Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
17:22 (GMT +7)

Chuyển đổi số và khát vọng Thái Nguyên

Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2021, có thể thấy rằng Nghị quyết số 01-NQ/TU đang đi vào cuộc sống, tạo nên không khí lao động sản xuất mới, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; những thói quen mới từ cuộc cách mạng “Chuyển đổi số” được hình thành và dần đi vào nền nếp đối với người dân Thái Nguyên…

Nhân dịp tròn 1 năm Nghị quyết ra đời, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Đỗ Xuân Hòa - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên xoay quanh nội dung này.


Trước tiên xin được trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành cho Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cuộc trò chuyện này!

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Ngày cuối cùng của năm 2020 đã trở thành dấu mốc của tỉnh Thái Nguyên, khi ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 định hướng tới năm 2030. Có thể nói một năm qua “chuyển đổi số” đã trở thành một từ khóa của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vậy với Thái Nguyên, sự thay đổi nào đáng kể nhất sau tròn 1 năm chúng ta thực hiện Nghị quyết thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa: Là địa phương sớm ban hành Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số, Thái Nguyên đã khẳng định quyết tâm tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số để bứt phá. Tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ban hành ngày 31/12/2020, tỉnh đã xác định mục tiêu là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 và đến năm 2030 nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn tỉnh, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, có bước đột phá, bước đầu đã tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến tư duy, nhận thức, hành động của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội.

Công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số được triển khai đồng bộ. Tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC); cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (hoàn thành từ tháng 5/2021, vượt 7 tháng so với kế hoạch); phần mềm “Ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021 với gần 200 nghìn lượt tải về.

Những kết quả này đã dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trong tỉnh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sự đồng bộ trong xây dựng chính quyền điện tử nhằm hướng tới chính quyền số mà đồng chí vừa nhắc tới có thể phần nào lượng hóa được không thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa: Chính quyền điện tử bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử. Vì vậy, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có thêm nhiều cơ hội thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh đã gửi, nhận gần 1,9 triệu văn bản. Ước tính tiết kiệm được khoảng 7,5 tỷ đồng so với gửi, nhận qua đường bưu điện; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng phòng họp trực tuyến tại các phòng họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; 9/9 huyện, thị xã, thành phố; 178/178 xã, phường, thị trấn. Số cuộc họp trực tuyến đã thiết lập dự ước đến ngày 31/12/2021 là khoảng 180 cuộc, phục vụ tích cực việc chỉ đạo và điều hành từ trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương cấp huyện, xã. Qua đó, chi phí về thời gian, công sức, của cải vật chất cho cả cơ quan nhà nước lẫn tổ chức, người dân được tiết kiệm đáng kể.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát thì Chính quyền điện tử đã hỗ trợ quan trọng để không làm gián đoạn các hoạt động chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; đồng thời hạn chế việc lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thái Nguyên xác định Chương trình Chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Vậy, bên cạnh những kết quả nổi bật ở trụ cột Chính quyền số mà đồng chí vừa thông tin, ở hai trụ cột còn lại diễn tiến ra sao thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa: Thái Nguyên đề ra 37 nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột chính, trong đó 8 nhiệm vụ phát triển Xã hội số; 11 nhiệm vụ phát triển Kinh tế số; 13 nhiệm vụ xây dựng Chính quyền số và 5 nhiệm vụ xây dựng Hạ tầng đô thị thông minh. Kế hoạch cũng đưa ra 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông - vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, du lịch.

Bên cạnh những kết quả trong thực hiện trụ cột chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, ở 2 trụ cột còn lại cũng đã góp phần quan trọng trong việc dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trong tỉnh. Cụ thể:

Đối với trụ cột Kinh tế số đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Một năm qua việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã có những bước chuyển rõ nét. Từ đó, thúc đẩy phát triển Kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số. Từ đó dần hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong 2 tháng triển khai Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, cung cấp thông tin, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

Theo đó, toàn bộ 76 sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn), sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (postmart.vn); 1.354 hộ sản xuất, kinh doanh đã được đào tạo, tạo tài khoản bán hàng cho 653 hộ, số sản phẩm đã được đưa lên sàn thương mại điện tử là 1.029. Tổng số đơn hàng đã bán thành công là 2.993 đơn, hỗ trợ tiêu thụ hơn 37 tấn sản phẩm nông nghiệp, trong đó tiêu biểu như Miến Việt Cường, Gạo Bao thai Định Hóa, các sản phẩm chè của HTX Hảo Đạt, Chè Thái Nguyên, HTX chè Thu Hiền, HTX Chè Tiến Mai, Chè hộ sản xuất Cô Yến... hỗ trợ 180.000 tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRCode cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thanh toán trực tuyến, phát triển thương mại điện tử: Viettel và VNPT đang tích cực phát triển cài đặt và khuyến khích sử dụng ngân hàng số: Viettel Pay đạt 110.000/280.000, VNPT Pay đạt 35.200/105.000 khách hàng sử dụng thường xuyên, phát sinh giao dịch qua ứng dụng…

Đối với trụ cột Xã hội số: Triển khai nền tảng xã hội số, công dân số, thu hẹp khoảng cách số với mục tiêu đưa dịch vụ hành chính công của tỉnh hướng tới người dân thông qua thiết bị di động, phân chia theo nhóm đối tượng sử dụng. Ứng dụng công dân số Thái Nguyên ID chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 01/12 với kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực phát triển nền tảng xã hội số và chính quyền số của tỉnh. Thực hiện cấp tài khoản và kết nối liên thông vào phần mềm quản lý dược Quốc gia đối với 1.260 công ty, nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được triển khai tại 17 cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện. Cùng với đó, kết nối liên thông đồng bộ đến một số bệnh viện tuyến trung ương và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện hỗ trợ khám và điều trị. Từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện một số cơ quan, đơn vị tham quan Trung tâm Giám sát an toàn thông tin tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã trở thành nối ám ảnh kinh hoàng với nhiều địa phương trong cả nước, nhưng tính đến nay, Thái Nguyên vẫn được xem là một trong những địa phương đi đầu cả nước giữ “vùng xanh”. Đồng chí có thể cho biết công cuộc chuyển đổi số đã có những tác động như thế nào trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã và vẫn còn đang tác động mạnh mẽ tới cuộc sống, công việc, học tập, lao động của tất cả người dân trong nước và thế giới. Trong khi đó, Thái Nguyên là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, lượng công nhân lao động đông nên việc khống chế dịch cần có những giải pháp hiệu quả.

Trước nguy cơ dịch bệnh, Thái Nguyên đã chủ động triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ để phòng, chống, trong đó, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen là nền tảng kết nối các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch.

Một trong những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả cao là phần mềm kiểm soát các phương tiện ngoại tỉnh đến Thái Nguyên qua đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên giúp nhận biết chính xác biển kiểm soát của tất cả các phương tiện khi đang di chuyển. Tất cả dữ liệu sau khi được xử lý tự động, phân tích thông minh sẽ được lưu trữ tại máy chủ của IOC. Lực lượng chức năng có thể truy cập từ thiết bị cầm tay thông minh thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen để đối chiếu với phương tiện cần kiểm soát.

Cũng từ nền tảng IOC, tỉnh lắp đặt gần 500 camera giám sát tại các chốt kiểm dịch, trung tâm cách ly tập trung trong đó có khoảng 400 camera được kết nối và truyền tải dữ liệu về IOC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống Covid của tỉnh, trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng như: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử, Bluezone... Toàn tỉnh cũng đã triển khai gần 18,5 nghìn điểm đăng ký mã QR để quản lý người ra vào tỉnh; nền tảng quản lý xét nghiệm và trả kết quả điện tử; nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; xây dựng bản đồ dịch tễ và trang thông tin điện tử về COVID-19 tích hợp trên ứng dụng C-ThaiNguyen…

Cùng với đó, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, UBND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thái Nguyên đã đưa vào triển khai giải pháp tiếp nhận hồ sơ trực tuyến https://hotrocongdan.thainguyen.gov.vn và ứng dụng di động C-ThaiNguyen hỗ trợ công dân Thái Nguyên ở 22 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội.

Nhờ đó mà các công dân Thái Nguyên chỉ cần gửi hồ sơ, giấy tờ qua thư điện tử hoặc ứng dụng C-ThaiNguyen sau đó chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh và xác nhận là tiền hỗ trợ sẽ được UBND tỉnh chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân. Trong gần 2 tháng, chương trình đã hỗ trợ được 11.669 người, với tổng kinh phí trên 23,3 tỷ đồng.

Mục tiêu gần trong Chương trình chuyển đổi số của Thái Nguyên trong những ngày đầu tiên của năm 2022 sẽ là gì thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Xuân Hòa: Dự kiến, Thái Nguyên sẽ tổ chức sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Chuyển đổi số và Kỷ niệm một năm Ngày chuyển đổi số 31/12, đồng thời ra mắt ứng dụng Sổ tay đảng viên và chính thức khai trương mạng di động 5G.

Với mạng di động 5G là bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, mở ra cuộc cách mạng mới trong kỷ nguyên số. Mạng 5G đã chính thức có mặt tại Thái Nguyên, như một lời cam kết của tỉnh về việc đảm bảo hạ tầng hiện đại để đón chào các nhà đầu tư trên khắp thế giới, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết về chuyển đổi số…

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Kim Ngân (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy