Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:43 (GMT +7)

Chuyện của người Cam Giá thời đánh Mỹ

VNTN - Ông Thành chống cằm vào cái cán xẻng ngắm nhìn cây đa. Ông đang cùng những cựu chiến binh và bà con lựa chỗ cho chiếc cần cẩu đặt cây đa mới được chở về. Các cụ cao tuổi cùng với ông mới nhớ cây đa Mỹ nó ném bom bay đâu mất nằm ở chỗ nào. Mà cũng chỉ có ông, cái thời còn nhỏ xíu trên cái sân đình Cam Giá này là chỗ đánh khăng đánh đáo mà ông đã thuộc làu làu. Nhưng để hình dung chính xác cây đa nằm ở chỗ nào thì đến giờ ông cũng chịu. Tuy theo con ra đất Thủ đô sống cả chục năm nay, ông vẫn canh cánh làm một cái gì đấy, thật nhỏ nhoi thôi cho cái xã Cam Giá, cái làng Lau này.

Ông Thành chép miệng: thế mà đã nửa thế kỷ trôi qua, cuộc đời ào một cái, nhưng dẫu sao ông và những cựu chiến binh Cam Giá vẫn là người lính chiến năm nào…

Ông nhắm tịt mắt lại, những chuyện xưa như một cuốn phim quay chậm lần lượt hiện lên. Cái ngày đầu của hòa bình năm 1954 ấy, những ngày đầu của người dân nghèo quê ông được làm chủ đất nước, có trâu cày, ruộng cấy. Cũng nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà ngày ấy ông Thành mới được đi học, những năm cuối cấp 3, trường sơ tán tận xã Đông Yên, Tích Lương, ông cùng với ông Bình ở trọ cùng một nhà.

  Chẳng biết tên thật ông chủ nhà là gì, chỉ thấy người ta gọi bằng cái tên rất lạ là: “ông Phức Tạp”. Ông Phức Tạp nghiện rượu nặng, vợ con ông không biết bao nhiêu lần can ngăn, thậm chí có khi cãi nhau, xô xát om xòm cả xóm. Nhưng đâu lại vào đấy, ngoài cái thành tích nghiện rượu ra, theo ông Thành thì ông Phức Tạp rất hiền lành và tốt bụng, lại còn cần cù chịu khó nữa chứ. Khi uống rượu, ông Phức Tạp cũng biết là mình có lỗi, chả biết nói gì lại với vợ con, chỉ lầm rầm trong miệng câu “phức tạp”.

Cam Giá giờ đã là vùng đào nổi tiếng của thành phố Thái Nguyên

  Bàn học của hai cậu học trò được kê ở một bên hồi nhà. Đầu hồi đối diện phía bên kia là giường nằm và cái tủ đựng rượu của ông Phức Tạp. Cũng bởi thế, lần nào ông Phức Tạp mở tủ lấy rượu là các cậu biết ngay. Nghe tiếng lạch cạch, Thành và Bình nháy mắt nhìn nhau... Ông Phức Tạp cố mở thật khẽ, sợ mọi người nghe thấy, nhưng mồm ông thì lại vẫn không quên lầm rầm câu “phức tạp”. Để hai anh em ngồi học bên này cứ bấm vào chân nhau mà cười thầm… Còn ông Phức Tạp, sau chầu rượu uống vụng thì ông mới hết “phức tạp” và bắt đầu kéo bễ khò khò.

Ông Thành nhớ rất rõ từng con đường nhỏ, từng bờ tre, khe suối. Nơi mà, cả suốt những trưa hè đuổi bắn chim bằng súng cao su. Nhưng cả cuộc đời, ông chỉ bắn được mỗi con chích bông, con chim sâu tội nghiệp nhỏ xíu, mà sau nghĩ lại thấy ân hận khi biết nó chỉ chuyên bắt sâu, bảo vệ mùa màng.

Ngày ấy dòng sông Cầu cũng nên thơ lắm chứ. Nó uốn lượn bao quanh tới gần một nửa xã Cam Giá của ông Thành. Rồi nó mang nước và mang phù sa màu mỡ cho đồng ruộng, nuôi sống bao đời những người dân lam lũ, chịu thương, chịu khó quê ông. Một quả đồi to, dài tới 700m, rộng 300m như quả trứng nằm ngang, trong cái vòng uốn lượn của con sông là xã Cam Giá. Chính “nửa quả trứng” quê ông nó đã “nắn” dòng sông Cầu đang chảy êm đềm qua thành phố Thái Nguyên phải đổi hướng. Dòng sông bao quanh xã ông, làng ông rồi lại hiền hòa xuôi về vùng quan họ, trữ tình, nơi Kinh Bắc. Từ xa xưa, trên đỉnh đồi đã có đình và chùa khá to và đẹp, gọi là đình làng Lau. Trên quả đồi ấy là nơi lý tưởng để đặt trận địa pháo cao xạ 100 ly và các loại súng nhỏ khác. Nó bảo vệ hiệu quả ba mục tiêu, cách đều ở ba hướng. Một là khu công nghiệp Gang Thép ở phía tây, hai là hệ thống thủy lợi đập Thác Huống ở phía bắc và ba là cầu Trần Quốc Bình…

Bởi thế Cam Giá quê ông giữ vị trí đắc địa, về mặt quân sự, còn về mặt phong thủy cũng thật tuyệt vời. Phần đầu xã Cam Giá nhìn xuôi theo dòng sông là cả cánh đồng, bằng phẳng chạy dài tít tắp, cũng là hướng Minh Đường của ngôi đình, mà người xưa đã chọn. Ngôi đình, lúc bé ông Thành cùng bạn bè hay lên chơi đùa các trò chơi của tuổi thơ. Bên đầu hồi có một cây mít rất to, mà người ta gọi là cây mít mẹ của cả vùng. Cửa đình theo hướng đi “Tây Trúc lấy kinh” của thầy trò Đường Tăng. Nơi có một cây đa già, rất lâu năm rồi nên chẳng ai nhớ nó có tự bao giờ. Khi ông Thành biết nó, thì nó đã già cỗi, thân gốc mốc trắng, xác những con ve sầu bám đầy thân, chúng “cải lão hoàn đồng”, để đón một mùa hè mới.

Thế mà cả đình chùa, cả rừng cây biến mất, sau những năm ông Thành xa quê đi bộ đội. Nay trở về đình chùa không còn, bọn xâm lược thì bị ta đánh cho tơi bời, như lời Bác Hồ căn dặn: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào…”. Nhìn cảnh trống trơ sân đình, gốc đa của làng Lau, của Cam Giá mà ông Thành không kìm nổi nước mắt… Mãi năm 2012, sau bao nhiêu trăn trở quyên góp, thu phục nhân tâm, người dân Cam Giá, cùng nhiều nhà hảo tâm đã xây dựng lại đình, chùa, trên quả đồi xưa, trên đúng cái nền móng cũ, đã trả lại một thời cái uy nghiêm tâm linh trong khang trang, bề thế.

Ông Thành xa quê, được tin mọi người xây dựng lại ngôi đình xưa, ông đã cùng người em mua một cây đa to, trồng cạnh mái đình cho đúng chất của làng quê Việt. Hôm trồng cây đa, thật tưng bừng hồ hởi… Nhưng những chuyện xưa vẫn ùa về trong tâm trí ông.

…Ngày ấy, cái ngày “không lực Hoa Kỳ” ồ ạt kéo bom đạn ra miền Bắc. Cái xã Cam Giá quê ông thành rốn bom, rốn đạn. Nên có người gọi đùa là xã “gia cám” vì ác liệt quá, có thể sánh với Quảng Bình, Vĩnh Linh. Mục tiêu chúng cần đến là khu công nghiệp Gang Thép, cầu, cống và các trận địa pháo. Hơn nữa Thái Nguyên cũng là thành phố công nghiệp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thế là bỗng dưng quê ông thành rốn bom, rốn đạn, hầm hào đào chi chít, bộ đội thì kéo pháo lên đồi, xây dựng nhiều trận địa cao xạ.

Để giảm sự thương vong đáng tiếc xảy ra, xã Cam Giá, hợp tác xã làng ông, cái tổ dân quân của ông được thành lập có ba thanh niên để thu gom mảnh bom đạn và bom bi chưa nổ của bọn giặc trời để lại. Tổ thu gom bom đạn, phế liệu chiến tranh ngày ấy gồm có ông, anh Tần và chị Ninh. Anh Tần đã hy sinh ở chiến trường, nay còn chị Ninh đang sinh sống ở phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên.

Gia đình anh Tần là Việt kiều về nước tham gia chống chiến tranh của Mỹ. Nghe đâu gia đình anh sinh sống ở mãi Tân thế giới, một thuộc địa của Pháp, một hòn đảo ngoài biển Thái Bình Dương. Anh đã theo gia đình về nước năm 1960, đi học rồi anh xung phong đi bộ đội và đã anh dũng hy sinh. Nhưng gần đây thôi, có một người quê ở tỉnh Hải Dương, tìm gia đình anh Tần. Họ bảo gia đình họ cũng có con là liệt sĩ, họ đã lần mò bao nhiêu năm để đi mang được hài cốt liệt sĩ về quê. Nhưng hàng đêm “hồn liệt sĩ” cứ về báo mộng và nói là: “Tôi tên là Tần ở xã Cam Giá, tỉnh Thái Nguyên…”. Được báo mộng như vậy đã nhiều lần nên gia đình họ tìm lên làng Cam Giá xem thực hư ra sao.

Sau chuyện ấy, gia đình anh Tần đã mấy lần tìm về Hải Dương, tìm về gia đình người liệt sĩ ấy, câu chuyện chẳng biết ngã ngũ ra sao. Còn tôi biết gia đình anh Tần là một gia đình điển hình của Việt kiều yêu nước. Nghe tiếng gọi của Bác Hồ, của Đảng, gia đình anh về nước để cùng gánh vác chống cuộc chiến khốc liệt và được cho là không cân sức của một tên đế quốc sừng sỏ nhất thế giới.

Lúc mới về, gia đình anh Tần được sắp xếp ở cùng với gia đình Thành, vì nhà Thành khá rộng. Bố mẹ anh Tần có 5 người con. Họ mang về cơ man nào là đồ đạc, toàn những thứ lạ hoắc đối với những người dân mình ngày ấy. Nhưng của cải vật chất mang về, với 7 miệng ăn, cũng dần dần cạn kiệt.

Thời ấy, miền Bắc xã hội chủ nghĩa xây dựng hợp tác xã nông nghiệp để làm ăn tập thể để huy động được nhiều nhân lực, vật lực dành cho cuộc chiến chống đế quốc Mỹ. Ngày ấy, ở xóm ông Thành ở có một lão nông chi điền, chiều nào cũng tòng teng vài ba cái lờ trên vai đi đánh tôm, đánh cá. Cánh trẻ như ông Thành cứ chạy theo mãi mà nghe ông hát. Miệng lão cứ dẻo keo, tỉnh bơ, để bọn thanh niên, thiếu niên xóm chạy theo nghe lão ta mà cười đến vỡ bụng. Lão đọc thế này chứ:

“Ai ơi đừng tưởng tôi già 

Đây còn đủ sức mang ba cái lờ…”

Nhà tôi nó cũng khù khờ.

Thơ tôi, mụ lại  úp lờ lên trên.

Tôi đan lờ đẹp lại bền

Ngâm tôm, được cá, 

                   còn thêm chim nè.

Mò cua, bắt ốc, kéo te

Nghèo -  nên tôi phải 

                       chẻ tre đan lờ…

Bây giờ lúc nghĩ đến ngày xưa ông Thành vẫn không khỏi thoáng qua cái buồn của một thời, làm đêm, làm ngày mà vẫn không đủ ăn. Với hợp tác xã nông nghiệp ngày ấy ở xã Cam Giá này tất cả tài sản, tư liệu sản xuất, như trâu bò, cày bừa, ruộng đất… đều là của tập thể. Thế nên đã có lần ông anh rể ông Thành nói một câu vừa là bông đùa nhưng cũng thật sự chua chát. Ông bảo: “Đời thủa nhà ai, đến bãi phân ở trong chuồng trâu nhà mình, muốn mang bón cho cây chuối cũng phải nhìn trước, nhìn sau, xem có ai biết không? Ai mà bắt gặp thì đúng là mình “ăn cắp” “cái ấy” của nhà mình…”.

Thế đấy, nhưng không vì những khó khăn ấy mà cánh trẻ như ông Thành hay gia đình anh Tần, một kiều bào yêu nước chùn bước. Trong thời buổi chiến tranh, khó khăn trăm bề gia đình anh Tần phải cố gắng lắm mới mua được cái mảnh đất làm chuồng trâu của nhà bà Mẫn. Rồi ông cụ, bố anh Tần cũng mất tại đấy, tại cái gốc mít bên chuồng trâu năm xưa của nhà bà Mẫn. Khi cụ đang buộc trâu vào gốc mít thì bị “bọn giặc trời” thả bom bi trúng. Ông Thành là người đầu tiên chạy ra với cụ. Nhìn tội ác của chúng mà ông nắm chặt hai tay, hàm răng nghiến lại, cả con trâu và ông cụ đều nằm gục trên vũng máu, tay ông cụ còn nắm hờ sợi chạc trâu, chỉ kịp vòng qua gốc mít mà chưa buộc vào gốc cây.

Ngày ấy, bom đạn địch thả xuống quê ông Thành khá nhiều. Ngày nào cũng có dăm bảy nhà bị cháy. Dân quân xã Cam Giá căng sức ra mà chạy, mà chữa cháy hết nhà này đến nhà khác, cấp cứu người bị thương vong… thôi thì gia súc bị chết la liệt, cây cối bị cày bật gốc, ruộng vườn tan hoang.

Thế là cái tổ thu gom bom đạn chưa nổ của ông ra đời. Tổ chỉ được học cách thu nhặt bom sơ sơ do thành đội huấn luyện, để hàng ngày đi thu nhặt những quả bom chưa nổ, góp phần giải phóng đất ở và đất sản xuất, tránh những thương vong. Các ông nhìn trên ruộng bùn hay ruộng lúa, thấy cái hố nào tròn đều và sâu thì có nhiều khả năng là hố đó có bom bi chưa nổ. Còn hố nào rộng, nông, không gọn, là mảnh bom hoặc đất đá từ nơi khác văng tới. Tổ nhặt bom của ông Thành dùng thuốn sắt chọc nhẹ xuống theo hố bom, nếu thấy cứng nhắc, chắc là bom hoặc mảnh bom, còn mềm mềm là đất. Cứ thế họ đối mặt với thần chết để hàng ngày nhặt bom, thu gom mảnh đạn xếp khẽ vào quang gánh, rồi cho vào bao tải, dòng dây thả xuống giếng sâu phòng khi nó nổ. Cái giếng mà đến nay ông vẫn hình dung ra được, cái giếng ở bờ tre mãi bìa làng, chẳng biết nay đã có ai lấp đi chưa.

Ngày ấy chính mắt ông Thành nhìn thấy bộ đội Trung Quốc đóng quân gần làng ông, họ dùng xẻng xúc bom bi ngay từ lòng quả bom bi mẹ, đổ vào bao tải như xúc đá. Hôm ấy, quả bom bi mẹ rơi xuống, vỡ oạc ra ngay gần trận địa pháo 100 ly của bộ đội Trung Quốc. Rất nhiều quả bom bi sáng choang, được bộ đội Trung Quốc xúc loảng xoảng, chả cần nương nhẹ gì? Cứ đứng nhìn họ làm, ông Thành thật là khó hiểu. Bộ đội Trung Quốc họ làm được ắt mình phải làm được chứ. Dẫu sao họ cũng phải được đào tạo cơ bản, họ phải có kỹ năng, hiểu sâu về vũ khí. Thế thì sao họ lại dùng xẻng để xúc bom con, trong lòng bom mẹ, trong khi nhiều trường hợp, chỉ tác động nhỏ hơn thì bom lại nổ.

Câu hỏi cứ dằn vặt mãi, trong đầu Thành, mà ở cái tuổi còn quá trẻ, hơn nữa ở một vùng quê bán sơn địa chưa lý giải được. Rồi những ngày sau ông Thành tự mày mò, tìm tài liệu để hiểu sâu về thứ vũ khí chết người này. Qua thời gian, ông Thành đã có thể biết chắc quả bom nào có thể bỏ túi đi chơi, quả bom bi nào thì phải thật “nương nhẹ”, cẩn trọng vì nó đang ở tư thế chờ nổ. Khi những quả bom con, thỉnh thoảng còn sót lại, kẹt trong vỏ quả bom mẹ, rồi hình ảnh những anh bộ đội Trung Quốc xúc bom con cho vào bao đã dạy ông cách nhìn nhận rõ loại vũ khí giết người của không lực Hoa Kỳ.

Ông Thành tự lấy trộm chiếc cưa cắt sắt cũ của bố, tìm một nơi vắng vẻ, ít người qua lại, hì hụi chọn những quả mà ông cho là an toàn. Rồi ông nhẹ nhàng luồn lách cưa chiếc đai đồng bao quanh quả bom để tách 2 nửa quả bom, vô hiệu hóa nó. Khi tách ra làm đôi cái thứ vũ khí giết người của giặc Mỹ, ông chú ý có một cơ cấu tạo nổ, nằm giữa hai khối thuốc. Chiếc kim hỏa giống như cái cối giã gạo, mỏ cối luôn nằm im trong hốc cối. Trên đầu “cối gạo”, tức phần đuôi kim hỏa có ba chiếc búa bằng hạt lạc chụm vào, những chiếc búa này luôn đè cối nằm im. Nhưng ba cái búa chết chóc ấy chúng cũng rất cơ động, khi có lực ly tâm đủ mạnh, lúc quả bom xoay tít trong không khí, thì ba cái búa xòe ra, đầu “cối gạo” không bị búa đè nữa, nên kim hỏa gắn cới đầu cối giã gạo bất ngờ được nâng lên cao. Ở ngay bên dưới kim hỏa ấy, lúc này hạt nổ được đẩy vào chiếm chỗ hốc cối, nhờ một chiếc lò xo đẩy ngang. Hạt nổ lúc này nằm đúng dưới kim hỏa, trong tư thế này, chỉ cần bom dừng xoay, khi lực ly tâm bị triệt tiêu, ba chiếc búa cùng đập xuống là bom phát nổ và hàng ngàn viên bi bay tứ phía gây nên chết chóc và sát thương những người vô tội.

Vậy đấy, kết cấu của “sản phẩm văn minh Hoa Kỳ” khá đơn giản nhưng tinh vi, đã mang những cái chết tức tưởi cho người dân quê ông. Quân xâm lược cũng tính toán từ nhà máy sản xuất, đến lắp ghép, vận chuyển, khi chất trong kho hay lúc lên máy bay. Chúng cũng va chạm nhau chứ, nhưng chúng không thể nổ, chỉ  khi nào quả bom con được xoay ly tâm tự do rồi mới nổ, còn nếu nhỡ “cối gạo” có dập tý chút nào đó thì cũng là giã không gạo mà thôi.

Rồi trên hai bán cầu bom “quả ổi” ấy, có các múi cong nổi gờ lên, để bom xoay tròn theo hướng vuông góc với kim hỏa, những múi khế đó như cái chong chóng, làm bom quay trong không khí. Sự tính toán khí động học đến tinh vi cho một thứ vũ khi gây nên tang tóc cho biết bao gia đình ngay ở xã Cam Giá quê ông.

Ông Thành đã rút ra được rằng: chỉ khi nào quả bom mẹ được ném xuống, với đủ độ cao nhất định. Bom mẹ tự nổ trên không, văng lũ con ra, chúng được tự do xoay trong không khí, nhờ lực ly tâm đưa kim hỏa nằm chờ trên hạt nổ. Lúc ấy bất luận, bằng cách nào, bom dừng bay, hết lực ly tâm, là phát nổ…

Thế là ông Thành phổ biến cho mọi người, mọi nhà đều có thể tự động thu gom bom bi của giặc Mỹ, rồi dìm cái chết chóc chưa kịp gây tội ác ấy xuống chiếc giếng đầu làng. Dẫu sao cái mùi khét lẹt của nó, cái tử khí của nó cũng làm ô nhiễm quanh vùng.

Nhưng chúng cũng có lợi, không biết đâu được sự sáng tạo của người dân quê ông. Bọn chúng bảo: “Đánh cho Việt Nam quay về thời kỳ đồ đá…”. Nhưng trên thực tế nó lại giúp xã Cam Giá quê ông “tiến tới đồ nhôm”. Những chiếc cánh của quả bom mẹ bằng đuya-ra to đùng được người Cam Giá quê ông dùng đúc nồi nấu cơm, nấu canh, làm chảo rán cá, làm ấm chén hoặc được cưa làm lược. Để đến nỗi tên phi công Mỹ khi bị bắt phải trợn tròn mắt nhìn ngắm những vật dụng mà mảnh máy bay Mỹ hay cánh bom mang lại.

Trước ngày lên đường, ông Thành có những đêm đi gác cầu. Mọi người ngủ ngay trên sàn bê tông, chỗ đứng để mọi người quay, kéo cánh cửa cống, khi đóng mở, điều tiết nước. Một hôm ông Thành mang theo quả mít, mọi người ăn xong, lăn ra ngủ. Đang say sưa thì ông vô cùng hoảng sợ, vì thấy trong quần mình có cái gì lục xục, cào giẫy. Tổ canh cống có bảy tám người cả trai lẫn gái nên con trai cũng mặc quần dài. Ông Thành khe khẽ nới thắt lưng quần, con vật càng giẫy mạnh. Ông Thành khẽ thò tay, nâng cạp quần lên. Bỗng nhói buốt ở mu bàn tay, ông Thành kêu toáng lên và giật tay ra. Trời ơi, một con rết to như cái đũa cả, dài quềnh quàng, răng nó còn cắn chặt, bao nhiêu cái chân gớm giếc của nó cuốn chặt quanh bàn  tay. Ông vùng vẫy kêu thét lên, con rết bị văng vào đống chăn chiên.

Tất cả mọi người hoảng hốt vùng dậy, chạy toán loạn, họ soi đèn tìm kiếm. Con rết thật to, vàng óng, dài bằng cả gang tay, bám chặt vào mảnh chăn. Mọi người lúng túng hoảng sợ, làm rơi cả chăn cùng con rết xuống sông. Nọc độc của rết nhanh chóng ngấm vào ông Thành, nó buốt khủng khiếp, cái đau chạy giần giật trên cánh tay. Mấy người con gái, chả biết ai bảo, lấy cả đuôi sam tóc, sát, xoa vào vết cắn trên tay ông Thành, theo cách dân gian. Nhưng chả nghĩa lý gì, một lúc sau cánh tay Thành nhức buốt tím tái, rồi tê dại, không cử động được nữa.

Mọi người cử anh Tấn, cùng chị gái của ông Thành, đưa Thành về. Qua cầu, vào một nhà dân ở sát ngay cầu, ông chủ rất nhiệt tình, chạy ngay vào nhà tìm kiếm cái gì đó khá lâu. Lúc sau, ông chạy ra đưa ông Thành cục nam châm vĩnh cửu, lấy từ chiếc dinamoo xe đạp. Ông bảo Thành áp vào vết cắn sẽ khỏi. Nhưng vẫn chả ăn thua gì, vẫn đau quá. Anh Tấn, chị Minh lo lắng dìu Thành về nhà.

Mọi người xúm vào chạy chữa, xót thương cho ông Thành. Anh rể cả của ông Thành lấy cái chén làm cốc giác, ông đốt nóng chiếc chén rồi úp lên vết thương, ở mu bàn tay nơi có vết rết cắn. Vì hơ chén nóng quá, làm tay ông Thành bị bỏng nặng đến tận bây giờ, trên mu bàn tay vẫn còn vết sẹo, hình bán nguyệt, nhiều người thấy vết sẹo, tròn, rất lạ không hiểu vì sao.

Hôm ấy, ông Thành chịu đau cho đến sáng, rồi bố ông Thành vào đơn vị bộ đội Trung Quốc, nhờ bác sỹ của họ ra giúp. Hai bác sỹ người Trung Quốc, khoác túi thuốc quân y vào chạy chữa cho ông Thành. Ông Thành thấy hiệu quả nhất, khi họ cắm những mũi kim rất dài, vào dọc các kẽ ngón tay. Chả biết họ bơm thuốc vào, hay rút máu độc ra, nhưng thấy dễ chịu, giảm đau dần.

Khổ thế mà lúc nào cũng vui như tết, tình làng nghĩa xóm luôn chan hòa đầm ấm. Sáng nào, trước khi đi học mà có nồi sắn luộc, còn bốc hơi nóng hôi hổi, là sướng lắm. Ăn rồi còn đùm mang cho bạn. Trẻ chăn trâu cũng đầy ắp kỷ niệm. Ôi, ngày ấy…! Những câu chuyện của người Cam Giá luôn sống mãi trong kí ức những người như ông Thành.

Ký. Thanh Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước