Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
15:39 (GMT +7)

Chúng tôi ra đảo Cồn Cỏ

Một góc Cồn Cỏ - Đảo Ngọc ngày nay

13h giờ chiều ngày 30 tháng 6 năm 2022, cảng Cửa Việt chang chang nắng, tàu cao tốc cánh ngầm Cồn Cỏ Touris mở cửa đón khách... Thời tiết khá đẹp, biển chỉ dậy sóng cấp ba, bốn và xanh ngăn ngắt. Trong ca bin, lái tàu Cao Tiến Dũng bảo: Ảnh hưởng ít nhiều của cơn bão số 1 nhưng trời quang như ri, chút nữa các anh chị sẽ thấy đảo Cồn Cỏ ẩn hiện nơi mũi tàu, khoảng cách từ đất liền ra đảo chỉ 35 km tính từ Cửa Việt còn từ Cửa Tùng thì gần hơn… Thế nhưng, thời chiến hay thời bình, hòn đảo nhỏ chỉ với 2,3 cây số vuông vẫn luôn là một trong những tiền tiêu của Tổ quốc.

“Ra Cồn Cỏ không phải chỉ là khao khát của những người làm báo các anh đâu. Ngay công dân Quảng Trị cũng mong được ra thăm hòn đảo nhỏ mà ăm ắp kỳ tích anh hùng này”. Anh Võ Việt Cường - Tỉnh uỷ viên, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ nói với tôi như thế lúc lên tàu ra đảo…

Về một thời oanh liệt chưa xa

Một thời chưa xa, đảo nhỏ Cồn Cỏ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió, kiên gan đối mặt với kẻ thù mạnh gấp trăm lần, được Bác Hồ làm thơ ngợi khen: “Cồn Cỏ nở đầy Hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”. Trong câu chuyện của những người lính biên phòng Quảng Trị với Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Võ Việt Cường, đảo Cồn Cỏ anh hùng đầy máu và hoa như lời Bác Hồ khen lại được tái hiện:

Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN. Cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình, Cồn Cỏ đi vào lịch sử với vai trò là đảo tiền tiêu ở miền Bắc giữa biển khơi. Trở thành đảo tiền tiêu vì khi đất nước tạm thời chia cắt hai miền tại vĩ tuyến 17 thì đảo nằm ở vị trí liền kề với đường giới tuyến kéo dài từ Cửa Tùng ra biển 15 hải lý. Chiếm được Cồn Cỏ để phong tỏa Vịnh Bắc Bộ chính là âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ. Trong 1.440 ngày đêm (từ năm 1964 đến năm 1968), máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 1,3 vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4 nghìn quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ giữ đảo hứng chịu đến 39,3 tấn bom đạn; mỗi ha đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn. Vậy mà kỳ tích đã xuất hiện, không những giữ vững trận địa, bộ đội trên đảo còn đập tan âm mưu chiếm đảo của kẻ thù. Hơn 1.400 ngày đêm, quân ta chiến đấu 850 trận giữ đảo, bắn rơi 48 máy bay Mỹ; bắn cháy và chìm 17 tàu chiến của địch. Cồn Cỏ vinh dự 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng; tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập, 2 Huân chương Quân công, 4 Huân chương Chiến công... Bác Hồ đã gửi thư khen: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi cán bộ, chiến sỹ đảo Cồn Cỏ chiến đấu dũng cảm, mưu trí... Cồn Cỏ xứng đáng là đảo nhỏ anh hùng. Bác nhắc các chú: phải tăng cường đoàn kết, luôn luôn nâng cao cảnh giác, không ngừng tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa. Tái bút: Bác tặng các chú hai câu thơ “Cồn Cỏ nở đầy Hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”.

Gặp ngày biển đẹp, con tàu nhẹ nhàng lướt sóng, chúng tôi cùng nhau nhắc nhớ về Cồn Cỏ một thời khói lửa, một thời oanh liệt. Bất chợt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Quảng Trị Hoàng Ngọc Sỹ chỉ về phía chị Phan Thị Thúy, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Quảng Trị, bảo: Gia đình Thúy đây là một câu chuyện góp phần làm nên Cồn Cỏ anh hùng…

Những con người anh hùng của hòn đảo anh hùng

Tàu Cồn Cỏ Touris cập cầu tàu duy nhất của đảo lúc 15 giờ và chúng tôi di chuyển bằng xe điện của đảo. Điểm đến đầu tiên là Đài Liệt sỹ. Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực huyện đảo và đại diện lực lượng biên phòng, hải quân cùng tham gia hoạt động tri ân xúc động này.

Tại phòng truyền thống huyện đảo, ở nơi trang trọng, tôi bắt gặp tấm ảnh Anh hùng LLVT nhân dân Thái Văn A sừng sững trên đài quan sát bị bom xô nghiêng. Giữa mưa bom, bão đạn, ánh mắt vẫn dõi theo đường đi của máy bay, tàu chiến địch kịp thời báo cho đảo, cho đất liền. Câu chuyện về anh hùng Thái Văn A sáu chục năm trước trở thành dấu ấn đậm nét xuyên suốt qua nhiều thế hệ người Việt, giờ đây vẫn làm xúc động nhiều trái tim. Thái Văn A quê ở xã Trung Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, ông nhập ngũ năm 1962, trở thành chiến sỹ quan trắc trên đảo Cồn Cỏ từ năm 1963. Vị trí nơi đóng chòi quan sát - “mắt thần” Thái Văn A năm nào bây giờ là cao điểm 63,4m, kế bên Trạm Hải đăng Cồn Cỏ. Với âm mưu san bằng đảo Cồn Cỏ, máy bay, tàu chiến Mỹ bắn phá đảo bất kể ngày đêm. Từ chòi quan sát trên cây này, tổ trinh sát của Thái Văn A làm nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi, xác định mục tiêu chính xác rồi báo về cho đơn vị tiêu diệt. Bom đạn cày đi, xới lại, chòi quan sát trơ ra, thành mục tiêu lộ thiên cho máy bay, pháo hạm bắn vào. Giữa thời khắc sinh tử đó, Thái Văn A được lệnh xuống hầm trú ẩn, nhưng anh vẫn không rời vị trí... Anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 1967, là điển hình của sự kiên trung giữ đảo… Hình ảnh Anh hùng Thái Văn A “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A đứng đó/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời/ Mắt dõi tầm xa canh giữ biển trời...” (Bài hát “Thái Văn A đứng đó” của nhạc sỹ Văn An) tạc vào lịch sử của Đảo, của đất nước…

Câu chuyện của gia đình Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị Phan Thị Thúy với Cồn Cỏ cũng đã gây xúc động mạnh trong chuyến hành trình ra đảo của chúng tôi… Thủy kể: Ông nội, bác, ba tôi và o (cô) của tôi tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào những năm 1959 - 1963 ông nội tôi vừa là một trong những ngư dân đánh cá rất giỏi vừa là du kích vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Mệ nội tôi ở nhà chăm lo mọi việc. Năm 1965, bác tôi là Phan Văn Đoái khi đó vừa tròn 23 tuổi đã tham gia lực lượng dân quân của xã với nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, vận chuyển vũ khí ra đảo Cồn Cỏ.

Vào một ngày tháng 5/1965 bác tôi về nói với mệ rằng: “Mạ ơi! Giống như ba mấy năm trước, đợt này con tình nguyện vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm ra đảo Cồn Cỏ”. Mệ ái ngại “Con à, chuyến sau đi có được không, con sắp cưới vợ rồi mà!”. Bác tôi kiên định: “Cấp trên đã đồng ý rồi mạ à. Con chuyến này về cưới vợ cũng chưa muộn”. Và, tối hôm đó, bác tôi lên thuyền với 6 đồng đội của mình, chuyến đi, bác tôi và một đồng đội nữa bị trúng đạn địch, rơi xuống biển, hy sinh, thân xác bác tôi đã hòa vào biển khơi bao la của Cồn Cỏ… Năm 1966, mệ nội tôi cho ba tôi (con thứ 2) đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường B. Em kế của ba tôi là o Phan Thị Liệu, sinh năm 1952, thời đó, vừa lao động vừa tham gia vào lực lượng dân quân tập trung của xã. Năm 1972 khi đang chiến đấu thì o bị trúng bom, thân xác không còn nguyên vẹn, chỉ có mái tóc dài vắt trên ngọn cây cách rất xa là còn đó. Mệ nội tôi được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Gia đình tôi là một trong số không ít đã góp phần cho Cồn Cỏ, cho quê hương Vĩnh Linh, cho đất nước trường tồn…

Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Cột cờ Huyện đảo Cồn Cỏ.

Trò chuyện cùng Bí thư Huyện đảo về Cồn Cỏ hôm nay

Chúng tôi cùng nhau lên thăm Trạm Hải đăng Cồn Cỏ. Đúng như lời Bí thư Võ Việt Cường: Cồn Cỏ như một nàng tiên đang nằm ngủ, đầu gối lên quê mẹ Vĩnh Linh. Ở độ cao 76 mét so với mặt nước biển, Hải đăng Cồn Cỏ tỏa sáng vào ban đêm với bán kính 22 hải lý, cả trăm năm qua, ngọn đèn bền bỉ toả sáng, dẫn lối cho biết bao con tàu. Anh hùng Thái Văn A là tấm gương để những người gác đèn học tập. Bí thư Võ Việt Cường cho biết: Toàn đảo Cồn Cỏ có khoảng 400 người sinh sống, dần định hình khu dân cư, xuất phát điểm từ năm 2002, lực lượng thanh niên xung phong Quảng Trị ra xây dựng đảo. Qua hơn 10 năm, người đi - người ở lại, nay còn lại 10 hộ gia đình với 39 nhân khẩu và đều có quê gốc trong Vĩnh Linh. Cồn Cỏ hôm nay khác xa so với những gì chúng tôi tưởng tượng. Những trục đường cán nhựa phẳng lỳ, ẩn khuất dưới màu xanh của rừng. Những ngôi nhà cao tầng khang trang tươi màu ngói mới. Khu trung tâm hành chính huyện đảo Cồn Cỏ nằm giữa các doanh trại quân đội được quy hoạch chặt chẽ và khoa học. Tháng 10 năm 2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Quảng Trị theo Nghị định số 174/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Để lại quá khứ chiến tranh khốc liệt sau lưng, Cồn Cỏ phát triển lên một tầm cao mới, vị thế mới, vị trí của hòn đảo ngọc trong thời bình. Xây dựng cột cờ; làm tuyến đường vòng quanh đảo; mở rộng âu thuyền tránh bão, cầu cảng phục vụ tàu trọng tải lớn; nâng cấp kè chống xói lở; đóng tàu du lịch ra đảo… Hai khó khăn lớn nhất mà quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ phải trông cậy vào đầu tư của Nhà nước là điện và nước, các điều kiện sống để thu hút cư dân và lao động. Bí thư Cường nhấn mạnh: Chúng tôi tin tưởng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong tương lai không xa, Cồn Cỏ sẽ trở thành “Hòn ngọc của Biển Đông”, đỉnh lung linh của tam giác du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ là điểm đến hấp dẫn của du khách, xứng tầm Đảo lịch sử - văn hóa - đảo du lịch - đảo an toàn và là cửa ngõ quốc gia của Tổ quốc…

Chỉ chừng 2 giờ đồng hồ, vừa tham quan, vừa ghi chép, cốt cách Cồn Cỏ đã nổi rõ: Đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch. Là hòn đảo được hình thành do hoạt động kiến ​​tạo từ núi lửa phun trào nên Cồn Cỏ có giá trị cảnh quan địa chất và sinh thái như một bảo tàng thiên nhiên với những thềm đá bazan độc đáo ven bờ, những bãi biển nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát,…; biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định, khí hậu ôn hòa, với những cảnh quan đẹp.

Màu xanh lam là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ vì gần 74% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên. Cồn Cỏ nằm trong khu vực có hệ sinh thái, ngư trường Cồn Hổ rộng hơn 9.000km2, gần nơi giao nhau của các dòng biển, là nơi hội tụ của các vùng hải sản Bắc Nam - Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Với sự đa dạng của hệ sinh thái, vùng biển quanh đảo có nguồn tài nguyên biển phong phú: 267 loài cá, trữ lượng khoảng 60.000 tấn/năm; tôm hùm và cá thu, cá ngừ... có giá trị xuất khẩu cao. Cồn Cỏ nằm trong hệ thống các địa danh lịch sử nổi tiếng trong quân và dân Quảng Trị như: Cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, địa đạo Vĩnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, Cửa Tùng, Cửa Việt,... nổi tiếng trong lịch sử dân tộc với những chiến công bất tử trong kháng chiến chống Mỹ. Cồn Cỏ là đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị và trở thành huyện đảo thứ 12 của cả nước. Thế nhưng, cũng đã hơn 10 năm xây dựng và phát triển, huyện đảo Cồn Cỏ đang chuyển mình với những khởi sắc mới nhưng rất chậm. Trước khi chia tay rời đảo, tôi tâm sự với Bí thư, Chủ tịch Võ Việt Cường, rằng, tôi mong lắm một ngày Cồn Cỏ được đầu tư xứng tầm để một “đảo ngọc xanh” giữa đại dương sớm thành hiện thực.

Con tàu cao tốc rời cầu tàu Cồn Cỏ về đất liền. Mơ ước được ra nơi anh Thái Văn A thức canh cho đất nước ngót 60 năm qua của tôi đã thành hiện thực. Nước vỗ nhẹ mạn tàu như lời ru. Còn tôi khẽ hát “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam. Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca. Biển kể chuyện quê hương”.

Hữu Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục