Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:32 (GMT +7)

Chúng ta đang có nhiều họa sĩ tài năng,trẻ và rất sung sức

VNTN - Giữa bộn bề công việc cuối năm, dù quen biết đã mấy chục năm, nhưng ông vẫn phải nói: “ngồi với nhau vào buổi trưa nhé”. Thế rồi họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam say sưa nói về mỹ thuật và kéo dài “cái trưa” ấy sang tới tầm hơn 3 giờ chiều.


Cao Minh (thực hiện)

Người thì nói Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) khởi sắc, người lại nói đang chững lại, một số khác nói không biết như thế nào…!

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Đánh giá là việc của người đánh giá, còn chúng tôi phải biết mình đang làm gì và đứng ở đâu chứ! Phải nói ngay rằng Mỹ thuật Việt Nam sau thời kỳ đổi mới của đất nước rất khởi sắc. Các họa sĩ Việt Nam như được cất cánh thỏa chí sáng tạo với nhiều thuận lợi. Mỹ thuật giai đoạn này rất đa dạng và đã đi vào chiều sâu khám phá nghệ thuật. Bên cạnh đấy các cuộc triển lãm, trưng bày tranh liên tiếp được mở trong cả nước; các Galery tranh nở bung như nấm sau mưa… đã tạo nên phần nào diện mạo mỹ thuật và thị trường tranh Việt Nam…

Tới năm 2007, khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam, trong đó có văn hóa, nghệ thuật. Các triển lãm giảm đi, nhiều Galery đóng cửa, một thị trường tranh vừa mới nhen nhúm đã chững lại… Tuy nhiên, sự sáng tạo mỹ thuật thì vẫn không giảm, các họa sĩ vẫn vẽ, nhà điêu khắc vẫn làm tượng…

Tác phẩm tranh khắc gỗ “A di đà Phật” của tác giả Nguyễn Khắc Hân đoạt Huy chương Vàng

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015

Hiện nay Việt Nam nhiều họa sĩ quá, nhưng Mỹ thuật Việt Nam dường như vẫn chưa tạo được dấu ấn gì mới?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Đúng! Họa sĩ ở Việt Nam hiện nay khá đông, nhưng nếu so với các nước trên thế giới vẫn còn thua xa. Tôi xin nói rằng đào tạo mỹ thuật ở nước ta chưa bao giờ nở rộ như bây giờ. Hơn 80 trường trong cả nước có khoa đào tạo về mỹ thuật. Theo báo cáo, chỉ tiêu tuyển sinh viên năm vừa rồi là 9.980. Điều này không có gì lạ và mới cả. Trên thế giới là bình thường. Thế nhưng, tôi lưu ý ở đây, xưa nay ở nước ta khi nói về mỹ thuật người ta hay nghĩ là những người sáng tác tranh hay tượng. Số lượng đào tạo và làm như thế chỉ chiếm khoảng 10% thôi. Lâu nay hình như nhiều người quên mất một điều là chúng ta đang sống trong một thế giới của mỹ thuật. Cuộc sống quanh ta chỗ nào cũng có bóng dáng cụ thể của mỹ thuật. Khi kinh tế càng phát triển thì sự hiện diện của mỹ thuật càng phong phú, đa dạng. Và chúng ta đang đi đúng quỹ đạo của thế giới, nghĩa là Mỹ thuật ứng dụng chiếm 90%. Mỹ thuật ứng dụng thì nhiều, như: tạo dáng công nghiệp, thiết kế đồ họa, thời trang, sản phẩm… Vậy các họa sĩ đào tạo xong họ đi đâu, làm gì…? Họ về các cơ quan truyền thông, họ về các công ty, nhà máy…, nghĩa là họ đang góp phần sáng tạo ra những sản phẩm đẹp hơn, hiệu quả hơn phục vụ cho cuộc sống của con người. Ví dụ, kiểu dáng một chiếc ô tô, xe máy, bộ bàn ghế, cho đến những vật dụng nhỏ nhất… Một lực lượng không nhỏ là hệ thống đào tạo sư phạm mỹ thuật. Như vậy có thể thấy đào tạo mỹ thuật hiện nay ở ta vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cuộc sống.

Còn trong sáng tạo mỹ thuật tôi khẳng định rằng chúng ta đang có nhiều họa sĩ tài năng, và mừng là họ đều đang rất trẻ, rất sung sức. Có thể thấy qua triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2015 vừa rồi tới 50% tác phẩm là của các họa sĩ thế hệ 8X.

Khi nói đến mỹ thuật chúng ta vẫn hay nhìn nhận theo cách cũ là những người sáng tạo. Nhưng thực tế đánh giá mỹ thuật là phải đánh giá toàn diện lực lượng sáng tác và lực lượng mỹ thuật ứng dụng.

Ông có cho rằng chúng ta chưa có một thị trường tranh. Và đời sống của những nghệ sĩ sáng tạo mỹ thuật vẫn đầy khó khăn…?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Tôi có thể khẳng định rằng từ khi có trường Mỹ thuật Đông Dương đến nay, chúng ta chưa có thị trường tranh. Chúng ta chỉ mới đang bắt đầu bước vào thôi, nên đừng sốt ruột hay nôn nóng. Thị trường tranh muốn hình thành và phát triển phải dựa trên một nền tảng xã hội, văn hóa, nghệ thuật nhất định. Nước ta hiện nay những người làm công việc kinh doanh, sưu tầm, đấu giá tranh chưa nhiều, chưa có kinh nghiệm. Và vấn đề này cũng đòi hỏi thời gian. Thực ra tiếc là từ năm 1990, khi làn gió đổi mới tràn vào nước ta, hàng loạt các Galery mở ra để buôn bán, trao đổi, giới thiệu tranh của Việt Nam; nhưng nhiều Galery không giữ được sự tín nhiệm, không có sự thẩm định tranh sắc sảo…, đã vậy còn có những trường hợp tranh giả, tranh nhái… cùng với suy thoái kinh tế; nên cái thị trường mới manh nha chưa đứng vững đã suy.

Tác phẩm “Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của tác giả Đinh Gia Thắng đoạt Huy chương Vàng 

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015              Nguồn: internet

Điều mừng là từ năm 2014 đến nay khuynh hướng này tốt dần lên. Chúng ta đã có thêm nhiều nhà sưu tầm tranh. Nhiều nhà sưu tầm còn rất trẻ và họ cất công ra nước ngoài săn đón, lùng mua, đấu giá tranh của Việt Nam mang về nước. Theo tôi được biết, thì tranh của thế hệ các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương lớp trước được lùng mua nhiều nhất; sau đó đến các họa sĩ lớp kháng chiến chống Pháp và một số họa sĩ trẻ hiện nay. Thị trường tranh Việt Nam hiện nay đang còn sơ khai nên đòi hỏi công tác thẩm định, đánh giá, đấu giá… phải nâng được tầm, có trình độ và có sự chuyên nghiệp…

Mỹ thuật Việt Nam từng nổi tiếng với những tên tuổi tài năng: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn… Công chúng Việt Nam mong có được những tên tuổi mới trong “làng” mỹ thuật…!

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Thời kỳ nào cũng có những người tài trong mỹ thuật Việt Nam. Một tác phẩm nghệ thuật được khẳng định phải có thời gian. Chúng ta nên hy vọng và chăm chút cho những tài năng.

Phải chăng công chúng hiện nay có quá nhiều thông tin để lựa chọn, và sự quan tâm đến mỹ thuật cũng không bằng trước?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Điều này đáng buồn với không chỉ mỹ thuật mà toàn bộ nền văn hóa, nghệ thuật nước ta. Người Việt hôm nay sống trong thế giới thông tin công nghệ cao và luôn có xu hướng vọng ngoại. Không mấy người đến với các phòng tranh, hiểu và đồng cảm những cảm xúc sáng tạo của người nghệ sĩ. Bên cạnh đấy cũng cần nhìn nhận lại sự quảng bá, giới thiệu, phân tích, đánh giá cái hay cái đẹp của mỹ thuật Việt đến người Việt còn quá yếu. Tôi nghĩ rằng báo chí nên dành nhiều hơn cho sự giới thiệu, phẩm bình, phân tích… về mỹ thuật. Báo chí cũng cần có con mắt khách quan và hiểu biết hơn về vấn đề này…

Vậy ông đánh giá thế nào về sự yếu và lúng túng của Lý luận Phê bình mỹ thuật Việt Nam?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Có thể thấy rằng từ năm 1935 đến nay chúng ta chưa thực sự có một nền tảng về Lý luận Phê bình mỹ thuật đủ mạnh để tôn vinh và khám phá những giá trị của Mỹ thuật Việt Nam. Thực tế, ngay cả những nhà LLPB cũng mỗi người mỗi quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận cũng mang nhiều sắc màu chủ quan, chưa thực sự khách quan. Điều này không có gì lạ đối với hoàn cảnh Việt Nam, bởi để dựng xây nên một nền tảng LLPB nói chung và nói riêng là mỹ thuật, đòi hỏi có những sự chuẩn bị và bước đi vừa mang tầm nhìn xa vừa thật khách quan, dựa trên nền tảng văn hóa, học vấn và môi trường xã hội. Hiện nay chúng ta đang có 2 tờ tạp chí về mỹ thuật, đó là: Tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của Bộ Văn hóa - Thể thao; ngoài ra một số trường cũng có tạp chí nội bộ. Bên cạnh đấy là diễn đàn trên các tạp chí, báo trong cả nước… Tuy nhiên, để mỹ thuật được công chúng hiểu, thích và biết đến nhiều thì vẫn còn là cả vấn đề lớn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa bao giờ công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình Mỹ thuật mạnh như hiện nay. Sách về LLPB không ít (cả trong nước và nước ngoài), sách nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam từ xưa đến nay có thể nói rất phong phú, giá trị. Nhưng cũng nên lưu ý một điều: Một cuốn sách LLPB văn học là một sáng tạo văn học, nhưng một cuốn sách LLPB về mỹ thuật nhiều khi chưa hẳn là một sáng tạo về mỹ thuật…

Một câu hỏi không mới: Vậy thì nền Mỹ thuật Việt Nam đang đứng ở đâu, thưa họa sĩ Trần Khánh Chương?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Mỹ thuật Việt Nam đang đứng ở vị trí như nó đang có hiện nay. Quan điểm của tôi, một nền văn hóa nghệ thuật hay mỹ thuật, dứt khoát phải mang được hồn cốt dân tộc, tâm hồn dân tộc. Dân tộc nhất chính là thế giới nhất. Kinh tế và nhiều vấn đề khác có thể mang tính toàn cầu và hội nhập, nhưng văn hóa, nghệ thuật phải có bản sắc riêng.

Vậy Hội Mỹ thuật Việt Nam làm gì để chúng ta có một nền mỹ thuật có giá trị?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Tôi đã xem rất nhiều triển lãm tranh của thế giới và Việt Nam. Dù anh vẽ thế nào, thậm chí “Tây” hoàn toàn, thì vẫn nhận ra chất Việt Nam trong đó. Vậy nên, Hội Mỹ thuật cần khuyến khích, nâng đỡ, đầu tư… cho những sự tìm tòi, khám phá trong mỹ thuật của các họa sĩ…

Ông có nhận xét gì về Mỹ thuật của Thái Nguyên?

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Thái Nguyên là một tỉnh miền núi nhưng lại không xa thủ đô Hà Nội- trung tâm của văn hóa, nghệ thuật cả nước; nên rất có điều kiện để phát triển mọi mặt. Tôi cho rằng tiềm năng về văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên rất phong phú, đa dạng. Mỹ thuật của Thái Nguyên cũng vậy. Giải thưởng Mỹ thuật 2015, Thái Nguyên cũng có được giải (tác phẩm: Mùa đông trên cao nguyên, của Dương Văn Chung, giải Khuyến Khích 2015). Tuy nhiên hình như những tiềm năng này chưa được phát huy hết...

Cảm ơn họa sĩ Trần Khánh Chương về buổi trò chuyện cởi mở này!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy