Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:49 (GMT +7)

Chuyện Bác Hồ xây dựng căn cứ địa lòng dân vào mùa hoa đào

VNTN - Vào một ngày thu tháng 8 năm 2014, Đoàn cán bộ Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên đưa nhân chứng lão thành cách mạng Hoàng Thị Hoa -  trở lại quê hương Pác Bó.

Câu chuyện về lần được ăn tết bên Bác ở Pác Bó hiện lên ấm áp qua giọng mế Hoàng Thị Hoa như gió thoảng rừng chiều. “Tôi tên thật là Hoàng Thị Lần, dân tộc Nùng, sinh năm 1922, ở bản Cốc Chủ làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Chồng tôi là Hoàng La Thanh, tham gia Cách mạng từ năm 1938.

Mế Hoàng Thị Hoa

 Sáng ngày mồng 2 Tết Nguyên đán (28/01/1941), 5 đảng viên do Hoàng Quốc Bảo, chú ruột, em thứ 8 của bố tôi (Hoàng Thúc Long) phụ trách gồm Hoàng La Thanh, Bế Hải, Dương Đại Lâm và La Nhân Hán đến nhà tôi ăn sáng rồi theo triền núi bí mật ngược lên cột mốc 108 bảo vệ, đón “thượng cấp” từ Trung Quốc, vượt cột mốc 108 về. Chồng tôi mời “thượng cấp” - Già Thu về nhà ở tạm. Vợ chồng tôi đón Già Thu theo phong tục người Nùng, đun nước nóng tắm và ngâm chân cho đỡ đau vì đi đường xa, rồi mời Già cùng anh Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Hoàng Văn Lộc ăn tết, có thịt gà nấu canh gừng giải cảm, bánh chưng tròn, thịt lợn ninh mềm với lá mác mật và bánh khảo…, uống rượu men lá”.

“Sau khi Bác xem cái hang ở chân núi giáp ngay sau nhà, cửa hang có hòn đá khép kín vừa người chui lọt, đậy vào bên ngoài không thể phát hiện, hang to, một bên khô một bên có nước, trong hang có đường thông sang Trung Quốc, tiện cho ở, làm việc, thoát hiểm khi giặc vây bắt. Già Thu nhắc mọi người giữ bí mật: Không biết, không nghe không thấy. Người cử chồng tôi phụ trách Trạm giao thông đặt tại nhà và giao đồng chí Lê Quảng Ba cử Tổ tiếp tế lương thực gồm 3 chị em do Bác đặt tên: Hoàng Thị Sáng - vợ anh Lê Quảng Ba - là Hoàng Thị Đào vì Bác về nước vào mùa xuân có hoa đào nở. Tôi được Người đặt tên là Hoàng Thị Hoa để nhớ Bác trở về nước từ Trung Hoa. Còn em gái tôi Hoàng Thị Sấn được Người đặt tên là Hoàng Thị Nga vì Bác mang Chủ nghĩa Mác - Lê nin từ nước Nga về”.

Lúc đó, để đảm bảo bí mật cho Người ở, làm việc, các đảng viên ở Pác Bó cùng cán bộ bảo vệ, giúp việc đưa Già Thu lên hang Lủng Lản, cách cột mốc 108 không xa. Hang do bà Mạo Zi Ồng, người Nùng tìm ra khi đi làm nương, hang như cái ngườm, vách đá nhô ra che sương gió, nhưng nắng vẫn rọi vào, không tiện cho Bác ở, làm việc lâu dài. Ông Lý Quốc Súng (tức Máy Lỳ), một cơ sở cách mạng do Lê Quảng Ba giác ngộ, không biết Già Thu là ai, nhưng thấy dáng điệu, lời hỏi thăm ân cần của Cúng (Già) đã mời về căn nhà nhỏ hai gian đang cơi nới thêm một gian để đón đứa cháu ở Trung Quốc về. Thấy vậy, Bác nhắc đồng chí Lê Quảng Ba “Nhà đã nghèo, lại chật hẹp, đang gặp khó khăn về đời sống, chúng ta đông người, không nên làm phiền dân, ta không nên ở nhà mà “sáu sán” (ra rừng) thôi”. Anh thanh niên dân tộc Choang tên là Máy Chờ, hàng xóm của Máy Lỳ sang chơi, Bác hỏi cháu làm nghề gì?

Máy Chờ trả lời: Cháu không có ruộng nương, chỉ đi đào củ mài để kiếm sống, Người lại hỏi: Cháu đi đào củ mài nhiều có gặp cái hang nào kín đáo gần đây không?

Máy Chờ cùng anh em dẫn Bác đến xem hang Cốc Bó ăn sâu vào chân dãy núi đá trùng điệp, giáp cột mốc 108, khi có động rút sang bên kia biên giới cũng tiện, hang cách nhà Máy Lỳ độ 100m, được tán lá rừng đại ngàn che phủ, phía dưới có dòng suối từ trong núi đùn ra trong vắt. Bác bàn với Lê Quảng Ba và anh em cùng đi chọn hang này ở tạm rồi nhờ các đảng viên Pác Bó mượn được 4 tấm ván xẻ từ thân cây gỗ làm sạp trong hang và cắt cỏ “mạy téc” rải nằm và gối đầu, cơ sở còn san sẻ cho…bát, đĩa, thìa, nồi nấu cơm, chảo gang và một ít gạo, ngô xay, đậu tương và muối được Lê Quảng Ba mang đến. Hang Cốc Bó trở thành nơi Bác ở, làm việc trong lòng dân Pác Bó.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Đèo De, Định Hóa

Theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để thành lập Đội vũ trang tập trung, chọn trong số cán bộ, chiến sĩ cứu quốc quân, đảng viên ưu tú ở các Châu trong Căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng, đảng viên Hoàng Thị Hoa ngày đó mới 22 tuổi đã gánh vác việc gia đình cho chồng Hoàng La Thanh trở thành một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày đầu thành lập (22/12/1944) tại Châu Nguyên Bình.

Trước đó, tháng 3 năm 2014, đoàn xác minh hiện vật của Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên đến thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng gặp cụ Tô Văn Cắm, 93 tuổi, người duy nhất trong số 34 chiến sĩ của Đội còn sống. Ông Cắm vẫn nhớ Hoàng La Thanh là chiến sĩ hiền lành, điềm đạm, làm việc rất tận tụy, đã bán đám ruộng để lấy tiền mua súng vào Đội. Về sự kiện này, bà Hoa cười hể hả:

Thực ra là 30 gánh thóc bán cho Hoàng Thị Phủ (chị gái Hoàng La Thanh), mua được khẩu súng “sán thùng” của “Tàu Tưởng” (Trung Quốc), bắn phát một trong trận đánh đồn Đồng Mu. Do giặc đã có chuẩn bị, nên chống trả quyết liệt. “Nó” bắn trúng, phá hỏng mất khẩu súng đã theo Hoàng La Thanh đánh trận Phay Khắt và Nà Ngần, còn ông may chỉ bị thương… Những ngày Bác Hồ ở Pác Bó, bà Hoàng Thị Hoa may mắn được ăn tết với Người trên lán Khuổi Nặm. Bà nhớ mãi chiều tối tết rằm tháng 7 năm 1942, lúc đó bà mới 20 tuổi cùng Hoàng Thị Lập (em gái dưới Hoàng Thị Nga) mang xôi, bánh chưng Tày, thịt viên luộc đựng vào túi sung đan đeo như người đi rừng hái rau làm nương, lên biếu Già Thu và các anh nhà in Báo Việt Nam Độc lập. Bác giữ hai chị em ở lại ăn tối cùng, có cả canh rau cải Bác và anh em trồng ở hẻm đất trũng dưới lán, thịt gà luộc chấm muối ớt (gà do Bác nuôi), rau cải xoong, nộm hoa chuối rừng. Bác gắp thức ăn cho hai chị em và nhắc “Khi ăn không nên chan ngay canh vào bát cơm, nhất là phụ nữ, vì húp soàm soạp nghe không được hay, cơm không được nhai kỹ…”. Nghe lời dạy của Bác người phụ nữ Tày xúc động không thể nào quên…

Mùa xuân này bước vào tuổi 95, mế Hoàng Thị Hoa, người cán bộ lão thành cách mạng 74 năm tuổi Đảng vẫn khỏe, minh mẫn. Mế tâm sự, cái nhà cũ gắn biển Di tích Quốc gia đã giao cho Khu di tích Pác Bó từ năm 1961, sau 54 năm vẫn chưa được đền bù. 4 thế hệ ở chung một nhà con trai Hoàng Văn Chắn chật hẹp quá. Vừa rồi, được tỉnh cấp cho một ô đất ở khu đô thị phường Túc Duyên (TP Thái Nguyên). Niềm vui được nhân lên vào dịp kỷ niệm 85 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02/2015, bà Hoàng Thị Hoa mời chúng tôi đến nhà con trai ở phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên đón Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm hỏi sức khỏe…

Xuân sớm, cành hoa đào trước khoảnh sân nhỏ gợi nhớ về mùa xuân 1941, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc về Pác Bó xây dựng căn cứ địa lòng dân

----------

(Bài viết có sử dụng tư liệu của Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên)

 

Đồng Khắc Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước