Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
23:49 (GMT +7)

Chụp thật đâu có dễ?

VNTN - Báo chí là phải thật, nguyên tắc này được nhắc nhiều vào lúc này, khi việc chụp giả, nhân vật giả, tình huống giả, bối cảnh giả v.v. đang có chiều hướng gia tăng, đến mức có người chụp trở nên nổi tiếng nhờ tài… làm giả. Ai có thể chấp nhận được khi cô nông dân đang gieo mạ trong ảnh vốn là mấy cô văn công? Ai chấp nhận việc đem người mẫu đóng giả thợ vào sửa điện trong nhà? Một nữ sinh viên xinh đẹp từ Hà Nội lên Sơn La thuê trang phục dân tộc và bỗng chốc thành cô sơn nữ miệt mài xay lúa, giã gạo?

“Cô gái dọc ven đường”, bức ảnh được chụp giấu máy

Việc làm giả như thế ít dần ở Hà Nội do bị báo chí phê phán nhưng còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, những nơi đang được ai đó, tổ chức nào đó thừa nhận và khuyến khích bởi “như thế mới là đẹp” (Loại ảnh này thật ra vẫn có thể dùng để quảng cáo sản phẩm hoặc làm lịch Tết v.v…, còn trên các báo và tạp chí thì cần giảm đến mức tối đa).

Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng ảnh báo chí Việt Nam lần thứ nhất tại Đầm Vạc, Vĩnh Phúc do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) tổ chức cách đây 8 năm, cuối chiều khi sắp kết thúc, vấn đề chụp thật, không được bố trí dàn dựng lại được nêu ra. Nhà báo Phùng Triệu ở Thông tấn xã Việt Nam nêu một câu hỏi: “Có phải lúc nào khi nhà báo đến cơ sở, nhân vật cũng đang trong tư thế làm việc đâu? Bố trí dàn dựng là cần thiết chứ?”.

Là người điều hành hội thảo, tôi đã xin khất lại vì không còn thời gian đủ để nói hết, nói cho ra nhẽ, giải thích vì sao trong ảnh báo chí, cái thật phải có, phải thật ngay trong khoảnh khắc bấm máy.

Nhân vấn đề này, xin kể lại vài mẩu chuyện:

Chuyện thứ nhất: Hội Nhiếp ảnh cử tôi làm đoàn trưởng đến một đơn vị thuộc quân chủng Phòng không để chụp ảnh. Buổi trưa lãnh đạo đơn vị mời anh em nhà báo ăn cơm cùng anh em chiến sĩ cho vui. Nhưng trong mâm “VIP” lại thiếu một thành viên của đoàn. Tìm gọi quanh bếp ăn không thấy, chợt nhớ X vốn là người chuyên săn chụp chân dung nên tôi ra trận địa pháo phòng không ở gần khu chỉ huy. Nghe rất rõ giọng miền Trung của X nói với người lính cao xạ: “Cháu phải kéo cao cái mũ lên, mắt cháu phải ngước cao và phải tỏ vẻ căm thù mới được. Hãy coi như thấy phía trên cao là máy bay ném bom giặc Mỹ. Nhớ chưa? Lúc này mà có thêm mấy giọt mồ hôi nữa thì hay biết mấy”. Ảnh X chụp theo kiểu diễn như thế ai ngờ vẫn cứ được đăng trên báo ít ngày sau đó. Tôi cứ tự hỏi: “Làm gì có máy bay địch để chú lính tuổi 20 sinh sau năm 1975 này căm thù nhỉ? Kỳ lạ thật?

Người bán điếu cày ở góc phố Hà Nội

Chuyện thứ hai: Cách đây vài năm tại đảo Trường Sa lớn, khi xuồng vừa cập đảo, vài phóng viên ảnh Hà Nội vội bàn nhau khẩn trương nhờ chỉ huy đảo tìm vài anh lính trẻ ăn mặc đẹp để “đi hái rau xanh”. Biết vậy, tôi đã rình chụp từ trên cao kiểu “sáng tác” này. Trước 2 lính trẻ là vườn rau xanh hơn 10m2, hơn 10 nhà báo chụp ảnh quay phim, anh nọ chen anh kia để tìm bố cục. Có lời khuyên: “Làm, hái nữa đi các cháu để các chú còn chụp”. Và được trả lời “Làm gì còn rau để mà hái hả các chú?”. Mọi người cười. Còn tôi thì thấy buồn và xấu hổ.

Chuyện thứ ba: (Trong những ngày Tết năm Bính Thân 2016 tại Hồ Văn - Quốc Tử Giám - Hà Nội). Thấy một ki ốt cho chữ đông người, tôi sà vào xem, một ông đồ áo the khăn xếp đang ngồi ngay như tượng, tay cầm bút viết bất động, mặt như ngừng thở, mắt không chớp. Thì ra ông đang làm động tác theo yêu cầu của nhà nhiếp ảnh X ở Hà Nội, người vài năm nay thường được cử đi chấm ảnh tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật. Tôi lặng lẽ rời khỏi hiện trường, thấy buồn!

Chuyện thứ tư: (Ở phố Hàng Mã, Hà Nội vào dịp trung thu cách đây nhiều năm). Một nhóm làm phim NHK (Nhật Bản) quay phóng sự ở phố cổ Hà Nội. Cảnh trong kịch bản là người bán hàng xếp đồ chơi ra quầy. Các cháu bé quanh phố hiếu kỳ rủ nhau đến xem, chúng thích thú vì sự có mặt của các nhà báo Nhật Bản. Máy quay phim đang nhè nhẹ ghi hình thì bất ngờ có tiếng một nhân viên an ninh: “Các cháu ra xa cho các bác làm việc, đi ra, đi ra nào”. Nghe tiếng quát, các cháu bé tiếc nuối dãn ra ngoài, trong khi nhà quay phim đảo nhanh máy về phía các cháu nhỏ. Người phiên dịch tiếng Nhật theo đoàn nói lại với tôi: Họ vừa mất đi loạt cảnh quay sinh động. Trẻ con phải là trẻ con, chúng luôn tuyệt vời với những ánh mắt tò mò, hiếu kỳ, những hình ảnh mà không dễ gì có thể sắp đặt được?.

Chuyện thứ năm: (Đoàn làm phim Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh làm phim “Chiến sự Mậu Thân 1968”). Theo kịch bản, khu vực chợ Bến Thành tĩnh lặng. Để có cảnh này, nhà sản xuất yêu cầu một số hộ dân có cháu nhỏ tạm sơ tán một đêm ra khách sạn với tiện nghi đầy đủ. Tiền thuê khách sạn nhà sản xuất chịu, lại còn thêm cả tiền bồi dưỡng cho những ai đi sơ tán. Phía Việt Nam thắc mắc: “Chúng tôi đã đề nghị bà con cho các cháu đi ngủ sớm để không ồn ã khi đoàn quay phim làm việc rồi”. Và được trả lời: “Nhỡ các cháu cứ khóc thì sao? Tiếng khóc hôm nay khác với tiếng khóc cách đây vài chục năm khi xảy ra đêm nổ súng tán loạn ở Sài Gòn?”. Thì ra tiếng khóc dù chỉ ở trên màn hình thôi cũng cần phải thật như vốn có.

Và thêm mẩu chuyện thứ sáu xảy ra tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô từ ngày 10 đến 15/05/2016, tôi kể lại như để thay cho lời giải thích: “Vì sao trong ảnh báo chí, tuyên truyền không chỉ cảnh phải thật, người phải thật, việc phải thật mà ngay khoảnh khắc bấm máy cũng phải thật? Vì sao chụp được  thật cũng không dễ dàng gì?

Tôi bị nhọt hiểm ở dưới mũi nên phải vào bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô điều trị. Bệnh viện yêu cầu chí ít cũng phải nằm lại 10 ngày. Và tôi đã tận dụng ngay thời gian quý hiếm và “tự do” này để viết bút ký “Chuyện chép ở bệnh viện” (nhại tên truyện ngắn “Câu chuyện chép trong bệnh viện” của nhà văn miền Nam Bùi Đức Ái mà hồi lớp 10 những năm 60 tôi đã học). Cùng bút ký “Tiếng chim hót trong sân vườn” viết về bệnh viện Hữu Nghị, tôi quyết định làm thêm một tùy bút ảnh những gì nhìn thấy ở một cơ sở chữa bệnh lớn trước vốn là một nhà thương dành cho người Pháp.

Một cảnh cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị

Với chiếc máy nhỏ Canon G9, trong trang phục bệnh nhân, tôi đã chụp hàng trăm bức ảnh theo kiểu dấu máy, cảnh bệnh viện sáng, trưa, chiều, tối; cảnh các thầy thuốc, y tá, điều dưỡng viên tận tụy săn sóc người bệnh; cảnh đêm tại khoa cấp cứu, sinh hoạt ngoài giờ của các nhân viên phục vụ theo yêu cầu, một hình thức lao động mới có gần đây tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Có cảnh y tá, điều dưỡng đang tiêm thuốc cho bệnh nhân, mà chính tôi là người được tiêm. Tay trái đưa ra tiêm, tay phải cầm Canon G9 đặt ISO cao tôi bấm máy với tốc độ nhanh. Tiêm xong, chợt thấy qua khe bàn cảnh một nhân viên phục vụ đang thay áo cho một người già, tôi lại liên tục chụp. Với người bảo vệ vừa nghe điện thoại vừa nói về những bất cập xảy ra trước cổng bệnh viện, tôi đặt máy ở ngực với ống kính góc rộng, vừa nghe vừa bấm liên tục…

Sau vài ngày ở viện, như một bệnh nhân đặc biệt tôi được phép chụp ở nhiều nơi, được nhiều cán bộ quản lý bệnh viện quý mến. Họ nói thật: “Bác chụp rất nhanh mà chúng em chẳng phải chuẩn bị gì, chứ không như mấy nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh ở các cơ quan báo chí khác đã từng đến đây tác nghiệp. Sau khi làm thủ tục, họ thường đề nghị chúng em nhanh chóng chọn người, chọn cảnh, thậm chí có người còn yêu cầu chúng em sắp lại cả bàn ghế, dụng cụ làm việc sao cho thuận với ý của họ”

“Hôm chụp ở căng tin bệnh viện, chúng em phải huy động thêm người ra ăn. Được chụp để lên báo mà khi chụp, mặt người nào người nấy như vô cảm. Giá cứ như bác, thấy cần chụp là chụp không bày vẽ gì thì có phải chúng em đỡ mệt mỏi không? Mà ảnh của mấy ông ấy khi cho lại bệnh viện, chúng em thấy chiếc nào cũng nét, sáng sủa lắm nhưng mặt ai cũng đẫn đờ làm sao ấy?”

Để có được khoảnh khắc thật, một bức ảnh có tính thuyết phục cao xem ra cũng chẳng dễ dàng gì?

Vũ Huyến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy