Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:29 (GMT +7)

Chuyện học xưa và những người thầy “vô danh”

VNTN - Có những người thầy đã từng cống hiến cả đời mình vì sự nghiệp “diệt giặc dốt”, nhưng sau đó, do thời cuộc họ buộc phải từ giã bục giảng. Công lao và sự hi sinh của họ là vô cùng to lớn, dù đến nay rất ít người còn biết và nhớ đến…


Nằm sau những khóm tre làng mát rượi, cánh ruộng xanh bát ngát thật yên bình là xóm Giềng (xã Lương Phú, huyện Phú Bình). Ở đó có một người thầy giáo sống lặng lẽ bao năm nay,  đó là thầy Nguyễn Đạo Tấn. Thầy Tấn năm nay đã 85 tuổi, thầy dạy học từ cái thời “bình dân học vụ” (1945) và sau đó là lớp vỡ lòng (từ 1960 đến 1980). Hơn 30 năm làm “nghề đưa đò”, cống hiến thầm lặng, thầy không hề có một danh hiệu vinh danh nào, hơn thế nữa, rất ít người còn biết “cụ Tấn” là thầy giáo, kể cả người cùng làng. Những người cùng thế hệ với thầy hầu hết đã khuất núi, và lứa học trò nhỏ tuổi nhất của thầy giờ ít nhất cũng đã 60 tuổi.

Tuổi tác, căn bệnh tai biến quái ác đã khiến sức khỏe của thầy Tấn suy giảm, khiến một bên tai không nghe được, một bên chỉ còn lại 50% phải dùng thiết bị trợ thính. Quanh quẩn trong nhà với con cháu và làm bạn với chiếc tivi, nhưng khi chúng tôi đến, nhắc về việc dạy học ngày xưa, thầy trở nên minh mẫn lạ thường. Quãng thời gian đó là những kỉ niệm đẹp đẽ, hạnh phúc nhất đối với thầy. Chăm chú lắng nghe câu chuyện của thầy, chúng tôi thật sự bị thu hút bởi một giai đoạn đầy gian nan nhưng cũng thật vẻ vang, sôi nổi trong học tập của thế hệ trước, cách đây gần một thế kỉ.

Thầy giáo Nguyễn Đạo Tấn (bên phải) và ông Nguyễn Khắc Tới kể lại chuyện học ngày xưa

Gian nan chuyện học xưa

Hơn 80 năm đô hộ, thực dân Pháp đã cấu kết với bè lũ phong kiến, địa chủ kìm hãm nhân dân ta trong vòng ngu dốt để đàn áp và bóc lột. Nạn mù chữ và thất học trầm trọng: 95% dân số không biết đọc, không biết viết. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nhưng con đường kiến quốc còn đầy gian nan thử thách. Đảng và Chính phủ xác định cả dân tộc tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ lớn có tính cấp bách: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Trong đó, Chính phủ coi diệt giặc dốt là nhiệm vụ cần thực hiện cấp tốc. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 17 đặt ra bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam để phục vụ xóa mù chữ, Nha bình dân học vụ được thành lập. Chính phủ quy định mọi làng đều phải có lớp bình dân học vụ và vận động những người biết chữ trở thành giáo viên tình nguyện không có lương.

Theo lời kêu gọi của Bác, toàn dân đã hưởng ứng tích cực tham gia nhiệt tình, phong trào lan rộng ra khắp các thôn xóm. Năm 1950, chàng thanh niên Tấn khi đó 20 tuổi trở thành một trong những giáo viên chủ chốt của xã Lương Phú, bà con gọi thầy với cái tên thân mật “anh giáo Tấn”. Thầy Tấn là một trong số ít người có bằng sơ học yếu lược của trường Hương sư Lương Phú (tương đương với bằng tiểu học thuộc hệ thống giáo dục thực dân Pháp xây dựng tại Việt Nam trong thời gian đô hộ). Ở vào thời mà việc đi học còn “xa xỉ” với rất nhiều người nên thầy được mọi người trong làng xã rất kính nể. Dù còn rất khó khăn nhưng nghe theo tiếng gọi của Chính phủ, ai cũng hăng hái tham gia học xóa mù chữ. Mọi người tranh thủ học ở mọi hoàn cảnh, học khi làm đồng, học khi đi chợ… mỗi gia đình là một lớp học, người nhiều chữ dạy cho người ít chữ, khắp thôn xóm đâu đâu cũng vang tiếng ê a học bài. Học viên của thầy Tấn là tất cả đối tượng từ đứa trẻ đến những cụ già râu tóc bạc phơ, những bà mẹ đang cho con bú…

Hàng ngày, ngoài thời gian giảng bài trên lớp, thầy Tấn đi đến từng nhà nhắc nhở mọi người đi học đầy đủ, giải đáp những vướng mắc cho học sinh. Mỗi ngày, thầy đi bộ phải đến vài chục km, đường khi đó toàn là đường rừng, đèo cao. Từ sáng sớm, thầy đi dạy học, đến tối mịt mới trở về nhà rồi lại bắt tay vào soạn giáo án.

 

Bài giảng khi đó hiển hiện rõ mồn một như mới chỉ ngày hôm qua, thầy ngân nga: "i, t (tờ), có móc cả hai. i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang; e, ê, l (lờ) cũng một loài. ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn…”.

Và có những kỉ niệm mà giáo viên ngày nay không chắc bao giờ gặp. Trong lớp có chị mới sinh con, địu lên lớp để học. Mẹ làm bài tập mà cháu bé khóc liên tục, thế là thầy  vừa làm thầy giáo vừa kiêm luôn bảo mẫu, bế rồi dỗ cháu cho chị ta học. Thầy bảo: “Chắc “mát tay”, hễ tôi cứ bế là cháu bé ngừng khóc, cười khúc khích ngay. Cũng có học viên là những cụ đã cao tuổi bị lãng tai, lên lớp là lại phải dạy thật to, cả làng nghe thấy tiếng giảng bài…, cứ dạy như vậy dù cổ họng khô rát, nhưng thày rất phấn khởi”.

Những năm 1950 - 1951, xã Lương Phú là một vùng có nhiều rừng rậm nên được bộ đội chọn làm nơi đóng quân vì vậy địch cũng thả bom dày hơn. Mỗi lần nghe tiếng máy, thầy Tấn lại trấn an mọi người bình tĩnh xuống hầm trú ẩn. Thầy luôn là người xuống hầm sau cùng khi chắc rằng tất cả học trò của mình đều đã an toàn. “Trong lớp khi đó, có cậu học trò còn nhỏ tuổi hiếu động lắm, cứ thấy có máy bay là lại chạy theo sau để xem. Có đợt, mọi người xuống hết hầm trú ẩn rồi mà cậu bé vẫn mải mê ngắm máy bay. Tôi chạy thật nhanh bế cậu bé chạy vào hầm, vừa ngay lúc đó quả bom nổ ngay sát sàn sạt. Hú vía! Sau vụ đó cu cậu chắc cũng “rợn người” hễ nghe tiếng máy bay là nhảy tót ngay xuống hầm đầu tiên”.

Bên bàn trà nóng, xen lẫn những câu chuyện của thầy Tấn là những chuyện về gian nan trong học tập không kém phần thú vị của ông Nguyễn Khắc Tới (80 tuổi). Ông Tới là em thầy Tấn đồng thời cũng là một người học trò của thầy thời bình dân học vụ. Ngày ấy, thiếu thốn đủ đường, cái ăn đôi lúc còn không có nhưng bà con ai cũng vượt khó, tìm mọi cách để khắc phục học chữ. Ai có điều kiện thì dùng giấy dó, mực tím (loại mực thành thỏi phải ngâm nước sôi và dùng bút chấm để viết) còn lại dùng đất sét trắng, gạch để viết lên cánh cửa, rổ lật úp lại, lưng trâu… để luyện chữ. Học toán thì dùng những viên sỏi, hạt thóc để tập đếm, làm tính. Bà con cắt gấu quần đến đầu gối rồi khâu lại, cho dây rút vào thành “cặp sách” đựng sách vở. Giáo viên thì “xịn” hơn có 2 tấm bìa các tông cứng dùng dây buộc lại thành cặp giáo án. Ông Tới chia sẻ: “Đi học, tay ai cũng đen xì xì, có người còn bị phồng rộp lên do dùng lá khoai lang chà lên tấm cửa cho đến khi đen kịt để thành bảng đen. ấy vậy mà học sinh ai cũng háo hức, xung phong “chế bảng đen”. Tiêu chí đưa ra là trước khi thầy giáo đến phải “bảng đen, đèn sáng, nước đủ đầy. Tối đến, trên các con đê, đường ven ruộng khắp làng xóm lấp lánh ánh đèn dầu, tiếng cười nói rôm rả của bà con đi học, sinh động lắm”.

Để thúc giục mọi người học chữ, ở các bến đò, chợ… ngoài cổng lớn còn dựng thêm một cổng phụ gọi là cổng “mù”. Ai muốn đi qua sẽ phải đọc một đoạn chữ trên tờ báo hoặc ghi trên giấy, nếu đọc được sẽ được đi cổng chính không thì phải đi cổng “mù”. Ông Tới hồ hởi kể lại một kỉ niệm: “Lúc 10 tuổi, tôi đi cùng bố vào chợ, anh bộ đội thấy tôi trẻ con nên cho qua nhưng tôi nhất quyết đòi đọc chữ như những người lớn khác, rồi tôi đọc tờ báo một cách lưu loát làm ai nấy đều ngạc nhiên, khâm phục”.

Lớp học Bình dân học vụ                                 Nguồn internet

Những người thầy vô danh

Đến những năm sáu mươi, các lớp bình dân học vụ không còn nữa. Cùng thế hệ với thầy Tấn, người thì đi bộ đội, người đi học làm bác sĩ, kĩ sư. Thầy Tấn được làng, hợp tác xã tin tưởng chọn để làm thầy giáo dạy lớp vỡ lòng nên thầy quyết định ở lại gắn bó với xóm làng tiếp tục dạy học bằng tất cả tâm huyết, lòng yêu nghề. Lớp vỡ lòng giống như là mẫu giáo lớn ngày nay, học qua mới được vào học lớp 1. Mỗi lớp có khoảng 20 - 30 học sinh từ 8 đến 10 tuổi, học tại trường cấp 1 hoặc đình làng. Mỗi tháng thầy được hợp tác xã trả cho 15 công điểm để đối lấy lương thực, đồ sinh hoạt. Thầy Tấn khá nghiêm khắc và có lẽ vì vậy chất lượng lớp thầy dạy luôn đạt kết quả cao. Học sinh của thầy hầu hết chỉ học 1 năm là xong, có những lớp thầy giáo khác phải học đến 2 năm mới qua. Có những em học chậm, thầy giáo khác phải “gửi nhờ” thầy Tấn. Bà con vẫn nói vui rằng: “Cho con theo học lớp thầy Tấn, để thầy Tấn “gõ đầu” thì sẽ tiến bộ nhanh hơn”.

Sau khi thống nhất đất nước, có biết bao biến đổi, thăng trầm đến với mỗi người. Đến năm 1980-1981, khi nhà nước có chính sách cải cách giáo dục, các lớp vỡ lòng bị xóa bỏ. Thầy Tấn không có bằng cấp gì và cũng không được qua một khóa đào tạo sư phạm nào nên thất nghiệp, người ta không đến thầy nữa. Cũng đúng vào thời gian này, sau 30 năm đi “gieo chữ” sức khỏe của thầy Tấn cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Thầy bị tai biến mạch máu não làm ảnh hưởng trầm trọng đến thính giác. Kể từ đó thầy Tấn buồn lắm, suốt ngày chỉ quanh quẩn bốn góc nhà. Con cháu cũng đều đã có sự nghiệp riêng, thầy chỉ biết lấy thơ văn làm bầu bạn. Thầy vẫn đọc và sáng tác, cần mẫn, chăm chỉ bù lại niềm vui không còn được dạy lũ trò nhỏ thân yêu nữa. Những nỗi niềm, tâm sự kỉ niệm về thời dạy học thầy dồn cả vào những vần thơ mộc mạc, như là nhật kí.

 

Bao lứa học trò đã được thầy dạy, trưởng thành, có người làm giáo viên, bác sĩ và nhiều người làm lãnh đạo cao cấp nhưng liệu rằng còn mấy ai nhớ đến thầy. Vài năm trước có một người về thăm quê nhận ra thầy. Đó là cậu học trò nhỏ năm nào của lớp vỡ lòng ngày xưa, giờ đây cũng đã là ông nội. Hai thầy trò hàn huyên tâm sự cả buổi với nhau về những kỉ niệm ngày xưa. Sau bao nhiêu năm, được gọi một tiếng thầy, tưởng như đơn giản, nhưng đối với thầy Tấn nó thật hạnh phúc biết bao. Thầy tâm sự: “Người học sinh đó nói rằng vẫn còn nhớ như in vị ngọt của những chiếc kẹo, tiếng nhai giòn tan miếng bánh đa vừng mỗi khi thầy thưởng cho lúc được điểm 9,10 và cũng nhớ cả những lúc phải ngồi viết bài về muộn do bị thầy phạt vì mắc lỗi. Cảm ơn vì thầy đã nghiêm khắc với chúng em”. Người học trò đó muốn mua cho thầy một chiếc máy trợ thính tốt nhất nhưng thầy Tấn nhất quyết từ chối.

Cũng có những người thầy giống với thầy Tấn. Đã cống hiến rất nhiều năm dạy học nhưng rồi sau năm 1980 phải chia tay với sự nghiệp dạy học và dần dần bị lãng quên.

 

Tôi đã từng được nghe chuyện về thầy Bảng, có người gọi tên thầy thân mật là “Thầy Bảng Sề”. Vào thập kỉ sáu mươi, bảy mươi, gia đình nào ở Đại Từ cũng có ít nhất một người được học lớp vỡ lòng của thầy Bảng. Thầy là người Hà Nội, từng dạy bình dân học vụ rồi những năm năm mươi thầy lên Đại Từ dạy vỡ lòng. Ngày đó, thầy là người đầu tiên mang cái chữ đến cho trẻ con ở cái thị trấn Đại Từ nhỏ bé heo hút. Lớp thầy tự lập, lương do dân nuôi. Người thì trả công thầy bằng vài ba bơ gạo, người thì trả công thầy bằng bó rau, củ sắn, rổ khoai… Thầy Bảng luôn mong sao tất cả bọn trẻ con ở đó đều biết đọc biết viết mà thôi. Thầy sống rất đạm bạc, nơi ở của thầy chính là lớp học bé nhỏ lụp xụp do dân tự góp cây que dựng lên làm lớp học, không biển, không tên chỉ truyền miệng nhau và gọi tên là: lớp vỡ lòng thầy Bảng. Lớp học rất đơn sơ, bàn học là mấy miếng gỗ nhỏ ghép lại, còn ghế chỉ là những mẩu tre đẽo bằng một mặt. Hàng ngày thầy tận tụy dạy các em học sinh tập tô, tập viết, tập đánh vần từng chữ, từng câu. Thầy cầm tay từng trò nhỏ, hướng dẫn từng li từng tí một. Thầy nổi tiếng vì rèn chữ cho học trò. Ai đã từng học thầy đều có nét chữ đẹp cứng cáp ngay ngắn đúng mẫu.

Sau năm 1980, thầy Bảng cũng bị thất nghiệp. Ủy ban xã đã thông cảm với hoàn cảnh của thầy và xin cho thầy được đánh trống tại trường cấp III của huyện. Thế là bỗng dưng một thầy giáo trở thành một ông lão đánh trống trường. Vài năm trước, thầy bị ốm nặng và người nhà thầy từ Hà Nội lên đón thầy về chăm sóc. Thầy mất ở đó không một vòng hoa, không một nén hương, không một tiếng sụt sùi của lũ học trò nhỏ mà thầy đã dạy. Thầy đã cho đi tất cả, chẳng nhận cho mình chút nào dù chỉ một vài nén hương.

Sự đóng góp của những người thầy “vô danh” như thầy Tấn và thầy Bảng và rất nhiều các thầy, cô khác mà chúng tôi chưa được gặp, cứ lặng lẽ như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Nhớ - quên dường như cũng là lẽ thường ở đời, nhưng bài viết này xin được là một lời tri ân của lớp hậu sinh chúng tôi gửi đến các thầy, cảm ơn các thầy vì những cống hiến thầm lặng vô cùng ý nghĩa đó.

 

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước