Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
06:21 (GMT +7)

Chuyện của Tắc Xình

Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Nếp nhà sàn của Noọng Homestay nằm bên bờ sông Cầu (phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên) hôm ấy sáng đèn khuya lắm. Tiếng gõ “cách cách, kịch; cách cách, kịch; cách kịch” cần mẫn; tiếng cười nói, tiếng bước chân thậm thịch. Đứng giữa vòng người háo hức, ông Hầu Thanh Tĩnh - Nghệ nhân ưu tú người Sán Chay - miệt mài truyền dạy điệu múa Tắc Xình.

Đêm thức trắng của gia đình trưởng bản

Này tay vung, này chân nhún, động tác tra hạt, động tác phát cây… các bà, các cô tuổi 60,70 quanh phố cùng các cháu tuổi 18 là sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc say sưa tập theo ông Tĩnh. Có lẽ trên đất nước này, hiếm có bộ nhạc cụ nào giản đơn đến như thế: Đoạn ống tre dài chừng hai gang tay với một cái que, tay phải gõ que vào ống tạo tiếng “cách, cách”, tay trái vỗ ống xuống đất tạo tiếng “kịch”. Chỉ mươi phút tập, cả già cả trẻ đã “chơi nhạc” thành thạo.

  Điệu nhảy Tắc Xình tại Lễ hội cầu mùa xóm Đồng Tâm, năm 2023

Chuyển sang học múa, mỗi điệu vài động tác đơn giản. Chỉ 3 buổi siêng năng, các học trò đã học thuộc 12 điệu: Thăm đường (họi lù), hóa tiền vàng tạ ơn thần linh (phát schin), đánh dao (tá tou), mài dao (mo tọu), phát nương (chám schi), dọn nương (pánh schi), chọc hố (tím schi), tra mố (dẹt coc), hái lượm (mắn vụ), gánh lúa (tăm vu), múa hội (hối lù), chim câu (piệc cạu cu). Cháu Lò Mí Thắng (dân tộc Lô Lô); cháu Lầu Á Hùng, Ngô Thị Liên (dân tộc Mông); Đàm Hải Anh, Nguyễn Ngọc Quỳnh (dân tộc Tày), sinh viên K16 lớp Quản lý văn hóa lau mồ hôi, nói với tôi: Thích lắm, vui khỏe mà dễ học cô ạ.

Với nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh, đây là buổi truyền dạy lần thứ bao nhiêu, ông lắc đầu bảo không nhớ. “Chẳng cần công xá gì đâu, tôi đi xe máy xuống được mà. Tôi muốn điệu Tắc Xình của dân tộc mình “lan” ra cả nước, cả thế giới, vì nó hay như thế, sâu sắc, tha thiết đến thế cơ mà”.

Các sinh viên Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc tập múa Tắc Xình tại không gian Nọong Homstay, dưới sự truyền dạy của nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh

Ngồi uống trà trên căn nhà sàn của ông Hầu Thanh Tĩnh (64 tuổi) ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương hôm xóm mở lễ hội Cầu Mùa, tôi thấy mình ngập trong không khí cổ xưa của một gia đình “khai sơn phá thạch”. Gần 100 năm trước, cụ Hầu Thanh Toòng cùng 7 gia đình khác về định cư nơi này. Họ làm nên bản Đồng Tâm tươi tắn cùng Sấng Cọ, múa Sạp, bánh hình con chim và nhiều di sản văn hóa đặc sắc khác.

Trong tiếng gió u u thổi về từ rừng Chò, nơi ngự ngôi đình làng linh thiêng, tôi nghe ông Hầu Thanh Tĩnh kể về “nguồn cơn” của Tắc Xình. Điệu múa “bước” ra từ nghi lễ Cầu Yên thấm đẫm huyền thoại mà gần gũi tươi mới.

Người ông Tĩnh nhắc tên nhiều là ông Nguyễn Duy Sơn (họa sĩ Duy Sơn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên), Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Phú Lương. Con người tài hoa ấy đã rời cõi tạm năm 2022 ở tuổi ngoài 60, nhưng tên ông luôn được bà con Đồng Tâm nhớ kể với lòng biết ơn trìu mến.

- Tháng 11 năm 1996, tôi khi đó là Trưởng bản Đồng Tâm - ông Tĩnh nhớ lại - Ông Sơn lên chờ tôi và già bản từ sáng đến 4 giờ chiều mới gặp. Ông Sơn hơn tuổi nhưng khiêm tốn gọi tôi là “đại nhân”, ông nói: Phòng Văn hóa Thể thao huyện dự kiến tổ chức tổng kết 1 năm Cuộc vận động Xây dựng làng bản văn hóa và Ngày hội văn hóa lần thứ nhất của huyện tại bản ta. Tôi đề nghị các “đại nhân” cùng nhau nhớ lại xem trong kho tàng văn hóa của dân tộc mình có bài hát gì, điệu múa gì mang đậm bản sắc thì mang ra trình diễn trong ngày Hội. Được như vậy thì quá quý…

Cả đêm đó gia đình tôi không ngủ. Ông nội tôi, bố tôi và tôi chụm đầu bàn bạc. May mắn, ông nội tôi là Hầu Văn Toòng (sinh 1912) trước đó được dân bản bầu làm ông “Tén” (chủ nhang, quản lý, cúng lễ tại Đình) nên giữ một số bộ sách cổ chữ Hán, có ghi lại điệu Sấng cọ và nghi lễ Cầu Yên vào ngày lễ Đình (2/2 âm lịch hằng năm). Bố tôi là Hầu Văn Bình, năm đó 56 tuổi, bóp đầu nghĩ rồi chợt bảo: Phải tìm gặp mấy ông thầy Tào bên xã Phú Đô, may ra…”.

Ngồi kể lại chuyện gần 30 năm trước, ông Tĩnh rưng rưng: Hành trình tìm Tắc Xình hóa ra khá gian nan. Hàng chục người đã giúp tôi, giúp bản Đồng Tâm, giúp người Sán Chay có điệu Tắc Xình nay hầu hết đã theo thang mây về trời, nhưng tôi đã ghi tên tuổi họ cẩn thận, đi đâu truyền dạy tôi cũng kính cẩn nhắc mọi người nhớ và tri ân họ.

Ngôi đình thiêng và rừng chò cổ

-Cô không được lên Đình đâu - một phụ nữ đứng tuổi mặc quần áo dân tộc Sán Chay nghiêm nghị nhắc tôi.

-Nghe nói ông Tén đã xin cho mọi người hôm nay được lên Đình, kể cả phụ nữ mà - tôi lí nhí cãi.

-Nhưng cô mặc áo đỏ…

Vậy là tôi ngậm ngùi đứng dưới chân núi, dỏng tai nghe tiếng cầu khấn lầm rầm và tiếng chiêng mõ trên Đình vọng xuống.

Chắp nối câu chuyện của mọi người, tôi thấy sự ra đời của ngôi đình ở bản Đồng Tâm khá kỳ lạ.

Vào khoảng năm 1924, nhiều sự việc không may xảy ra với dân bản. Trâu bò chết, người ốm, ngô không nảy hạt, lúa chẳng đơm bông. Mọi người bảo nhau đem lễ đến gặp ông thầy cúng họ Nguyễn tên Thế ở làng bên. Ông Thế cho biết thổ thần thổ kỳ ở đây rất thiêng, phải làm lễ cầu thì mới yên được. Dân làng bảo nhau lập đình thờ cúng. Nhưng năm 1972, Đình bị cháy, có một mái gianh bay đi, đậu xuống khu rừng Chò này. Nghĩ là thần linh mách bảo, các cụ cho dựng Đình tại đây. Điều đặc biệt là cây Chò chỉ tự mọc ở quả núi này, mang trồng nơi khác đều không sống. Những cây Chò cao vút, thân màu trắng ngà quây lấy ngôi Đình đơn sơ.

Tác giả (trái) trò chuyện với nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh

Tôi chợt nhớ đến có lần trò chuyện với ông Nguyễn Duy Sơn, ông kể trong một lần lang thang các hội làng xem có gặp dị bản nào của Tắc Xình nữa không, ông gặp 3 thầy Tào mang đến hai nhạc cụ cổ là trống nứa (choóc slam sle) và trống đất (náy cau). Trống nứa được làm từ một đoạn ống nứa, lấy dao tách ra một sợi mảnh rồi dùng que căng thành dây đàn gẩy “cách cách”. Trống đất thì khoét khoảnh đất hình chum, lấy đoạn vỏ cây Chò căng lên làm mặt trống. Trên đó người ta dựng một ngạnh cây rồi căng sợi dây chéo nối ngạnh cây xuống đất. Dùng que gõ vào sợi dây sẽ tạo âm thanh “pừng pừng”. Kết hợp giữa trống nứa và trống đất sẽ thành “bản nhạc” cách - pừng, cách - cách - pừng, hay còn phiên âm là tắc - xình, tắc - tắc - xình…

Dường như có mối quan hệ nào đó vừa mơ hồ vừa rõ ràng giữa ngôi Đình và điệu Tắc Xình? Có thể lắm chứ, đây chính là nơi xa xưa người Sán Chay làm lễ Cầu Yên và chế tác ra nhạc cụ đệm cho động tác cúng tế? Tôi bỗng thấy rừng Chò xao động, triệu triệu lá Chò đu đưa như muốn kể với tôi điều gì mênh mông lắm.

Tắc Xình ngày càng bị sân khấu hóa

Tôi trở lại xóm Đồng Tâm khi lễ hội Cầu Mùa đã qua khá lâu. Không còn cảnh má đỏ môi hồng và các bộ lễ phục xúng xính; không còn các tay máy đề nghị bà con tạo dáng chụp ảnh, quay phim… Bản làng trở về chân mộc như người phụ nữ không trang điểm cặm cụi công việc thường ngày.

Lại ngồi trên nếp nhà sàn hôm trước, cùng lật giở những trang sách chữ Nho sắc sảo truyền từ đời nảo đời nào trong dân tộc Sán Chay, tôi lắng nghe tâm sự của ông Tĩnh.

Những cuốn sách cổ được nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh gìn giữ

Sau khi Tắc Xình được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, ông Tĩnh đã thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa dân tộc Sán Chay của xã; Phòng Văn hóa Thể thao huyện Phú Lương cũng lên ý tưởng hình thành mô hình du lịch trải nghiệm cho du khách ăn, ở, mặc, múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ ở Đồng Tâm... Nhưng đến nay, ông Tĩnh không còn ở trong Câu lạc bộ và ý tưởng du lịch trải nghiệm chưa triển khai vì không có kinh phí và thiếu nhiều điều kiện khác.

Điệu múa Tắc Xình đã có bước chuyển dài. Từ chỗ chỉ có 2 thầy Tào làm động tác minh họa cho bài cúng Cầu Yên, nay thành đội múa hàng chục người có nam có nữ; từ chỗ chỉ có một ống nứa níu vào ngọn tre gõ hoặc chiếc “mõ” dắt thắt lưng hai ông Tào cầm nhịp, nay thêm trống đất, trống da, kèn pí lè và chập cheng. Từ chỗ 12 động tác nay có khi đi diễn chỉ cần 2 - 3 động tác gốc rồi kết hợp với điệu múa của nhiều dân tộc khác. Ông Tĩnh bảo: Lúc đầu xem người ta diễn tôi cũng thấy khó chịu, nhưng dần phải chấp nhận thôi.

Công việc chính của Nghệ nhân Ưu tú Hầu Thanh Tĩnh là truyền dạy. Ông có mặt ở Định Hóa, Đại Từ, hầu hết các xã của huyện Phú Lương. Không chỉ dạy cho cộng đồng người Sán Chay, ông còn dạy cho đội ngũ giáo viên để Tắc Xình vào trường học. Ông sẵn sàng nhận lời truyền dạy không công cho những nơi có nhu cầu. “Tôi giữ quan điểm là mình phải dạy động tác gốc và nội dung có trong hồ sơ đã được phê duyệt”. Ông Tĩnh trầm ngâm: Tôi chỉ muốn người múa Tắc Xình nhớ cho rằng, điệu múa này có nguồn gốc sâu sắc và là báu truyền của người Sán Chay. Mỗi động tác phải thể hiện được lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, những thế hệ đã chịu nhiều cực khổ khai sơn phá thạch để có thành quả hôm nay.

Riêng tôi thấy mình có mối duyên nợ nào đó với múa Tắc Xình, bởi vài chục năm trước tôi đã “phải lòng” tiếng “tắc tắc kịch, tắc tắc kịch” mà đắm đuối hàng giờ ngồi xem múa. Để bây giờ, nhìn Tắc Xình lan xa và dần đổi khác, tôi muốn nói một câu thao thiết từ đáy lòng: Hòa nhập thôi, đừng hòa tan nhé, ơi Tắc Xình!

Múa Tắc Xình là nghệ thuật trình diễn dân gian mang tính tâm linh quan trọng trong lễ hội Cầu Mùa của người Sán Chay.

Múa Tắc Xình của người Sán Chay được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh sinh năm 1959, tham gia quân đội từ 1976 đến 1988. Ra quân ông làm việc ở xóm, xã đến năm 2007.

Ông là một trong số ít người cao tuổi Sán Chay hiện nay biết múa Tắc Xình và hát Sấng Cọ. Ông được Chủ tịch Nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015.

Minh Hằng - Tuyết Nhung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 2 tháng trước