Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:52 (GMT +7)

Chuyển đổi số với cơ quan báo chí: Làm gì để không bị bỏ lại phía sau?

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2022 diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội từ 13 đến 15/4/2022, sáng 14/4 đã diễn ra diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”. Tại diễn đàn, nhiều vấn đề và rào cản mà các tòa soạn gặp phải khi tiến hành chuyển đổi số đã được lãnh đạo các cơ quan báo chí chia sẻ, và cùng thảo luận, trong đó, các thủ lĩnh báo chí đều thừa nhận, vấn đề chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy con người mà trước hết là tư duy của lãnh đạo cơ quan báo chí.


Gian trưng bày, giới thiệu của Báo Đại đoàn kết với bìa báo có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Diễn đàn gồm các tham luận về chủ đề chuyển đổi số của đại diện một số cơ quan báo chí, tiếp đó là phần thảo luận về mục tiêu và các giải pháp chuyển đổi số của các cơ quan báo chí Việt Nam. Mỗi đại biểu chỉ được trình bày tham luận trong vòng 10 phút nên các ý kiến nêu ra đều khá cô đọng và tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất theo quan điểm diễn giả. Câu chuyện chuyển đổi số trở nên sinh động và gần gũi bởi những chia sẻ từ chính những người trong cuộc, lãnh đạo các cơ quan báo chí hàng đầu, những người đã có đóng góp, có trải nghiệm và đã có những thành công, đưa cơ quan báo chí do mình tham gia lãnh đạo, làm việc bắt kịp với thời đại, không bị bỏ lại phía sau. Và những kinh nghiệm đó thực sự là những bài học của hôm nay đối với các tòa soạn đang “vặn mình” cho công cuộc chuyển đổi số tưởng đơn giản nhưng khá phức tạp, nếu chỉ nhìn phiến diện và không có một giải pháp hợp lí, lâu dài sẽ khó có thể đi đến thành công để trụ lại với sứ mệnh của một cơ quan báo chí.

Diễn đàn thu hút các cơ quan báo chí và người làm báo tham dự.

Con người chứ không phải công nghệ

Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo - Tổng biên tập Báo Nhân Dân thẳng thắn cho rằng, vấn đề đầu tiên là con người chứ không phải công nghệ. Ông Minh nhấn mạnh, chuyển đổi số là nói đến con người chứ không phải công nghệ, bởi mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là chuyện khó. “Khả năng thích nghi với một tương lai digital của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển một thế hệ những kĩ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu về nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua mọi thử thách”, ông Minh trình bày trong phần thuyết trình.

Là lãnh đạo trẻ tiên phong và đã có trải nghiệm trong những nỗ lực chuyển đổi số tại hai cơ quan báo chí lớn là Thông tấn xã Việt Nam và mới đây, trên cương vị Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, ông Minh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số. Dẫn lời Giám đốc Sáng tạo và Lãnh đạo, Trường Báo chí Craig Newmark, City University of New York (CUNY) Anita Zielina “Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới, phát triển ứng dụng mới, làm đủ thứ, nhưng rốt cục những sản phẩm mới đó chẳng giúp gì nếu chúng ta không có tư duy mới - nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề văn hóa cốt lõi: phong cách lãnh đạo, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả, và cả cách tương tác với nhau trong cơ quan báo chí”, ông Minh cho rằng các lãnh đạo cơ quan báo chí cần có tư duy đúng đắn để lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp với mô hình của cơ quan mình. Nhân sự cho chuyển đổi số có thể là thuê đội ngũ kĩ thuật bên ngoài, có thể đào tạo, sử dụng lực lượng tại tòa soạn, và cũng có thể kết hợp cả hai phương án. “Tại Báo Nhân Dân toàn bộ là nhân sự tại chỗ, chỉ có tôi là từ bên ngoài vào. Vẫn là người cũ, tôi chỉ thay đổi tư duy của họ”, ông nói.

Phần trình bày của ông Lê Quốc Minh.

Ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc VTV, một đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số và đã có nhiều thành công, chia sẻ: “Ngay từ những năm 2010, 2011 chúng tôi có câu Thay đổi hay là chết. Đó là một quá trình dài nghiên cứu, tìm hiểu, tư duy, nhận thức, đồng thời liên tục cập nhật, thay đổi. Mọi người đều phải thay đổi”. Ông Vĩnh cho rằng, việc chuyển đổi số không phải của lãnh đạo, của bộ phận nội dung hay quản trị mà là của tất cả cán bộ công nhân viên. Có như thế việc chuyển đổi số mới thành công.

Trong 3 thách thức với mỗi cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ nêu ra cũng đề cập đến thách thức về con người. Sử dụng nhân lực cũ hay tuyển người mới? Người cũ (báo giấy) không đáp ứng được (báo điện tử) vậy sẽ đào tạo lại hay đào thải? Xử lí những trường hợp đặc biệt ra sao? Bên cạnh đó là việc ứng xử với những người có thâm niên công tác, người có công như thế nào trong quá trình chuyển đổi cũng là vấn đề. Ông Trung kể một câu chuyện thực tế tại Tuổi Trẻ khi chuyển đổi số, có người đã nhất quyết nói không, vì cho rằng mình là người của báo giấy. “Ông ơi, tôi là người của báo in, khi nào báo in chết thì tôi nghỉ, ông đừng bắt tôi tham gia vào cuộc chơi chuyển đổi số”. Rất khó xử khi đó lại là người làm báo giỏi, uy tín và có nhiều đóng góp với tòa soạn. Trong nhiều trường hợp gặp “rào cản” như vậy, việc xử lí không đơn giản, không dễ đào thải nhân sự với một cơ quan nhà nước, tìm vị trí phù hợp cho họ làm cũng không dễ khi tất cả đang chuyển đổi số. Tuổi Trẻ bước vào công cuộc vặn mình mất 15 năm, đến nay bắt đầu đi vào quỹ đạo, và dịp đại dịch vừa qua là cơ hội để báo đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tuổi Trẻ Online từ vị trí số 5 đã vươn lên vị trí số 2 về số lượt truy cập trong bảng xếp hạng các website tiếng Việt trên thế giới.

Các tham luận đều nhìn nhận, mấu chốt của quá trình chuyển đổi số là vấn đề con người, và trong đó thì người giữ vị trí lãnh đạo là quan trọng nhất. “Chắc chắn là một ban lãnh đạo - dù tài giỏi hay yếu kém - thì đều có ảnh hưởng tới từng bộ phận, từng lĩnh vực của một đơn vị, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ít nhất 50% hiệu quả hoạt động của đơn vị đó phụ thuộc vào cá nhân người lãnh đạo”, ông Lê Quốc Minh dẫn số liệu. Bởi thế, nếu có lời khuyên cho các cơ quan báo chí trước chuyển đổi số, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói, trước hết hãy nghĩ đến con người. “Sự đổi mới tuyệt vời nhất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có đủ kĩ năng để sử dụng nó...”, ông nói.

Chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm

“Chuyển đổi số là một chiến lược tổng thể, còn kế hoạch cụ thể là đẩy mạnh các kế hoạch coi độc giả là trung tâm, tăng doanh thu từ độc giả, phát triển sản phẩm và chú trọng dữ liệu”, Báo cáo Xu hướng Báo chí Thế giới 2020 - 2021 viết. Dẫn lại điều này, ông Lê Quốc Minh cho rằng, tương lai của báo chí tùy thuộc vào việc xây dựng mối quan hệ tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả làm trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng phòng Công nghệ VTV cũng trình bày trong tham luận của mình, VTV vốn hoạt động theo mô hình truyền thống, gặp khó khăn khi không cạnh tranh được với các mô hình truyền thông mới từ các tập đoàn nước ngoài và các công ty công nghệ xuyên quốc gia. Nếu không đáp ứng được nhu cầu chủ động xem của khán giả trong thời kì cách mạng 4.0 sẽ sụt giảm số lượng người xem và thời lượng theo dõi, như vậy thì sẽ thất bại trên mặt trận tư tưởng, không thực hiện được nhiệm vụ chính trị, đánh mất chủ quyền trên không gian số. Bởi thế, lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam xác định chuyển đổi số là vì mục đích chính trị, để giữ vững mức độ ảnh hưởng của đài truyền hình quốc gia trong công chúng. Coi người xem là trung tâm, VTV trong chuyển đổi số cũng đã rất chú trọng thu thập tin tức, hành vi người dùng. Mỗi tháng đài thu thập 20 tỉ hành vi để phục vụ việc nghiên cứu thói quen xem của khán giả. Điều đó sẽ góp phần cho việc định hướng sản xuất để phục vụ người xem tốt hơn. Nhờ việc nhận thức và chuyển mình sớm, đúng định hướng, hiện nay VTV có một hệ sinh thái chuyển đổi số đáng mơ ước với nhiều đơn vị báo chí, truyền hình. VTV digital với chủ chốt là VTV Go và VTV New, bên cạnh đó là sự hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội với độ phủ sóng đa tầng, rộng khắp. “Chuyển đổi số không phải là dự án mà là hành trình. Và sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao nhất xuyên suốt đường đi là yếu tố đặt ra hàng đầu.”, ông Hoàng nói. Ông cũng cho rằng, khó khăn nhất là thay đổi thói quen, nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chuyển đổi các vị trí việc làm cho phù hợp môi trường tác nghiệp. Bằng một loạt các biện pháp quyết liệt và hiệu quả mang lại, VTV đã được xếp thứ nhất trong việc chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí.

Sơ đồ hệ sinh thái chuyển đổi số của VTV

Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nêu quan điểm về sự cần thiết sống còn của chuyển đổi số: Bạn đọc ở đâu chúng ta ở đó. Bạn đọc lên mạng thì báo chí phải lên mạng. Báo chí muốn lên mạng thì báo chí phải chuyển đổi số. Bạn đọc đã thay đổi thói quen và cách tiếp cận báo chí thì chúng ta không thể làm báo như trước được nữa, phải thay đổi để phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Trong phần chia sẻ của mình, ông Phùng Tấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách quan hệ khách hàng tại Việt Nam của Công ty công nghệ Netcore - đơn vị đồng hành với diễn đàn, cũng nêu số liệu: 80% bạn đọc tin rằng xem online thì tin tức mới hơn. Người dùng dần coi mạng xã hội là tin tức chính. Đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí phải có vị thế và chủ động hơn nữa trong việc đưa thông tin đến người dùng. Đưa sản phẩm báo chí lên trang thì bạn đọc sẽ phải tìm kiếm, truy cập mới vào được, giờ các tòa soạn chủ động đưa sản phẩm đến người đọc với cá nhân hóa tốt nhất. Ông cũng nêu ra khái niệm Martech để chỉ quy trình đưa sản phẩm đến người dùng. Từ việc tạo hồ sơ người dùng, có báo cáo bức tranh tổng thể về bạn đọc, có thể gửi thông tin đến họ qua các kênh… đồng thời biết được bạn đọc tiếp cận với sản phẩm thế nào, đọc bao lâu, lần cuối truy cập khi nào… Việc thu thập dữ liệu về bạn đọc để tổng hợp, phân tích, điều chỉnh sản xuất nội dung là một phần quan trọng của chuyển đổi số trong việc chủ động đưa sản phẩm nhanh, chính xác, đến đúng bạn đọc trên thiết bị của họ.

Giải pháp nào cho mỗi cơ quan báo chí?

Ông Lê Quốc Minh trong phần thuyết trình của mình cũng đã trích lời Giáo sư Lucy Kueng, Viện Nghiên cứu Reuters, Đại học Oxford để nói về chiến lược chuyển đổi số đối với một tòa soạn “Xây dựng một chiến lược chuyển đổi số là công việc đơn giản. Hiện thực hóa mới là điều khó khăn, và đa số các cơ quan báo chí bị mắc kẹt dọc đường - một thực tế xảy ra suốt 2 thập niên vừa qua” - thì ở phần thảo luận các diễn giả khác cũng bày tỏ sự đồng tình.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí cũng nói về tình trạng cung cấp thông tin một chiều, không chú trọng chuyển đổi số của một số cơ quan báo chí. “Đừng nghĩ rằng có một trang web, tòa soạn điện tử là xong rồi, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế cho một cách làm báo khác”. Ông Lâm cho rằng, nhiều cơ quan chưa sẵn sàng vì chạm vào mô hình tổ chức, sợ không có chỗ trong cuộc chơi mới… Điều đó sẽ ngăn cản nhiệm vụ làm báo trong tình hình hiện nay.

Phần trình bày của ông Lê Xuân Trung

Ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, khi tiến hành chuyển đổi số, các tòa soạn sẽ gặp phải 3 thách thức lớn, đó là: lựa chọn công nghệ phù hợp; chi phí đầu tư hợp lí và xây dựng đội ngũ tinh thông. Thách thức thứ nhất, các cơ quan báo chí sẽ phải đứng trước các lựa chọn tuyển kĩ sư công nghệ để tự chuyển đổi, thứ hai là thuê và đặt hàng trọn gói chỉ tiếp quản và vận hành, phương án ba là kết hợp sử dụng lực lượng tại chỗ và thuê phần thiết kế hạ tầng kĩ thuật. Báo Tuổi Trẻ đã chọn giải pháp tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ và thuê ngoài những việc cần thiết để bảo đảm hiệu quả quản lí lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới. Thứ hai là xác định thứ tự, ưu tiên đầu tư. Đầu tư một phần hay toàn bộ hệ thống. Lời khuyên từ kinh nghiệm của ông là nên đầu tư bài bản ngay từ đầu, tránh chắp vá, thiếu đồng bộ. Ông Trung cũng chia sẻ, nếu ở thời điểm 2003 - 2005 nếu Tuổi Trẻ mua module làm báo điện tử ngay thay vì mua moudule làm báo giấy thì quá trình chuyển đổi số sẽ rút ngắn hơn rất nhiều. Về nhân lực, vị trí nào sử dụng người cũ và vị trí nào tuyển người mới khi người cũ hiểu biết bản sắc, có kinh nghiệm… nhưng không am hiểu công nghệ, không thực hiện được các sản phẩm báo chí mới, còn người mới thì ngược lại cũng là bài toán cần cân đối. Về đào tạo, tổ chức đào tạo tại chỗ hay cử đi học, vấn đề nào cần đào tạo nội bộ, sinh hoạt nghiệp vụ định kì, vấn đề nào cần cử đi dự các lớp chuyên sâu, đi nghiên cứu, học tập trong nước và nước ngoài cũng phải phân định rõ ràng.

Hội Báo toàn quốc năm 2022 có chủ đề "Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Hiện đại - Nhân văn"

Ông Phùng Tấn Cường đưa ra khẳng định, hiện nay công nghệ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của báo chí. Công nghệ chính là công cụ, và rất cần một đội ngũ vận hành nó để đạt hiệu quả cao nhất từ việc số hoá, quy trình hoá, đầu tư toà soạn điện tử, quản lí nội dung, quản lí bạn đọc…

Ông Nguyễn Đăng Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty VCCorp cũng chia sẻ những giải pháp công nghệ phục vụ quản trị và phát triển nội dung cho báo điện tử từ việc phân phối nội dung tạo ra, an toàn thông tin, bảo mật hạ tầng, hệ thống. Trong đó ông Ngọc nhấn mạnh đến việc cá nhân hoá người dùng, sẽ chỉ hiện những nội dung người đó yêu thích trên cơ sở phân tích hành vi; lựa chọn những tin bài phù hợp để phân phối trên các nền tảng mạng xã hội, kể cả nội dung cũ nhưng vẫn nhiều người quan tâm... Trong quản trị tòa soạn, công nghệ cũng có thể cá thể hoá sự đóng góp của từng bộ phận, cá nhân trong tổng thể một cách khách quan, tiện lợi.

Các ý kiến đã thống nhất nhìn nhận, chuyển đổi số chưa kết thúc sau khi thực hiện kế hoạch thành công. Thực tế, nó là một quá trình tiếp diễn. Nó là một hành trình chứ không phải dự án, nên sẽ không có chuyện kết thúc hay dừng lại nếu mỗi tòa soạn không muốn tụt hậu và bị bỏ lại phía sau.

BẢO AN

(Theo vannghequandoi.com.vn/)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy