Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:32 (GMT +7)

Chuyến đi về “ngày hôm qua”

Ký. Minh Hằng

VNTN - Chị rời máy vi tính chạy đi tìm anh. Vui quá anh ơi, nhanh nhanh xem này. Anh vội đi tìm kính, hai mái tóc nhiều sợi bạc chúi vào màn hình. Mơ sao? Thật đấy chứ! Tàu Thái Nguyên đi Hà Nội, chỉ hơn 2 tiếng thôi. Toa khách có máy điều hòa. Chả tin á, đi thử xem. Đi nhé. Vậy là chuyến tàu hôm ấy có hai người đặc biệt. Họ đến một nơi không có địa chỉ. Họ đi về lại “ngày hôm qua”.


5 giờ 30 phút, anh và chị ra khỏi nhà. Trời xanh cao vút, hứa hẹn một ngày nắng ráo. Người đi bộ thể dục nườm nượp. Dân mình bây giờ quan tâm đến sức khỏe nhiều thật. Người người tập yoga, nhà nhà tập earobic.

Mới nghĩ được có thế đã đến ga Thái Nguyên rồi. Gửi xe vào chợ. Mua vé và lên tàu ngay. Tàu rời ga đúng giờ đến từng phút.

Khoang tàu sạch sẽ, hiện đại

Xình xịch, xình xịch. Bài báo đầu tiên chị được học “mẫu” là nói về con tàu. “Mi cực, tau cực; Mi cực, tau cực; Mi cực, tau cực…suỵt… Chỉ mấy chữ ấy thôi mà đủ trạng huống của đoàn tàu. Tiết tấu nhanh dần là tàu rời ga, tiết tấu chậm dần là tàu vào ga. Tiếng suỵt là tiếng xả phanh hơi như nỗi khổ dồn nén, tức tưởi”. Chị ám ảnh đoạn văn này đến mức, mỗi khi nghe tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray là chị lẩm nhẩm theo “mi cực, tau cực…”.

Nhà ga chị vừa lên có tên là Đồng Quang, gắn với chợ, đường, phường, bến xe ô tô đều mang tên Đồng Quang. Chị thuộc gương mặt cũ kỹ, hốc hác, chịu đựng của con tàu và người đi tàu. Hàng quán le lói đèn dầu, người đi lại tất tưởi, đầu máy phì phò ngao ngán.

 Khoảng cách Thái Nguyên - Hà Nội chưa đến 80 cây số mà dằng dặc xa xôi. Người vốn đã gầy còm vì cơm sinh viên thiếu chất, mỗi chuyến về nhà là chị hao đi hàng cân thịt.

Từ Hà Nội về Thái Nguyên, tàu xuất phát ở ga Hàng Cỏ. Nhà ga có ghi giờ chạy hẳn hoi nhưng nó cứ nằm ỳ ra, kiêu căng, hợm hĩnh. Hành khách ôm gói đồ khư khư, nhẫn nhục đợi. Một, hai, ba, bốn tiếng ư? Chuyện nhỏ. Chị đã thức trắng đêm để đợi những chuyến tàu về nhà như thế.

- Cô kia, biến ngay. Chị giật nảy người nhìn ông bảo vệ dí dùi cui điện vào một bạn trông nữ sinh như chị. Bạn này khúm núm ôm bọc đồ lủi thủi đi ra. Sao thế nhỉ, sao ác thế nhỉ?  Như đọc được suy nghĩ trong mắt chị, ông bảo vệ lại gần nói nhỏ “Nó là đứa ăn cắp đấy, cảnh giác”. Chị co người lại, ôm chặt hơn gói đồ có cân bánh mì khô làm quà cho bố mẹ.

- Mời hành khách ra tàu. Tiếng phát thanh viên nhà ga lạnh lùng vang lên.

Thế là đám người gà gật vỡ òa ra. Chen, chen, chen. Đầu gối, cùi chỏ thúc vào mặt nhau. Huỳnh huỵch lao đến con tàu lầm lì, đen thẫm trong đêm. Mặc cho mùi khai nồng, hôi hám xộc lên mũi, họ đạp lên nhau mà lên. Tay sờ, tay gạt, kiếm được chỗ ngồi là hạnh phúc lắm. Những bóng đen chua loét mồ hôi tuồn qua cửa sổ nhảy vào dẫm chân chị đau điếng. - Cô em thông cảm nhá, anh chả nhìn thấy gì. - Ai bánh giò, bánh dợm, bánh mì lào…, ai lước chè lào... ào…ào… Người bán hàng nhao lên, người đội thúng, người cắp rổ, người xách siêu, quần áo hôi sì. Khối người sau lúc ầm ĩ lại kiên nhẫn gục mặt xuống đầu gối chờ tàu chuyển bánh. Một, hai, ba… tiếng đồng hồ. Ôi thời gian, có một thời đổ uổng xuống gần 100km đường ray này.

Tàu rùng mình, cậm cạch chạy vài cây số lại đỗ. Sao nhỉ, mọi người nhớn nhác hỏi nhau. Tránh tàu chứ sao. Ray hỏng chứ sao. Hết than đốt chứ sao. Đi lấy nước chứ sao. Dân cứ hỏi và tự trả lời. Nhà tàu như người câm. Người cần tàu chứ tàu đâu cần người. Ai nói “hành khách là thượng đế” chắc bị cho là người điên. Khổ nhục thế mà người ta vẫn cần tàu, dù toa đen nhếch nhác, ngồi cạnh lợn cạnh gà cũng được. Sinh viên mang theo cân chè nhà cho thì lẩn khắp các toa tránh phòng thuế lục túi kiểm soát.

***

Chị giật mình vì anh hích nhẹ vào người: - Nghĩ gì thế em? À chuyện tàu chậm hả? Anh có tỉ chuyện như thế. Một lần anh ra ga định đi chuyến sáng Chủ nhật về Hà Nội, thế rồi đợi, làm quen một cô xinh lắm, hai bên say chuyện, ngồi trắng một đêm, sáng thứ Hai tàu mới đến. Anh vẫn lên toa cùng cô ấy, nhưng khi tàu chuyển bánh thì nhảy xuống đi làm luôn. Hôm ý anh và cô bạn kia cứ túc tắc đi bộ có khi về Hà Nội trước cả tàu.

Chị phì cười về câu chuyện “thú tội” thật thà của anh. Bỗng dưng chị nhớ đến Trưởng ga Nguyễn Hữu Nam. Cậu 32 tuổi, gắn với nhà ga này 10 năm nay. Hôm trước, đang dở câu chuyện với chị, cậu chợt nhìn đồng hồ: “10 giờ 17 phút tàu vào ga, cháu xin phép ra đón tàu”. Lá cờ nhỏ màu vàng trong tay cậu rung tíu tít chào đoàn tàu xình xịch tiến vào. Ngày nào cũng vậy, bốn chuyến đi và về, vị chi một năm cậu đứng chào tàu hơn một nghìn lần. Cậu thủ thỉ: “Cách đây ba năm, cháu lên UBND tỉnh xin văn bản gửi về Tổng cục Đường sắt đề nghị giữ lại cặp tàu QT91 và QT92. Trong trái tim người Thái Nguyên, đoàn tàu như một kỷ niệm, một hình ảnh truyền thống, chứ không hẳn chỉ có chức năng chuyên chở đơn thuần. May sao, tuyến đường sắt 60 năm tuổi này không những được giữ mà còn được thay tàu chất lượng cao hơn, tăng lên hai cặp tàu chạy bốn chuyến trong ngày”. Nhìn đám hành khách đủng đà đủng đỉnh vào ga, Nam nửa vui nửa buồn bày tỏ: Hành khách bây giờ đến ga sát giờ quá, có khi chỉ cách 5 phút tàu đến mà người mua vé vẫn xếp hàng dài, những lúc ấy chúng cháu phải làm việc hết tốc lực phục vụ, chờ khách lên ghế ngồi an toàn rồi mới phát lệnh chạy tàu. Thế mà vẫn bị mắng là chậm chạp. Nhưng chúng cháu đành chịu nhịn thôi, khách hàng là thượng đế mà. Cũng vui là khách bắt đầu quý tàu rồi, mỗi ngày chở khoảng 300 người, gấp đôi so với hồi tàu chậm cô ạ.

Chị nhìn Nam cảm thông, 30 năm mới có cái dáng đủng đỉnh, tự tại, 30 năm mới được vị thế làm “thượng đế”. Chứ đâu như thời chị, tìm được chỗ chui rúc cùng gà, lợn trên con tàu tối om om đã là may mắn. Chị lại nhớ lần trò chuyện với anh Đỗ Huy Tuệ, anh làm nhân viên khách vận ga Quan Triều và ga Thái Nguyên 38 năm nay. Chỉ còn vài ngày nữa là anh cầm sổ hưu rồi. Dăm ba câu trao đổi, chị và anh như quen nhau đã lâu.

- Đúng đúng, chị nhớ không, góc ga này có một cái giếng khơi nhá, người ta kéo nước lên đổ ra mấy chục cái chậu nhôm, khách xuống tàu đen thui, hôi hám, phờ phạc như chui ra từ địa ngục, mua chậu nước vục mặt rửa cho tỉnh táo rồi ra chỗ hàng quán kia mua bát cơm ăn lấy ăn để. Hàng trăm người bám sân ga này mà sống. Xiêu vẹo chõng che bán chè chén, phở, bún, bánh… đèn dầu tù mù như đom đóm lập lòe một vạt sân ga.

Anh Tuệ lại chép miệng: Năm ngoái tôi cũng làm một xe nước mía nhưng chỉ ít ngày là dẹp, chả bán được cho ai. Giờ chạy tàu bây giờ cũng tính đến cả bữa cơm của khách đấy. Đi 5 giờ 40 phút sáng thì về Hà Nội ăn sáng là vừa, đi 13 giờ 45 phút chiều thì đã ăn no nê ở nhà. Đầu từ Hà Nội về Thái Nguyên cũng thế, 10 giờ 17 phút và 18 giờ 30 phút, thoải mái về ăn cơm cùng gia đình. Khách đâu còn đói khát mà cần hàng quán phục vụ như xưa.

- Mời chị ạ - nữ nhân viên đường sắt mặc đồng phục quần đen, áo xanh, mũ mềm vành cong duyên dáng đặt vào tay chị cốc cà phê thơm phức. Đưa thìa cà phê nóng rẫy lên miệng, chị nhớ đến miếng cơm nắm mẹ thường dúi cho trước lúc lên tàu:

- Phòng xa kẻo đói con ạ.

Nhóm sinh viên Thái Nguyên lên tàu từ sáng sớm, về đến Hà Nội có khi đã 12 giờ đêm. Giờ ý cổng trường đóng kỹ lắm. Lũ học sinh tỉnh lẻ giở cơm nắm ra ăn, ngả lưng vỉa hè chợp mắt chờ sáng đón xe buýt về trường.

 ***

 Ngày 26-10-1979: “Nghĩa ơi, cậu chết thật rồi ư? Đây có phải là giấc mơ không? Sự thật đấy ư, không thể nào tin nổi. Không, không, đó chỉ là tin đồn nhảm nhí thôi. Thư mình trách cậu đã đến tay cậu chưa? Mong sao lá thư ấy không bao giờ đến…”

Đó là những dòng chữ trích trong cuốn nhật ký 40 tuổi của chị. Nghĩa da nâu, khuôn mặt chữ điền, ít nói, giỏi Toán, Lý, Hóa, kiên nhẫn giảng bài cho cô bạn chỉ thích văn chương. Họ ngồi cùng bàn, học cùng nhóm, cùng mơ ra nước ngoài học đại học. Chị được tuyển thẳng vào Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm I Hà Nội, Nghĩa thi đỗ Đại học Bách khoa. Hôm từ Hà Nội về, tàu không dừng ở ga Đồng Quang, Nghĩa bắt chước mấy người nhảy xuống. Mẹ Nghĩa làm ở Bệnh viện mà không biết đó là con mình vì cơ thể biến dạng. Người bạn tài giỏi của chị đã ra đi ở tuổi 18 dưới bánh sắt oan nghiệt như thế.

Nhân viên Nhà ga giúp đỡ hành khách

Không chỉ Nghĩa đâu, nhiều người chết, nhiều người què cụt thương tật suốt đời chỉ vì tàu hôm nay đỗ ga này, mai đỗ ga khác. Người đi tàu bày cách cho nhau nhảy tàu. Nhưng Nghĩa chỉ quen giải toán khó trên giấy, sao tính được vận tốc tàu vào ga, tính được điểm rơi khi quăng mình xuống đất?. Hôm lớp chị vào thắp nén nhang trên bàn thờ Nghĩa, bát hương bùng cháy. Lá thư chị gửi đã được bóc, mẹ Nghĩa đọc hộ con. Bà nghẹn ngào: - Ai trong số các cháu là bạn Hằng? Đừng trách Nghĩa nữa con nhé!

Anh lại hỏi: - Em nghĩ gì mà buồn thế? Đến đất Hà Nội rồi đấy. Nhanh thế nhỉ, mới 6 giờ 30 phút. Hương, cô bé mới quen ngồi ghế đối diện gọi điện cho người nhà ra ga đón. Điện thoại không ai bắt máy. Hương lẩm bẩm: Sớm quá, chắc nhà còn đang ngủ.

 Đến ga Đa Phúc rồi, anh bồi hồi: 40 năm trước, lũ thanh niên ngông cuồng bọn anh rủ nhau đi buôn. Dồn vốn mua được bao tải hàng mang về Hà Nội bán. Tàu cứ sắp vào ga là ôm hàng nhảy xuống tránh phòng thuế. Đến ga Đa Phúc này thì tàu ườn ra, chả biết bao giờ chạy tiếp. Cả lũ treo bao hàng lên cành cây, nằm dưới gốc canh hàng, ai ngờ ngủ say tít. Tàu rúc còi chuyển bánh mới chợt tỉnh, chạy nhào lên tàu, quên túi hàng trên cây. Chuyến đi buôn đầu tiên cũng là cuối cùng.

Cũng tầm tuổi anh và chị, Trưởng tàu Phạm Văn Lịch ngồi trên tàu nhưng hiểu chuyện dưới bánh tàu.

- Đấy, đoạn này ray mới nên êm. Đoạn này ray cũ, địa chất yếu nên tàu lắc, kêu. Tàu là của tuyến Bắc - Nam chuyển giao đấy, 7 toa tất cả. Chắc lâu chị không đi phải không? Ôi trời, tàu ngày xưa thì nói làm gì. Chỉ cần nhìn cái chỗ vệ sinh đã thấy một trời một vực nhá. Xưa là cứ “tương” thẳng xuống đường. Giờ có cả nước rửa tay, lịch sự lắm. Làm tuyến này chúng tôi tính kỹ đấy. Khoảng cách giữa đi và về là 8 tiếng, đủ thời gian thăm người thân, chờ kết quả khám bệnh, dự đám cưới...

Vừa hôm qua, Oanh, hàng xóm nhà chị đi tàu khám bệnh. Oanh bị K mấy năm nay, tháng nào cũng về Hà Nội khám và lấy thuốc một lần. Oanh bảo: Đỡ ngay ngáy lo tài xế ô tô phóng nhanh vượt ẩu, ít ra cũng đỡ phải nghe họ văng tục rác tai lắm chị ạ. Còn Hân, đồng nghiệp của chị đã kịp đưa gia đình làm chuyến picnic. Hân cười tít mắt: - Xuống tàu, em bắt xe buýt thẳng đến Royal City, cho con nhóc chơi thỏa sức, về đến Thái Nguyên trời chưa tối.

Nhìn mấy thiếu nữ thảnh thơi tô môi, tuốt marcara chuẩn bị xuống ga, anh trầm ngâm kể: Mình chờ tàu hai ngày, về Hà Nội mua chui lủi chợ đen được cái áo định tặng sinh nhật bạn. Đã đút kỹ áo trong ngực, vậy mà chen lên tàu bị một thằng thò tay móc trước mặt mình mà người chật cứng không làm gì được nó. Tức đến tận giờ.

Hương nói với con trai 10 tuổi:

- Chuyện ông kể sợ con nhỉ?

Cậu bé lúc lắc cặp má phúng phính bảo:

 - Con đang ngắm cầu Long Biên, lần sau con mang giá vẽ lên tàu vẽ luôn mẹ nhé.

Chuyến đi của hai người khách đặc biệt đã đến đích. Họ nấn ná ngồi lại Ga Long Biên, vẫy tay tạm biệt con tàu đổi đầu ngược về xứ Thái.

Xình xịch, xình xịch, chị bỗng nghe bánh sắt cất tiếng “Vui cực, vui cực; Vui cực, vui cực; Vui cực, vui cực...”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước