Chung tay hành động,đưa Nghị quyết 20 đi vào cuộc sống
VNTN - Thực thi những quyết sách liên quan đến quyền, lợi ích thiết thực như “bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, đòi hỏi sự chung tay hành động của nhiều cấp ngành liên quan và từ phía người dân.
Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức của ngành y tế
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” là NQ yêu cầu đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực y tế; sẽ thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, khẳng định bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Theo tinh thần NQ, thì ngành y và các ngành có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân có nhiệm vụ cung ứng dịch vụ một cách toàn diện cho người dân. Dự kiến đến 2030, ngân sách nhà nước gần như ngừng đầu tư xây mới các bệnh viện công mà sẽ ưu tiên tập trung cho y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Trước yêu cầu mà quyết sách đề ra, việc cụ thể hóa trong đời sống thực tiễn đứng trước những thách thức không nhỏ. Để có thể đưa ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các giải pháp sâu sát tình hình địa phương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan tổ chức Hội nghị chuyên đề “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, ngành y tế nhận diện những khó khăn đã, đang tồn tại. Đó là việc một số bệnh viện gặp khó khăn về kinh phí hoạt động khi thực hiện tự chủ tài chính, định mức khoán quỹ của Bảo hiểm xã hội, còn vướng mắc trong thực hiện thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh; gánh nặng về các bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS, lao, viêm gan… còn cao; việc kiểm định hiệu chuẩn, sửa chữa bảo dưỡng trang thiết bị y tế còn gặp khó do thiếu trung tâm có năng lực, nhất là đối với các trang thiết bị công nghệ cao; kinh phí hoạt động chương trình mục tiêu y tế - dân số hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ so với yêu cầu thực tế… Ở các trung tâm y tế huyện, thành thị xã, thực trạng chung là còn thiếu đội ngũ bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ có tay nghề cao; nguồn lực và kinh phí phân bổ cho ngành y tế còn thấp; vấn đề xử lý rác thải y tế có quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Mặt khác, trình độ nhận thức và điều kiện tiếp cận thông tin về chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật của người dân còn chưa đồng đều…
Xác định mục tiêu làm đúng, làm tốt NQ, dẫu còn nhiều bất cập nhưng không thể chần chừ hành động, đại biểu các sở, ngành liên quan, các trung tâm y tế địa phương đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp, kiến nghị. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về y đức - y dược cho người dân; phải xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có trình độ, uy tín, có khả năng và phương pháp, bám sát tình hình thực tiễn, làm thế nào để hình thức tuyên truyền phong phú và hiệu quả. Sâu sát định hướng cho người làm công tác y tế thực hiện y đức, y nghiệp theo đúng tiêu chuẩn, chuẩn mực quy định.
Một phần việc khá cấp thiết là chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp cho đội ngũ y, bác sĩ, nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; phối hợp thanh kiểm tra các hoạt động về y dược đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, nhằm ngăn chặn thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; phát triển y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại trong khám chữa bệnh. Ngân sách đầu tư cho y tế tuyến huyện, xã cũng cần được phân công, quan tâm hơn…
Tin tưởng các cấp, ngành liên quan sẽ có những động thái tích cực nhằm giải quyết, thực hiện các kiến nghị trên, ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành quyết định về quy tắc ứng xử, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Cơ quan Sở tiếp tục duy trì đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản hồi từ các đơn vị trực thuộc, bệnh nhân, nhân dân và sẵn sàng chỉ đạo giải quyết trực tuyến, kịp thời. Việc đào tạo và tuyển dụng cán bộ ngành y vẫn đang diễn ra đúng theo phân cấp của UBND tỉnh, trong thời gian tới Sở sẽ có sự điều động, phân bổ sao cho đảm bảo 100% trạm y tế ở cấp huyện, xã đều có bác sĩ. Mặc dù việc phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, nhằm ngăn chặn thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… được thực hiện tốt, song hiện nay giá thành thuốc không chỉ Thái Nguyên mà ở cả nước chưa thống nhất được nên vẫn vướng nhiều. Vấn đề phát triển y tế chuyên sâu, hợp tác quốc tế cũng đang được ngành y tế tập trung kinh phí và nhân lực để trang bị các thiết bị, song việc tiếp cận công nghệ và ứng dụng nghiên cứu khoa học cũng cần thời gian.
Chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để Nghị quyết thực sự đi vào đời sống, việc đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và các giải pháp là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Trên tinh thần ấy, đồng chí Lê Văn Tuấn, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đưa các mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, đơn vị; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền đối với việc thực hiện các chính sách bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi chưa có chế độ hưu trí, các đối tượng chính sách trong khám chữa bệnh.
Trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, đề nghị các cơ quan báo chí trung ương và của tỉnh, các cấp ngành có liên quan ở địa phương lựa chọn những nội dung thông tin cụ thể, dễ hiểu nhất, tác động đến tư tưởng, nhận thức của nhân dân về vấn đề này. Phải nhìn thẳng vào sự thật, những tồn tại để khắc phục, cần đổi mới nội dung, phương thức và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền hơn nữa.
Đối với đơn vị giữ vai trò nòng cốt thực hiện NQ là ngành y tế, cần chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện dịch sớm, xử lý kịp thời không để dịch lớn xảy ra; đảm bảo cung ứng đầy đủ, chất lượng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, điều trị và phòng chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn; duy trì, nâng cao chất lượng khám, điều trị và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Mặt khác cần chú trọng công tác quản lý Nhà nước đối với việc cung ứng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc; xử lý các vi phạm trong sản xuất kinh doanh thuốc và thiết bị y tế trái quy định của pháp luật. Bệnh viện của tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ - hợp tác quốc tế trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Quyền và lợi ích của người dân đã, đang được chăm lo từ những điều thiết thực nhất, hi vọng sự đồng thuận, chung tay hành động của các cấp, ngành sẽ triển khai NQ một cách hiệu quả và chất lượng trong nay mai.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 20- NQ/TW, đến năm 2025: - Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. - Giảm tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. - Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%. Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%. |
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...