Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
04:22 (GMT +7)

Chuyện cảm kích về những thoi mực thơm như phấn sáp

nghiên đá cẩm thạch cổ đặt trên chiếc bàn bằng gỗ gụ nặng như sắt, bút lông mèo các loại xếp trong ống tre đen bóng. Tất cả những thứ đó, từ nhiều đời, đã ít nhiều như là biểu tượng của cửa Khổng sân Trình, của tinh thần hiếu học và dòng dõi khoa bảng. Mực Tàu giấy bản luôn gợi cho người ta cảm giác thiêng liêng trong cái cõi chữ của Thánh Hiền, vừa rất xưa mà vừa chẳng cũ chút nào…

Công nghệ làm mực Nho (thường gọi là mực Tàu), từ lâu lắm, vẫn được truyền tụng là bí quyết “chém cột nhà thề độc” để làm giàu của một nhóm người ngoại quốc. Không ai biết, những thỏi mực quá thân thuộc, thơm nhẹ, kỳ bí kia được làm bằng gì và làm như thế nào. Tình cờ về làng Tư Thế (xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), nơi có truyền thống làm mực Tàu, chế tác bút lông - người thật, việc thật, với những câu chuyện lý thú tới mức sững sờ.

Ông cụ giữ bí quyết làm mực Tàu ở làng Tư Thế

Mực Tàu và ông tổ nghề người Việt

Làng Tư Thế, nay đã có không ít nhà ống xen lẫn các dãy nhà cổ tối om. Dưới sức nặng cổ kính của cái mùi nhà làm toàn bằng gỗ hàng trăm năm tuổi, cùng ngói âm dương cũ càng “lớp sau đè lớp trước”, tôi nhận ra mùi mực Tàu giấy bản, mùi hoành phi câu đối của tuổi thơ mình. Của cả hàng ngàn năm lịch sử dân tộc. Có cái gì thân gần, như là hơi thở và nhân tính của mình đã phả vào trong nếp cũ càng nơi đồ vật từ lâu lắm, nay quay về “ta lại gặp ta”. Nếp nhà cổ, câu đối hoành phi cũ luôn là chốn đi về, là bệ phóng cho nhiều người ở nhiều đời là vì thế.

Cái thời của thế kỷ 21, đám trẻ quên mất cách cầm bút vì bàn phím quá văn minh. Vì cả nền “văn minh ngón cái” (dùng điện thoại di động) đang thống trị. Song, ngẫm lại dài dặc lịch sử các loại bút giấy kia, có lẽ, mực Nho, chữ Nho, giấy Nho (giấy bản) là một thời quá rực rỡ, không thể nào quên trong văn hóa của người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung. Chữ Nho (chữ Hán) cũ và mới viết vẫn treo trong nhiều căn nhà, trụ sở, cơ quan, từ Hán Việt vẫn chiếm tỷ lệ quá quá lớn trong ngôn ngữ đời sống và văn bản của chúng ta. Đấy là chưa kể đến các nhóm người hằng ngày vẫn “quẳng bút chì đi vớ lấy bút lông”, như sinh viên Hán Nôm, các chuyên gia Hán Nôm (ở Thủ đô, có cả Viện nghiên cứu Hán Nôm); có hàng trăm câu lạc bộ thư pháp, có hàng nghìn hàng vạn cụ đồ vẫn ngày ngày sống trong cõi của “mực Tàu giấy bản”. Giữa bối cảnh đó, mới thấy làng nghề làm mực Nho, bút lông ở Tư Thế đã từng rộn rã, tấp nập tới mức nào.

Nhà văn Phạm Thuận Thành là một người giỏi Hán học, mê thư pháp, thích đọc chữ của tiền nhân ở khắp các đình chùa miếu mạo, người mê văn hóa vùng Thuận Thành xứ Kinh Bắc đến độ: hễ viết được chữ nào cho đời, ông đều lấy tên quê hương Thuận Thành làm bút hiệu, ký ở dưới mỗi tác phẩm (Phạm Thuận Thành). Một ngày, đi điền dã ở xã Trí Quả, ông Thành đã gặp được đôi vợ chồng già, bà Phạm Thị Mơ và ông Ngô Quang Đãi, nghe kể về cái nghề làm mực Tàu, rất kỳ lạ, sinh động đến giật mình. Về giở lại sách cũ, thấy trong cuốn “Kinh Bắc phong thổ ký” cũng chép rất cẩn thận về nghề làm mực Tàu ở Tư Thế. Đặc biệt, với tư cách là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh, TS Trần Đình Luyện, cách đây chưa lâu, cũng có công trình nghiên cứu về làng nghề Kinh Bắc, trong đó đặc biệt tâm đắc với nghề làm mực Tàu, làm bút lông phục vụ sĩ tử “lai kinh ứng thí” (cũng như các bậc quan viên, các ngài thanh cao chữ nghĩa nói chung) ở làng Tư Thế. Một bằng chứng rất cụ thể nữa là: các dụng cụ của nghề làm mực Tàu, chủ nhân của các lò nấu mực nổi tiếng, cung cấp mực cho cả Kinh thành Thăng Long xưa và nhiều địa phương khác vẫn còn đầy đủ. Nhiều nghệ nhân vẫn sống, minh mẫn. Người Tư Thế và người cả vùng Thuận Thành, ngày nay, vẫn còn lưu truyền câu “cửa miệng” ca ngợi những cái “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của mình: “Tư Thế bút, mực làm giàu; Trà Lâm mổ lợn; Uốn câu làng Giàn”.

Theo một tư liệu đã được Tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam công bố, thì người được coi là ông tổ nghề nấu mực Tàu, làm bút lông thịnh phát ở Tư Thế, chính là Hoàng giáp Đỗ Văn Hiến (đỗ năm 1502), là người Kinh Bắc, đi sứ bên Trung Hoa, có học được nghề bút mực, đem về truyền dạy cho dân làng. Ngài làm quan đến chức Thượng thư, khi mất được phong làm Tổ Nghề. Nghề bút mực rực rỡ được hơn 400 năm, đến cái thời “quẳng bút lông đi viết bút chì”, thì nghề nấu mực Tàu chỉ còn trong câu ca, sử sách.

Tứ thời nhục nhằn, nhọ nhem bởi chữ Thánh Hiền

Công nghệ làm mực Tàu không phức tạp, nhưng cái cực kỳ khó là tay nghề, kỹ xảo đốt nhựa thông với mùn cưa, nhào với keo da trâu, bò để “chế tác” nên những thoi mực thơm như… phấn sáp. Bà Phạm Thị Mơ, răng nhuộm đen nhánh hạt na, cười đúng phóc cái “mùa thu tỏa nắng” mà thi sỹ Hoàng Cầm đã viết cho cô gái bên bờ sông Đuống. Têm trầu, quết vôi, nhai, nhá, đủng đỉnh, hiền từ, bà Mơ nhiều năm sản xuất mực Tàu nhưng vẫn chửa… biết chữ. Cũng chả luận được một chữ Nho nào trên đời. Cũng không coi nghề của mình là cái ban công, cái vỉa hè, hay cái hậu trường, cánh gà gì của nghề chữ nghĩa, của cửa Khổng sân Trình. Đơn giản, với bà, nấu mực là công việc lao tâm lao lực. Đơn giản như thể việc bà được bố mẹ gả đi làm dâu nhà ông Đãi (chồng bà). Có đầu mày cuối mắt, có yêu iếc gì đâu, lấy con dâu về để nhà bố mẹ chồng có thêm… người làm thôi.

Nguyên liệu quan trọng nhất của mực Tàu là nhựa thông. Nhựa thông được bố của ông Đãi mua về từ trên mạn ngược, có khi ở rừng xanh núi đỏ Tiên Yên, Ba Chẽ (Quảng Ninh); có khi ở tít mãi thượng du sông Hồng vùng Yên Bái, Lào Cai. Nhựa thông khó kiếm và đắt đỏ nên nhiều khi, để có được nhựa thông tốt, giá rẻ, các cụ nhà ông Đãi, bà Mơ phải cất công lên tận rừng núi hoang vu, hướng dẫn người đồng rừng lấy nhựa, bảo quản nhựa trong những cái thùng lớn, gửi theo tàu hỏa. Đi mấy chặng thì mới đến được ga Yên Yên ở Gia Lâm, Hà Nội, cách làng Tư Thế dễ đến gần chục cây số. Mấy chục thùng nhựa thông, bà Mơ cùng 5 - 6 người làm thuê ra tận ga gánh bộ về Tư Thế. Số nhựa ấy, đem về, đổ cả vào cái vại chứa lớn, túc tắc đem đốt dần, cũng “đỏ lửa” được vài tháng. Nhiều lúc có bát ăn bát để rồi, mệt bã bời rồi, muốn nghỉ đốt lò vài hôm, nhưng mối hàng người ta kêu ồi ồi, thế là đành vơ lửa, các “nhà nấu mực” lại um xùm nhả khói…

“Nhiều lúc tôi nghĩ, nấu mực nó là cái nghề, cũng là cái nghiệp. Cái nợ”, một nghệ nhân Tư Thế thở dài. Gánh nhựa thông từ Kinh kỳ, đi dọc xứ Kinh Bắc, về đến Tư Thế, bắt đầu pha trộn. Nhựa quánh, thơm, được khuấy đều lên với mùn cưa. Cái chất quánh dẻo ấy dùng để đốt, khi cháy, thơm lựng, khét mù, rồi khói của nó bám vào các dụng cụ hứng “muội khói” (bồ hóng). Bồ hóng là nguyên liệu chính để pha chế với keo da trâu bò mà thành mực Thánh. Rất khó khăn để bạn có thể hình dung được. Tạm thời ghi chép ban đầu như sau: Buổi sáng, bà Mơ dùng gáo dừa, múc nhựa thông từ thùng lớn ra các cái phướng to (đóng bằng gỗ, sức chứa chừng 20 lít) rồi trộn mùn cưa vào, khuấy nhuyễn bằng một cây cọc tre lớn. Được một thứ chất keo đặc quánh. Xúc chất keo đó ra cái thớt gỗ, lăn nó thành từng miếng nhỏ như miếng bã trầu để người ta ăn. Dùng một dụng cụ cán bằng tre dài, đầu có lưỡi sắt như cái thuổng (gọi là cái dầm) hót miếng nhựa thông cho vào lò đốt. Trông chừng mồi nhựa ở trên dầm sắp lụi thì mới được tiếp mồi mới. Cứ liên tục như thế, đốt hết vài thúng “bã trầu”. Đốt cho nhựa thông và mùn cưa cháy hết kiệt, khói bay lên ngợp khu lò nấu.

Vấn đề khó nhất là thiết kế lò nấu làm sao để “đón nhận” được tất cả những cái muội khói bay ra từ việc đốt nhựa kia. Người Tư Thế rất sáng tạo, khi thiết kế những cái nhà khum khum, chỉ cao ở một đầu (đầu còn lại vát như mái hầm, mái địa đạo) trông như cái hồ lô rượu đặt nằm ngang ra đất nhằm mục đích, khi đốt nhựa thông và mùn cưa, khói sẽ tụ ở phần phình ra của đáy hồ lô. Lò nấu mực rộng khoảng 12m2. Nó có hai tầng xếp và treo “thiết bị” nhằm đón khói: tầng thứ nhất là những cái nồi cánh cát, bằng đất nung, thắt ở miệng cổ nồi, đáy nồi loe rộng ra, nhằm mục đích: sao cho đáy ngoài của từng cái nồi hứng được nhiều khói lửa nhất. Thường thì một lò có 8 cái nồi cánh cát như vậy xếp thành hàng dài. Bao giờ muội than bám đầy 8 cái đáy nồi cánh cát, bao giờ lớp muội than dày đủ 20cm (từ đáy nồi đến sát mặt đất, nơi mồi lửa để đun), thì tạm “ngừng hỏa”. Bà Mơ sẽ dùng một cái cót tre, lót xuống dưới nền đất rồi cạo toàn bộ 20cm muội than bám ở đáy nồi đất ra. Thứ muội hảo hạng này, là nguyên liệu cơ bản để chế biến mực hoa (mực tốt, có giá nhất).

Số khói chưa bám vào các đít nồi sẽ bay lên, sẽ tràn ngập trong cái lò 12m2 kia, trên đường thăng thiên, khói sẽ tự bảo nhau dồn tụ cả vào nơi cao nhất của lò nấu mực, ở đó treo rất nhiều cái rọ cây bòng bong (một loại cỏ) và các dụng cụ hứng khói (khi đã biến thành muội than) khác. Đó là tầng thứ 2. Mực ở tầng này, do các cái rọ đựng cây bòng bong thu được, khi rũ ra, cũng ngào với keo da trâu, tạo thành thứ mực thứ cấp phục vụ công việc làm hàng mã, vẽ hình nhân, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

Từ muội than (các loại), muốn biến thành mực (các hạng cấp khác nhau) thì phải qua công đoạn đun, giã nhuyễn, phơi khô với keo da trâu bò. Ở Thuận Thành, từng có cả làng làm keo da trâu bò phục vụ nghề nấu mực, nhưng bản thân người Tư Thế cũng thường tự sản xuất được keo cho mình. Da trâu bò, đun dừ nhuyễn thành thứ keo quánh, đổ ra lá chuối phơi khô đặc, lát mỏng, đem cất giữ cẩn thận. Khi có mực hoa rồi, đem đun keo da trâu bò, đổ muội khói vào, giã nhuyền bằng cối đá. Hai hoặc ba cái chày to như bắp đùi, cao ngang người được các lực điền làng Tư Thế cùng khiển, cùng đâm vào một bệ cối đá lớn. Giã muội than và keo da trâu, nhuyễn. Đây là một công việc lao lực, khổ cực. Giã xong, họ đem ra bàn lăn, xoa, nặn thành từng thoi theo các cỡ. Thứ mực được sản xuất kỳ khu này, khi viết, rất mịn, rất “ăn ý” với giấy bản. Nó làm cho chữ nghĩa thăng hoa. Đến cả hương vị của mực, cũng góp phần làm cho người khiển bút lông (để viết hoặc vẽ) cảm thấy hồn mình thăng hoa!

Trình diễn nghề nấu mực ở Tư Thế là việc rất nên làm!

Nghiên cứu, lưu giữ những tư liệu còn sót lại, những di ảnh, những nghệ nhân cuối cùng còn sống của nghề làm mực Tàu là cần thiết. Nhưng, cùng với việc đó, Bảo tàng Dân tộc học hoặc cơ quan tương tự nào đó, cũng nên tổ chức cho các nghệ nhân làng Tư Thế phục dựng lại công việc nấu mực, trình diễn tài nghệ “chế biến” mực Tàu. Đó là một việc làm rất có ý nghĩa, bởi bút lông, mực Tàu, Hán học, tuy đã không còn thống soái như xưa, nhưng nó vẫn có vai trò rất lớn trong đời sống, trong tâm thức của tất cả chúng ta. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đưa nghệ nhân từ hàng nghìn cây số, từ bản làng xa xôi về trình diễn nghệ thuật trình tường đất, dựng nhà, lễ đâm trâu, lễ mừng cơm mới, tục ăn đất… đã được sự hưởng ứng đặc biệt, đã sống dậy đúng nghĩa vai trò của một Bảo tàng dân tộc. Tôi đã ướm hỏi ... ... ông Đãi, bà Mơ và nhiều người am hiểu nghề nấu mực của vùng “Tư Thế bút mực làm giàu” cái kế hoạch (giả định) trình diễn nghề nấu mực ở Hà Nội hay tại Tư Thế, các cụ rất ủng hộ. Nguyên liệu là nhựa thông, mùn cưa thì ở làng quê nào cũng kiếm được. Vả lại, Sở Văn hóa Bắc Ninh, phòng văn hóa Thuận Thành, các đồng chí cũng đã về khảo sát, nghiên cứu, có kế hoạch phục dựng để nghiên cứu, tham quan nghề nấu mực ở Tư Thế.

