong đó có Su). Tôi bị thương nặng. Kỳ lính cũ cũng bị thương nhưng nhẹ đã băng bó tạm cho tôi. Vất vả lắm hai chúng tôi mới tới được một căn hầm của quân ta. Suýt thì mất mạng vì ta tưởng ta là địch. May Kỳ còn nhớ mật hiệu. Mưa rào rào. Những giọt nước từ nóc hầm nhỏ xuống, rớt vào vết thương, buốt thấu tim. “Cố gắng chịu đựng nhá”; “Phát này do cối cá nhân”; “AR16, nhìn là biết!”… Mấy người trong hầm xem các vết thương của tôi nói.
Tôi gặp Hùng ở một trạm quân y, khi tôi đã tự đi được, mặc dù chân vẫn khập khiễng. Riêng vết thương ở mu bàn tay phải vẫn còn nhức nhối. Tôi thèm một hạt cơm đến cháy bỏng. Hơn hai tuần sau tôi ra tới Quảng Bình vào một đêm tháng 9. Người ta dìu tôi vào một nhà dân, chính là nhà mẹ Nghiệp. Khi tỉnh dậy tôi mới biết có Hùng nữa. Và câu chuyện bát cháo cá của mẹ Nghiệp có từ đó. Bát cháo mẹ Nghiệp, tôi chỉ được ăn đúng một lần mà sao nhớ mãi. Có biết bao người mẹ đã quên mình nuôi bộ đội trên đường hành quân ra trận? Mẹ Nghiệp vẫn hiện hữu trong tôi, với cái dáng gầy gầy nhắc “con trai” mình: “Ăn đi cho nhanh khỏe!”.
Đào Sỹ Quang (Thương binh ¾ - Nguyên lính sư đoàn 304, Quảng Trị 1972)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...