Sinh thời, ông nội tôi vẫn thường được làng gọi là “cụ Đồ”, ông thường trịnh trọng đặt cái nghiên đá cẩm thạch xưa cũ lên chiếc ghế làm bằng gỗ gụ nặng như cột chống trời, rồi bảo tôi lụi cụi mài mực Tàu. Thỏi mực thơm nhẹ nhàng. Mài mực kỳ công lắm, thoi mực tiết cái nước màu đen nhoáy của mình ra nghiên đá một cách dịu dàng, cứ như thoi mực thơm là thứ để cụ Đồ thử thách sự kiên trì, sự tận tâm với bể học của đám học trò. Ông bảo, cứ nhìn cung cách mài mực, thái độ mài mực của “chúng nó”, là ông biết “thằng” nào làm được cơm cháo gì cho đời hay là “xôi hỏng bỏng không”, hay là càng lắm chữ càng ham làm việc… ác.

Nhớ chuyện xưa, giờ lang thang với những nếp nhà cổ thân quen ở Tư Thế, chợt nghĩ rằng: các cụ làm nghề nấu mực suốt 400 năm của làng này, họ tự hào lắm đấy, họ tôn thờ Nho học lắm đấy, ông tổ nghề nấu mực đã đỗ đến Hoàng Giáp. Họ đã làm cho chữ nghĩa Thánh Hiền được lên hương lên sắc. Các cụ ấy chắc cũng là các bậc “ho ra thơ, thở ra văn”, hoặc ít ra là những người chỉ dám đọc sách khi đã chay tịnh, khăn xếp áo the tề chỉnh, đốt lên thứ nhang trầm thanh khiết… Đem điều này nói với cụ Đãi, cụ Mơ, hai cụ đều thở hắt, “chả phải thế đâu”. Cái nghề này vất vả, lúc nào cũng nhom nhem khói bụi, cơ cực lắm, khổ nhất là cái ngày Nho học bắt đầu bị bài bác. Mặc ông Đãi nói, trên ban thờ, các cụ sống bằng nghề làm mực tàu ung dung tự tại nhìn ra ngoài vuông sân xanh um cây lá. Người còn di ảnh, người chẳng có lấy một tấm hình do đi lấy nhựa thông về nấu mực, bị sơn lam chướng khí tít trên đồng rừng nó quật. Một bức truyền thần cũng không. Nhưng họ từng là các chủ lò mực Tàu giàu có làm nên cái nức tiếng “Tư Thế bút mực làm giàu”, đó là các ông Ngô Đắc, Ngô Đình Nghiêm, Ngô Cau, Ngô Nhị, Ngô Quang Hách… Dụng cụ của một thời nghề nấu mực, làm bút thịnh phát, giờ cũng tan hoang hết. Lò nấu bị phá làm vườn trồng rau, cối, chày, thùng, nồi đất, các giỏ bòng bong đều là thứ dễ tiêu tán, dĩ nhiên cũng chẳng còn gì. Tìm mãi, tôi và cụ Đãi mới bới ra được một cái chày gỗ cổ, dùng để giã mực trộn keo da trâu bò cách đây đã mấy chục năm. Ông Đãi, thở hắt: phải cất kỹ cái chày này, giờ người ta không bài bác mực Tàu nữa, biết đâu chày giã mực lại chẳng trở thành hiện vật bảo tàng.

Khi viết những dòng này, lại nghe ông Đãi vừa về chầu tiên tổ, vậy là một người nắm bí quyết về những thoi mực thơm như phấn sáp nữa lại ra đi. Nếu không bảo lưu, công nghệ độc đáo đã đem lại tinh hoa cho nhiều thế kỷ chữ nghĩa, khoa bảng, mũ áo xênh xang kia sẽ bị thất truyền trọn vẹn… Vừa rồi, con cháu cụ Đãi, một số cán bộ tỉnh Bắc Ninh đã khởi xướng ý tưởng phục dựng, trình diễn nghề nấu mực Nho nguyên bản bằng da trâu và nhựa thông cổ truyền. Đáng trân trọng thay!

Đỗ Doãn Hoàng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước